Khi nói đặc sản quê mình, Bí thư Đảng ủy xã Hòa Phước Võ Trần Minh Long nửa đùa nửa thật: “Đến Hòa Phước mà chưa ăn thịt vịt Miếu Bông thì coi như chưa tới Hòa Phước vậy!”...
Nhiều năm qua, ngã ba Miếu Bông - nơi có nhiều quán cháo vịt ngon có tiếng - vẫn là điểm dừng chân quen thuộc, hấp dẫn của nhiều thực khách. |
1. Thực lòng mà nói, thôn Miếu Bông (xã Hòa Phước, huyện Hòa Vang), đoạn tiếp giáp với quốc lộ 1A mấy chục năm nay vẫn vậy. Vẫn những căn nhà ba gian xưa cũ được “tân trang” mặt tiền để làm nơi buôn bán. Quán Mì Quảng bà Toại, quán bún Hải và mấy quán cháo vịt, gắn liền với tên tuổi Miếu Bông túm tụm gần ngã ba... tất cả vẫn giữ nguyên kiểu “ông bà ta” mà chưa hề có ý định lên “đẳng cấp” tiệm hay nhà hàng.
Không có gì thay đổi nhiều trừ quốc lộ 1A chạy ngang qua được tu sửa nhiều lần nên to và rộng hơn trước. Mỗi lần đi ngang qua đây, rất nhiều người luôn có cảm nghĩ, mảnh đất này như cô gái quê vẫn giữ được nét hiền hòa, chân chất trước làn sóng đô thị hóa. Bởi chỉ cần bước thêm mấy bước là tới tuyến đường mới mở Phạm Hùng phố xá thênh thang, nhà hàng cửa tiệm mọc lên san sát, đêm đêm sáng trưng ánh đèn nhấp nháy…
Tuần rồi, vợ chồng anh Trần Thanh Bình ở đường Lê Độ, Đà Nẵng, nhân lúc con nước rút, tranh thủ làm một chuyến về quê thăm gia đình ở Núi Thành (tỉnh Quảng Nam). Như mọi khi, cả hai ghé lại “thủ phủ” thịt vịt Miếu Bông làm một tô cháo vịt ấm lòng để bù năng lượng trên đường ra lại Đà Nẵng.
Không phải ngẫu nhiên mà nhiều người ở Đà Nẵng về thăm quê Quảng Nam thường chọn ngã ba Miếu Bông làm điểm dừng nghỉ ngơi. Từ những năm đầu thế kỷ 19, dưới thời nhà Nguyễn, đây là nơi đặt trạm Nam Giản - một trong 7 trạm thư (“Quảng Nam thất trạm”) trên đường thiên lý Bắc Nam. Bấy giờ, đây là nơi các trạm phu đổi ngựa, thay người, chuyển giao công văn, thư tín đi đến các trạm tiếp theo và cũng là nơi dừng nghỉ của các quan lại khi đi kinh lý. Trạm thư không còn nữa nhưng dấu vết nơi chốn dừng chân ngơi nghỉ trên đường thiên lý xưa vẫn còn lưu lại nơi ngã ba ngày nay có tên là Miếu Bông.
Vợ chồng anh Bình cùng các thực khách ngồi ở quán cháo vịt Lâm ngay ngã ba Miếu Bông nhìn ra, quốc lộ 1A ướt lướt thướt trong mưa dầm tháng 10. Tô cháo vịt bốc khói cùng với chén mắm gừng nồng nàn phần nào giúp thực khách ấm lại sau một chặng đường dài dầm mưa, lội nước về quê. Chị Phạm Thị Lâm, chủ quán, ý tứ châm thêm bình trà nóng cho khách, giọng xởi lởi cho biết: “Hầu như khách ghé quán tôi đều là khách đường xa. Khách địa phương chỉ áng chừng 1/5 mà thôi…”.
Đĩa thịt vịt thơm lừng, bát cháo nóng hổi ấm lòng thực khách giữa cái lạnh đầu mùa. Ảnh: N.H |
2. Nếu ai hỏi, Miếu Bông có gì nổi tiếng? Xin thưa đó là thịt vịt. Miếu Bông có món gì ngon: Xin thưa cũng là thịt vịt. Mấy chục năm trước, chợ Miếu Bông nằm giữa giao lộ của các xã thuần nông nổi tiếng với những cánh đồng lúa cao sản: Hòa Châu, Hòa Phước, Hòa Tiến, Hòa Xuân… Mùa gặt hái vừa xong cũng chính là mùa vịt chạy đồng. Những đàn vịt cỏ hàng ngàn con ào ào lội ruộng cần mẫn nhặt từng hạt lúa rơi vãi, từng con tôm, con cá… nên thịt chắc và thơm lừng. Người chăn cứ thế lùa vịt đi hết cánh đồng này đến cánh đồng khác cho đến khi chúng đủ lông, đủ cánh, da thịt chắc hườm thì bán cho thương lái.
Chợ Miếu Bông nức tiếng là nơi bán vịt ngon nhất vùng. Vào các ngày Chủ nhật, dân nội thành thường về đây mua vịt. Nhất là dịp Tết Đoan Ngọ, người mua người bán đông đúc như “hội chợ vịt”. Bà Tuyết, cán bộ về hưu ở Hòa Khánh Nam (Liên Chiểu), mỗi khi về thăm con gái ở thôn Cồn Mong (Hòa Phước) đều không quên ghé chợ mua cặp vịt để cả nhà liên hoan…
Chị Lâm gắn bó với nghề cháo vịt từ thời con gái. Đến nay, dễ chừng đã gần 30 năm. Tuy những cánh đồng “nhất đẳng điền” quanh vùng giờ đây đã thu hẹp trong quá trình đô thị hóa và người nuôi vịt chạy đồng cũng vắng bóng nhưng danh tiếng “thịt vịt Miếu Bông” vẫn nguyên vẹn như xưa. Chị Lâm cho rằng: “Bí quyết là ở chỗ chọn vịt và cách chế biến làm sao giữ được mùi vị quê kiểng như thời của ông bà mình ngày trước”. Nhiều người đi làm ăn xa về, ghé quán ăn tô cháo mà cứ tấm tắc khen lấy khen để: “Vịt thơm quá, cháo ngọt…”. Chẳng qua họ đi Nam, đi Bắc, miệng nếm quá nhiều mùi vị cầu kỳ nên về quê ăn tô cháo vịt “đặc sệt kiểu Quảng nên thấy ngon!”
Trong văn hóa ẩm thực, người Quảng vốn chuộng sự tươi ngon, nguyên chất và tránh chế biến cầu kỳ nên thịt vịt phổ biến nhất là thường luộc chặt phay ăn kèm với rau thơm, chuối, khế và chấm mắm gừng… Các quán thịt vịt ở Miếu Bông trung thành với cách nấu chân phương của người Quảng nên cháo được nấu bằng loại gạo quê với nước luộc vịt và không dùng hạt nêm. Tuyệt đối không cho thêm đậu xanh hay cà rốt như một số nơi khác. Thịt vịt luộc nước sôi già, to lửa. Khi chặt lên dĩa không thoa dầu hay rắc thêm hành phi. Vì như thế sẽ át đi mùi thơm tự nhiên của vịt luộc. Người rành rõi khi chọn vịt thường đưa tay nắn phần trên phao câu để xem vịt gầy hay ốm và chỉ nên chọn con tầm 2 ký. Kinh nghiệm dân gian “vịt già, gà tơ”, không chọn vịt non vì như thế nấu sẽ hôi lông…
Tiếng mưa rơi tí tách trên mái tôn, tiếng chặt thịt trên thớt gỗ vang lên bồm bộp như một âm trầm ấm áp. Những người làm nghề bán cháo vịt ở đây cho biết, chặt thịt cũng là một nghệ thuật. Chặt làm sao đĩa thịt bưng ra khách nhìn phải “đã” con mắt. Nghĩa là thịt không được dập nát, lát nào lát nấy đều chằn chặn như nhau và sắp nguyên hình dạng đùi, ức, cánh cổ… Muốn vậy, thì “đao pháp” phải tinh nhạy, “thân thủ” phải nhịp nhàng. Dao chặt thịt phải bén, to bản, vừa tay. Nhát chặt khoan thai nhưng phải dứt khoát từng nhát một…
3. Mấy chục năm nay, ở ngã ba Miếu Bông có 4 quán cháo vịt bám trụ và làm nên thương hiệu thịt vịt địa phương: Thanh Hương, Vân, Hồng Lê và Lâm. Tuy mặt bằng không lớn, bàn ghế thô sơ, dân dã, nhưng trung bình một ngày mỗi quán bán cỡ 40 - 50 con vịt. Đặc biệt trong những ngày lễ, Tết, mức tiêu thụ cao hơn gấp đôi. Đó là chưa kể lúc các công ty đặt liên hoan hay chiêu đãi khách. Thông thường, các quán sẽ đem đến tận nơi để phục vụ…
Nếu như thịt gà chỉ cần ăn kèm rau răm và muối tiêu thì khi ăn thịt vịt muốn đúng điệu sẽ không thể thiếu được rau húng quế, rau ngổ và chuối, khế. Mà rau ngon phải là rau các vùng Điện Bàn, Đại Lộc, Hội An (Quảng Nam) đem ra. “Tuy nguồn rau Gia Lai nhiều, lá to, giá lại mềm hơn nhưng không thơm bằng cây rau quê mình”. Đó là kinh nghiệm của các chủ quán cháo vịt ở Miếu Bông.
Và một ngày nào đó, nếu thấy món cháo vịt ở Miếu Bông trở nên nhàm chán thì khách hãy ghé vào gian hàng ẩm thực trong chợ Miếu Bông, đông từ 5 giờ sáng. Tại đây có quầy chị Hương bán món cơm vịt như một khúc biến tấu khá hấp dẫn. Ăn cơm vịt không dùng đĩa như cơm gà mà lại dùng tô để đựng. Một tô cơm trắng, một đĩa đựng thịt vịt và rau, chuối khế, một chén mắm gừng. Cơm vịt chỉ bán vào buổi sáng, chủ yếu phục vụ cho người dân quanh vùng “dằn bụng” trước một ngày lao động.
Đã không ít người từng mê mẩn trước món bê thui Cầu Mống, một đặc sản nức tiếng của Quảng Nam, thì thịt vịt Miếu Bông cũng đang là nỗi lưu luyến của thực khách về một món ngon dân dã của Đà Nẵng. Những quán cháo vịt ở Miếu Bông suốt ngày đỏ lửa như một minh chứng cho món đặc sản vùng quê được mệnh danh là “thủ phủ” thịt vịt. Khi nói đặc sản quê mình, Bí thư Đảng ủy xã Hòa Phước Võ Trần Minh Long nửa đùa nửa thật: “Đến Hòa Phước mà chưa ăn thịt vịt Miếu Bông thì coi như chưa tới Hòa Phước vậy!”...
NHƯ HẠNH