Chạm tay vào Tết

.

Chỉ còn vỏn vẹn vài ngày nữa là chạm ngõ Tết Nguyên đán. Đôi khi cả năm quần quật làm việc chỉ nghe người ta than thở sao ngày tháng cứ dài lê thê, chán ngắt. Bỗng dưng một ngày cuối tháng Chạp, nhìn nắng hanh hao trên ngọn sầu đông, giật mình nhận ra một năm đi qua không kịp chớp mắt...

Kể chuyện với con về mùa Xuân xưa.
Kể chuyện với con về mùa Xuân xưa.

1. Dấu hiệu đầu tiên để nhận ra Tết đang dần đến có lẽ chính là lúc mọi người đều chuyển sang tính ngày, tháng bằng lịch âm. Bình thường những người trẻ tuổi như học sinh, sinh viên… hiếm ai nhớ đến ngày âm lịch. Lý do đơn giản là đi học, đi làm, lĩnh lương tất tần tật đều theo lịch dương. Vậy mà cứ đến tháng Chạp, chẳng hiểu sao, mỗi người cứ như cái máy, tự động bật sang chế độ dùng… lịch âm. 

Đơn giản chỉ để đếm xem còn mấy ngày nữa là nghỉ Tết. Các bà nội trợ thì khẽ bấm ngón tay rồi nhìn ra ngoài trời nói bâng quơ một mình: Tháng Chạp rồi, giặt chăn màn, dọn dẹp nhà cửa ăn Tết! Trong khi đó người kẻ chợ lo lắng, vì đã qua rằm tháng Chạp rồi mà người đi chợ mua sắm thưa thớt như Giêng, Hai…

Tôi ngồi lọt thỏm giữa muôn hồng nghìn tía của những hộ kinh doanh hoa cây cảnh trên quãng đường Phạm Hùng phía nam cầu Cẩm Lệ, lắng nghe những câu chuyện không đầu không cuối của cô chủ. Một ông khách dáng chừng là cán bộ về hưu vừa ngắm nghía mấy giò lan Hồ Điệp đang theo gió đong đưa như cánh bướm vừa góp chuyện:

“Mùa xuân mà không có hoa thì còn gì là mùa xuân. Vì vậy, Tết dù thiếu thốn cỡ nào cũng ráng mua vài chậu lan chưng trong nhà cho có không khí xuân…”. Có lẽ vì thế mà mỗi người khách sau khi ghé gian hàng hoa ra về đều chở sau lưng cả một mùa xuân tươi thắm.

Ngoài những khu kinh doanh hoa cây cảnh cố định quanh năm, người Đà Nẵng không còn lạ gì những chợ hoa tự phát ven đường trong những ngày giáp Tết. Bắt đầu từ rằm tháng Chạp, ở những con đường trung tâm thành phố, các khu chợ hay các khu vui chơi bắt đầu họp chợ hoa Tết. Hoa từ các vùng ngoại vi thành phố như Hòa Liên, Hòa Phước, Hòa Tiến... (huyện Hòa Vang), thị xã Điện Bàn, thành phố Hội An (tỉnh Quảng Nam) tràn về các ngả đường như vẽ thêm sắc xuân cho thành phố.

Như một nét sinh hoạt văn hóa ngày xuân, người Đà Nẵng trong những ngày tháng Chạp lại rủ nhau đi chợ hoa Tết vui chơi. Có khi mua hoa để chưng trong dịp Tết nhưng cũng lắm lúc chỉ là đi ngắm hoa, dạo chợ như một thú vui tao nhã. Nhiều người còn bảo, cuối năm mà không đi chợ hoa xuân thì Tết năm đó “thiếu hẳn mùa xuân”.

Chợ hoa xuân ở Quảng trường 29 Tháng 3 bao giờ cũng là điểm đến lý thú của dân yêu hoa. Nhiều kiệt tác hoa được bàn tay nghệ nhân tạo hình đã làm say đắm trái tim bao người. Và dường như cung đàn mùa xuân lại ngân vang trên khắp phố thị...

Nhiều người mẹ đưa con dạo chợ Tết, sau khi ghé qua các gian hàng hoa, ghé lại những gian trưng bày các vật phẩm muôn tía nghìn hồng liên quan đến Xuân, đến Tết. Đó là những mẩu hoa văn nhỏ đầy sắc màu, trên đó ghi những lời chúc tốt đẹp như: Xuân vạn Phúc, Phát tài, Phát lộc, Xuân Yêu thương... Mẹ sẽ giải thích với con một vài điều có tính cách luân lý ấy để con ghi lòng tạc dạ làm hành trang cho những mùa xuân sau khi khôn lớn.

2. Hai mươi tháng Chạp, lang thang ở xã Điện Minh, thị xã Điện Bàn (tỉnh Quảng Nam), tình cờ “khai quật” được một góc ngồi nhậu lai rai ngó ra cánh đồng rau xanh lả lướt. Ở đó, mỗi người tha hồ ngồi nghếch mũi hít hà mùi rau húng, rau quế ngòn ngọt the the vào tận buồng phổi đang ám khói vì bụi đường. Có thể cảm nhận mùi xà lách mát rượi đầu môi và hương hành cay cay sống mũi. Rồi ngồi tựa hẳn vào lưng chiếc ghế, ngửa mặt lên trời một cách phóng khoáng ngắm đám mây trắng lững thững bay về cuối chiều.

Vì cả năm chỉ có một cái Tết nên người ta sẵn lòng làm quần quật cả năm để chuẩn bị cho ba ngày xuân được đủ đầy. Trên những đám ruộng rau kẻ ô bàn cờ vuông vức, những bà mẹ quê áo bà ba, nón lá đang cần mẫn làm cỏ, gieo hạt. Những luống rau giờ đã bén xanh non bên cạnh những đám đất nâu đang còn xới dang dở. Dường như rau cỏ cũng đang chạy đua với thời gian để kịp ra chợ ngày Tết. Lân la đứng cạnh bờ rào tre bắt chuyện người phụ nữ đang tưới rau bên kia mới biết rằng, cả cánh đồng rau mơn mởn kia đang được bà con “ém” kỹ chờ đến những ngày cuối tháng Chạp là xuống chợ. Thời điểm đó rau là mặt hàng được tiêu thụ nhiều nhất, hy vọng giá sẽ cao.

Quả thật, chợ ngày 30 Tết bao giờ cũng ngập tràn rau xanh và củ quả. Đó là phiên chợ cuối cùng của năm cũ để người nông dân trồng rau đánh canh bạc  chót. Gặp năm rau khan hiếm thì coi như ăn Tết phủ phê. Lỡ năm nào rau rớt giá thì nông dân điêu đứng ê chề. Cũng người phụ nữ trên cánh đồng rau Điện Minh ấy nói với tôi rằng, không biết mấy ngày nữa giá rau củ có tăng không chứ vụ Đông Xuân năm nay, giá  bấp bênh lắm!

Đi chợ hoa Tết là một nét sinh hoạt văn hóa ngày Xuân của người Đà Nẵng. Ảnh: NHƯ HẠNH
Đi chợ hoa Tết là một nét sinh hoạt văn hóa ngày Xuân của người Đà Nẵng. Ảnh: NHƯ HẠNH

Tự nhiên lại nhớ mảnh vườn con trên sân thượng của người bạn giáo viên trồng rau trong những chiếc thùng xốp. Có một dạo người ta hào hứng với phong trào trồng rau sạch tại gia đình. Anh bạn tôi cũng hí hoáy tha về mấy bao đất, vài ba cái thùng xốp để trồng rau sạch để ăn.

Ban đầu thì phấn khởi lắm nhưng trồng rồi mới biết cái gian khổ của người trồng rau. Sản phẩm thu được còi cọc, đắng nghét chẳng nuốt trôi. Số tiền bỏ ra mua phân tro, giống má coi như mất trắng. Sau đận ấy, cái anh được là “vườn” cây cải lên ngồng trổ bông vàng tươi giữa những căn nhà phố…

3. Tết đang đến rất gần, gần đến nỗi ta có thể... chạm tay vào Tết. Những chiếc vé xe, máy bay, tàu lửa đến các tỉnh, thành trong cả nước đều được nhiều người đặt mua từ cả tháng trước để người người kịp về quê ăn Tết cùng gia đình.

Những khuôn mặt non tơ của những sinh viên, học sinh đi học xa nhà trở về quê trong niềm háo hức. Trong khi người đi làm ăn xa xứ bao giờ trở về cũng đong đầy những khắc khoải mong chờ. Tôi có người bạn đã hơn 40 năm sống ở TP. Hồ Chí Minh.

Năm nào anh cũng lặng lẽ có mặt ở Đà Nẵng vào đêm 30 Tết. Chỉ vừa kịp đón giao thừa và đốt hương trầm lên bàn thờ cha mẹ. Sáng sớm hôm sau, mồng 1 Tết, anh lại tất tả đi sớm. Trong ấy, anh còn có công việc và gia đình của mình. Nhưng cũng không thể bỏ quê mà không về trong ngày Tết. Dường như, chỉ cần về để hít thở chút mùi quê cũng đủ cho anh sống cả một năm ở xứ người.

Trương Đình Nguyên, sinh viên năm nhất Đại học Y Dược Vinh đã gói ghém đồ đạc vào ba-lô từ mấy ngày trước khi ra ga về Đà Nẵng. Đêm nằm ngủ cứ nôn nao chờ đến ngày về nhà ăn Tết cùng gia đình. Nguyên bảo, giờ này chắc là mẹ ở nhà bận trăm công nghìn việc. Vì vậy, Nguyên mong xe chạy thật nhanh để có thể về nhà sớm hơn một chút, giúp mẹ dọn dẹp nhà cửa, lau bàn ghế, cùng mẹ đi ra chợ hoa xem chậu quất nào đẹp, cây đào nào tươi để mua về trang trí nhà cửa đón Xuân...

Tết đang đến trong những chuyến xe vội vã chở những đứa con xa nhà về ăn Tết, trên những con đường đầy hoa và phố phường tràn ngập ý Xuân...

NHƯ HẠNH

;
;
.
.
.
.
.