Ông tổ trưởng vì dân

.

Ông bảo, đến khi nào ông còn làm tổ trưởng dân phố, ông sẽ cố gắng hết sức để không đứa trẻ nào phải thất học. Mỗi lần đưa được trẻ đến trường, ông vui mừng râm ran trong lòng. Trẻ con là chồi non của đất nước. Chúng được học hành đến nơi đến chốn thì đất nước mới tiến lên được…

Dù thừa tiêu chuẩn, được địa phương vận động nhiều lần nhưng ông Hồng quyết không vào hộ nghèo.
Dù thừa tiêu chuẩn, được địa phương vận động nhiều lần nhưng ông Hồng quyết không vào hộ nghèo.

Ông là Trần Văn Hồng, tổ trưởng tổ dân phố 39, phường Thanh Khê Tây, quận Thanh Khê. Ông cũng là người luôn từ chối vào hộ nghèo dù địa phương nhiều lần đề xuất.

“Tôi không vào hộ nghèo!”

Lúc tôi đến, ông Hồng không có nhà. Bà Ích (vợ ông) bảo, ông đi thồ hàng từ sáng chưa về. Trong căn nhà tuềnh toàng, thấp lè tè, lợp bằng tôn cũ, phòng khách, bếp, nhà vệ sinh, chỉ cách nhau 2-3 bước chân, không có một vật dụng gì đáng giá. Bế đứa cháu mới vài tháng tuổi trên tay, bà dỗ dành. Đứa trẻ ngoan ngoãn nằm êm ru trên tay bà.

Buột miệng, bà than thở: “Chó con mới tí tuổi đầu mà đã biết thân biết phận”. Trên khuôn mặt người phụ nữ chưa đến 60 tuổi ấy, những nếp nhăn xô nghiêng vào nhau, nhàu nhĩ, buồn rười rượi. Rồi như được trải lòng, biết bao ẩn ức dồn nén qua năm tháng được bà kể ra: “Tôi có 6 người con. 5 gái, 1 trai. Nhưng ông trời bắt tội, chúng lần lượt bỏ tôi đi hết. Đứa con gái gần nhất mới 24 tuổi, mẹ của thằng cu này. Nó quen phải người không ra gì, uất ức, lên cơn sản hậu rồi mất, để lại đứa con mới 12 ngày tuổi. 6 đứa con mà giờ chỉ còn đứa gái út và thằng cháu ngoại này đây”.

Thời khắc đó, nỗi đau bện chặt trên khuôn mặt người đàn bà ấy. Chúng tôi im lặng…

Thật may, lúc đó, ông Hồng về. Người đàn ông được giới thiệu là tổ trưởng tổ dân phố 39, phường Thanh Khê Tây, sinh năm 1963, có khuôn mặt khắc khổ và mái đầu bạc trắng. Có lẽ, nỗi đau mất lần lượt những đứa con đã dày vò ông nhiều. Vừa bước vào nhà, ông châm lửa, thắp cây hương lên ban thờ của con gái. Rồi rửa tay rửa chân, hít hà đứa cháu ngoại.

Ông mở lời từ tốn: “Xin lỗi vì đã để cô chờ. Sáng nay có người quen nhờ chở thùng hàng lên bến xe. Sẵn có bà ở nhà trông cháu, tôi tranh thủ chạy một cuốc kiếm vài đồng…”.

Ông Hồng trước nay chạy xe ôm. Từ ngày xe ôm công nghệ ra đời, chiếc Wave Tàu cũ kỹ của ông không còn được khách hàng nào gọi. Ông chuyển sang nhận chở hàng. Mới chở được vài chuyến thì cũng phải nghỉ ở nhà chăm cháu ngoại vì “vợ tôi làm tạp vụ lương hướng ổn định hơn, cũng được hơn 4 triệu đồng/tháng”. Tôi nhẩm tính, với mức thu nhập của vợ chồng ông hiện nay, thì hẳn nhiên, ông sẽ được xét vào hộ nghèo để được hưởng những trợ cấp cũng như BHYT.

Vừa nghe nhắc đến từ “hộ nghèo”, ông Hồng giãy nãy: “Tôi không bao giờ vào hộ nghèo đâu. Tôi có nhà có cửa, có công ăn chuyện làm, sức khỏe còn tốt, rứa nhận các chế độ ưu đãi của Nhà nước dành cho hộ nghèo để làm chi? Tham quá, lúc chết có mang theo xuống đất được. Hãy dành cho những hộ nghèo thực sự, khó khăn thực sự. Tôi tin những người nghèo thật, cũng như tôi, không mấy ai muốn mình được thụ hưởng chế độ hộ nghèo đâu”.

“Có nhà có cửa” là căn nhà 20m2 được vợ chồng ông Hồng mua với giấy viết tay 10 triệu đồng vào năm 2004. Đến năm 2019, ông mới làm được sổ đỏ và còn nợ Nhà nước một khoản chưa trả được. Nhìn quanh trong căn nhà ông, thứ đáng giá nhất có lẽ là chiếc xe Wave có ống pô nổ rẹt rẹt. Vậy mà, để có được diện mạo “tuềnh toàng” như bây giờ, căn nhà cũng đã trải qua vài lần sửa chữa. Nói như vậy để thấy, ở thời điểm khó khăn nhất của cuộc đời, vợ chồng ông đã vượt qua được, đến giờ khi tuổi đã lớn nhưng còn chút sức khỏe, ông không muốn nương nhờ vào ai và cũng không muốn trở thành gánh nặng cho xã hội. 

“Tôi là tổ trưởng dân phố. Trước hết là một người đàn ông. Tôi không phải sĩ diện nhưng đó là lòng tự trọng. Ai đời mình còn tay còn chân mà đi nhận trợ giúp coi sao được. Nếu dễ dãi xét cho tôi vào hộ nghèo thì những gia đình khác sẽ đồng loạt xin vào, Nhà nước làm sao mà “bao cấp” cho nổi”, ông phân trần.

Thấy gia cảnh ông ngày càng khó, các chị phụ nữ địa phương nhiều lần đề xuất đưa gia đình ông vào hộ nghèo nhưng ông luôn từ chối với lý do: “Còn nhiều người nghèo hơn tôi”! Đi cùng tôi, chị Dương Minh Thúy, Phó Chủ tịch Hội Phụ nữ phường ghé tai nói nhỏ: “Anh Hồng là vậy đó. Mấy anh chị trên phường cũng nói, gia đình anh Hồng là thừa tiêu chuẩn vào hộ nghèo, gọi ảnh lên xuống vận động mấy bận mà ảnh cũng từ chối. Cứ suốt ngày lên phường là để xin cho các hoàn cảnh khác, xin làm giấy tờ cho các cháu trong khu dân cư đi học…”.

Ông Hồng nói rằng, khi nào còn làm tổ trưởng dân phố, ông sẽ cố gắng hết sức để không đứa trẻ nào phải thất học. 						Ảnh: QUỲNH TRANG
Ông Hồng nói rằng, khi nào còn làm tổ trưởng dân phố, ông sẽ cố gắng hết sức để không đứa trẻ nào phải thất học. Ảnh: QUỲNH TRANG

Hạnh phúc khi giúp đỡ người khác

Khu vực mà nhà ông Hồng đang sống (tổ 39, phường Thanh Khê Tây) có biệt danh là “Xóm nước đen”. Ý chỉ khu đất này trước đây là nghĩa địa, được người dân khai phá dựng nhà ở, tập trung toàn dân nghèo, rất hoàn cảnh, ở khắp nơi đổ về. Để tìm được nhà ai trong khu này phải nói tên cả vợ, cả chồng, hoặc con cái, chứ nếu chỉ có số nhà thì tìm mỏi mắt không ra.

Trong khu dân cư chằng chịt  những ngôi nhà cấp 4 tạm bợ, quần áo được giăng mắc khắp nơi, thi thoảng từ đâu chạy ra những chú gà, vịt kêu lác quác… Hàng trăm con người tồn tại trong khu mưu sinh bằng đủ thứ nghề: “thợ đụng”, buôn thúng bán bưng, bảo vệ, rửa chén bát thuê, lượm chai bao… Nhìn những đứa trẻ chạy loanh quanh trong khu này, tôi tự hỏi, không biết chúng có được đến trường không, tương lai chúng sẽ ra sao?

Thổ lộ nỗi bất an này, ông Hồng kể, mới đây, ông xin cho cô bé 9 tuổi, con của chị Lê Thị Vân (50 tuổi, trú tổ 39) vào học… lớp 1. Thấy cô bé cứ ngày này qua ngày khác đi lượm chai bao với mẹ, ông mới gọi lại hỏi: “Sao chị không cho cháu nó đi học?” thì nhận được câu trả lời, cả hai mẹ con đều không có bất kỳ giấy tờ tùy thân nào, cả giấy chứng minh nhân dân của mẹ, giấy khai sinh của con. Ông phải chạy tới chạy lui lên tận xã Hòa Bắc (cô này trước lấy chồng trên đó-PV) để tìm lại giấy tờ thất lạc. Rồi lên lại UBND phường Thanh Khê Tây làm giấy tạm trú cho hai mẹ con.

“Chắc phải ra Giêng, ngày rộng tháng dài, tôi sẽ chở nó-(chị Vân-PV) lên Hòa Bắc lục lại giấy tờ đã mất. Chứ như bây giờ là thành người vô gia cư, vô thừa nhận, bất hợp pháp. Giờ nó có chuyện gì cũng không ai biết không ai hay. Nhà nó một mẹ một con nhưng tôi cũng chưa đề xuất nó vào hộ nghèo vì bản thân nó cũng còn sức lao động. Cha mẹ cần phải gương mẫu, lao động chăm chỉ, trung thực để cho con cái noi theo. Giờ mà vào hộ nghèo là nó ỷ lại, không chịu đi làm gì hết, hằng tháng lên phường nhận hỗ trợ thôi”, ông Hồng nói.

Trong năm nay, ông Hồng cũng xin cho bé Thanh Tuyền, 9 tuổi (con anh Nguyễn Văn Sơn, 42 tuổi, trú tổ 39) đi học lớp 1. Tình cờ gặp bé ngồi chơi trước sân nhà trong giờ chúng bạn đến lớp, ông Hồng hỏi: “Sao con không đi học? Con có thích đến trường không?”, cháu bé buồn rầu nói: “Con thích lắm nhưng ba mẹ không có tiền”. Ông đi về mà trong lòng không yên.

Đến tối, đợi hai vợ chồng nhà anh Sơn đi làm về, ông mới qua hỏi: “Sơn, sao mi không cho cháu nó đến trường?”, “Nói thiệt, vợ chồng em nghèo quá anh Hồng ơi”, “Vậy ta xin cho nó đi học, mi phải cho nó đi nghe không”. Vậy là Tuyền được cắp sách đến trường như bao bạn bè khác.

Hiện ở tổ 39 có 7 hộ nghèo và 1 hộ cận nghèo. Đó là con số chính thức. Còn những hộ khó khăn thì chiếm tới 90%. Ông Hồng hiểu từng gia đình trên địa bàn ông quản lý. Nhà ai neo đơn, ai mất sức lao động, ai thất nghiệp, ai đang ở tình thế nguy cấp…

Cách nhà ông mấy căn là căn nhà tạm bợ của chị Hồng Vân (27 tuổi). Cả hai vợ chồng chị Vân đều làm nghề chai bao. Hiện tại, chị đang mang bầu đứa con thứ ba, gần đến ngày sinh nở. Hôm bữa, đi ngang nhà chị, thấy chị ngồi buồn. Về nhà, ông dặn vợ sửa soạn những bộ quần áo cũ của cháu ngoại, những đồ dùng sơ sinh còn tốt, gói ghém lại để sẵn đó. Rồi ông lên phường, trình bày hoàn cảnh của chị để xin cái BHYT. Hôm ông cầm đồ đạc và bảo hiểm qua, chị rưng rưng xúc động.

Chị kể, sinh đứa này không phải sắm sửa chi, dùng lại toàn bộ đồ chú Hồng cho. “Lần này tôi sinh mổ, nếu không có cái BHYT này, vợ chồng tôi không thể nào cáng đáng nổi. Thực tình, tôi biết ơn chú Hồng từ tận đáy lòng. Chẳng bà con thân thích chi mà cứ có việc gì khó lại chạy qua tìm chú. Lần nào, chú cũng giúp đỡ hết mình”.

Ông Hồng bảo, đến khi nào ông còn làm tổ trưởng dân phố, ông sẽ cố gắng hết sức để không đứa trẻ nào phải thất học. Mỗi lần đưa được trẻ đến trường, ông vui mừng râm ran trong lòng. Trẻ con là chồi non của đất nước. Chúng được học hành đến nơi đến chốn thì đất nước mới tiến lên được...

QUỲNH TRANG

;
;
.
.
.
.
.