Lên phố mưu sinh

.

Cứ đến kỳ nghỉ hè, tranh thủ được nghỉ học, những em học sinh từ các vùng quê lại theo người thân lên phố mưu sinh. Các em làm đủ việc để kiếm thu nhập với mong muốn thắp chút ánh sáng cho con đường dài phía trước. Niềm vui pha lẫn mồ hôi và những giọt nước mắt, hành trình mưu sinh không hề bằng phẳng, nhưng đổi lại, chút tình người nơi đất khách lại làm các em thêm vững tâm để tin vào những điều tốt đẹp.

Ba mẹ con chị Thúy ăn vội bữa trưa tại công viên Thanh Bình sau buổi bán vé số.
Ba mẹ con chị Thúy ăn vội bữa trưa tại công viên Thanh Bình sau buổi bán vé số.

Niềm vui bé mọn

Phải tìm đến chỗ làm thứ 4, Nguyễn Thị Ng. (quê Can Lộc, Hà Tĩnh) mới được chủ đồng ý tuyển làm nhân viên phục vụ. 17 tuổi nhưng Ng. gầy, đen, nhỏ như học sinh lớp 6. “Người ta thấy tôi nhỏ, sợ không có sức bưng bê, phục vụ. Với lại họ rất ngại thuê người nhỏ tuổi, vì nếu bị phát hiện thì sẽ bị phạt hoặc gặp rắc rối”, Ng. chia sẻ.

May mắn có Tùng, người cùng quê, làm nhân viên quản lý của quán đứng ra bảo đảm và thuyết phục chủ quán, Ng. mới được nhận. Ng. làm nhân viên chạy bàn cho quán nhậu, thời gian từ 9 giờ sáng đến 22 giờ 30 đêm. “Tôi làm luôn 2 ca vì thấy thời gian rảnh còn nhiều, với lại công việc cũng không quá vất vả so với những gì tôi từng làm ở quê”, Ng. cho biết.

Sinh ra ở vùng quê bán sơn địa, cuộc sống của gia đình hoàn toàn phụ thuộc vào hơn 4 sào ruộng chỉ cho thu hoạch 2 vụ mỗi năm. Chính vì thế, sau khi dự lễ bế giảng, liên hoan chia tay lớp 11 vào buổi sáng, chiều tối Ng. đã lên xe đò đi thẳng vào Đà Nẵng tìm việc làm. Mỗi giờ làm chủ trả Ng. 10.000 đồng, mức thu nhập trung bình của người phục vụ. Nếu đi làm đúng giờ, không nghỉ ngày nào thì mỗi tháng em cũng được chủ trả hơn 4 triệu đồng.

“Tiếng là có 3 tháng hè, nhưng vào đi loay hoay xin việc hơn 1 tuần rồi giờ chuẩn bị về quê để lo năm học mới nên tôi chỉ làm được trọn vẹn khoảng 2 tháng. Nếu thuận lợi thì có khoảng 8 triệu để về lo sách vở năm học mới và phụ giúp cha mẹ trang trải, mua sắm một ít giống lúa, vật tư cho mùa vụ sắp đến”, Ng. cho biết thêm.

Nằm khuất phía cuối con đường rộng hơn 1m chạy dọc đường tàu ở phường Xuân Hà (quận Thanh Khê) là căn phòng trọ của hơn 10 người bán vé số. Xếp vội xếp tiền lẻ cuối ngày, chị Nguyễn Thị Hiền (trú xã Quế Xuân, huyện Quế Sơn, tỉnh Quảng Nam) cười nói: “Hôm nay kiếm được gần 200.000 đồng, bao gồm cả công sức của cu Ng. nữa”. Lê Văn Ng., con trai chị Hiền năm nay mới 13 tuổi nhưng đã quen với đường phố Đà Nẵng suốt 3 mùa hè qua.

“Cứ khoảng đầu hoặc giữa tháng 6 cháu lại ra ở với mẹ đi bán vé số. Mỗi ngày đưa cho khoảng trăm tờ với ít cục vé số bóc, bán được bao nhiều thì bán, dư thì chiều mang về trả cho đại lý”, chị Hiền cho biết. Theo định giá mà các đại lý vé số đưa ra, mỗi tờ vé số có giá 10.000 đồng bán ra, Ng. sẽ có 1.100 đồng tiền lãi, còn vé bóc thì lãi 500 đồng cho mỗi tờ có mệnh giá 2.000 đồng. “Nếu không bị lừa, thối tiền sai thì mỗi ngày cháu nó cũng kiếm được khoảng 50.000-60.000 đồng. Chịu khó trong 2-3 tháng hè cũng đủ trang trải tiền sách vở, áo quần, học phí cho cả gần năm học đấy”, chị Hiền khoe.

Tình người tha hương

Mấy hôm nay Ng. và mọi người đang lo cho người bạn cùng quê tên H. bị sốt xuất huyết đang điều trị tại Bệnh viện Sơn Trà. Nhóm của Ng. có 5 người, gồm 3 nữ, 2 nam cùng rủ nhau vào Đà Nẵng tranh thủ làm thêm ngày hè. H. xin vào làm phụ hồ tại một công trình xây dựng gần biển. Ngày làm, tối H. ngủ lại lán trại như mấy công nhân khác để bớt tiền thuê trọ. “Làm được khoảng nửa tháng thì cậu ấy bị sốt xuất huyết phải đưa vào viện cấp cứu điều trị. Chúng tôi chia nhau chăm H., chắc ít hôm nữa sẽ được xuất viện”, Ng. cho biết thêm.

Để có tiền cho H. điều trị và sinh hoạt trong thời gian nằm viện, Ng. cùng các bạn chia nhau ứng tiền lương mỗi người một ít. Nhóm công nhân nơi H. vừa xin vào làm cũng góp mỗi người một ngày công hỗ trợ được hơn 1 triệu đồng. Của ít song tấm lòng của anh em chia sẻ lúc khó khăn, giúp H. thêm chút nghị lực để sớm khỏi bệnh.

Bữa cơm trưa qua vội của ba mẹ con chị Nguyễn Thị Thúy (46 tuổi, trú xã Mỹ Khánh, huyện Phú Vang, tỉnh Thừa Thiên Huế) diễn ra trên nền ghế đá bên trong công viên Thanh Bình (phường Thanh Bình, quận Hải Châu). Đều đặn 2 tháng nay, ba mẹ con lại hẹn gặp ở đây lúc 11 giờ trưa, sau nửa ngày đi bán vé số.

Thấy bóng mẹ từ xa, hai anh em Nguyễn Văn T. (14 tuổi) và Nguyễn Văn H. (10 tuổi) nhảy chân sáo cho kịp qua đường. Sinh ra và lớn lên ở vùng bãi ngang làng Mỹ Khánh, T. và H. cũng như bao đứa trẻ khác, không có nhiều điều kiện để thỏa thích với những niềm vui thơ trẻ.

Nên khi hè vừa đến, hai  anh em đã nằng nặc theo mẹ vào Đà Nẵng để bán vé số. “Cháu muốn mua một chiếc xe đạp để đi học chứ đi trên cát miết mỏi chân và xa quá”, T. kể. “Còn cháu thì thích chiếc cặp và bộ áo quần có hình siêu nhân hơn”, H. nhanh nhảu đáp theo anh.

Khoảng 6 giờ sáng hằng ngày, chị Thúy giao cho mỗi anh em 150 tờ vé số cùng 100.000 đồng tiền lẻ để trả tiền thừa cho khách, rồi mỗi em tự chia nhau đi bán mỗi hướng. Vào những dịp như ngày rằm hay đầu tháng, đến bữa trưa thì hai  anh em lại tìm tới một số chùa trên đường Trần Cao Vân, Ông Ích Khiêm để nhận các suất ăn chay miễn phí. Có những hôm đi lạc, hai  anh em lại được người đi đường dẫn về tới nhà trọ.

“Ban đầu cũng không muốn các cháu vào đây vì sợ nhiều thứ chưa quen, đường sá hay đi lạc. Nhưng may cái là được nhiều người thương, mua vé ủng hộ, chỉ đường, cho bánh kẹo các thứ nên cũng mừng lắm”, chị Thúy kể.

Đối với ông Dương Phú Sang (trú tổ 16, phường Xuân Hà, quận Thanh Khê), người có hơn 14 năm làm đại lý vé số, đến nay ông không thể nhớ chính xác có bao nhiêu đứa trẻ tìm đến nhà ông để xin bán vé số. Căn nhà của ông Sang nằm trong con hẻm trên đường Trần Cao Vân bao nhiêu năm nay là “nhà trọ miễn phí” của biết bao phận đời bán vé số.

“Cứ đến mùa hè, các cháu lại theo mẹ, theo bà ra đây bán vé số. Sáng mở mắt ra mỗi đứa đi mỗi hướng, đến chiều tối lại thấy lọ mọ tìm về. Có đứa vui mừng vì bán hết, đứa lo lắng vì ế chẳng bán được bao nhiêu, rồi cũng có đứa khóc lóc không dám về nhà vì bị lừa hết vé số”, ông Sang kể.

Chứng kiến nhiều gia đình cơm đùm cơm nắm đi bán giấc mơ đổi đời, ông Sang vẫn tự hỏi là sao cái nghèo vẫn đeo đẳng mãi những kiếp người như thế. “Tôi luôn xem họ như người thân trong nhà, hỗ trợ chỗ ở, dùng điện nước miễn phí, mong sao ngày qua ngày cuộc sống của họ sẽ khá hơn, các cháu được tiếp tục đến trường”, ông Sang tâm sự.

Khi tiết trời sang thu, báo hiệu một năm học mới sắp đến, những đứa trẻ ở các miền quê lại lần lượt từ biệt “căn nhà vé số” của ông Sang để trở về nơi bắt đầu. Hành trang trong những chuyến hồi hương ấy là những món quà của người lạ nơi đất khách. Đó là tập giấy mới trắng tinh, bộ áo quần còn nguyên nếp gấp hay chiếc cặp sách có nhiều ngăn… Vậy là đủ ấm áp, đủ để những đứa trẻ nghèo tin vào những điều tốt đẹp trong cuộc đời này.  

Bài và ảnh: PHAN CHUNG

;
;
.
.
.
.
.