Về làng coi đá bóng

.

Những ngày cuối tháng bảy, lúa đã sạ xong, phân tro đã vãi, bờ đã chặt cỏ xong nên việc đồng áng tạm lắng lại, cả làng quê dành trọn tình yêu với trái bóng tròn.

Một pha đẩy bóng cứu bàn thua của đội Quang Châu trong loạt sút luân lưu 11m.
Một pha đẩy bóng cứu bàn thua của đội Quang Châu trong loạt sút luân lưu 11m.

Cả làng ra sân

Chiều nay cả làng Quang Châu rủ nhau đi coi trận chung kết giữa đội nhà với đội thôn Phong Nam để tranh ngôi vô địch Giải bóng đá thanh niên xã Hòa Châu (huyện Hòa Vang) năm 2019. Mấy quán nước ở chỗ ngã ba làng vắng tanh không một bóng người. 4 giờ chiều, trận chung kết mới bắt đầu, nhưng bà con trong xã từ thanh niên đến cụ già, từ trẻ con đến mẹ chị đều có mặt từ sớm để  kiếm một chỗ ngồi tươm tất trên bãi cỏ quanh sân bóng làng.

Sân bóng thôn Quang Châu buổi chiều nóng như chiếc chảo rang, chung quanh đỏ rực màu hoa phượng. Trong khi ban tổ chức an vị trên sân khấu bằng xi- măng quan sát trận đấu thì khán giả ngồi quanh sân cỏ, vô tư reo hò cầu thủ trong niềm thương mến: “Mốc..., lùi lại mau”; “Beo ơi, khép góc”; “Ê, Ròm, chạy nhanh lên”...

Trận đấu diễn ra không có bình luận viên như thường thấy trên ti-vi mà chỉ có chiếc loa sắt gắn cạnh sân khấu thỉnh thoảng nổi nhạc “tèn tén ten” và tiếng ban tổ chức xướng tên cầu thủ ghi bàn. Một số trai làng còn mang theo cả loa xách tay, kèn thổi, chập cheng đi ủng hộ đội nhà khiến sân bóng mang một không khí cuồng nhiệt đến nghẹt thở. Quanh sân bóng, người đứng, kẻ ngồi; trẻ con ngồi hóng hớt chờ bóng bay tuốt qua bên kia vườn mấy ngôi nhà gần sân bóng là rủ nhau hò hét đi lượm…

Trong lúc chờ đợi, nhiều người ngồi bệt trên cỏ ngó bầu trời trong vắt. Trên trời chim én từng đôi bay lượn thảnh thơi như chẳng hề biết dưới đất các cầu thủ trẻ đang gồng mình dưới cái nắng gần 40 độ để bảo vệ màu cờ sắc áo cho làng.

Tôi lót dép ngồi bệt trên làn cỏ mềm hóng hớt câu chuyện bên lề của các lão nông yêu bóng đá không khác chi yêu mấy đám ruộng vừa sạ xong lên mơn mởn ngoài đồng. Họ không chỉ thuộc lòng tên các cầu thủ, nhớ rõ con nhà ai, cháu bà nào trong làng mà còn nắm rõ ngón nghề từng thành viên trong đội bóng. Thỉnh thoảng các cụ lại xuýt xoa tiếc khi bóng bay một cách ngon ăn lại đập vào cột dọc hay một cầu thủ lỡ nhịp ghi bàn…

Thôn trưởng Quang Châu Trần Bông nói như hét vào tai tôi trong tiếng reo hò vỡ cả lồng ngực khi đội bóng làng Quang Châu chiến thắng với tỷ số sát nút 3-2 trong pha sút luân lưu cuối trận: “Đêm nay chắc cả làng không ngủ. Vui quá trời đất luôn”.

“Cả làng ra sân cùng các anh”. Nội dung câu băng-rôn đã trở thành niềm kiêu hãnh được cổ động viên Quang Châu căng lên mỗi khi đội nhà thi đấu. Trong buổi chiều như thế này vào 2 năm trước, đội bóng Quang Châu vô địch, cả làng cùng nhau mở tiệc ăn mừng trên sân. Lúc đó, nhiều người đã nói vui rằng, có khi trong công tác dân vận, dù có ngàn lời hiệu triệu đến mấy cũng không thể  có sức hút bằng một lần đội bóng vô địch. Huống gì chừ bảo vệ thành công ngôi vô địch!

Hơn cả tình yêu bóng đá…

Những năm 80 thế kỷ trước, đội bóng thôn Quang Châu không chỉ nổi danh ở địa bàn Hòa Châu, huyện Hòa Vang, mà còn được biết đến cả những vùng lân cận. Khi đó, Nhà máy Dệt 29-3, Nhà máy Dệt Hòa Thọ hay các xã như Điện Minh, Điện An (thị xã Điện Bàn), Bình Trung, Bình Tú (huyện Thăng Bình)... đều tự bỏ kinh phí ra để mời cho được đội bóng Quang Châu thi đấu giao hữu, phục vụ cho công nhân các nhà máy, xí nghiệp và nhân dân địa phương.

Theo số liệu thống kê từ ban tổ chức, đội bóng thôn Quang Châu cho đến lúc này, đang là đơn vị sở hữu nhiều chức vô địch nhất trong suốt chiều dài của giải đấu trong suốt 40 năm qua. Các thế hệ cầu thủ đã đem về phòng truyền thống của mình 12 lá cờ hạng Nhất.

Ông Trần Xử, người từng dẫn dắt đội tuyển trong những năm 80 bây giờ trở thành khán giả nhiệt thành theo dõi trận chung kết  của hậu thế, tâm sự rằng: “Thời của chúng tôi, bóng đá hồn nhiên và hào hoa lắm. Cầu thủ chân đất nhưng lại đá bóng với tâm hồn nghệ sĩ. Bây giờ các em thiên về kỹ thuật nhiều hơn…”.

Dễ chừng hơn 40 năm tôi mới có đủ thời gian ngồi bệt trên cỏ để xem bóng đá làng mình. Các cầu thủ chân đất ngày xưa nhiều người giờ đã lên lão. Những cái tên như Ngô Ngọc Minh, Đặng Tân, Trần Xử, Trần Ngãi, Lê Thành Vệ, Ngô Ngọc Lý… giờ đã kẻ còn, người mất. Và không biết chiều nay họ có ra sân bóng làng xem con cháu đá bóng mà nhớ về một thời đã qua?!

Gần nửa thế kỷ qua, sân bóng làng Quang Châu được xem như một địa điểm đẹp ngay trung tâm xã để tổ chức các giải bóng đá của Hòa Châu. Năm nay, sân cỏ “nóng” hơn thường ngày bởi những trận thư hùng dày đặc từ vòng loại đến bán kết, chung kết của 7 thôn trên địa bàn xã. Dường như những mùa giải liên tiếp trong 5 năm gần đây, trận chung kết giải “Bóng đá Thanh niên Hòa Châu” luôn là trận đấu của hai đội bóng Quang Châu và Phong Nam để giành cúp vô địch.

Niềm vui chiến thắng! Ảnh: Như Hạnh
Niềm vui chiến thắng!. 

Có người còn dí dỏm so sánh rằng: Quang Châu mà gặp Phong Nam giống như Việt Nam gặp Thái Lan vậy. Bởi đội bóng thôn Phong Nam là đội mạnh trong xã, đã từng có thành tích 3 năm về nhất liên tiếp (2014, 2015 và 2016) còn Quang Châu đang là đương kim vô địch mùa giải gần nhất 2017.

Trên sân cỏ chiều nay, dân làng Quang Châu dường đã quá quen với một người luôn trầm ngâm đi dọc theo đường biên bên trái khán đài. Thỉnh thoảng anh ra lệnh ngắn gọn cho các cầu thủ trẻ đang nhễ nhại mồ hôi trước trái bóng tròn. Tên anh là Trần Việt Tuấn, được dân làng Quang Châu âu yếm gọi là “Trưởng đoàn, ông bầu hay huấn luyện viên”.

Theo lời tự bạch của anh thì tình yêu bóng đá cũng có gen di truyền. Từ những năm lên 9, lên 10, anh đã theo cha ra sân bóng làng xem các cầu thủ đá tập. Lúc đó cũng chính là thời gian cha anh, ông Trần Xử, cùng một số người khác dẫn dắt đội bóng Quang Châu đi thi đấu ở các nhà máy và một số huyện tỉnh Quảng Nam. Mười năm là con số chỉ thời gian anh gắn bó máu thịt với đội bóng làng mình, gắn bó đến nỗi anh gọi đó là “Hạnh phúc của một người sinh ra và lớn lên từ làng”.

Khép lại một mùa giải, ông Trần Thanh Tuấn, Phó Chủ tịch UBND xã Hòa Châu, Trưởng ban Tổ chức Giải bóng đá thanh niên Hòa Châu 2019, ngỏ lời cảm ơn sự ủng hộ nhiệt tình của cán bộ, nhân dân các thôn, một trong những đóng góp quan trọng mang lại thành công cho năm nay. Không chỉ tạo một sân chơi mùa hè cho thanh, thiếu niên trong xã, giải đấu còn thắt chặt tình đoàn kết giữa các thôn. Trước mỗi trận đấu, loa phát thanh đọc nội quy của giải do ban tổ chức soạn để khán giả, nhất là các cổ động viên, hành xử đúng mực, tránh tình huống quá khích.

Với đội bóng Quang Châu, dường như mỗi khi thi đấu, hầu hết bà con trong làng đều ủng hộ từ 50.000 – 70.000 đến vài triệu đồng cho anh em cầu thủ uống nước. Trưởng thôn Bông kể, mùa giải năm 2017, khi mừng công đội bóng Quang Châu vô địch, con số 87 triệu đồng mà bà con ủy lạo được công bố đã đem đến những ngạc nhiên và đầy phấn khích cho toàn đội bóng.

Ai đó từng nói: “Bóng đá cũng là cuộc đời”. Hãy thử một lần về làng trong ngày trái bóng lăn để thấy niềm vui, nỗi buồn thật giản dị, hồn nhiên trong ánh mắt dân làng nhưng sự cuồng nhiệt, niềm tự hào màu cờ sắc áo. Đó chính là tình yêu quê hương chân chất mà đằm sâu của những người dân quê tôi.

24-7-2019

Như Hạnh
 

;
;
.
.
.
.
.