Đại tá Lê Công Thạnh trong suốt 40 năm làm Bộ đội Cụ Hồ, lúc cầm súng chiến đấu hoặc lãnh đạo chỉ huy chiến đấu, lúc công tác cơ quan, hoặc học tập ở trường - hình ảnh những lần gặp Bác Hồ đã để lại trong ông khoảnh khắc tuyệt vời trong cuộc đời.
Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc (giữa) cùng Chủ tịch UBND thành phố Đà Nẵng Huỳnh Đức Thơ (trái) đến thăm gia đình Đại tá Lê Công Thạnh (thứ 2 từ trái) (7-2016) |
Trong thời gian công tác tại Thanh Hóa - Nghệ An, có một kỷ niệm nhớ mãi là ông Lê Công Thạnh được gặp Bác Hồ lần đầu tiên trong đời. Giữa năm 1957, sau khi ông cùng anh em được đơn vị điều đến đóng quân ở huyện Yên Thành (Nghệ An), cũng đúng lúc nghe tin Bác Hồ về thăm Nghệ An. Ông kể: Tôi nhớ rất rõ là vào ngày 13-6-1957, các cán bộ đại đội tập trung về Quân khu IV, đồng chí Nguyễn Đôn (quê Quảng Ngãi) làm Tư lệnh. Tư lệnh Nguyễn Đôn tuyên bố rõ: “Chúng ta chuẩn bị đón Bác Hồ về thăm”. Ai nấy đều chỉnh tề để đón Bác. Bác Hồ hỏi thăm sức khỏe, biểu dương, động viên công tác của đơn vị đạt được nhiều kết quả tốt đẹp.
Vào buổi chiều cùng ngày, trên một đồi cao rất đẹp, toàn Sư đoàn 324 được tập hợp lại để Bác thăm. Cán bộ cấp đại đội được đứng trước nên ông chứng kiến và nghe, thấy rất rõ Bác Hồ nói chuyện. Bác Hồ đi cùng với đồng chí Nguyễn Chí Thanh - Chủ nhiệm Tổng cục Chính trị và đồng chí Trần Quốc Hoàn - Bộ trưởng Bộ Công an. Khi Bác đi ra, cả sư đoàn hoan hô dậy sóng cả một khu rừng, âm vang khắp quả đồi.
Bác nói: “Miền Nam như trong trái tim tôi. Các chú cố gắng rèn luyện để phụng sự cho đất nước”. Thực tế lúc này có chuyện bộ đội và công an hay xảy ra va chạm lặt vặt; do vậy, Bác tiếp tục câu chuyện: “Bộ đội và công an phải đoàn kết với nhau để cùng chiến đấu, bảo vệ đất nước. Hôm nay đi đây có đồng chí Nguyễn Chí Thanh và Trần Quốc Hoàn, bây giờ 2 đồng chí hãy cùng nắm tay với nhau và giơ lên cao để thể hiện sự đoàn kết của mình”. Cả Sư đoàn nghe Bác nói vậy cùng hoan hô.
Về lần gặp thứ hai, năm 1958, trong thời gian học tập và công tác tại Trường Sĩ quan lục quân, ông Lê Công Thạnh nhớ rất rõ, vào ngày 5-4-1958, Bác Hồ thăm nhà trường tại khu Sân bay Bạch Mai, Hà Nội. Sau đó, Bác đi kiểm tra diễn tập, huấn luyện của nhà trường ở Sơn Tây. Trước đó, đơn vị ông luyện tập hăng say, đến nỗi bãi tập từ một bãi cỏ rậm rạp thành bãi đất trắng phau, cây cỏ bị chết cả. Đây là đợt diễn tập lớn cấp trung đoàn tấn công dành cho cán bộ đại đội, có sự chỉ đạo trực tiếp của sư đoàn và hợp đồng binh chủng như tăng thiết giáp, chủ yếu là xe tăng loại 18 tấn từ chiến lợi phẩm của Pháp trước năm 1954.
Bộ Chỉ huy diễn tập lập một khán đài nhỏ (cao khoảng 2 mét) để Bác lên chào, quan sát và kiểm tra. Sau khi quan sát các công tác luyện tập, Bác thấy có nhiều chiến sĩ do luyện tập mệt quá nên có lơ đãng một chút, khi nhận xét Bác nói: “Quân lệnh như sơn”. Đây là câu nói đầu tiên mà Bác nói trước bộ đội về việc tuân thủ mệnh lệnh của chỉ huy trong chiến đấu.
Về nghĩa bóng, muốn nói rằng “ý định cấp trên truyền xuống là to lớn, có sức nặng, không thể lay chuyển được, cấp dưới cứ thế mà làm”. Mặc dù Bác nghiêm khắc phê bình nhưng cũng rất nhẹ nhàng, sau đó thăm hỏi tận tình làm ai nấy đều thấm nhuần lời Bác nói. Anh em cán bộ, chiến sĩ sau lần được Bác đến thăm thì tinh thần thêm phấn chấn, để luyện tập và vào Nam chiến đấu.
Đại tá Lê Công Thạnh cùng vợ năm 1976. |
Về lần gặp thứ ba, để chuẩn bị cho lễ duyệt binh kỷ niệm 15 năm Quốc khánh nước Việt Nam Dân chủ cộng hòa (ngày 2-9-1960), đồng thời chào mừng Đại hội lần thứ III của Đảng Lao động Việt Nam, với đầy đủ các binh chủng, ngành, giới. Riêng Trường Sĩ quan lục quân được chọn hai đại đội để tiến hành luyện tập trong vòng 3 tháng nhằm phục vụ buổi lễ. Lúc bấy giờ, Trường Sĩ quan lục quân có hai ngành học chính là bộ binh và thông tin, hai ngành này nhập chung thành một khối diễu hành (gọi chung là đại diện cho bộ binh). Việc huấn luyện diễu binh được tiến hành tại Sân bay Bạch Mai (Hà Nội), với tinh thần rất khẩn trương, tập cả ban ngày lẫn ban đêm theo nhịp điệu hát bài “Dưới lá quân kỳ” của Doãn Nho.
Sau 3 tháng luyện tập, ngày 30-8-1960, Bác Hồ đã đến Sân bay Bạch Mai để thăm và kiểm tra lần cuối toàn bộ binh chủng duyệt binh chuẩn bị cho lễ mít tinh vào ngày 2-9 sắp tới. Ông Lê Công Thạnh cùng các đồng đội nghe tin Bác Hồ đến rất phấn khởi và dâng tràn niềm xúc động khó tả. Theo quy định về duyệt binh, khi đi qua khán đài thì phải chào nghiêng 15 độ về khán đài chính. Tuy nhiên, khi chào nghiêng về phía khán đài do ở đó có Bác Hồ đứng chào (vì muốn được nhìn Bác Hồ lâu) nên nhiều anh em dù hết chào nhưng vẫn còn nghiêng chưa chịu nhìn thẳng.
Do đó, khi kết thúc một vòng diễu binh, Bác Hồ nhận xét: “Không vì để nhìn Bác mà không đánh đúng 15 độ. Bác nhắc nhở như thế”. Khi đứng trong đội hình, không phải hàng đầu tiên nên ông cố gắng trườn người lên im lặng để nhìn thấy người Bác và lắng nghe Bác nói cho rõ. Trong lòng ông nghĩ, Bác Hồ dành thời gian trực tiếp thăm anh em diễu binh đã thể hiện sự chu đáo, ân cần và cả sự nghiêm minh để buổi lễ duyệt binh mừng Quốc khánh tại thủ đô Hà Nội được trang trọng nhất. Trong buổi hôm ấy, Bác Hồ kiểm tra tập duyệt binh nhiều vòng. Rất tiếc là trong vòng duyệt cuối cùng, vì bàn tay ông Lê Công Thạnh bị thương trong trận chiến đấu ở quê nhà năm 1954 nên các ngón tay không thể duỗi thẳng ra được, chính vì vậy ông đã bị loại ra khỏi đội hình diễu binh chính thức vào ngày 2-9 năm ấy, nhưng được ngồi trên khán đài để xem.
Đại tá Lê Công Thạnh cho biết, những lần được gặp Bác Hồ chính là khoảnh khắc tuyệt vời, vinh dự nhất mà ông không thể nào quên trong suốt cuộc đời quân ngũ. Đó cũng là điều mà cha mẹ ông vẫn ao ước bấy lâu khi còn sống. Đã trên 60 năm trôi qua, nhưng kỷ niệm 3 lần được gặp Bác luôn in sâu trong tâm trí ông. Nhất là sự gần gũi, những cử chỉ, lời nói ân cần, giản dị, khiêm nhường nhưng có sức lôi cuốn mạnh mẽ. Ông nhớ mãi những lời Bác dặn trong quá trình chiến đấu, công tác sau này và cho đến ngày hôm nay nằm trên giường bệnh ông vẫn nhớ như in về điều này.
Võ Hà ghi