Những ngôi nhà sâu trong hẻm nhỏ

.

Chính trong những ngày cả nước gồng mình vượt qua Covid-19, tôi mới thấu tỏ đằng sau những con hẻm nhỏ trong lòng thành phố, nhiều người vẫn chật vật sinh sống trong những ngôi nhà chừng 10-12m2 với vô vàn khó khăn về điều kiện ăn ở, sinh hoạt. Sự nghèo khó cộng bệnh tật đeo bám, họ chỉ có thể sống, tồn tại trong không gian chật hẹp ấy từ đời này sang đời khác...

Để vào nhà anh Minh, chúng tôi phải vượt qua lối đi rộng chừng 0,5 mét, nhưng chất đầy vật liệu xây dựng.
Để vào nhà anh Minh, chúng tôi phải vượt qua lối đi rộng chừng 0,5 mét, nhưng chất đầy vật liệu xây dựng.

1. Mỗi ngày, cuộc sống của vợ chồng anh Trần Văn Minh (1968) và chị Nguyễn Thị Thương (1979) diễn ra khá chật vật trong ngôi nhà có dáng dấp chuồng cu tại địa chỉ kiệt 282/32 đường Trưng Nữ Vương, phường Bình Thuận, quận Hải Châu. Vài lần đi ngang con hẻm này, tôi chẳng thể hình dung đằng sau những bậc thang rộng chừng 0,5 mét, chất đầy đồ đạc, chỉ đủ cho một người lách qua ấy là lối đi duy nhất để lên nhà anh chị.

Giữa tiết trời nắng nóng nhưng ngôi nhà nhỏ vẫn bốc lên mùi ẩm mốc, quần áo, đồ đạc chất thành đống phủ hết góc này đến góc kia. Không món đồ nào có giá trị. Toàn quần áo cũ, chai lọ, bao ni-lông, vài thứ vật dụng làm bằng nhựa rẻ tiền. Ngay cả giàn tiệp phục vụ công việc phụ hồ trước đây cũng bị anh Minh bán đi trong một lần túng quẫn. Chị Thương sau khi loay hoay dọn đống đồ vào một góc dành chỗ ngồi cho khách đã thật thà trải lòng: “Chắc em không nghĩ chúng tôi sống giữa trung tâm thành phố mà nghèo rớt mồng tơi thế này.

Lâu rồi gia tài của cả nhà chưa bao giờ có nổi 1 triệu đồng. Trong túi có mấy trăm ngàn đã là giàu lắm rồi mà khi đổ bệnh thì hết veo. Không gian chật chội, ẩm ướt, thiếu ánh sáng khiến sức khỏe của anh Minh ảnh hưởng nghiêm trọng. Ảnh viêm mạn tụy, bệnh tình dạo này trở nặng. Chị cũng đau ốm thường xuyên, trải qua 2 lần mổ cột sống, người yếu ớt chẳng làm gì được. Tiền bạc không đủ đi viện thuốc thang. Giờ thì mọi chi tiêu trong nhà dựa vào nguồn tiền trợ cấp từ chính quyền địa phương dành cho hộ đặc biệt nghèo”.

Theo lời anh Minh, hơn 20 năm trước, khi vợ chồng cưới nhau, anh chị được bố mẹ cho miếng đất 12m2 phía sau hè, cách con kiệt chừng 4 mét, dựng vài tấm phên gỗ để ra riêng. Rồi thời gian trôi, chẳng mấy chốc, căn phòng 12m2  lọt thỏm giữa những ngôi nhà cao tầng xung quanh. Trước tình cảnh này, anh Minh quyết định nâng nền đất lên cao 5 mét, xây nên “cơ ngơi” như hiện nay. Ở đó, góc sáng nhất chính là nơi anh chị giành làm nơi học tập cho cậu con trai duy nhất - Trần Văn Long (sinh 2003), đang là học sinh lớp 11, Trường THPT Nguyễn Hiền. Đó là niềm hy vọng, là điểm tựa tươi sáng nhất của đôi vợ chồng nghèo. 

2. Ở thời điểm hiện tại, Đà Nẵng có 16.368 hộ nghèo, hộ cận nghèo và rất nhiều trong số đó phải sống trong ngôi nhà tạm bợ nằm sâu trong những con hẻm nhỏ. Mới đây, trong một chuyến đi khảo sát tặng quà hộ nghèo, hộ khó khăn trong thời điểm Covid-19, tôi tiếp cận ngôi nhà nhỏ nằm sâu trong kiệt 10, đường Pasteur (phường Hải Châu 1, quận Hải Châu) của vợ chồng anh Đinh Văn Dũng (sinh 1977). Anh Dũng hiện là công nhân Công ty Công viên Đà Nẵng. Ngôi nhà rộng 12m2  là nơi sinh hoạt của đại gia đình anh Dũng gồm 7 nhân khẩu. Nói là nhà 3 tầng cho oai, nhưng thật ra đó chỉ là những căn gác được anh Dũng cơi nới để các thành viên trong nhà có chỗ ngả lưng.

Anh Dũng kể, ngoài chật vật về mặt không gian, khó khăn nhất vẫn là chuyện vệ sinh cá nhân. Phòng vệ sinh bé tí, ngột ngạt và ẩm mốc, là nơi treo móc quần áo bẩn, giặt rửa, tắm gội của đại gia đình. Chưa tính chuyện mỗi sáng, gia đình gồm 7 con người này phải “chia ca” đi vệ sinh và quy định mỗi người vào đó không được quá 5-10 phút để nhường chỗ cho người khác.

Hỏi vì sao nhiều thế hệ nhà anh Dũng có thể sống chừng ấy năm trong không gian chật chội như vậy, anh buồn rầu cho biết bản thân đã năm lần bảy lượt làm đơn gửi thành phố xin được thuê căn hộ nhà ở xã hội ổn định cuộc sống nhưng đến nay chưa được giải quyết. Đoạn, anh chỉ tay sang một “căn nhà 12m2 ” khác nằm sát bên cạnh, nói nhỏ: “Gia đình người hàng xóm đã thuê được một căn hộ chung cư thuộc sở hữu Nhà nước gần 2 năm trước, còn gia đình tôi vẫn đang chờ mà không biết chờ đến bao giờ”.

Trong cuộc chuyện trò mà cả khách và chủ nhà đều đứng vì không có chỗ ngồi, vợ anh Dũng rưng rưng nhắc lại vụ đứa con trai hơn 2 tuổi bị phỏng bếp ga vì “nhà chật mà nó bò nhanh quá, tôi không kịp trở tay”. Mẹ anh Dũng, hơn 80 tuổi vẫn ngày ngày lặt rau, rửa chén, tẩm ướp gia vị, nấu nướng để phụ con gái bán gánh bún, mỳ Quảng đầu hẻm. Trong ngôi nhà nhỏ, ngoài cái nóng rát từ thiên nhiên thì mùi dầu mỡ chiên rán, mùi quần áo, chăn nệm ẩm mốc gợi lên cảnh sống tạm bợ, có “an cư” mà chưa bao giờ “lạc nghiệp” với đại gia đình này.

3. Muốn biết người ta nghèo như thế nào, hãy chịu khó đứng quan sát tại các máy “ATM gạo”, các bếp ăn từ thiện mà doanh nghiệp và mạnh thường quân tại Đà Nẵng vận hành thời gian qua. Tại những nơi đó, không hiếm thấy cảnh người già, người trẻ với bộ quần áo sờn vai, đôi bàn tay chai sần, nét mặt xanh xao run run đón nhận hộp cơm hay vài ký gạo từ thiện.

Trong căn bếp nhỏ của gia đình bà Nguyễn Thị Lan (70 tuổi) tại kiệt K351/22 Nguyễn Phước Nguyên, phường An Khê, quận Thanh Khê chỉ có những viên than tổ ong, vài gói mì tôm phòng lúc không đủ tiền mua thức ăn. Giữa căn nhà nhỏ ấy là 5 đứa con nít đứng, ngồi, quấy khóc.

Sống tới từng tuổi này, bà Lan vẫn không một ngày được ngơi nghỉ khi một tay bà thu vén, chăm bẵm 5 đứa cháu nội từ 2 đến 7 tuổi. Bà Lan đã già, mắt mũi kèm nhèm, tay chân run rẩy vẫn phải chăm từng muỗng sữa, bón từng miếng cơm cho bọn trẻ. Bà Lan nói, cực vậy nhưng không thể không làm, bởi mẹ bọn trẻ vì cực khổ đã âm thầm ra đi khi hai đứa cháu nội sinh đôi nhỏ nhất của bà vừa lên 2. Con trai bà - cha của 5 đứa trẻ - dù ngày đêm phơi nắng phơi sương với công việc phụ hồ cũng không thể kiếm đủ tiền trang trải cho mấy miệng ăn.

Con hẻm nhỏ K300/6 Lê Duẩn có nhiều người già, người nhặt ve chai, bán vé số. Đó cũng là nơi chốn đi về của ông Nguyễn Bá Phúc, một người thần kinh không ổn định, suốt ngày ngồi trên chiếc xe cút kít nhựa di chuyển hết con đường này đến con đường khác, khom lưng nhặt nhạnh sạn, đá, đinh, bao ni-lông hay các loại rác rưởi vướng trên đường. Trong nụ cười an phận, nhẹ tênh, ông Phúc kể đôi khi đang ngược xuôi trên đường, có người thương tình nhét vào túi ông vài ba chục ngàn chia sẻ. Số tiền ấy được ông Phúc mang về nhà đưa cho người thân phụ thêm phần cơm nước trong gia đình.

Gánh bún đầu con hẻm nhỏ dẫn vào nhà là nơi mưu sinh của đại gia đình anh Đinh Văn Dũng. Ảnh: TIỂU YẾN
Gánh bún đầu con hẻm nhỏ dẫn vào nhà là nơi mưu sinh của đại gia đình anh Đinh Văn Dũng. Ảnh: TIỂU YẾN

Ngoài 50 tuổi, ông Nguyễn Công Dũng (tổ 36 phường An Hải Bắc, quận Sơn Trà) từng là một thợ điện khỏe mạnh, sức vóc, lo lắng chu toàn cho mẹ già cùng người vợ bệnh tật và hai đứa con thơ. Đùng một cái, ông Dũng bị tai nạn điện phải cưa cụt cả hai tay. Vụ tai nạn cũng làm một bên chân ông Dũng cháy trụi, để chữa lành vết thương cho chân này phải lóc da từ chân kia đắp qua. Hơn 10 năm nay, mọi việc ăn uống, tiểu tiện của ông đều phải trông chờ, phụ thuộc vào người khác. Chồng gặp nạn bữa trước thì bữa sau vợ ông Dũng cũng mắc căn bệnh suy thận mãn, hẰng tuần phải vào ra bệnh viện chạy thận duy trì sự sống.

Từ đó, sinh hoạt nhiều năm nay cậy nhờ vào những tấm lòng bà con hàng xóm, từ sự quan tâm của phường, của quận. “Từ hôm Tết tới giờ nhà chẳng ăn thịt vì giá thịt mắc quá. Nhưng không sao, mình dân miền biển nên ăn được con cá, con tôm là ngon lắm rồi. Tôi chỉ mong cơ thể đủ khỏe để không phải phiền đến vợ con, để người ta thương tìm đến cho chút này chút kia khi ra về cũng không bứt rứt nặng lòng”, ông Dũng tâm tư.

4. Có đi sâu vào kiệt, hẻm mới thấy ở nơi đó không chỉ bức bí về mặt giao thông, chật chội không gian nhà ở mà là những phận người luôn đau đáu chuyện mưu sinh. Làm thế nào để thoát nghèo với những ngôi nhà nằm sâu trong kiệt, hẻm? Thật khó tìm lời giải cho câu hỏi này. Tiền ở đâu mua đất. Tiền ở đâu xây nhà. Rốt cuộc, thế hệ này sang thế hệ khác vẫn phải vật lộn tồn tại, mưu sinh trong những căn phòng chật chội, thiếu nguồn sinh khí ấy. Bởi suy cho cùng, không dễ để thay đổi chất lượng cuộc sống bằng nghề lượm ve chai, bán vé số hay bán tủ bánh mì, xe nước mía ven đường…

Thành phố đã và đang triển khai các hoạt động hỗ trợ người nghèo, người khó khăn trên địa bàn thành phố bị ảnh hưởng bởi Covid-19 theo Nghị quyết 42/NQ-CP ngày 9-4 của Thủ tướng Chính phủ, trên tinh thần “nhường cơm sẻ áo”, giúp người dân vượt qua giai đoạn khó khăn. Hàng chục tỷ đồng đã đến tay các hoàn cảnh khó khăn, ngặt nghèo trong cuộc sống. Qua chia sẻ được biết những nhân vật của tôi trong bài viết này cũng đã được chính quyền địa phương lên danh sách gửi kinh phí hỗ trợ theo quy định chung. Nói như bà Nguyễn Thị Lan, chưa bao giờ sự hỗ trợ của Nhà nước lại đáng quý như lúc này, bởi gần 2 tháng trời trong Covid-19, con trai bà không có việc làm, cả nhà 7 miệng ăn có lúc phải nấu theo kiểu cân đo từng hạt gạo để cầm cự qua bữa. Số tiền vài triệu đồng lúc này là cả một gia tài. Bà Lan vui bởi có số tiền này, bà sẽ mua thêm chút thịt, chút cá, chút sữa cho những đứa cháu phải chịu cảnh mồ côi, tội nghiệp của bà.

Và tôi cũng tin rằng, sâu trong hẻm nhỏ, những ngày này là những ngày vui…

 TIỂU YẾN

;
;
.
.
.
.
.