Phóng sự - ký sự

Chuyện tình của Trang

15:16, 01/12/2018 (GMT+7)

Căn nhà nhỏ nằm sâu trong con kiệt không số cuối đường Tô Hiệu (tổ 29, phường Hòa Minh, quận Liên Chiểu) nhìn khá lạnh lẽo, nhưng bên trong lại là một tổ ấm thực sự của đôi uyên ương Phạm Châu (29 tuổi) và Lê Thị Trang (32 tuổi).

Tai ương bất ngờ

Một ngày cuối tháng 11, trời đổ mưa tầm tã, tôi ghé đến nhà đôi vợ chồng trẻ Châu - Trang. Trong căn nhà nhỏ đơn sơ ở một con kiệt không số cuối đường Tô Hiệu (phường Hòa Minh), Trang khá bận rộn với việc chăm sóc Châu.

Giờ rảnh rỗi, Trang làm thêm kiếm tiền trang trải cuộc sống. Biết bao vất vả, nhọc nhằn nhưng trong đôi mắt ấy vẫn ánh lên niềm hạnh phúc như chưa có chuyện gì xảy ra đối với người chồng của mình.

Dù nhọc nhằn chăm sóc chồng và làm thêm kiếm tiền trang trải cuộc sống nghèo khó nhưng Trang không bao giờ kêu ca. Với Trang, mong muốn lớn nhất là làm sao chồng mình có sức khỏe.
Dù nhọc nhằn chăm sóc chồng và làm thêm kiếm tiền trang trải cuộc sống nghèo khó nhưng Trang không bao giờ kêu ca. Với Trang, mong muốn lớn nhất là làm sao chồng mình có sức khỏe.

Trang sinh ra tại một vùng quê nghèo tại huyện Đại Lộc, tỉnh Quảng Nam. 18 tuổi, Trang rời quê ra Đà Nẵng làm công nhân. Một sáng thứ bảy cách đây gần 9 năm, tình cờ đi uống cà-phê, Trang quen Châu và hai người cảm mến nhau từ đó.

“Thấy anh hiền nên em quen và thầm yêu anh”, Trang nói. Riêng Châu, gia cảnh khó khăn, mẹ bị mù nên anh chỉ học đến lớp 9 rồi chuyển sang học nghề sửa xe sau đó làm cho chủ. Tình yêu đến với hai người cũng thật chóng vánh.

Nhưng rồi, sự đời không như mơ, những ngày hẹn hò tươi đẹp chấm dứt sau tối 30-11-2010. Hôm đó, trên đường đi làm về, Châu bị tai nạn giao thông. Dù được đưa đi cấp cứu kịp thời nhưng chấn thương nặng khiến Châu bị liệt toàn thân.

Người mẹ đau đớn khi nhìn đứa con trai duy nhất có nguy cơ tàn phế nên đã cầm cố ngôi nhà để chữa trị nhưng Châu bị bệnh viện trả về trong trạng thái “bất động”. Người mẹ mù ấy không còn giọt nước mắt nào để khóc…

Thương Châu, Trang từ bỏ công việc để đến tự nguyện chăm sóc anh, đỡ đần phần nào cho người mẹ già mù lòa. Biết bao giọt nước mắt đã trôi trên đôi gò má vốn gầy gò của cô gái mới hơn 21 tuổi lúc ấy.

“Anh nằm nhiều tháng trời không trở mình được, lưng có nguy cơ lở loét nên đêm đêm em phải giúp anh nghiêng lưng. Nhìn thấy anh như vậy, em xót lắm, em mong có một phép màu để giúp anh trở lại bình thường”, giọt nước mắt Trang lại tuôn chảy.

Hỏi Trang tại sao đủ sức mạnh chăm sóc một người tàn phế như vậy trong khi anh chưa phải là chồng của mình, cô cười bảo: “Tụi em đã thề hẹn sẽ đến với nhau. Trong lúc anh ấy gặp hoạn nạn, em không thể dứt áo ra đi. Dù chưa đám cưới, nhưng em quyết “trọn nghĩa phu thê” với anh”.

Đôi mắt của mẹ, đôi chân của chồng

Từ ngày tình nguyện bỏ việc để chăm sóc Châu, Trang hầu như không về quê mà chỉ liên lạc với gia đình qua điện thoại. Trang giấu nhẹm mọi chuyện ở Đà Nẵng và quyết tâm đến với Châu để dễ bề chăm sóc “chồng”, đồng thời phải đạo làm “dâu”.

Rồi Trang mạnh dạn về quê nói rõ sự thật với mẹ và xin làm đám cưới với Châu. Biết chuyện, mẹ cô kịch liệt phản đối bởi bà quá thương con nhưng với lập trường kiên định của con gái, người mẹ ấy cũng phải xuống nước, chấp nhận tất cả. Bà chỉ nói một câu ngắn gọn: “Con đã chọn thì con phải chấp nhận. Sau này không được kêu than, trách oán bất kỳ ai”.

Một đám cưới đầy xúc động được tổ chức tại căn nhà nhỏ thuộc tổ 73 (cũ) phường Hòa Minh. Họ hàng, khách mời vỏn vẹn tầm 40 người. Mọi người thương chú rể bao nhiêu càng thương cô dâu bấy nhiêu. Đám cưới - thường chú rể phải dìu bước cô dâu, nhưng đám cưới giữa Trang và Châu thì ngược lại.

Châu mặc vét ngồi trên xe lăn, còn Trang diện áo cưới và đẩy xe đưa chồng đến từng bàn để bày tỏ cảm ơn. Nụ cười vẫn rạng ngời hạnh phúc...

Nhiều năm liền, Trang tập trị liệu cho chồng với ước mong chồng sớm ổn định sức khỏe.
Nhiều năm liền, Trang tập trị liệu cho chồng với ước mong chồng sớm ổn định sức khỏe.

Hằng ngày, Trang thức dậy lúc 5 giờ 30 để giúp chồng làm vệ sinh, tập vật lý trị liệu, sau đó lo cơm nước buổi sáng cho chồng và mẹ. Đến 8 giờ, Trang đạp xe chở mẹ chồng đến Hội Người mù phường Hòa Minh làm việc.

Quần quật chăm sóc chồng, cơm nước, vật lý trị liệu cho đến 22 giờ, cô lại lọc cọc đến đón mẹ về. Vất vả, nhọc nhằn với mong muốn chồng sẽ phần nào hồi phục, thế nhưng hơn 8 năm rồi, Châu vẫn không chút tiến triển. Niềm an ủi lớn đối với Trang là Châu vẫn tỉnh táo, chuyện trò và có thể động viên chia sẻ hằng ngày với vợ.

Bà Nguyễn Thị Liễu, mẹ Châu không giấu nỗi xúc động khi nói về con dâu: “Thằng Châu có phúc lắm mới lấy được cô vợ như vậy. Con dâu đã trở thành “đôi mắt” của mẹ và “đôi chân” của chồng”.

Hơn 8 năm chỉ biết nằm trên giường, khỏe lắm thì có thể trở mình, Châu hiểu ngàn lần nỗi khổ của vợ. Với Châu, có lẽ Trang là “cô Tấm” mà trời đã ban tặng cho mình.

“Em nói thật, chừ em không biết nói gì về vợ mình. Những gì Trang đã làm cho em thì có đến kiếp sau em cũng không thể đền đáp lại được. Vì vậy, em chỉ mong mình bình thường như hiện tại, sức khỏe đừng xuống nữa để khỏi làm khổ vợ thêm”, Châu đượm buồn nói.

Không dám mơ những điều lớn lao

Nhiều năm ở nhà chăm sóc chồng, đưa đón mẹ chồng đi làm nên kinh tế gia đình Châu-Trang chủ yếu phụ thuộc vào số tiền người mẹ mù lòa kiếm được. Thương mẹ, thương chồng, ai gọi gì Trang đều tranh thủ làm nên rất vất vả.

Thấu cảm hoàn cảnh đặc biệt ấy, tháng 8-2017, bà Trịnh Thị Hồng (trú phường Hòa Minh, quận Liên Chiểu – người được biết đến với “biệt danh” Hồng biến rác thành nước rửa chén) đã hỗ trợ công thức chế biến rác thải thành nước rửa chén cho Trang để cô có công ăn việc làm và nuôi chồng. Hội Liên hiệp Phụ nữ phường Hòa Minh cũng hỗ trợ Trang 10 thùng nhựa loại 250 lít để chứa sản phẩm.

Hằng ngày, sau khi làm hết công việc của một người vợ, người con dâu, Trang rong ruổi khắp phường nhặt các loại rác hữu cơ để về sơ chế nước rửa chén. Nhờ đó, mỗi tháng Trang cũng kiếm được 3-4 triệu đồng trang trải cuộc sống. Nói như chị Loan (tổ 29, phường Hòa Minh): “Nhìn mà thương. Nhiều lúc thấy nó quần quật cả ngày cả đêm. Hàng xóm ai cũng mong chồng nó bình phục để cho nó bớt vất vả…”.

Trong tổ ấm ấy còn thiếu tiếng cười của trẻ thơ. Những ngày đầu, Trang mong mỏi chồng hồi phục để hai người có với nhau một mụn con cho vui cửa vui nhà. Thế nhưng sức khỏe của Châu không cho phép, kèm thêm hoàn cảnh đặc biệt nên điều ước đó trở nên quá xa vời. “Giờ em chỉ mong chồng còn đủ khỏe để hằng ngày tâm sự với em là mừng rồi”, Trang nói. Điều ước bình thường của người vợ trẻ khiến ai cũng chạnh lòng.

Chia tay căn nhà nhỏ, chia tay đôi vợ chồng trẻ, tôi mong sao những phép màu sẽ hiện hữu để những ước mơ bình thường ấy trở thành hiện thực…

Chị Nguyễn Thị Mỹ Thành, Chi hội trưởng Chị Hội Phụ nữ Hòa Phú 1, phường Hòa Minh (quận Liên Chiểu) cho biết, Trang sống ở khu vực ai thấy cũng thương bởi tính tình hiền lành, gia cảnh khó khăn.

Đặc biệt, Trang biết chấp nhận hy sinh để yêu thương, chăm sóc Châu và người mẹ mù lòa. Đây chính là một tấm gương nghị lực vượt khó đáng trân trọng.

Bài và ảnh: NGỌC PHÚ

.