Qua miền bao dung

.

Ai đó đã từng nói : “Vùng đất hiền hòa sản sinh ra lòng nhân hậu”. Câu nói đúng chằn chặn với người dân xã Hòa Phước (huyện Hòa Vang). Ở xứ sở ấy, người ta dù chưa đủ đầy vẫn sẵn sàng dang tay đùm bọc bà con, xóm giềng. Tính thương người là chất keo khiến người tha hương luôn ngóng về Hòa Phước với nỗi nhớ thương vời vợi…

Sau khi về hưu, bà Phạm Thị Hạnh gắn bó với phong trào khuyến học của địa phương.
Sau khi về hưu, bà Phạm Thị Hạnh gắn bó với phong trào khuyến học của địa phương.

1. Mới vào mùa nhưng Đà Nẵng đã nắng nóng bỏng rát. Bữa đó là ngày khánh thành tuyến đường Hòa Phước - Hòa Khương. Tuyến đường dài gần 7km nối thông khu vực ven biển phía đông và vùng đất rộng lớn nhưng kém phát triển hơn ở phía tây thành phố. Ngày dự án còn ở trên giấy, lãnh đạo thành phố đã kỳ vọng: “Tuyến đường này có mục tiêu kết nối giao thông giữa khu vực phía nam, vùng ven biển phía đông với trung tâm Đà Nẵng; đồng thời góp phần sắp xếp lại đô thị, phân bố dân cư, khuyến khích người dân đến sinh sống tại các khu đô thị mới phía nam. Việc kéo giãn không gian sẽ giảm mật độ dân số và lượng xe lưu thông vào trung tâm thành phố”.

Thầm mừng cho Hòa Phước rồi đây sẽ “gần chị gần em”. Lại ngổn ngang lo Hòa Phước sẽ bị cuốn vào cơn lốc đô thị hóa mà mất đi vẻ đẹp thôn quê. Đi dọc con đường Nam Kỳ Khởi Nghĩa hướng về phía Hòa Phước, nắng đầu hè thi nhau nhảy nhót trên khúc sông quê. Nắng tắm táp cho đồng lúa thêm nhuận sắc. Nếu ai đó ở Hòa Phước xa quê nhiều năm về chắc hẳn sẽ không khỏi ngỡ ngàng trước những đổi thay của quê hương.

Đường làng khang trang, tươm tất, ô-tô có thể vào tận xóm. Đi một đoạn đường vài trăm mét lại thấy biển cắm: “Đoạn đường tự quản xanh-sạch-đẹp”. Trước mỗi nhà dân, không hoa giấy đỏ rực thì là hoa lài thơm ngát. Hơn cả một bức tranh, chiều ở Hòa Phước đẹp mê mẩn. Từ quốc lộ 1A rẽ vào thôn Giáng Nam 1, làng xóm vẫn trầm tư, trẻ nhỏ đạp xe ríu rít trên con đường làng. Những ngôi nhà quấn quýt bên nhau chia sẻ cay đắng, ngọt bùi. Thầm hiểu, tại sao vùng đất này lại nổi danh vì tình đất, tình người như thế.

Ông Lê Viết Tân, Chủ tịch Hội Từ thiện và bảo vệ quyền trẻ em xã Hòa Phước kể, người dân nơi đây bao đời nay sống nhờ vào nông nghiệp. Từ trong cái nghèo, cái khó, người dân cần mẫn tìm tòi, học hỏi và phát triển thành công các mô hình sản xuất. Kinh tế nhiều gia đình khá hẳn lên, nuôi con cái ăn học thành đạt... Trong đó, nổi bật nhất là mô hình nuôi chim cút của người dân thôn Trà Kiểm.

Dẫu vậy, số gia đình khá lên vẫn còn khiêm tốn giữa cộng đồng người dân bao đời chân lấm tay bùn. Chỉ có một thứ đặc sản được người Hòa Phước chắt chiu truyền từ đời này sang đời khác đó là tính thương người. Chẳng biết nơi khác thế nào, chứ riêng Hòa Phước, mỗi khi trên địa bàn có trường hợp bà con ốm đau, tai nạn, chỉ cần đi một vòng quanh xóm là đã vận động xong. Đó là đột xuất! Còn những chương trình thường kỳ như trao học bổng cho học sinh nghèo vượt khó, học sinh giỏi, người già neo đơn, người mất sức lao động, quà Tết cho hộ nghèo… đều được bà con đồng lòng ủng hộ.

2. Ông Tân bảo, nếu giới thiệu vài gương mặt giàu lòng nhân ái điển hình ở Hòa Phước thì khó quá. Không dám nói ngoa, hầu như thôn, tộc họ nào cũng có vài ba người xông xáo làm từ thiện. Thật, người ở đâu cũng thế, hay có niềm tự hào về quê hương, bản quán. Đi xa, người ta hay nhớ về những hình ảnh cụ thể.

Có người nhớ mái đình làng những đêm trăng sáng, có người nhớ quê mùa lúa chín, người nhớ ngày hội làng. Nhưng trên tất cả, người ta tự hào về dòng chảy tinh thần đã thấm đẫm vào mái ngói rêu phong, cây đa cổ thụ và cả những mạch nước. Dòng chảy tinh thần này khiến cho người bản quán lưu nhớ đã đành, lại làm cho những ai đó mới đến đây cũng cảm thấy thân thương.

Nghe tiếng xe ông Tân dừng trước cửa, cô gái trong nhà nhanh nhảu chào: “Chú Tân tìm cô Nghiêm à? Cô đi xuống phố mua quà phát thưởng cuối năm cho mấy cháu học giỏi của thôn rồi chú ơi”. Hai chú cháu trò chuyện dăm ba câu nữa rồi chào nhau về. Ở đây, tình cảm xóm làng như một thứ “hương ước” đặc biệt cho mọi ứng xử, mọi nguyên tắc. 

Ông Tân nhớ mặt, rõ tên từng người trong thôn, phần vì công việc của một cán bộ văn hóa xã kiêm Chủ tịch Hội Từ thiện và bảo vệ quyền trẻ em, phần vì đó cũng là nếp làng đã ăn sâu trong suy nghĩ cư dân nơi này.

Ghé vài ba nhà nữa cũng không ai ở nhà, lý do tương tự: đi mua quà phát thưởng học sinh giỏi hoặc quà 1-6. Ông gật gù: “À, dịp này tụi trẻ con trong thôn sắp bế giảng. Mấy cô phụ nữ trong thôn hay làm từ thiện đều tất bật chuẩn bị quà để động viên mấy đứa nhỏ học hành”. Nói rồi, ông quả quyết: “Vậy đến nhà bà Huỳnh Thị Ngân. Một trong những mạnh thường quân kỳ cựu, nổi tiếng của Hòa Phước”.

Dọc đường đi, ông kể, bà Ngân sinh năm 1937, năm nay đã 82 tuổi. Chồng mất sớm, một tay bà nuôi 8 người con ăn học thành tài. Ngôi nhà bà đang ở trong chiến tranh là một trạm xá gia đình. Bà là nữ hộ sinh, đỡ đẻ cho hàng trăm sản phụ nghèo của địa phương. Đồng thời, bà cũng là người chiến sĩ cách mạng lì lợm, kiên cường khi nuôi giấu cán bộ, bị địch bắt và tra tấn 5 lần 7 lượt với hàng chục vết thương trên người. Chiến tranh lùi xa, bà lại tiếp tục giúp đỡ cho biết bao phong trào của xã nhà, nuôi những em nhỏ có cha mẹ bị nhiễm HIV, gầy dựng quỹ khuyến học… Câu chuyện về người phụ nữ đặc biệt này được bà con trong, ngoài thôn kể mãi cho con cháu…

3. Đón chúng tôi nơi bậu cửa, nghe những trao đổi dang dở, bà Ngân cười hiền hậu: “Tôi có làm được gì đâu mà chú kể. Với tôi, đây không phải là làm từ thiện, mà là trách nhiệm của lớp người đi trước. Bao nhiều đồng đội của tôi đã ngã xuống, tôi may mắn còn được tới ngày hôm nay nên việc chia sẻ khó khăn với mọi người như nghĩa vụ của tôi thôi”. Ngôi nhà của bà Ngân trông thật nhẹ nhõm trong ráng chiều. Khoảng sân vườn rộng rãi được trồng nào cây ăn trái, nào rau, hoa. Gió từ vườn thổi vào mát rượi. Ở không gian khoáng đạt này, dễ thấy chủ nhân của nó cũng hào phóng, nghĩa tình.

Bà Ngân là người gốc Hòa Phước. Từ nhỏ đến lớn, bà ít khi rời làng. Biết bao ký ức, niềm thương của bà đều gắn chặt với vùng đất này. Hồi chiến tranh đi vào giai đoạn ác liệt, bà một mình bám trụ ngôi nhà này để làm căn cứ quân y cho  bộ đội địa phương. 8 đứa con được bà gửi ra nhà người quen ở Đà Nẵng cho ăn học.

Ở quê, bà một mặt làm cách mạng, một mặt làm nông dân để cuối tuần đùm bầu, bí ra Đà Nẵng cho mấy đứa con có cái ăn. Nhiều năm ròng khổ cực đã đền đáp bà bằng thành quả học hành đến nơi đến chốn của cả 8 đứa con. Tưởng đến lúc ấy, người phụ nữ truân chuyên này được hưởng thụ an nhàn.

Nhưng không. Với bà, những năm tháng chiến tranh, người dân mình ai cũng khổ. Bây giờ hòa bình rồi, đời sống của người dân đã được không ngừng nâng lên nhưng trong xã hội vẫn còn nhiều mảnh đời bất hạnh. Bản thân bà thấy cần phải làm việc gì đó để giúp đỡ những hoàn cảnh khó khăn này.

Với suy nghĩ đó, cứ mỗi bận con cháu tụ tập về thăm, bà lại thủ thỉ tâm tình: “Tụi con lớn lên, ăn học nên người cũng nhờ củ khoai, củ sắn, giàn bầu, bí của mảnh đất này. Quê mình còn nhiều người khổ. Thấy bà con mình đau ốm, mấy cháu nhỏ không được đến trường, má rất đau lòng. Má mong tụi con cùng với má giúp đỡ cho hoạt động từ thiện của địa phương. Mình chỉ cần sống tiết kiệm là đã có thể san sẻ với mọi người rồi. Má không cần chi nhiều. Má chỉ cần mỗi đứa cứ Tết về thì ủng hộ cho má vài trăm ký gạo hay vài trăm suất quà cho người nghèo là được”.

Ở Hòa Phước, tình cảm xóm làng như một thứ “hương ước” cho mọi ứng xử, nguyên tắc. (Trong ảnh là ông Lê Viết Tân và bà Huỳnh Thị Ngân).
Ở Hòa Phước, tình cảm xóm làng như một thứ “hương ước” cho mọi ứng xử, nguyên tắc. (Trong ảnh là ông Lê Viết Tân và bà Huỳnh Thị Ngân).

Mới đó, bà Ngân đã duy trì nếp nhà này hơn 20 năm. Mấy đứa con bà dù không ra mặt nhưng hễ bà gọi nhờ hỗ trợ đột xuất trường hợp ốm đau, tai nạn là các anh chị đều sẵn sàng. Bà tâm sự: “Tôi giờ đã ở tuổi gần đất xa trời. Mỗi bữa ăn có được mấy hột cơm nữa. Tôi chỉ động viên con cháu mình sống nhân hậu; từ đó, nhân rộng tình nhân ái đó ra tộc họ, xóm làng. Làm sao để xã nhà duy trì được truyền thống tương thân, tương ái đã trở thành đặc sản như bao đời nay là tôi mừng”.

4. Ông Tân nói, kiểu làm từ thiện thành dây chuyền trong gia đình, tộc họ rất phổ biến ở Hòa Phước. Nói đâu xa, trong nhà ông, thấy ông kiêm nhiệm chức danh Chủ tịch Hội Từ thiện và bảo vệ quyền trẻ em xã là cả nhà đồng lòng ủng hộ; trong đó có má vợ ông, bà Phạm Thị Hạnh (SN 1955), giáo viên về hưu. Tiền lương hưu mỗi tháng hơn 4 triệu đồng, bà để dành lại 1 triệu đồng đến cuối năm ủng hộ cho quỹ khuyến học địa phương 10 triệu đồng.

Năm nào cũng thế. Thấy con rể làm hoạt động nấu cơm hằng tháng cho Bệnh viện quận Cẩm Lệ, Bệnh viện huyện Hòa Vang, bà cũng hăng hái đóng góp mỗi tháng 10 ký gạo. Không những vậy, bà còn vận động mấy anh chị em là giáo viên hưu trí ủng hộ cố định cho “nồi cơm” này mỗi tháng 3 triệu đồng.

Chưa hết, bà đứng ra nhận nuôi một em học sinh nhà nghèo nhưng có chí học hành ở thôn. Khi em này tốt nghiệp đại học, bà tiếp tục cưu mang người em. Bà Hạnh bảo, hồi còn đi dạy, bà không nhìn thấy được những khó khăn của học trò. Đến khi nghỉ hưu, có thời gian gần gũi với bà con lối xóm, bà mới thấy dân mình còn cơ cực. Từ đó, bà tình nguyện chia sẻ với người dân theo điều kiện của mình.

Trong nhà có đứa cháu ngoại đang tuổi lớn, bà bày cháu bỏ heo đất mỗi ngày, đến cuối năm thì đập heo để làm một “kế hoạch nhỏ”. “Gieo vào lòng cháu tình nhân ái ngay từ nhỏ cháu sẽ cứ thế mà sống đến lớn”, bà cười hiền hòa.

Đất lành Hòa Phước không chỉ là cái nôi của cách mạng mà còn là vùng đất nghĩa tình, hòa quyện trong mỗi gia đình tự nhiên từ lúc nào đến nỗi không ai còn để ý. Chỉ có tình đời, tình người mới có thể khiến người xa xứ luyến lưu và người mới đến thương mến vùng đất này như thế.

Bài và ảnh: Quỳnh Trang

;
;
.
.
.
.
.