'Thiên hạ đệ nhất hùng quan': Từ truyền thuyết đến danh xưng

.

Mỗi khi lên đến đỉnh đèo Hải Vân, dừng chân nơi đây nhìn cửa ải phai mờ màu gạch cũ, lòng tôi lại thấy xao động một tình cảm lạ lùng: Thương cảm và tự hào đối với những người lính chiến, hơn 700 năm trước, đã lặng lẽ vượt qua cửa ải núi non chót vót này để tiến về phương Nam. Và thật lạ lùng, cứ mỗi lần lên đỉnh đèo này, tôi lại nhớ tới, chính xác hơn là lại nghe vang vọng trong tâm hồn bài hát “Hòn vọng phu”. Tại sao lại có sự liên tưởng đó, chính tôi cũng không biết.

Hải Vân quan. Ảnh: Ngọc hà
Hải Vân quan. Ảnh: Ngọc Hà

Lịch sử của chúng ta bắt đầu từ một huyền thoại: Huyền thoại Mẹ Âu Cơ. Huyền thoại ấy, qua bao thế hệ, bao đổi thay của lịch sử, cho đến nay vẫn còn như bao trùm lên sông núi. Hòn vọng phu tắm đẫm nguồn cội này. Mẹ Việt Nam là một biểu tượng mà nhiều nhạc sĩ Việt Nam đã đề cập, khai thác.

Nhưng trong ca khúc mà nối liền được Người với Đất, Đất với Núi Non, Núi Non với Sông Biển và cuối cùng trở thành một bầu khí, một thứ linh hồn bàng bạc của quê hương đất nước, như Lê Thương với Hòn vọng phu đã làm được, thì quả là hiếm hoi. Tổ quốc được hình thành từ những cơn đau, bao anh hùng đã được sản sinh trong những cơn đau ấy. Lịch sử dân tộc ta lắm chặng bi hùng, nhưng qua tất cả bão giông, chúng ta vẫn tồn tại được nhờ Cái Đẹp của Tâm hồn Việt Nam. Ra khỏi truyền thống tinh thần thiết thạch mà nhân hậu, thủy chung ấy, chúng ta đứng trước thử thách của sự tồn vong...

Và lạ lắm, cứ mỗi lần lên đến đỉnh đèo Hải Vân, nhìn thấy cái cửa ải bằng gạch, cái cửa ải hoành tráng bậc nhất của đất nước, là tôi lại nghe tiếng vó ngựa dồn dập từ trong bài ca Hòn vọng phu, và cả từ hơn 700 trước, vọng về.

Truyền thuyết dân gian vùng đất Quảng kể rằng: Khi vua Lê Thánh Tông thân chinh đi đánh Chiêm Thành vào năm 1471, lần đầu tiên tới núi Hải Vân đã cho đoàn tùy tùng và quân lính dừng lại nghỉ đêm dưới chân núi phía Bắc. Đêm ấy, nhà vua nằm thấy một vị nữ thần của núi Hải Vân hiện ra báo mộng rằng, nhà vua phải vượt qua ngọn núi cao mây phủ này để tiến quân vào Nam, và sẽ chiến thắng vang dội trong cuộc Nam chinh.

Sáng hôm sau, khi tỉnh dậy, nhà vua nhớ lời của nữ thần núi Hải Vân, nên cho bày hương án vái tạ. Khi lên đến đỉnh núi, nhìn thấy khí thiêng ngút ngút, vượng khí dâng trào, nhà vua càng thêm phần kính ngưỡng nữ thần núi Hải Vân. Xúc động tâm thần, nhà vua xuất khẩu thành thi, viết ngay bài thơ vịnh núi Hải Vân và “lần đầu tiên đặt cửa quan (cửa ải) Hải Vân để kiểm soát những người ra vào». Đây là lời ghi ngay bài thơ của vua Lê Thánh Tông, được lưu lại trong tập “Minh Lương cẩm tú” (Lê Thánh Tông - Thơ văn và Cuộc đời, Mai Xuân Hải biên soạn, NXB Hội Nhà văn, Hà Nội, 1998, tr.307). 

Sau khi chiến thắng Chiêm Thành trở về, cảm cái ơn báo mộng của nữ thần núi Hải Vân, nhà vua trong một dịp xướng họa với các quần thần trong tao đàn Nhị thập bát tú, mới gọi cửa ải mà mình cho thiết lập trên núi Hải Vân là “Thiên hạ đệ nhất hùng quan”. Cái tên ấy lưu truyền trong dân gian, mãi tới triều Nguyễn, dưới thời vua Minh Mạng, mới được cho khắc trên cửa ải phía Nam của Hải Vân quan.
Gần đây, có một số bài báo cứ khẳng định là chính vua Minh Mạng đặt ra cái tên “Thiên hạ đệ nhất hùng quan”.

Nhưng chúng ta phải thấy rằng, nếu vua Minh Mạng đặt danh hiệu “Thiên hạ đệ nhất hùng quan” cho cửa ải Hải Vân thì chẳng lẽ các sử thần Quốc sử quán triều Nguyễn, vốn thường cẩn thận ghi chép cả những việc nhỏ, thì làm sao lại có thể bỏ qua việc lớn như thế? Trong cả ba bộ sách: “Đại Nam nhất thống chí”, “Đại Nam thực lục chính biên” và “Minh Mạng chính yếu”, 6 chữ đặc biệt ấy chỉ viết một cách bình thường, không tỏ dấu hiệu gì liên quan đến quyết định của vị vua đương triều.

Các sử thần triều Nguyễn đâu có thể khinh suất như vậy được! Một dẫn chứng cụ thể là từ chữ “cửa ải” chuyển thành “cửa quan” mà các sử quan triều Nguyễn phải dâng sớ lên vua: “Kính xét”, rồi mới ghi năm quyết định, huống gì đây là quyết định về danh hiệu “Thiên hạ đệ nhất hùng quan”.

Dòng chữ “Thiên hạ đệ nhất hùng quan” trên cổng Hải Vân. Ảnh: V.T.L
Dòng chữ “Thiên hạ đệ nhất hùng quan” trên cổng Hải Vân. Ảnh: V.T.L

Tra cứu kỹ, chúng tôi thấy trong cuốn “Hải Vân, thiên hạ đệ nhất hùng quan” (do Nguyễn Công Thuần biên soạn, NXB Trẻ, TP. Hồ chí Minh, 2005, tr.15), có ghi rõ là: “Nhà thơ Quách Tấn, trong tập “Bước lãng du” (NXB Trẻ, TP. Hồ Chí Minh, 1996, tr.219) khi viết về Hải Vân, có nói danh hiệu ấy (Thiên hạ đệ nhất hùng quan - chúng tôi nhấn mạnh - t.h.d.v) là do vua Lê Thánh Tông phong tặng; Hạ Ngọc Anh, trong quyển “Non nước Quảng Nam” (xuất bản tại Đà Nẵng, 1969, tr.381, cũng viết như vậy”. 

Tác giả Nguyễn Công Thuần cũng lý giải rất thuyết phục: “Đại Nam nhất thống chí: Cửa quan, cửa tấn: (Kính xét, năm Minh Mệnh thứ 17, chuẩn định: phàm chỗ nào gọi là “tuần ải” đều gọi là “quan”). Cửa Hải Vân: Ở phía đông nam huyện Phú Lộc và trên đèo núi Hải Vân, phía trước phía sau đều xây một cửa, trên cửa phía trước đề ba chữ “Hải Vân quan”, trên cửa phía sau đề sáu chữ “Thiên hạ đệ nhất hùng quan” (Bản dịch Phạm Trọng Điềm, Tập I, NXB Thuận Hóa, 1997, tr.168-169). Ở phần ghi chép của các sách trên (tức Đại Nam thực lục (chính biên); Minh Mạng chính yếu; Đại Nam nhất thống chí) đều không xác định việc vua Minh Mạng đã đặt cho Hải Vân danh hiệu “Thiên hạ đệ nhất hùng quan”.

Sách nào cũng chỉ ghi “viết” hoặc “đề” ba chữ, sáu chữ, mà không hề có từ nào hàm ý “vua ban cho” (tứ danh), theo cách thức thường thấy trong những văn bản của thời quân chủ khi nói về việc có liên quan đến chỉ dụ của vua, nhất là vua đương triều.

Trong khi ấy, cũng sách “Đại Nam nhất thống chí”, khi nói đến việc vua đặt tên cho những ngọn núi ở Hải Vân, dù là núi nhỏ, các tác giả Quốc sử quán triều Nguyễn đều dùng cách nói trang trọng là “cho tên” (tứ danh) như: Đời Minh Mạng đặt quan ải đèo Hải Vân và hai quan ải ở núi Hải Vân, xây đá làm bậc để tiện đường đi, lại “cho tên” ngọn núi cao nhất ở giữa là “Cao an lĩnh” (Sđd, Tập I, tr.132). Phía Nam chân núi là núi Thông Sơn, tục gọi Hòn Hành, năm thứ 21 “cho tên” là núi Định Hải (Sđd, tập 2, tr.346)...

Về việc đặt tên “Thiên hạ đệ nhất hùng quan”, chúng tôi đã ghi lại được truyền thuyết dân gian này từ bác Trần Cách (Hương Súy) và bác Trần Bích (Xã Sáu), là cháu gọi cụ Trần Hàn, một danh sĩ đất Quế Sơn, là chú ruột, mà cả hai bác đồng thời cũng là con nuôi của cụ Trần Hàn.

Hai bác kể rằng, chính cụ Trần Hàn, khi còn sinh tiền, đã thường kể chuyện này với đám con cháu và cả người thân trong họ tộc. Trong đợt điền dã dài ngày của Tổ Nghiên cứu văn hóa dân gian, thuộc Sở Văn hóa - Thông tin Quảng Nam-Đà Nẵng, tại xã Quế Long, huyện Quế Sơn (cũ), vào tháng 11 năm 1982, ba anh em chúng tôi, gồm Nguyễn Tường Đài, Phan Hoàng Đức và Nguyễn Văn Bổn, đã ghi chép được truyền thuyết dân gian rất hay này.

Chúng ta nên nhớ một điều vô cùng quan trọng, một điều có tính nguyên tắc trong xã hội xưa, và nhất là trong sinh hoạt văn hóa dân gian, rằng những điều mang tính truyền ngôn bao giờ cũng có độ tin cậy nhất định.

Nếu chấp nhận nguyên tắc cơ bản ấy trong sinh hoạt văn hóa dân gian, thì phải thấy rằng, nếu vua Lê Thánh Tông không chính thức đặt tên cho cửa ải Hải Vân là “Thiên hạ đệ nhất hùng quan”, thì có thể danh xưng rất hay này đã do một bậc thâm Nho, một bậc thức giả nào đó nêu lên, rồi được lưu truyền lâu đời trong dân gian, mãi đến đời Minh Mạng mới được nhà vua chính thức cho khắc lên cửa ải phía Nam của Hải Vân quan.

Chính tác giả Nguyễn Công Thuần cũng rất có lý khi viết: “Đến đời vua Minh Mạng, trong hướng củng cố một vương triều chuyên chế, việc nâng cấp cửa Hải Vân cho xứng tầm cỡ cửa ngõ chốn Kinh sư đã tạo cơ hội cho Hải Vân được chính thức nhận lấy danh hiệu ấy với bảng đề bằng đá trên cửa ải. Việc ấy, dĩ nhiên phải do mệnh lệnh hoặc được sự chấp thuận của vua Minh Mệnh, chứ không phải do Minh Mệnh “tứ danh” (cho tên). Có lẽ vì thế nên thư tịch triều Nguyễn mới không xác định nguồn gốc của một danh hiệu quan trọng hơn nhiều, so với việc đặt tên những ngọn núi khác hay việc chuyển từ “cửa ải” thành “cửa quan”...

Và tác giả Nguyễn Công Thuần còn có một ghi nhận rất chính xác, không thể không lưu ý, khi ông viết: “Gần đây, trên các báo, có xu hướng nói là vua Minh Mạng, có tác giả còn khẳng định, là vua Minh Mạng đã ban cho sáu chữ ấy (“Thiên hạ đệ nhất hùng quan” - chúng tôi nhấn mạnh! t.h.d.v), nhưng không thấy dẫn chứng tư liệu nào” (Nguyễn Công Thuần, Sđd, tr.17-18).

Phần chúng tôi, chúng tôi tin ở sự trung thực của hai bác Trần Cách và Trần Bích, hậu duệ của cụ Trần Hàn, vì không có lý gì một danh sĩ như cụ Trần Hàn lại nói không thật về một điều chẳng có liên quan, hay lợi lộc gì cho bản thân. Nếu cụ không nghe truyền ngôn ấy trong dân gian, thì hẳn cụ đã không nói lại với con cháu.

Và khi chúng tôi tiếp xúc, cũng chẳng có lý do gì để hai bác Trần Cách và Trần Bích, những người đã cao tuổi, nhưng vẫn rất minh mẫn, lại nói không thực về một truyền thuyết như vậy. Chúng tôi xin ghi lại điều này và vẫn mong rằng, trong tương lai, sẽ có người tìm ra sử liệu chính xác để xác lập xuất xứ của danh hiệu “Thiên hạ đệ nhất hùng quan” cho một cửa ải yết hầu của xứ Quảng, một vị trí chiến lược trong việc bảo vệ đất nước, trước bất cứ họa ngoại xâm nào!

TẦN HOÀN DẠ VŨ

;
;
.
.
.
.
.