Trầm tích Cù lao Ré

.

Trước khi ra đảo Lý Sơn, tục danh là Cù lao Ré, tôi đã đọc nhiều, nghe thật nhiều, nhất là những ngôi mộ gió bi hùng của người lính Hải đội Hoàng Sa ở mảnh đất cù lao nhiều sóng gió này. Nhưng đến khi “mục sở thị” thì xem ra còn lắm điều chưa biết hết.

Mô hình những chiếc thuyền của Hải đội Hoàng Sa xưa được trưng bày ở Nhà trưng bày Hải đội Hoàng Sa kiêm quản Bắc Hải (đảo Lý Sơn, Quảng Ngãi).
Mô hình những chiếc thuyền của Hải đội Hoàng Sa xưa được trưng bày ở Nhà trưng bày Hải đội Hoàng Sa kiêm quản Bắc Hải (đảo Lý Sơn, Quảng Ngãi).

Về cù lao nghe khúc Ốc u…

Ốc u đã thổi lên rồi. Để cha đi giữ biển trời Hoàng Sa…

Câu hát hơn 200 năm trước cứ vẩn vơ trong đầu tôi suốt hành trình 17 hải lý từ lúc con tàu “triệu đô” mang tên Biển Đông khởi hành ở bến Sa Kỳ cho đến khi chạm chân cầu cảng lao xao con nước cù lao. Tôi vẫn thích cái tên “cúng cơm” Cù lao Ré hơn là danh xưng huyện đảo Lý Sơn trên bản đồ hành chính. Bởi một lẽ nó gợi những tháng ngày mộc mạc của những cư dân Việt Quảng Ngãi  gánh gồng tên đất tên làng ra hoang đảo mọc đầy cây Ré, một loại cây họ gừng, mọc hoang. Mùa xuân, hoa Ré nở thành chuỗi, phơn phớt hồng mùi thơm nhẹ nhàng, lan xa trong gió.

Họ, xưa kia là những ngư dân An Vĩnh xã và An Hải xã trong vùng cửa biển Sa Kỳ, Quảng Ngãi, trên đường mưu sinh đã chọn Cù lao Ré đơn độc giữa đầu sóng, ngọn gió làm nơi sinh cơ lập nghiệp. Đình làng An Hải thâm nghiêm, lưng dựa vào núi Thới Lới, mặt nhìn ra biển có tuổi đời mấy trăm năm như ghi lại dấu chân đầu tiên của các bậc tiền hiền 15 họ tộc đến đảo trong những ngày gian khó.

Tôi đã có nguyên một buổi chiều ngồi hầu chuyện cùng vị thủ từ Nguyễn Văn Thọ, dưới gốc hàng dương liễu già trước sân  đình. Cái giọng miền biển nằng nặng, chan chát, trầm trầm đôi lúc lại ngân nga như hát cất lên từ khuôn ngực cháy nắng biển khơi của cụ thủ từ chạm ngõ tuổi cổ lai hy khiến người nghe tưởng chừng tiếng sóng, tiếng gió, tiếng ốc u được thổi lên trong lễ “Khao lề thế lính” hằng năm trên đảo.

“Hồi xưa vùng này có nhiều người làm nhiệm vụ trong Hải đội Hoàng Sa do Nhà Nguyễn lập. Mỗi năm vào tháng Giêng, nhận lệnh vua, ngư dân hai xã An Vĩnh, An Hải luân phiên nhau đi biển làm sai dịch, tuần phòng ở đảo Hoàng Sa”, ông Thọ chỉ tay vào những con sóng bạc đầu trước cửa đình tiếp lời: “Trước lúc xuống thuyền, những người lính Hoàng Sa mấy trăm năm trước thường ra đình thắp hương cầu mong tổ tiên phù hộ cho chuyến đi bình yên trở về. Ông bà mình hay nói, biển giã mà…”.

Những chiếc thuyền câu nhỏ như chiếc lá thường xuyên phải đối mặt với sự cuồng nộ của biển cả nên đối với người đi biển, cái chết luôn cầm chắc trên tay… Có lẽ vì thế mà người phụ nữ ở cù lao trong những ngày biền biệt ngồi vá lưới chờ chồng đã cất lên câu ca buồn rười rượi đến thắt lòng: “Hoàng Sa trời nước mênh mông. Người đi thì có mà không thấy về…”.

Câu hát tắt nghẹn giữa lồng ngực người già theo tôi quanh ngọn núi Thới Lới rồi về đến Nhà trưng bày Hải đội Hoàng Sa kiêm quản Bắc Hải vẫn canh cánh nỗi niềm day dứt mãi không thôi.

Ngày đầu tuần tháng 5, nhà trưng bày thưa thớt khách tham quan. Cơn gió giông từ ngoài biển ập vào cuốn cát bay lạo xạo quanh thềm khiến không gian căn phòng đầy hiện vật thêm thần khí. Giọng người cán bộ Trung tâm Truyền thông – Phòng Văn hóa-Thông tin huyện đảo Lý Sơn Đặng Kim Đồng, phụ trách nhà trưng bày trầm trầm như hòa lẫn vào các hiện vật xưa cũ khiến người nghe có cảm tưởng như người lính năm xưa chợt trở về…    

Tôi đã lặng người trước những tấm bài vị người lính thú Hoàng Sa, và thử mường tượng ra những khuôn mặt những con người hơn 200 năm trước và cả về sau đã chèo thuyền đi về phía mặt trời, để xác lập chủ quyền quần đảo Hoàng Sa thiêng liêng của đất nước. Họ đã chuẩn bị gì cho chuyến đi của mình. Ngoài lương thực, đồ dùng thì một đôi chiếu, 7 đòn tre, 7 sợi dây mây và một chiếc thẻ bài bằng tre ghi tên tuổi, quê quán, phiên hiệu... là hành trang không thiếu của người lính.

Họ đã chuẩn bị  thật chu đáo cho cái chết của mình lúc đang sống. Chiếu, đòn tre, dây mây để bó thân xác thả theo con sóng và thẻ bài tre giắt theo thân xác như một mã nhận diện gửi về người thân ở đất liền. Nhưng, qua những ngôi mộ chiêu hồn có bia mộ, danh tính với hình nhân bằng đất sét ở Lý Sơn, người đời sau chợt nhận ra một điều thật nghiệt ngã: Đó là chưa hề có một chiếc thẻ tre nào quay trở lại cố hương…

Sử sách ghi lại rằng, Cai đội trưởng Phạm Quang Ảnh và những người đồng đội của ông là những người thực hiện cuộc hải trình đầu tiên vào năm 1815. Năm sau, Phạm Quang Ảnh tiếp tục thực hiện chuyến hải trình thứ hai, lần này ông cùng với các đồng đội đã vùi mình trong bão tố. Họ đã không thể trở về mảnh đất cù lao thân thương nồng nàn mùi hoa Ré.

Tiếng ốc u gọi sóng, gọi gió, gọi những người con của đảo đã nằm lại giữa biển khơi về với quê nhà vào mỗi độ cuối tháng hai đầu tháng ba âm lịch như một điệp khúc tâm linh vọng từ đầu ghềnh đến cuối bãi. Chỉ có người Cù lao Ré mới có thể thổi ốc u tha thiết đến nhường vậy. Đó là thứ âm thanh tâm linh dẫn đường cho lòng can trường hóa thân vào sóng nước, cho mỗi hạt cát trên biển đảo Hoàng Sa, Trường Sa hóa thành “vàng, nhân phẩm và lương tâm”.

Và lắng lòng trước những nấm mộ chiêu hồn

Đã 4 giờ chiều mà cù lao vẫn đầy nắng. Nắng chảy dài thành từng vệt lấp lánh trên những ngôi mộ đắp bằng cát biển. Có một điều khác ở đất liền là những ngôi mộ ở Lý Sơn được đắp bằng cát nhưng vuông vức, sắc cạnh không kém gì chất liệu xi-măng. Những nấm mộ hình chữ nhật tựa chiếc hộp xếp hàng yên lặng trước những cơn gió biển mặn chát, rin rít muối. Người dân ở đây mách cho biết, chỉ cần nhìn vào hình dáng, các bậc cấp của ngôi mộ là có thể biết được độ tuổi và gia cảnh của người mất như đã có gia đình, con cháu hay chưa.

Trước khi ra đảo Lý Sơn, tôi đã đọc nhiều, nghe thật nhiều, nhất là những ngôi mộ gió bi hùng của người lính Hải đội Hoàng Sa ở mảnh đất cù lao nhiều sóng gió này. Nhưng đến khi “mục sở thị” thì xem ra còn lắm điều chưa biết hết.

Tôi đã có trọn một ngày lang thang khắp An Hải, An Vĩnh gặp gỡ những người dân gốc đảo để hỏi thăm về những ngôi mộ đặc biệt này. Một người dân làm nghề bán nước dừa bên cạnh khuôn viên Âm Linh tự đã hỏi ngược khiến tôi ngỡ ngàng: Chị có biết mộ gió là gì không? Người dân ở đây không gọi ngôi mộ của những người vùi thây giữa biển khơi, kể cả những người lính thuộc Hải đội Hoàng Sa hy sinh trên biển mấy trăm năm trước, được gia đình chôn thay thế bằng một hình nhân là “mộ gió” mà là “mộ chiêu hồn”.

Ông Nguyễn Văn Phúc, gọi là ông Sáu Ghe, tộc trưởng tộc Nguyễn Lý Sơn, khẳng định như đinh đóng cột rằng: “Ở Lý Sơn mộ chiêu hồn thì nhiều chứ mộ gió thì ít lắm. Mỗi năm có bao nhiêu cơn bão đi qua, dân cù lao sống bằng nghề biển nên bỏ xác khơi xa cũng là chuyện thường thấy. Mộ phần có tên tuổi, bia mộ do con cháu, người thân phụng lập và chăm sóc hằng năm hẳn hoi. Còn mộ gió là do người sống đắp hờ để xí phần đất, lỡ mai sau có về với ông bà còn có chỗ mà chôn. Vì không có người hương khói, giẫy cỏ nên lâu ngày gió thổi cát bay… nên gọi là mộ gió”.

Đem chuyện này hỏi anh Đặng Kim Đồng, thì được anh xác nhận là lâu nay người ta cứ lẫn lộn giữa hai tên gọi này. Anh còn cho biết thêm rằng, dù là mộ chiêu hồn hay mộ thường (có xác) thì nấm mộ thường có hai hòn đá đánh dấu vị trí đầu và chân. Còn mộ gió chỉ là một nấm đất không hơn không kém.

Nếu như người chết còn trẻ, chưa có gia đình thì ngôi mộ bằng, không có cấp, người lớn có con thì mộ xây hai cấp. Và nếu cao niên và con đàn, cháu đống thì mộ xây ba cấp. Đặc biệt mộ tiền hiền các họ tộc được xây to hơn và có đá đắp chung quanh làm hàng rào chắn gió. Hằng năm con cháu đến ngày chạp, tụ tập đông đủ để tu sửa mộ ông bà, tổ tiên. Người ta dùng cát, nước biển để be đắp nấm mộ, xong rải cát trắng làm viền.

Mộ Tiền hiền tộc Nguyễn của ông Nguyễn Văn Phúc mấy trăm năm qua vẫn còn là mộ đất.  Ảnh: Như Hạnh
Mộ Tiền hiền tộc Nguyễn của ông Nguyễn Văn Phúc mấy trăm năm qua vẫn còn là mộ đất.

Mấy ngày ở cù lao, chiều nào cũng có mưa giông. Chúng tôi ngồi trong căn phòng nhỏ, nơi làm việc của anh Đồng trong nhà trưng bày. Cánh cửa sổ va lập cập mỗi khi cơn gió biển tốc vào và khuôn mặt của người cán bộ văn hóa trẻ nhập nhòe giữa sấm và chớp.

Anh cho biết, gia phả dòng họ Phạm Quang ở Lý Sơn ghi lại rằng, khi cai đội Phạm Quang Ảnh cùng 70 suất lính mãi mãi không trở về, vua Gia Long thân chinh ra tận Lý Sơn làm lễ chiêu hồn cho các hùng binh. Thầy phù thủy cho dân chúng lên núi Giếng Tiền lấy đất sét nặn thành hình người và lập đàn cúng, gọi hồn về nhập tượng đem an táng. Những ngôi mộ như thế được gọi “mộ chiêu hồn” và tục an táng này trở thành một tập quán được người dân Lý Sơn gìn giữ cho đến ngày nay.

Người ta nói Lý Sơn nhiều nắng, nhiều gió quả không ngoa. Tháng tư âm lịch nắng bể đầu, gió rát mặt. Chính vì vậy những khu mộ đắp bằng cát thường được bao quanh bằng hàng rào xi-măng cao gần đầu người. Hay chí ít cũng có hàng rào che chắn bằng đá biển.

Theo lời chỉ dẫn của anh Đồng, chúng tôi tìm đến Dinh ghe Rồng để thăm mộ cụ cai đội Phạm Quang Ảnh và các đồng đội của ông. Nghe nói trước đây mộ nằm sát biển và chỉ được đắp bằng cát nên thời gian và gió biển đã làm phai mờ dấu tích. Chính vì thế, thời gian qua, Sở VH-TT&DL Quảng Ngãi đã đầu tư tu bổ tôn tạo, cắt cử người coi sóc phần mộ thường xuyên như một cách tri ân những hùng binh đã bỏ mình vì biển, đảo quê hương…

Rời Lý Sơn trong một buổi sáng thanh trong. Trên đường ra cầu cảng để xuống tàu về đất liền, những người phụ nữ cù lao cần mẫn ngồi bệt trên nền đường vá lưới bên cạnh những con tàu đang nằm phơi nắng thảnh thơi. Những tấm lưới nâu xưa kia được nhuộm bằng lá cây mù cu bây giờ không còn nữa. Thay vào đó là lưới ni-lông bạc màu vì nước biển. Ngồi trên con tàu “triệu đô” điều hòa mát lạnh. Đài đang phát bài cầu cho biển lặng sóng êm, để những người vợ, người mẹ thôi khóc bên những nấm mộ chiêu hồn…

Bài và ảnh: Như Hạnh

;
;
.
.
.
.
.