Góc cũ xưa bên sông Hoài

.

Chúng tôi không phải là nhóm người duy nhất còn thức ở Hội An lúc 0 giờ sáng, bởi nơi đây vào giờ này còn nhiều du khách người “Tây” la cà dọc sông Hoài, còn những chuyến xe ôm nhận chở khách từ phố cổ về khách sạn và đặc biệt có một phiên chợ quê nằm ngay đầu cầu Cẩm Nam. Chợ chỉ tồn tại áng chừng 4-5 tiếng đồng hồ trong đêm khuya, rồi tan ngay khi ánh bình minh ló dạng trên sông Hoài.

Vợ chồng ông Lê Viết Tú - bà Đỗ Thị Hải bên hàng hến có tuổi đời hơn 20 năm.  Một góc chợ đêm cầu Cẩm Nam (ảnh bên).
Vợ chồng ông Lê Viết Tú - bà Đỗ Thị Hải bên hàng hến có tuổi đời hơn 20 năm. 

1. Theo chân những người bạn đi tìm kiếm “một Hội An xưa cũ” vào lúc 0 giờ sáng, tôi đứng lặng lúc lâu trên đường Trần Phú-tuyến đường trung tâm Hội An, nhìn phố cổ ngủ yên dưới màn đêm tĩnh mịch. Bên sông Hoài, đêm tối không phủ kín được tường vàng, ngói âm dương hay bóng đèn lồng xanh đỏ, chỉ nhẹ nhàng “tô vẽ” lên lòng phố thứ ánh sáng ảo huyền đủ thấy mặt người.

Chúng tôi không phải là nhóm người duy nhất còn thức ở Hội An lúc 0 giờ sáng, bởi nơi đây vào giờ này còn nhiều du khách người “Tây” la cà dọc sông Hoài, còn những chuyến xe ôm nhận chở khách từ phố cổ về khách sạn và đặc biệt có một phiên chợ quê nằm ngay đầu cầu Cẩm Nam. Chợ chỉ tồn tại áng chừng 4-5 tiếng đồng hồ trong đêm khuya, rồi tan ngay khi ánh bình minh ló dạng trên sông Hoài.

Dân Hội An hay gọi chợ này là chợ đêm cầu Cẩm Nam hay chợ đầu mối cầu Cẩm Nam. Tìm chợ không khó, cứ chạy xe về ngã tư Phan Bội Châu - Hoàng Diệu đã thấy thấp thoáng những mẹ, những chị trải gánh hàng dọc vỉa hè. Mùa hè, chợ mở sớm hơn. Từ 1-2 giờ sáng, không gian yên ắng ở một góc cầu Cẩm Nam đã bị “phá vỡ” bởi tiếng xe máy, tiếng người nói, cười, gọi nhau í ới.

Hàng hóa ở đây cũng dung dị như người, nhưng đa phần là mặt hàng có “tiếng”. Đảo một vòng, chúng tôi đã nghe thơm lừng hương bắp nếp nức tiếng của đất Cẩm Nam, thấy hũ tương ớt Hội An “đã mắt” trên mẹt, thấy con cá, con tôm của sông Hoài nhảy tanh tách trên rổ hay bó rau Trà Quế xanh tươi trên quang gánh. Rồi còn đó cao lầu khô, trầu cau, trái cây… đều là sản vật đặc trưng của phố Hội.

Các bậc cao niên sống gần khu chợ cho hay, chợ phiên đã có từ lâu, ngày trước có hai món đặc trưng là cá hấp Cẩm Nam và bắp nếp Cẩm Nam và hầu hết tiểu thương ở đây đều là người Cẩm Nam tham gia buôn bán. Bây giờ, ngoài cá, ngoài bắp còn có hến. Hến trở thành “biểu tượng” ẩm thực không chỉ ở chợ phiên này, mà còn là “thương hiệu” của cả một vùng đất nhỏ bên kia cầu Cẩm Nam.

Có “thâm niên” buôn bán hơn 20 năm ở đầu cầu Cẩm Nam, vợ chồng ông Lê Viết Tú - bà Đỗ Thị Hải (trú Cẩm Nam, Hội An) nuôi hai người con lớn lên bằng chính gánh hến “đặc” chất Cẩm Nam. Một phần hến được bán kèm gói nước hến mang vị phù sa sông Hoài. Ông Tú kể: “Bán cái chi không biết chớ bán hến thì phải đi sớm ra đây ngồi, đong nước hến cho vào bao sẵn. Mua hến mà không lấy nước hến, thì món ăn nấu bớt ngon”.

Một góc chợ đêm cầu Cẩm Nam.
Một góc chợ đêm cầu Cẩm Nam.

Ở đây, hầu hết tiểu thương là phụ nữ. Có người gánh hàng một mình, có người được chồng con phụ giúp chở hàng trên những chiếc xe ba gác hoặc xe máy. Họ thường đến chợ từ rất sớm, một phần vì những người thu mua bán lẻ thường mua hàng sớm để kịp chở đi bán ở những nơi khác. Việc mua bán diễn ra nhanh chóng. Rất hiếm khi nghe thấy những mặc cả, cãi cọ hay rao hàng ồn ào, bởi người bán lẫn người mua đều là “mối” hàng quen thuộc. “Đều là người quen cả, bán mua với nhau ở đây mấy chục năm, thuận mua vừa bán, có chi đâu phải giành giật nhau”, bà Hồ Năm, có hơn 30 năm bán hến ở chợ cho hay.

“Ở đây, đàn ông bán hàng cho vợ, như tôi nè, thì chưa tới chục ông, số còn lại, chở vợ tới rồi ngồi đợi trong kia”, ông Tú vừa nói, vừa chỉ tay vào quán cà-phê cóc kề bên chợ. Quán mở chừng 5 tiếng, ngang ngửa thời gian hoạt động của chợ phiên, chợ tàn, quán cũng nghỉ. Khách ra vào quán được chủ quán gọi vui là “hội đàn ông đợi vợ”. Tranh thủ lúc vợ đang bán mua, họ tìm sự tỉnh táo bên ly cà-phê nóng, điếu thuốc và bàn cờ tướng.

Bà Huỳnh Thị Sanh, một tiểu thương kể: “Chợ phiên tính ra ít nhất cũng tồn tại khoảng 40 năm rồi. Từ thời ông bà, ba mẹ tôi đã có, nhưng không phải ai cũng biết đến nó”. Trong ký ức bà Sanh, chợ phiên trong những năm 80 của thế kỷ trước là những gánh hàng nhỏ lẻ, có phần hiu hắt bên ngọn đèn dầu. Dần dà, theo nhu cầu mua bán, những gánh hàng ngày một nhiều hơn và không khí chợ cũng sôi nổi, nhộn nhịp hơn. Ngay cả những người Hội An, vẫn ít người biết đến chợ trừ khi là người trung niên, lớn tuổi, bởi hoạt động của chợ nhanh lẹ, như ngọn đèn trong đêm bên bờ sông Hoài rồi vội tắt trước bình minh.

2. Trên đầu cầu Cẩm Nam, không khó để bắt gặp những chiếc xe đạp thồ, xe máy thồ chất đầy sản vật phố Hội trên hành trình từ Hội An ra Đà Nẵng, gần hơn thì Điện Bàn, Duy Xuyên, Thăng Bình… Sớm đi, tối về, chị Nguyễn Thị Loan, một tiểu thương, kể: “Ngày trước vợ chồng tui chia nhau đạp xe đi bán, sáng 2 giờ đã dậy, cỡ 3 giờ ghé chợ phiên lấy hàng rồi đạp ra Đà Nẵng bán”. Chị Loan hay bán quanh chợ Hàn, chợ Cồn, có khi chạy xe rao vòng quanh các khu phố lớn nhỏ, những con hẻm. Món chị bán nhiều nhất là bắp nếp, thứ bắp nếp Cẩm Nam dẻo hạt, thơm lừng, nóng hổi…

Phố cổ Hội An bây giờ hiện đại hơn, tươi mới hơn, kéo theo nhiều câu chuyện bên lề về sự “quá tải” trong du lịch và nỗi lo âu về những giá trị xưa cũ sẽ mất đi. Một đồng nghiệp của chúng tôi, bao lần dọc ngang phố cổ đã nói rằng: “Hội An giờ nổi tiếng hơn, khách đông hơn, đến phố cổ dịp cuối tuần đôi khi không còn cảm nhận được cái hồn của phố nữa. Nhưng Hội An lúc đêm khuya hay sáng sớm vẫn là một Hội An vốn có, trầm mặc và xưa cũ”.

Những “cũ xưa” đó vẫn còn len lỏi trong ngõ ngách tường vàng phủ rêu, trong tiếng hội sắc bùa trên phố mỗi đêm và trong từng nhịp thở lặng lẽ của phiên chợ đêm bên sông Hoài. Hội An bây giờ đã có thêm nhiều phiên chợ đêm hiện đại, họp ngay trong lòng phố vào khung giờ vàng cho khách du lịch, như chợ đêm đường Nguyễn Hoàng, chợ đêm Hội An trên tuyến Trần Quý Cáp-Bạch Đằng, nhưng chợ đêm cầu Cẩm Nam có lẽ là phiên chợ đậm màu Hội An nhất mà ít người biết đến.

Lại nhớ đến chia sẻ của ông Nguyễn Văn Sơn, Chủ tịch UBND thành phố Hội An, trong dịp khai trương tuyến chợ đêm Hội An: “Mở chợ đêm ở đây sẽ giải quyết nhu cầu buôn bán kinh doanh cho các hộ trong quá trình sắp xếp hàng rong của thành phố, cũng như thu hút khách về phía đông phố cổ, thúc đẩy khu vực này phát triển”. Bên cạnh mở thêm chợ đêm, có lẽ, chính quyền địa phương này cũng nên có phương án gìn giữ, quảng bá chợ đêm cầu Cẩm Nam, vừa giải quyết phần nào câu chuyện mưu sinh của bà con nơi đây. Phần nữa, chính là cách lưu giữ một hoạt động sinh hoạt đặc trưng, xưa cũ mà sống động của phố Hội bao đời.

Bài và ảnh: XUÂN SƠN

;
;
.
.
.
.
.