1. Chưa bao giờ tôi quên những kỷ niệm ấu thơ nơi con hẻm 34 Lê Lai ấy. Hồi chưa có cầu Sông Hàn, mỗi tháng đôi ba bận, tôi cùng má đi phà qua thăm nhà cô ruột. Con hẻm nhỏ từ xưa đã được tráng xi-măng bằng phẳng, sạch sẽ, ngay ngắn. Những ngôi nhà trong hẻm được xây dựng khá kiên cố. Nhà nào cũng 2, 3 mê, kiến trúc hài hòa. Đứng trên tầng 2 nhà cô nhìn xuống, hẻm nhỏ như lọt thỏm, chỉ vừa đủ chỗ cho 2 chiếc xe máy lách qua, nhà này tựa lưng nhà kia, gần gũi, bình dị.
Cà-phê Nối ở hẻm K113 Nguyễn Chí Thanh. |
Như hễ, chỉ cần nhà này cục cựa, nhà kia đã chạy qua nhỏ nhẹ: “Thôi, vợ chồng, cơm sôi lửa nhỏ”. Vợ chồng cô tôi lớn tuổi, chỉ có một đứa con. Cô thương con nít nên nhà lúc nào cũng có dăm đứa trẻ hàng xóm ghé chơi. Có khi chúng chơi mải miết đến giờ mẹ gọi cơm mới vội vã chạy về. Dượng mất cách đây vài tháng. Ra vào trong con hẻm chật nhưng lòng cô mênh mông buồn.
Mấy hôm làm đám cho dượng, ngày một, hai lần ghé nhà cô thắp hương, nghe tiếng xe vừa trờ đến đầu hẻm tắt máy là có vài chị, vài cô đi ra hồn hậu đon đả: “Dựng đỡ cái xe trong sân nhà cô nè con”. Tự nhiên thấy mến thương chi lạ. Cách nhà cô vài căn có nhà kia bán bún buổi sáng. Mấy hôm đám dượng, nhà họ cũng treo biển nghỉ bán.
Cô mở lời ái ngại liền bị người ta “trách”: “Chị nè, nghĩa tử là nghĩa tận. Bán buôn cả đời chớ bán chi mấy bữa mà chị lo”. Cô lu bu lo đám, chẳng sắp xếp được chuyện cơm nước cho bà con ở quê. Đang rối bời thì hàng xóm đã qua mở lời: “Em bắc thêm nồi cơm với nấu mấy món đơn giản. Gia đình cứ qua ăn tự nhiên nghe chị. Xóm giềng giúp nhau lúc ngặt nghèo, chị mà từ chối là em giận đó”. Nhà cô neo người, chỉ một mẹ một con. Tang lễ ban ngày có dịch vụ lo nhưng đến tối thì vắng hoe. Đang lo trong lòng thì người trong hẻm đã tự “phân công” nhau, mỗi đêm đều có người qua ở lại đến khuya lơ mới về. Rồi ngày đưa dượng đi, bà con trong hẻm cũng tự phân công mỗi nhà một người đi đưa đại diện, những người còn lại tập trung tại nhà phụ dọn dẹp, đến khi đưa di ảnh dượng về thì mọi thứ đã đâu vào đấy. Đến giờ, người trong hẻm vẫn tới lui thắp nhang cho dượng, mùi nhang thơm len vào từng ngôi nhà…
2. Tụi trẻ con của hẻm từ nhỏ đã làm quen với chật chội, chen chúc nhưng tấm lòng thì rộng mở. Chúng rủ bạn bè về hẻm chơi và dẫn qua khắp nhà hàng xóm giới thiệu. Anh Minh Hải (sống ở hẻm 34 Lê Lai), bộc bạch: “Tôi chưa bao giờ thấy hẻm nhà mình chật chội. Ngược lại, tôi thấy nó rộng lớn vô cùng. Vì chúng tôi không chỉ sống gọn trong không gian nhà mình mà còn thoải mái qua nhà hàng xóm chơi, có khi ngủ qua trưa, có khi đến tối mịt mới về. Nhà trong hẻm, nhà ai cũng như nhà mình, thương mình như con”. Gần gũi nhưng không có nghĩa là lộn xộn, thích gì làm đó. Người ở trong hẻm thường sinh hoạt ý tứ, nhẹ nhàng.
Theo nếp của người lớn, trẻ con cũng chơi đùa chừng mực. Trẻ chạy nhảy cẩn thận hơn và cũng an toàn hơn vì ít xe cộ qua lại. Người ở phố ít khi dừng lại giữa đường mà hỏi thăm chuyện nhà cửa, cơm nước, nhưng ở đầu hẻm, hay chỗ nào thoáng lối đi, người ra, người vô đụng mặt nhau, thì hễ không có việc gì vội là lại có vài ba câu chuyện nhà cửa, chuyện con cái học hành thân tình. Đứng trong hiên nhà nhìn ra, thấy mấy bà, mấy cô xách giỏ đi chợ ngang qua, thể nào cũng có người hỏi vọng ra: “Nay chợ có cá tươi không chị? Trưa nay ăn chi ngon rứa?...”.
Bởi vậy, những con hẻm tuy không rộng như đường lớn, nhưng lại “nhiều chuyện”. Những người xa lạ sống cạnh nhau trở nên gần gũi, thân tình hơn. Nhiều hẻm yên tĩnh đến mức hầu như không có ai đến đó dán các tờ quảng cáo, các số điện thoại khoan cắt bê-tông, cho thuê nhà… Trong hẻm, người ta tận dụng chút đất ít ỏi gieo những giàn bông giấy hay đám ti- gôn… những cành hoa rực rỡ trên nền lá xanh mướt vươn ra từ sau song sắt trên cao.
Thích nhất là dịp Tết cổ truyền. Đàn ông, thanh niên nơi hẻm nhỏ tập trung lại bắc đèn nhấp nháy, treo cờ Tổ quốc, gắn băng-rôn mừng Đảng đón xuân, rộn ràng. Có hẻm “chơi lớn” còn tập trung nấu bánh chưng. Vậy là, mượn sân của nhà nào rộng rãi, mấy bà, mấy cô lại trổ tài gói bánh. Mùi nếp cái hoa vàng, mùi đậu xanh cứ thế đưa hương khắp hẻm. Tết bao giờ cũng “ưu tiên” đến hẻm trước. Nhà ngoài phố, làm gì mà biết đến không khí này.
3. Năm tháng đi qua, thành phố nhiều thay đổi, các con hẻm cũng nhiều đổi thay, nhưng vẫn còn nguyên đó những câu chuyện xóm giềng, chuyện mưu sinh tảo tần, chuyện nhân tình thế thái… Hẻm nhỏ có những kiến trúc xô lệch từ xưa rất xưa. Đôi khi có hẻm chỉ vừa đủ qua một chiếc xe máy. Như hẻm 113 Nguyễn Chí Thanh chẳng hạn. Nơi hẻm chật này giữ cho người ta tính lo xa, cẩn thận: bấm còi vì biết đâu khúc cua sẽ có một xe nhỏ nào đang đi tới hay bất chợt từ hẻm lao ra một chiếc xe đạp không phanh... “Người đi đã chật, nếu xe máy đi vào mà có xe khác từ trong hẻm đi ra thì một trong hai xe phải lùi lại nhường nhau.
Nếu ngại phải bon chen giữa những con đường lớn thì hãy tấp đại xe vào một con hẻm nào đó, đi xe chầm chậm trong hẻm sẽ thấy lòng chợt bình yên đến lạ kỳ. (Ảnh chụp tại K34 Lê Lai) |
Ấy vậy mà từ đó đến nay, không hề có chuyện cãi vả, ồn ào xung quanh câu chuyện nhường nhịn nhau này”, một người dân sống ở hẻm nói. Lỗ Tấn từng viết: “Thực ra, thế gian này làm gì có đường. Người ta đi mãi thì thành đường thôi”. Ở đâu có đường đi, là ở đó có con người tồn tại. Cho nên đâu đó, những ngõ hẻm sẽ vẫn là lối đi về cho những mảnh đời nhỏ nhoi, cho cả những tâm hồn khát khao những dư âm vụn vặt. Nơi hẻm 113 này, có một người phụ nữ đã sống gần như cả đời dựa vào hàng cháo bé nhỏ mỗi sáng, cùng với tình thương của bà con trong xóm. Đó là bà Hạnh, 80 tuổi, không chồng, không con.
Bà hiền hậu tâm sự: “Cuộc sống của tôi dựa cả vào con hẻm nhỏ này. Sinh hoạt ngoài hẻm còn nhiều hơn trong căn nhà thuê chật chội. Người trong hẻm biết tình cảnh tôi đơn chiếc, nghèo khó nên các dịp lễ, Tết họ cũng biếu tôi bao gạo, mấy gói gia vị, bánh trái. Tôi cũng được đón lễ như ai”.
4. Vài năm trở lại đây, xu hướng mở những quán cà-phê mang dáng hình xưa cũ trong các con hẻm nhỏ nở rộ. Đơn giản người ta muốn được thong dong uống một cốc cà-phê ấm nóng, trong một không gian tĩnh lặng, đầy hoài niệm. Khó mà tìm ra không khí ấy nơi các quán cà-phê ồn ã ngoài phố.
Hẻm xéo (4/2 Đặng Thùy Trâm) hay Nối (113/8 Nguyễn Chí Thanh) là một trong những địa chỉ như thế. Có lẽ, muốn hòa quyện vào không gian xưa cũ của hẻm, Nối cũng là nơi trưng bày những vật dụng nhuốm màu thời gian như chiếc ti-vi đen trắng, chiếc xe đạp cũ, thậm chí ở đây còn dựng hẳn quầy tạp hóa nhỏ xinh bày bán những thứ kẹo dừa, kẹo lạc, kẹo C, mì Miliket... tưởng như chỉ còn trong ký ức của nhiều người. Đặc biệt, âm nhạc - điểm đặc biệt nhất tại Nối thực sự khác biệt.
Những bản nhạc được phát với âm lượng vừa phải từ băng cassette, radio, đĩa than, băng cối, đĩa CD... do chính ông chủ sưu tầm từ những người sành chơi nhạc ngày trước. Những tưởng, các quán cà-phê xuất hiện trong hẻm sẽ ít nhiều ảnh hưởng không gian tĩnh lặng mà người dân trong hẻm chắt chiu bao năm nhưng không, hóa ra, tình người trong những con hẻm vẫn nồng đượm. Bà Võ Thị Kim (68 tuổi, trú K113 Nguyễn Chí Thanh) hồn hậu: “Trường (chủ cà-phê Nối) mở quán ở đây 4, 5 năm rồi. Nó sống tội lắm, biết điều với mọi người xung quanh.
Quán có thể thiếu nhân viên phục vụ nhưng không bao giờ để thiếu nhân viên giữ xe. Xe của khách luôn được xếp đặt gọn gàng chừa lối đi an toàn. Quanh đây ai cũng thương nó”. Bà Ngọc (71 tuổi, nhà đối diện cà-phê Nối) góp lời: “Ở hẻm nhỏ này, mọi người sống rất đoàn kết, gắn bó. Trường đã trở thành một thành viên thân thiết của hẻm. Có việc gì cần sức trai trẻ cũng chạy qua gọi nó hoặc nó cần gì cũng qua thưa với mấy cô, mấy chú. Thương lắm”…
Hẻm như một tổ ong khổng lồ mà mỗi nhà là một ngăn nhỏ, gắn bó, ấm áp. Nếu ngại phải bon chen giữa những con đường lớn, bạn thử tấp đại xe vào một con hẻm nào đó, đi xe chầm chậm sẽ thấy lòng chợt bình yên đến lạ kỳ.
Bài và ảnh: Quỳnh Trang