Ba tôi…

.

Cuối tuần, ba điện thoại bảo mấy đứa rể về lai rai vài chai cho vui. Mồi, bia ông đã chuẩn bị sẵn. Dặn con rể thứ nhà gần chợ ghé mua ít đá lạnh. Nó “dạ, dạ” rồi lại về người không. Ông hỏi, nó bảo: “Ba lo chi, để xí con “ship” về”…

Minh họa: HOÀNG ĐẶNG
Minh họa: HOÀNG ĐẶNG

1. Nghe không ra từ “ship”, không hiểu con nói gì nhưng lần quần sửa soạn chén, đũa, ông bỏ qua không hỏi lại. Vừa ngồi vô bàn thì có cậu thanh niên ghé lại, đưa một bịch đá lạnh và 2 cái bánh tráng nướng. Thấy con rể móc túi trả 15.000 đồng. Ông ngẩn người: “Bữa ni có chuyện họ bán đá, bánh tráng tận nhà nữa răng bây?”. Cả đám cười xòa: “Bữa ni cái chi cũng “ship” tận răng hết á ba. Buổi sáng ba nhác ra đường ăn sáng thì nói tụi con đặt cho.

Bún bò, mỳ Quảng, xôi… chi cũng có. Ba ưng uống cà-phê thì cũng có cà-phê tại nhà luôn. Ngồi nhà cho mát, khỏi ra đường”. “Bây có khùng không bây? Sáng ra đường ngó người ta ngược xuôi đi lại. Ngồi ăn tô bún nóng hổi. Uống ly cà-phê nhâm nhi với mấy ông bạn già, nói chuyện trên trời dưới đất. Chớ phải sống cô độc đâu mà tự nhiên ngồi một mình trong nhà. Mà có tay, có chân chớ đui què chi mà để họ phục vụ tận nơi rứa?”, ông la sẵng lại.

Nói rồi, ông kể chuyện thằng cu út. Cái thằng thiệt hư. Hắn lấy điện thoại của mẹ, đặt đồ trên mạng. Họ đem tới đây, thu 163.000 đồng. Ta hỏi hắn còn gân cổ cãi, con làm rứa là tiết kiệm cho ba mẹ. Ở ngoài hiệu sách họ bán 1 ram vở 20 cuốn là 80.000 đồng, trên mạng giảm còn có 65.000 đồng. “Cái ba bực nhất là hắn tự tiện đặt rồi không có nói chi với ba mẹ.

Lúc cậu thanh niên giao hàng tới gọi ra nhận hàng, ba không nhận vì ba có mua cái chi đâu mà biểu ba nhận. Đứng giằng co cả buổi thì hắn đạp xe về, nói tỉnh bơ con mua đó, ba trả tiền đi”. Trưa nớ ba mẹ giận không ăn cơm, kêu hắn lại hỏi chuyện, hắn còn nói ba nhà quê quá, chừ cái chi cũng mua trên mạng để được giảm giá... Thằng cu học lớp 7, ông mới ngoài 50. Vậy mà ông thấy mình chẳng theo kịp con. Nhiều lần tủi buồn khi nó dùng những từ ngữ ông không hiểu được: “seo (sale), síp (ship), o đờ (order), síp pờ (shipper)”. Có bữa 9 giờ tối rồi mà nó chạy từ trên gác xuống bảo ba ơi, có anh “síp pờ” đem đến cho con ly trà sữa với cái bánh pizza, ba ra nhận giùm con với. Ông hỏi đi hỏi lại “anh síp pờ mô, nhà mình có ai tên síp pờ”.

Nó ôm bụng cười nắc nẻ: “Trời ơi, anh “síp pờ” là anh giao hàng đó. Chớ ba tưởng là họ tên “síp pờ” hà?”. Ông lắc đầu ngán ngẩm rồi cũng ra lấy cho con. Hỏi nó họ mang tới tận nhà rứa là mình phải tốn thêm tiền phải không. Nó còn nhăn nhăn nói: “Trời ơi có thêm 15.000 chớ mấy. Họ chạy ngoài đường mua đồ ăn cho mình, mình được ở trong phòng máy lạnh mát mẻ, tiếc chi mấy đồng nớ!”. Giờ thằng con mới 13 tuổi đầu còn cằn nhằn ông. Mà ông đâu phải là nông dân, ở hang cùng ngõ hẻm không bắt kịp đời sống đô thị đâu, ông cũng là cán bộ mới về hưu chừng vài tháng nay thôi. Chỉ vài năm trở lại đây thôi, cuộc sống thay đổi, phát triển nhanh quá. Ông thấy mình như ngộp thở, lạc lõng.

2. Hôm rồi trong nhà có đám cưới chị em con cô con cậu. Lẽ thường ở quê mình, trước ngày cưới thường có cái lễ nhóm họ. Trong lễ này, người lớn trong nhà sẽ bàn bạc những ai ngày mai đi họ, ai nhận quả… Bữa tiệc ban đầu tiếng cười nói rôm rả. Cũng phải thôi, tiếng là người trong nhà chớ dễ gì gặp nhau, chỉ những ngày giỗ quả, đám đình mới có dịp…

Đến đoạn có người nói: “Chỉ những cặp vợ chồng nào còn ăn ở với nhau thì mới được đi họ, còn “đứt gánh giữa đường” thì thôi”. Câu nói đã thổi bùng lên cuộc tranh luận, cãi vả. Mấy bà dì sống ở Sài Gòn lâu năm nên tư tưởng thoáng hơn, nói: “Thời nào rồi mà mấy ông còn cổ lổ! Ăn ở đời kiếp với nhau được hay không là do mỗi người. Làm chi có chuyện mình “đứt gánh” thì không được đi trong đoàn rước dâu?”. Người kia nói qua, người này nói lại. Ai cũng bày tỏ quan điểm, có cái lý của riêng mình.

Rồi chuyện nọ xọ chuyện kia, có người bảo, con người sống phải có tổ tiên, ông bà, làm ăn chi thì làm ăn, đến ngày giỗ quả, chạp mả cũng phải về. Nhiều người lớn tuổi gật gù đồng tình. Nhưng có người cự lại: “Con người chết là hết. Cái thờ cúng chẳng qua cũng con người tự bày ra với nhau. Miễn trong lòng mình có ông có bà là được rồi.

Tui hỏi ông, chừ họ sống mà ngày ni chưa biết có qua ngày mai được không thì thời gian, tâm trí đâu mà lo cho người chết?”. Một người đồng tình: “Như tui tui không cần con cái tui thờ. Đứa mô hắn hiếu thảo, trong lòng hắn có cha có mẹ là mình mừng rồi. Hồi mô tui chết cứ đưa tui vô chùa là xong”. Vậy là mỗi người mỗi ý, cãi ầm lên. Thấy ba lẳng lặng ngồi nghe, không góp lời, nhưng trong đôi mắt ba, tôi thấy cả một bầu trời hụt hẫng.

3. Cũng phải, ông là người rất “dị ứng” với những ai chối bỏ quê hương, gốc gác. Theo ông, nếu như phương tây coi trọng sinh nhật (người sống) thì phương đông lại coi trọng ngày giỗ (người chết). Con cái trong nhà nhiều lúc chẳng nhớ đến ngày sinh của ba mẹ, đến khi giỗ chạp thì không được quên. Chuyện giỗ quảy không đơn thuần là hình thức mà đó là ngày mà bà con tộc họ gặp nhau sau những tháng ngày quay quắt với công việc.

Tôi còn nhớ như in ngày còn bé đã giãy khóc như thế nào khi ngày thi học kỳ lại trùng với ngày giỗ ông cố, bà cố gì ở trong quê, và ba buộc tôi phải về quê. Ông là lính, lời ông nói ra là “quân lệnh như sơn”: “Không thi ngày ni thì thi ngày khác. Giỗ ông bà một năm chỉ có một ngày. Con người sống mà không biết đến tổ tiên thì chỉ là đồ bỏ”. Mỗi năm, gia đình tôi chở nhau về quê từ 8-9 lần. Cả nhà 5 người cùng chất lên chiếc Cub 50 vượt quãng đường 70km. Mỗi khi tới nơi, ba chị em tôi ê mông, ê chân đứng không vững. Đó mới chỉ là địa phận đèo Le (thuộc huyện Quế Sơn, Quảng Nam). Cực khổ nhưng vẫn chịu được. Tôi chỉ hãi nhất mỗi lần về Trung Phước (quê ngoại). Đường núi lên dốc cheo leo. Xe Cub yếu không vượt dốc được, vừa đi vừa đẩy.

Lại còn phải đi ca-nô qua sông. Vì quá hãi đoạn đường đi mà không ít lần, tôi giả đau ốm để khỏi về quê. Từ ngày ông đưa ông bà ra ngoài này thờ cúng, số lần về quê của chị em tôi ngày một ít ỏi. Nhưng ông bà thì vẫn vậy. Không còn đám giỗ nhưng còn chạp mả, cưới hỏi của bà con trong tộc họ. Đám nào ông cũng phải đi với lý do: “Còn sức thì còn đi chớ vài năm nữa có muốn đi cũng không được”. Nhiều lần thấy ông dắt xe máy ra đầu đường đổ nhớt để sáng mai về quê cho êm, tôi gắt gỏng vì thương: “Ba gửi tiền về quê nhờ mấy cô đi giùm chớ đi chi cho cực”. Biết là nói chỉ để nói thôi vì ông sẽ không bao giờ nghe nhưng không nói cứ thấy ấm ức, bất mãn.

4. Chiều nay, ngồi nghe ba kể chuyện cu út, lại thấy thương ông vô hạn. Khoảng cách thế hệ là điều không thể tránh khỏi. Sự phát triển như vũ bão của công nghệ đã làm thay đổi càng nhanh mối quan hệ giữa cha mẹ và con cái, của người trong gia đình với nhau. Ba nói rằng, ông không “kỳ thị” hay quan trọng hóa chuyện “có đôi có cặp” trong đi họ rước dâu. Không hề coi thường một ai khi họ đổ vỡ hôn nhân. Cái truyền thống mà ông bà để lại ấy chỉ là để răn dạy con người, một khi đã là vợ chồng thì cố gắng nương tựa vào nhau, lấy tình thương mà bao dung khiếm khuyết, giữ lấy mái ấm cho con cái.

Và xa hơn là khi mình giữ được gia đình êm ấm thì con cháu mình sẽ theo đó mà học hỏi. Đó là truyền thống quý báu mà bất cứ thời đại nào cũng có giá trị, không hề là phong kiến, bảo thủ. Hồi tôi mới cưới chồng, ông dặn dò rất nhiều. Đại khái đến nay tôi vẫn còn nhớ, đó là “ngôi nhà không tự nhiên mà sạch, cơm trên bàn không phải tự nhiên có mà ăn. Bất cứ sự tỉ mỉ, chăm chút nào cũng đem lại sự đền đáp xứng đáng. Kết quả đó người hời hợt, dễ dãi không bao giờ nhận được”. Mỗi gia đình có cách rèn dạy con cái khác nhau. Con cái cũng chưa thể trưởng thành như đúng ý nguyện của cha mẹ. Nhưng với ba tôi, ông chỉ chọn làm gương.

Cả tuổi thơ tôi lớn lên với từng vòng xe về quê. Mỗi vòng xe ấy chở theo ra Đà Nẵng bao lúa, bịch khoai, bịch sắn mà các cô tôi vun trồng. Chẳng nhớ là nhà tôi đã không còn ăn cơm nấu từ gạo của các cô từ bao giờ. Chỉ biết hạt gạo quê màu xám xám, khô khô ấy vẫn là những bữa cơm đầm ấm nhất của gia đình tôi. Trong khoảng hơn một năm nay, tôi cũng không để ba về quê một mình nữa, chỉ cần thấy ông chợm về quê, mấy đứa con trong nhà đều nhanh nhảu: “Để con chở ba đi”. Như vậy là hạnh phúc, đúng không ba?

Quỳnh Trang

;
;
.
.
.
.
.