Thầy thuốc của làng Vân

.

Gần 10 năm, nữ y sĩ ấy lặng lẽ gắn bó với bà con bị bệnh phong ở làng Vân, để góp phần viết nên một câu chuyện cổ tích bình dị giữa đời thường.

Bà Tuyến đang châm cứu cho một bệnh nhân từ Quảng Nam ra điều trị.
Bà Tuyến đang châm cứu cho một bệnh nhân từ Quảng Nam ra điều trị.

Bà là y sĩ Vân Thị Kim Tuyến (SN 1966) chuyên khám, điều trị bằng phương pháp châm cứu cho bà con bị bệnh phong ở làng Vân, gần chục năm nay. Hiện, ngoài những đêm trực tại Trạm y tế phường Hòa Hiệp Nam, thời gian còn lại bà Tuyến “nằm vùng” tại khu liền kề (thuộc tổ 9, phường Hòa Hiệp Nam, quận Liên Chiểu) nhiều hơn ở nhà để theo dõi sức khỏe bà con làng Vân. “Nói chắc ít người tin chứ từ khi về công tác ở đây, thời gian tôi sống với bà con làng Vân nhiều hơn hẳn sống với gia đình mình”, nữ y sĩ mở đầu câu chuyện bằng lời khẳng định nửa đùa nửa thật.

Ở với bà con làng Vân nhiều hơn ở nhà

Sau khi tốt nghiệp khóa học y sĩ khám, chữa bệnh ban đầu, năm 2000, bà Tuyến về công tác tại Bệnh viện Đà Nẵng. Đến năm 2007, bà Tuyến xin chuyển về làm việc tại Trạm y tế phường Hòa Hiệp Nam để chăm sóc mẹ già. Lúc bấy giờ, tình hình bệnh phong của bà con làng Vân còn phức tạp. Năm 2010, bà Tuyến tình nguyện xin chuyển công tác ra làng Vân (khu vực dưới chân đèo Hải Vân) để chăm sóc cho hàng trăm người dân mắc bệnh phong ở đây.

Thời điểm bà Tuyến mới ra làng Vân, nơi đây không điện, không nước sạch, lượng thực phẩm thiếu thốn, vật dụng y tế, thuốc men thiếu trước hụt sau… Vậy nên cứ mỗi cuối tuần, bà và một cán bộ y tế  nữa thay phiên nhau, người ở lại trực, người vào trạm chính cõng thuốc men, gạo, muối ra làng. Đoạn đường từ đất liền ra đến làng Vân phải băng qua rừng, đi bộ cả tiếng đồng hồ mới đến nơi. Chưa kể, bà con ở đây mắc bệnh nặng lâu năm nhưng lại thiếu kiến thức chăm sóc sức khỏe nên bệnh tình trở nên trầm trọng. Bà Tuyến cùng một cán bộ y tế nữa phải đến tận nhà từng người vệ sinh vết lở loét, đắp thuốc, băng bó, dặn dò mọi người chế độ ăn uống, nghỉ ngơi. Có những người bị bệnh ăn cụt gần hết hai bàn tay, nhờ sự chăm sóc tận tình của bà Tuyến mà vết lở loét dần khô, bệnh tình thuyên giảm.

Ông Nguyễn Phước L. là bệnh nhân có hoàn cảnh đặc biệt khó khăn được bà Tuyến điều trị miễn phí nhiều tháng nay.
Ông Nguyễn Phước L. là bệnh nhân có hoàn cảnh đặc biệt khó khăn được bà Tuyến điều trị miễn phí nhiều tháng nay.

Ngày đó, ở làng Vân có ông Trần C. (79 tuổi) bị bệnh phong rất nặng. Hai bàn tay và hai bàn chân bị phong ăn cụt không còn rõ ngón. Chỗ các vết lở mưng mủ trắng hớn, hôi nồng nặc. Cứ mỗi lần bà Tuyến đến khám là ông C. chạy đi trốn vì sợ đau. Phải động viên, dỗ dành mãi ông C. mới chịu “hợp tác” chữa trị. Sau chừng hơn một tháng tích cực chữa trị, chăm sóc vết thương, tay, chân ông C. dần khô mủ, các vết loét không còn ăn sâu.

“Hồi đó các cụ già trong làng cứ trách tôi mãi, bảo sao không ra với bà con sớm hơn. Họ nói, nếu tôi ra với làng sớm hơn thì đã không có nhiều người chết đến vậy”, bà Tuyến ngậm ngùi.

Công tác ở đây 2 năm, đến năm 2012, thành phố có chủ trương di dời hàng trăm hộ dân làng Vân vào đất liền. Bà Tuyến một lần nữa theo chân bà con vào đất liền sống trong khu nhà liền kề để tiện theo dõi, chăm sóc sức khỏe bà con. Bà Tuyến được bố trí ở trong một căn nhà nhỏ, vừa là nơi khám chữa bệnh, vừa là chỗ ngủ nghỉ, sinh hoạt.

Hằng ngày, ngoài những buổi trực theo lịch tại Trạm y tế phường, thời gian còn lại, bà túc trực tại khu nhà liền kề để tiện chăm sóc cho người dân khi họ cần. Bất kể đêm khuya hay gà gáy, cứ điện thoại đổ chuông là bà xách túi thuốc chạy đi. Nhà nào có người bệnh phong bị tăng huyết áp, đau đầu, chóng mặt… cứ gọi là bà liền có mặt.

Còn nhớ, một đêm mùa đông khoảng 2 năm trước về trước, trong một lần bị tai biến nặng, bà Lê Thị L. (82 tuổi, trú tổ 9, phường Hòa Hiệp Nam) - cũng là một bệnh nhân phong,  đã được bà Tuyến cấp cứu qua cơn nguy kịch. Lúc đó đã hơn 23 giờ, về được đến nhà vừa lúc bà Tuyến đặt lưng xuống giường thì tiếng chuông điện thoại đổ dồn dập. Đầu dây bên kia hốt hoảng: “Cô Tuyến ơi, con Bình, con gái bà L. đây. Mẹ con đột nhiên ngã rồi nằm bất động, cô đến liền đi”.

Chỉ cần nghe đến đó, bà Tuyến lập tức nhỏm dậy, xỏ vội đôi dép, xách túi thuốc tức tốc lên đường. Bà Tuyến thực hiện sơ cứu cho bệnh nhân rồi gọi xe, cùng gia đình đưa bà L. đi bệnh viện. Lần đó bà L. bị tai biến nặng, phải nằm viện điều trị gần một tháng. Sau khi về nhà, hằng ngày, bà Tuyến đến nhà bắt mạch, do huyết áp, châm cứu, tập vật lý trị liệu vì bà L. có dấu hiệu liệt. Khoảng 3 tháng sau thì bà L. hồi phục, đi lại bình thường.

“Lần đó, nếu cô Tuyến không có mặt kịp thời thì chắc tôi đã “xanh cỏ”. Ở đây, không chỉ tôi mà bất cứ người già nào hễ tăng huyết áp, chóng mặt,… cứ gọi là cô Tuyến đến ngay. Cô Tuyến thăm khám, phát thuốc, dặn dò chế độ ăn uống, nghỉ ngơi kỹ lắm”, bà L. cười nói.

Ông Đỗ Ngọc Ái, Phó Trưởng Ban công tác Mặt trận Chi bộ 11 (phường Hòa Hiệp Nam) cho biết, tại khu nhà liền kề hiện có 63 hộ sinh sống. Trong khoảng 170 nhân khẩu thì có đến hơn 50 người già tàn tật do di chứng của bệnh phong, thường xuyên đau ốm. “Người dân ở đây ai cũng lưu số điện thoại của bà Tuyến để khi nào cần là gọi. Người nào bệnh nhẹ thì bà Tuyến đo huyết áp, phát thuốc uống. Ai đau ốm nặng thì bà hỗ trợ chuyển người bệnh vào trạm chính, đi bệnh viện để chữa trị. Bà Tuyến theo bà con ra tận làng ngoài biển. Giờ bà con vào đây, bà Tuyến lại theo vào. Bà con ở đây mang ơn bà Tuyến nhiều lắm”, ông Ái bộc bạch.

Tận tâm vì người bệnh

Không chỉ chăm sóc sức khỏe cho bà con làng Vân theo nhiệm vụ được phân công, bà Tuyến còn chữa trị miễn phí cho nhiều trường hợp khó khăn bệnh tật khác. Nhờ có nghề châm cứu, bà Tuyến từng cứu sống nhiều người rơi vào cảnh “thập tử nhất sinh”. Ông Nguyễn C. (90 tuổi, trú tổ 54, phường Hòa Hiệp Nam) là một ví dụ. Năm 2000, đang là một lão ngư vạm vỡ, mạnh khỏe, sau một lần tai biến, ông C. nằm liệt giường; gia đình đưa đi chữa trị nhiều nơi nhưng không khỏi. Bệnh viện trả về, bảo gia đình chăm sóc được ngày nào hay ngày ấy.

Song, sau hơn 3 tháng ròng nhờ bà Tuyến theo dõi, châm cứu, sức khỏe ông C. dần tốt lên. Từ chỗ bị bệnh viện trả về, nhờ tay bà Tuyến châm cứu, ông C. sống thọ đến giờ.
Hay như ông Nguyễn Phước L. (SN 1962, trú xã Hòa Sơn, huyện Hòa Vang) cũng là một trường hợp được bà Tuyến châm cứu chữa trị miễn phí. Ông L. sống độc thân, hoàn cảnh khá khó khăn.

Mắc chứng thần kinh tọa lâu năm cộng với sau một đợt tai biến, hai chân ông L. đau nhức, bước lập chập không vững. Để kiếm bữa cơm, hằng ngày ông L. lê chân dạo khắp chợ Nam Ô (phường Hòa Hiệp Nam) bán vé số. Trong một lần đi bán, nghe người dân mách bảo ở khu liền kề có người châm cứu hay, ông L. tìm đến nhờ chữa trị. Ông L. cũng được bà Tuyến tận tình chữa trị và sau hơn 2 tháng, bệnh tình của ông thuyên giảm nhiều, bước đi nhanh nhẹn hơn trước. “Tôi châm cứu chỗ bà Tuyến hơn 2 tháng nay mà bả không lấy một đồng, nhiều bữa còn nấu cơm cho tôi ăn. Chân tôi trước đây bước đi không được, hai bàn chân không đặt bằng xuống đất được. Nhờ bà Tuyến mà giờ tôi đi lại được rồi”, ông L. vừa nói vừa cười xòa.

Trong căn nhà nhỏ chừng 25m2, bà Tuyến đặt 2 chiếc giường bệnh cũ, một bàn làm việc đơn sơ, tủ thuốc nhỏ với vài vật dụng cũng cũ kỹ không kém. Ở một góc nhà, bà Tuyến đặt 3 nồi cơm điện. Đến bữa, một nồi nấu cơm, một nồi kho mặn, nồi còn lại nấu canh tập tàng với dăm ba ngọn rau hái vội, rồi cắm ở các ổ điện quanh bốn góc nhà. Bữa cơm của người phụ nữ ấy hôm nào có thêm bệnh nhân ăn cùng thì bớt phần quạnh quẽ. Có lẽ, vì mải mê với nghề bốc thuốc cứu người, gắn bó cả thanh xuân với bà con “làng phong” nên bao năm qua, bà Tuyến vẫn một mình lặng lẽ.

Nhìn người phụ nữ ngoài 50, dáng người nhỏ nhắn, đôi tay tỉ mẩn lần tìm đường gân, nhẹ nhàng ấn mũi kim châm, chúng tôi cảm nhận được sự tận tâm của một người thầy thuốc vì dân. Chứng kiến người phụ nữ đơn chiếc ấy ngày ngày đi về giữa trạm chính và khu liền kề để chữa bệnh, giúp người, ai nấy đều cảm phục.

Theo bác sĩ Nguyễn Thị Huệ, Trưởng Trạm y tế phường Hòa Hiệp Nam, bà Vân Thị Kim Tuyến là cán bộ y tế thuộc Trạm y tế phường Hòa Hiệp Nam, phụ trách chăm sóc sức khỏe cho bà con làng Vân. Người dân ở đây hầu hết già yếu nên thường xuyên đau ốm, nhức mỏi. Những người lớn tuổi đa phần tàn tật tay, chân do di chứng bệnh phong nên đi lại khó khăn. Vì vậy, bà Tuyến túc trực tại nơi bà con sinh sống để chăm sóc sức khỏe cho mọi người phần nào giúp bà con bớt vất vả trong đi lại, an tâm hơn vì luôn có cán bộ y tế kề cạnh lúc ốm đau.

Bài và ảnh: LAM PHƯƠNG
 

;
;
.
.
.
.
.