Dưới chân Tháp Sáng

.

Nắng, gió và cỏ cây um tùm bao quanh Tháp Sáng (làng Đồng Dương, huyện Thăng Bình, tỉnh Quảng Nam) - trung tâm Phật giáo Chămpa một thưở. Ở đó, những hậu duệ người tộc Trà - một trong bốn họ tộc xưa cũ của người Chăm đang sống lặng lẽ, giữa năm tháng thăng trầm...

Nhà thờ tộc Trà ở làng Đồng Dương.  Ảnh: XUÂN SƠN
Nhà thờ tộc Trà ở làng Đồng Dương. Ảnh: XUÂN SƠN

Hậu duệ người Chăm bên cổ tháp

Chúng tôi tới Đồng Dương đầu tháng 11-2019, tức là đã hơn một thế kỷ, kể từ khi nhà khảo cổ Henri Parmentier cùng đoàn khảo cứu của Viện Viễn Đông Bác Cổ đặt chân đến Đồng Dương. Trong những tư liệu được ông ghi chép lại, Đồng Dương là một điểm đến trong hành trình khảo cổ của ông và cộng sự về các công trình Chămpa, cùng với Mỹ Sơn (Quảng Nam), Phong Lệ (Đà Nẵng), Chánh Lộ (Quảng Ngãi) và Banteay Srei (Campuchia).

Trong ký ức của Henri Parmentier, toàn khu vực Đồng Dương năm 1902 phân bổ xuyên suốt hơn 1.300m từ tây sang đông, được bao bọc bởi tường gạch cũ. Theo thời gian, nhiều hiện vật, dấu tích giá trị ở Đồng Dương dần dần được phát hiện và lưu giữ. Trong số đó, nhiều hiện vật đang có mặt ở Bảo tàng Điêu khắc Chăm Đà Nẵng.

Chuyện của thế kỷ trước đã nằm lại trong những tư liệu cũ. Ngày nay, muốn tìm hiểu về Đồng Dương, không quá khó, song, dường như không nhiều người biết đến một cộng đồng người Chăm đã gắn bó với Đồng Dương từ nhiều đời. Từ trung tâm thành phố Đà Nẵng, chạy xe chừng 65km, bước qua cổng làng Đồng Dương, sẽ thấy Tháp Sáng trầm mặc giữa cỏ cây um tùm. Nơi ấy, những hậu duệ người tộc Trà - một trong 4 họ tộc xưa cũ của người Chăm vẫn lặng lẽ sinh sống.

Theo ông Lê Văn Lợi, Phó Chủ tịch UBND xã Bình Định Bắc (huyện Thăng Bình), làng Đồng Dương đã tồn tại từ lâu đời, gắn chặt với nhịp sống địa phương nơi đây, nhưng người nơi khác ít ai biết tới. Bởi, do điều kiện khách quan, du khách có tới Bình Định Bắc, vào làng Đồng Dương thường chỉ được giới thiệu đến Phật viện Đồng Dương, Tượng đài chiến thắng Đồng Dương...

Đường làng Đồng Dương nhỏ, được bê-tông hóa, đủ cho 2 làn xe máy qua lại. Ngày nay, lối vào làng, nhà thờ tộc Trà đã được xây dựng khang trang, sơn màu vôi mới. Phía cuối làng, cách Tháp Sáng chừng vài trăm mét là nhà Bí thư Chi bộ thôn Đồng Dương Trà Tấn Vụ.

“Lâu rồi chưa có khách ở xa tới thăm”, ông Vụ nói. Bên ấm trà nóng, ông Vụ trầm ngâm kể về gốc tích tổ tiên, về phong tục tập quán của bà con trong họ tộc. Theo gia phả tộc Trà, thủy tổ của ông Vụ cùng 130 hộ mang họ Trà khắp làng Đồng Dương hiện nay là Trà Hòa Bố Để - là hậu duệ vua Chế Mân, phò mã của vua Chế A Nan, đức vua đời thứ 9 của vương triều Vijaya, đóng đô ở Đồ Bàn (Bình Định ngày nay).

Trong giai đoạn phát triển hưng thịnh của Phật giáo tại Đồng Dương (thế kỷ IX-XV), tộc Trà ở Đồng Dương dần được hình thành và trở thành nhánh gốc của một trong 4 họ tộc lớn của người Chăm là Ung, Ma, Trà, Chế. Trải qua thời gian, chiến tranh, thiên tai..., con cháu của tộc Trà xưa như ông Vụ đang gìn giữ những dấu ấn văn hóa Chăm còn lại trên xứ Aravati (Quảng Nam), dưới chân Tháp Sáng - tháp cổ duy nhất còn “đứng vững” dưới tuế nguyệt.

Theo ông Vụ, Đồng Dương là đất bán sơn địa. Năm trước đời sống người dân rất khó khăn. Ngày nay, nhờ những nỗ lực của chính quyền, đời sống bà con dần ổn định, con cháu sinh ra được đi học đầy đủ, có công ăn việc làm đường hoàng.

Điều đáng quý là trải bao thăng trầm, tại làng Đồng Dương ngày nay, nhiều tập tục vẫn được dân làng gìn giữ. Ví như nói đến các món ăn trong mâm cỗ lễ. Trên mâm tuyệt nhiên không thể thiếu tô canh chua lá me và canh môn ngọt. Cụ ông Trà Tấn Tôn, người cai quản nhà thờ tộc cho biết: “Hồi xưa, vườn nhà nào ở đây cũng trồng môn, ăn cơm phải có canh môn. Đời sống thay đổi, hòa nhập văn hóa, thói quen ăn uống dân làng dần thay đổi. Bây giờ, canh môn hay canh chua lá me bây giờ xuất hiện ở dịp lễ nhiều hơn”.

Làng xưa sẽ thôi lặng lẽ

Người họ Trà đi xa không ít, song, có một điểm chung là họ chưa bao giờ quên cội nguồn, tổ tiên, nhà thờ tộc, nhà thờ tiền hiền và trung tâm làng chính là Tháp Sáng - biểu tượng dẫn đường cho con cháu tứ phương khắp mọi miền đất nước trở về. Cứ đúng ngày 12 tháng Chạp hằng năm, Tháp Sáng bớt trầm mặc bởi bước chân của những đoàn người xa quê về hành lễ.

Dưới chân Tháp Sáng, không phải người dân làng nào cũng mang họ Trà. Ông Vụ cho biết, xưa nay người làng có tục “bắt rể”. Mỗi lần có rể là thêm một người mang họ khác trong gia đình, kéo theo số lượng người không mang họ Trà ngày một nhiều hơn. “Thế hệ con cháu như chúng tôi ngày ấy, ra đường, thấy ai họ Trà thì tuyệt đối không tìm hiểu yêu đương, không bàn đến kết hôn, điều này gần như là tục lệ của tộc Trà trên cả nước”, ông Vụ cho hay.

Ông Trà Tấn Tôn cho biết, trong nhà thờ tộc Trà đang lưu giữ một tượng voi đá cách điệu và nhiều tấm bia đá điêu khắc chữ Chăm được khai quật ở Phật viện. Song, khi những bậc cao niên trong làng ngày nay đã thành người thiên cổ, thì không còn người dân Đồng Dương nào có thể dịch rành mạch những văn tự xưa ấy nữa.

Bên cạnh nhịp sống yên vui, vẫn có những nốt trầm đang len lỏi qua những mái nhà ở Đồng Dương, qua những câu chuyện, những mảng kiến trúc đã xuống cấp... Những hậu duệ họ Trà như ông Tôn, ông Vụ… ngày ngày đi ngang tháp, vẫn khẽ nén tiếng thở dài. Ông Vụ nói, chỉ hy vọng có một dự án, một chương trình bảo tồn, kết nối và gìn giữ được giá trị quý báu của Tháp Sáng, của vùng đất này.

Đồng Dương được Thủ tướng Chính phủ công nhận là Di tích quốc gia đặc biệt vào ngày 22-12-2016 tại Quyết định số 2499/QĐ-TTg. Tuy nhiên, sau gần 3 năm, vẫn chưa có một lễ công bố chính thức quyết định này. Theo ông Nguyễn Thanh Hồng, Giám đốc Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch tỉnh Quảng Nam, do UBND tỉnh này đang có chủ trương chờ doanh nghiệp tham gia đầu tư trùng tu, sửa chữa và khai thác, sau đó mới tổ chức công bố quyết định để nâng tầm giá trị cho di tích.

Tháp Sáng đã xuống cấp, nằm lặng lẽ giữa cây cối um tùm.
Tháp Sáng đã xuống cấp, nằm lặng lẽ giữa cây cối um tùm. Ảnh: XUÂN SƠN

Hiện tại, theo thông tin từ UBND xã Bình Định Bắc, đã có doanh nghiệp đăng ký đầu tư ở Đồng Dương theo hình thức du lịch trải nghiệm, mô phỏng cuộc sống, truyền thống anh dũng kiên cường của người dân xứ Quảng. Nếu dự án được triển khai hợp lý sẽ trở thành cú hích cho sự phát triển kinh tế - xã hội trên xứ Aravati cổ xưa này.

Tháng 5 vừa qua, tại cuộc họp với các sở, ngành về tình hình thực hiện xúc tiến đầu tư, hỗ trợ doanh nghiệp trên địa bàn tỉnh Quảng Nam, ông Trần Văn Tân, Phó Chủ tịch UBND tỉnh đã đề cập tới Đồng Dương trong kế hoạch xây dựng dự án du lịch ở xã Bình Định Bắc, đồng thời đề nghị các ban, ngành chức năng cần tập trung tạo điều kiện thuận lợi để thu hút doanh nghiệp đến trùng tu, sửa chữa và khai thác di tích Phật viện Đồng Dương.

Tháng 12-2018, Thủ tướng Chính phủ ký Quyết định số 1821/QĐ-TTg về việc công nhận bảo vật quốc gia (đợt 7), trong đó có Đài thờ Đồng Dương 22.24 (niên đại thế kỷ IX-X), hiện lưu giữ tại Bảo tàng Điêu khắc Chăm Đà Nẵng. Đài thờ này, cùng với tượng Bồ tát Tara và nhiều bảo vật giá trị khác đang là một phần giá trị của Đồng Dương được gìn giữ cẩn thận.

Phần còn lại của di tích là Tháp Sáng và những nền móng xưa cũ “hồn cốt” của Đồng Dương vẫn đang chờ ngày chuyển mình, để có thể lại bừng sáng như chính tên gọi của đền tháp cổ.

XUÂN SƠN

;
;
.
.
.
.
.