Phóng sự - ký sự
GS, BS Masatoshi Makuuchi: Người đi tìm sự hoàn hảo
Sau 14 năm kể từ khi trực tiếp thực hiện thành công ca ghép gan đầu tiên tại Việt Nam, đến nay, giáo sư, bác sĩ (GS, BS) Masatoshi Makuuchi (Nhật Bản) mới có dịp trở lại. Dù đã bước qua tuổi ngoài 70, ông vẫn nhiệt tâm, miệt mài ngày đêm với các bệnh viện, các trường đào tạo y khoa để chia sẻ kỹ thuật đỉnh cao của mình.
Giáo sư, bác sĩ Masatoshi Makuuchi cùng ê-kíp bác sĩ tại Bệnh viện Đà Nẵng thực hiện một ca cắt u gan cho bệnh nhân lớn tuổi. |
1. Vừa bước ra từ phòng mổ Khoa Ngoại tiêu hóa, Bệnh viện Đà Nẵng, GS, BS Masatoshi Makuuchi đã có cuộc hội ý với ê-kíp bác sĩ tại bệnh viện vừa phối hợp với mình. Ca phẫu thuật kéo dài hơn 5 giờ đồng hồ của ông cùng các nhân viên y tế tại Bệnh viện Đà Nẵng đã thành công tốt đẹp. Bệnh nhân là một người lớn tuổi, phát hiện khối u trong gan cần phải được loại bỏ.
Bác sĩ Nguyễn Hoàng, Trưởng khoa Ngoại tiêu hóa, Bệnh viện Đà Nẵng chia sẻ: “Kỹ thuật này bệnh viện đã tiếp cận và thực hiện từ nhiều năm qua, nhưng nếu được trực tiếp chứng kiến, học hỏi từ GS, BS Masatoshi Makuuchi thì chúng tôi sẽ có thêm những kiến thức mới, phương pháp mới hoàn chỉnh, hiệu quả hơn. Kiến thức y khoa là vô tận, hơn nữa được học hỏi trực tiếp từ một bậc thầy của thế giới trong kỹ thuật ghép tạng là điều ai cũng mong muốn”.
Triết lý của thầy tôi chính là triết lý phẫu thuật thành công 100%, chưa có bệnh nhân nào trong số gần 5.000 ca phẫu thuật do thầy thực hiện mà thất bại. Bác sĩ Keiji Sano, Bệnh viện Trường Đại học Teikyo, Nhật Bản |
Tháng 9-2018, Hiệp hội Y bác sĩ Việt-Nhật ký kết với Bệnh viện Đà Nẵng về huấn luyện đội ngũ bác sĩ ghép gan chuyên nghiệp.
Theo đó, Hiệp hội Y bác sĩ Việt-Nhật và Tổ chức Team Medical Rounds (Nhật Bản) sẽ tạo điều kiện để bác sĩ Nhật Bản đến Bệnh viện Đà Nẵng làm việc, chuyển giao kỹ thuật, trực tiếp thực hiện những ca cắt gan từ đơn giản đến phức tạp.
“Tuy mới đến Đà Nẵng lần thứ hai nhưng tôi ấn tượng tốt với con người nơi đây, khi cảm nhận được sự nhiệt tình, thân thiện. Đặc biệt, đội ngũ bác sĩ thật dễ thương, có tinh thần học hỏi”, GS, BS Masatoshi Makuuchi chia sẻ.
2. GS, BS Makuuchi sinh ra và lớn lên trong một gia đình có truyền thống phẫu thuật ngoại khoa danh tiếng ở Nhật Bản. Cha ông là bác sĩ tài danh trong lĩnh vực phẫu thuật, đặc biệt là tiết niệu. Ông có anh trai là giáo sư đầu ngành về phẫu thuật thực quản, còn em trai là chuyên gia hàng đầu về phẫu thuật tim mạch. Yếu tố “nhà nòi” đã giúp ông không ngừng tìm tòi, học hỏi để phát triển kỹ thuật phức tạp này.
Năm 2004, y học Việt Nam đánh dấu sự kiện hết sức quan trọng, khi lần đầu tiên Bệnh viện Quân y 103 phối hợp thực hiện thành công ca ghép gan cho bé Nguyễn Thị Diệp (quê Nam Định) do ba ruột hiến tặng.
Người trực tiếp trải qua hơn 17 giờ phẫu thuật mang lại sự sống cho bệnh nhân 9 tuổi ấy không ai khác chính là GS, BS Masatoshi Makuuchi. “Thời điểm đó, tôi và ê-kíp nhận sự phản đối rất nhiều vì bị cho rằng thiết bị, phương tiện y tế còn quá sơ sài, đơn điệu, khả năng rủi ro cao. Hơn 17 tiếng đồng hồ thực hiện ca phẫu thuật với chúng tôi là một quãng thời gian dài vô tận, rất may đã thành công tốt đẹp.
Kể lại điều này để nhấn mạnh rằng, giờ đây các bạn đã có rất nhiều thiết bị hiện đại, tiên tiến, việc tiếp nhận các kỹ thuật ghép tạng trên thế giới là điều nên làm và chắc chắn sẽ thành công”, GS, BS Masatoshi Makuuchi chia sẻ thêm.
Với những thành công trong lĩnh vực này ở Nhật Bản và một số quốc gia ở châu Âu, châu Mỹ trước đó, giới y học Việt Nam lần đầu đã được biết đến một “huyền thoại ghép tạng”.
Trong các kỹ thuật y tế, ghép tạng được xem là kỹ thuật phức tạp, tỉ mỉ và đòi hỏi độ chính xác cao. Ngoài ra, theo GS, BS Makuuchi, hiện nay người mắc các chứng bệnh liên quan đến gan ở Việt Nam quá nhiều do thói quen sinh hoạt không tích cực và vì môi trường, điều kiện sống.
“Tôi muốn kỹ thuật này được phát triển ở Việt Nam, mong muốn các bệnh viện sẽ làm chủ được vì rất nhiều người bệnh cần các bạn. Bệnh nhân phải đối mặt với rất nhiều thứ, không chỉ sức khỏe mà còn điều kiện kinh tế, sự chăm sóc của xã hội”, ông cho biết thêm.
Giáo sư, bác sĩ Masatoshi Makuuchi, người được mệnh danh là “huyền thoại sống” về ghép tạng. |
Theo sát bước chân của GS, BS Makuuchi và hỗ trợ đắc lực cho ông trong các ca phẫu thuật phức tạp trên thế giới là bác sĩ Keiji Sano, Bệnh viện Trường Đại học Teikyo (Nhật Bản).
Hơn 20 năm đồng hành với người thầy đáng kính của mình, bác sĩ Keiji Sano đã chứng kiến những ca ghép gan có thời gian kéo dài kỷ lục với hơn 30 giờ đồng hồ không nghỉ ngơi. Giờ đây, dù đã bước sang tuổi 73, nhưng bàn tay, ánh mắt GS, BS Makuuchi vẫn đặc biệt linh hoạt.
Nguyên tắc của GS, BS Masatoshi Makuuchi: Không từ bỏ bệnh nhân vì bất kỳ lý do gì; luôn cẩn trọng với mỗi cơ thể bệnh, phải cân nhắc kỹ lưỡng trước mỗi quyết định can thiệp vào họ. Luôn ân cần, gần gũi với bệnh nhân để thực sự hiểu bệnh, hiểu thói quen sống và phân tích nguyên nhân bệnh; đặc biệt là luôn làm một cách chậm rãi, tốt nhất trong mọi tình huống. |
Ông cẩn trọng trong mỗi động tác bóc tách, thắt buộc, bộc lộ từng phần cấu trúc được cân nhắc, xử lý cắt bỏ phải là điều tốt nhất đối với bệnh nhân của mình.
“Triết lý của thầy tôi chính là triết lý phẫu thuật thành công 100%, chưa có bệnh nhân nào trong số gần 5.000 ca phẫu thuật do thầy thực hiện mà thất bại”, bác sĩ Keiji Sano nhận xét ngắn gọn.
Triết lý phẫu thuật đặc biệt ấy của GS, BS Makuuchi trở thành kim chỉ nam cho hàng ngàn thế hệ học trò của ông trên khắp thế giới, đó chính là mang lại điều tốt nhất cho người bệnh.
Các thế hệ học trò của ông không chỉ học hỏi, lĩnh hội từ thầy những kỹ thuật phẫu thuật, kiến thức đỉnh cao mà còn là phương pháp, thái độ nghiên cứu khoa học, phát kiến trong phẫu thuật. “Nếu không thể phẫu thuật thì nhất định phải tìm phương pháp tốt nhất cho bệnh nhân, tuyệt đối không thể lắc đầu trước người bệnh. Đó là điều thầy đã dạy chúng tôi”, bác sĩ Keiji Sano cho biết thêm.
Khi được hỏi về bí quyết làm nên những con số và tỷ lệ thành công trong phẫu thuật ghép gan, GS, BS Makuuchi chia sẻ, điều quan trọng là phải đặt ra những nguyên tắc cho bản thân và phải tuân thủ tuyệt đối dù trong bất cứ hoàn cảnh nào.
“Thứ nhất là không từ bỏ bệnh nhân vì bất kỳ lý do gì; luôn cẩn trọng với mỗi cơ thể bệnh, phải cân nhắc kỹ lưỡng trước mỗi quyết định can thiệp vào họ. Luôn ân cần, gần gũi với bệnh nhân để thực sự hiểu bệnh, hiểu thói quen sống và phân tích nguyên nhân bệnh; đặc biệt là luôn làm một cách chậm rãi, tốt nhất trong mọi tình huống”, bác sĩ Makuuchi nói.
Chương trình hợp tác, chuyển giao kỹ thuật của bác sĩ Makuuchi tại Đà Nẵng sẽ được triển khai tại Bệnh viện Ung bướu và Bệnh viện Đà Nẵng. Trong mỗi ca phẫu thuật, ông thường mời các y, bác sĩ chuyên khoa Ngoại tiêu hóa của các cơ sở y tế tại Đà Nẵng cùng tham gia để tận mắt xem ông thực hiện.
“Điều chúng tôi học được từ GS, BS Makuuchi chính là tinh thần thận trọng tuyệt đối với các cấu trúc bị cắt bỏ, không thể tùy tiện đối với bất cứ phần cơ thể nào của bệnh nhân. Được làm việc cùng giáo sư cũng là dịp để chúng tôi hoàn thiện thêm kỹ thuật phẫu thuật, ứng dụng vào rất nhiều ca phẫu thuật khác”, bác sĩ Nguyễn Ngọc Sơn (Khoa Ngoại 1, Bệnh viện Ung bướu Đà Nẵng), người trực tiếp thực hiện phẫu thuật cùng GS Makuuchi, chia sẻ.
Bác sĩ đầu tiên trên thế giới ghép gan từ người cho sống GS, BS Masatoshi Makuuchi học y khoa ở Đại học Tokyo, Nhật Bản. Ông được biết đến là chuyên gia hàng đầu thế giới về phẫu thuật ghép gan và các phẫu thuật liên quan gan, mật, tụy. Năm 1993, ông trở thành người đầu tiên trên thế giới thực hiện thành công ca ghép gan từ người cho sống. Ông cũng là người đã đặt dấu mốc đặc biệt quan trọng trong lịch sử ghép tạng Việt Nam khi cùng với giáo sư Phạm Gia Khánh và các cộng sự tiến hành thành công ca phẫu thuật ghép gan từ người cho sống đầu tiên ở Việt Nam tại Bệnh viện Quân y 103 (Hà Nội) vào ngày 31-1-2004. |
Bài và ảnh: Phan Chung