Như cây "sống đời" trên đỉnh núi

.

Đã xế trưa nhưng sương mù vẫn còn dày đặc, phủ kín cả vùng bán đảo Sơn Trà. Đường lên “cổng trời” dốc núi quanh co, một bên là vực sâu thăm thẳm, một bên là vách núi cheo leo. Vừa đi, vừa thở, nhưng chị Đặng Thị Nhật Thương, bạn gái của Thiếu úy, quân nhân chuyên nghiệp Đỗ Xuân Phú- nhân viên ra-đa thủ thỉ: “Rứa mà em cứ tưởng lính thủy ở biển, đảo. Ai ngờ các anh còn ở cả trên đỉnh núi”. Nghe Nhật Thương nói vậy, Thiếu úy Đỗ Xuân Phú cười vui: “Vài tiếng nữa lên tới nơi, chắc gì em đã muốn về”...

Cán bộ, chiến sĩ Trạm Ra-đa 545 bảo quản ra-đa (ảnh trái) và quán triệt nhiệm vụ trước giờ trực canh (ảnh phải). Ảnh: P.T.D
Cán bộ, chiến sĩ Trạm Ra-đa 545 bảo quản ra-đa. Ảnh: P.T.D

Sau gần hai giờ đồng hồ vượt dốc, chúng tôi mới lên tới Trạm Ra-đa 545 (Trung đoàn 351, Vùng 3 Hải quân) đóng quân trên đỉnh núi Sơn Trà - nơi cao điểm 696 quanh năm mây phủ. Khung cảnh gần gũi, thân thương đến lạ kỳ, đúng như lời Thiếu úy Đỗ Xuân Phú: Đã lên tới, thì không muốn về!

Ấn tượng đầu tiên đập vào mắt chúng tôi là loài cây “đặc trưng” của nơi này, cây “sống đời”. Thực ra, cái tên giản dị này do những người lính đặt, chứ dân gian gọi là cây lá bỏng. Tiết trời cuối năm, sương muối dày đặc, khiến các loại cây cối, rau màu đều khô héo. Vậy mà kỳ diệu thay, loài cây “sống đời” vẫn xanh tươi. Những cánh hoa màu tím nhỏ li ti, khiêm nhường nép mình trên màu lá xanh ngần ngật tạo nên sự gần gũi, ấm cúng giữa thiên nhiên với con người. Phải chăng, cũng giống như loài cây “sống đời”, giữa sự khắc nghiệt của thiên nhiên, giữa khó khăn gian khổ, người lính ra-đa vẫn kiên cường bám trụ…

Thiếu tá, Trạm trưởng Phạm Văn Nam tâm sự: “Lính ra-đa có đặc thù riêng, tiếng là lính thủy nhưng lại làm việc trên rừng. Trong khi đồng đội ở đơn vị tàu lướt sóng ra khơi thì chúng tôi lại căng mắt trên màn huỳnh quang ra-đa 24/24 giờ đồng hồ để quan sát, phát hiện mục tiêu, yêu cầu nhiệm vụ không được phép lơ là, mất cảnh giác.

Nhiệm vụ khó khăn là vậy nhưng hằng năm, đơn vị duy trì nghiêm các chế độ trực sẵn sàng chiến đấu; kịp thời phát hiện, theo dõi và báo cáo thường xuyên tình hình trên vùng biển được phân công phụ trách. Giữa sự khắc nghiệt của thiên nhiên, đối mặt với bao khó khăn gian khổ, nhưng người chiến sĩ ra-đa vẫn kiên cường bám trụ. Bao nhiêu năm qua, 100% cán bộ, chiến sĩ ở Trạm Ra-đa 545 đều yên tâm công tác, xác định tốt nhiệm vụ.

Hằng năm, đơn vị duy trì hai mùa huấn luyện. Mật độ huấn luyện dày đặc, nhiệm vụ trực canh căng thẳng, song không ai thoái thác. Họ gắn bó với đơn vị bằng trái tim và nhiệt huyết của người chiến sĩ canh trời, giữ biển. Để hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ, cấp ủy, chỉ huy trạm thường xuyên nắm chắc tình hình tư tưởng, triển khai tốt công tác giáo dục chính trị, xây dựng ý chí quyết tâm; quán triệt và tổ chức chặt chẽ việc quản lý vùng biển được phân công phụ trách.

Những năm qua, các thế hệ cán bộ, chiến sĩ  luôn nêu cao ý chí đoàn kết, khắc phục khó khăn, không ngừng học tập, rèn luyện làm chủ trang bị hiện có, từng bước khai thác, làm chủ vũ khí, trang bị khí tài mới, hiện đại; hoàn thành tốt nhiệm vụ, đáp ứng yêu cầu “nhanh, xa, đúng, đủ, chính xác, kịp thời”, xứng đáng là “mắt thần” giữ biển miền Trung.

Cán bộ, chiến sĩ Trạm Ra-đa 545 bảo quản ra-đa (ảnh trái) và quán triệt nhiệm vụ trước giờ trực canh (ảnh phải). Ảnh: P.T.D
Cán bộ, chiến sĩ quán triệt nhiệm vụ trước giờ trực canh. Ảnh: P.T.D

So với những đơn vị nơi đảo xa, cán bộ chiến sĩ Trạm Ra-đa 545 có bớt phần nào vất vả, nhưng không phải là đã hết những khó khăn, thiếu thốn. Chỉ cách khu vực dân cư chừng 10km đường chim bay, vậy mà thực phẩm phải chuẩn bị dự trữ cả tuần. Bộ đội nơi đây vẫn thiếu nước ngọt và rau xanh. Muốn mua hàng hóa, bộ phận tiếp phẩm phải băng rừng hành quân bộ cả ngày với 30km đường đèo dốc nguy hiểm.

Những năm gần đây, Bộ Tư lệnh Vùng 3 và Trung đoàn 351 đầu tư mua xe gắn máy để phục vụ công tác tiếp phẩm, nhưng cũng chỉ chạy được mươi chuyến là xe hỏng máy vì dốc cao, đường xấu. Nhiều lần, đơn vị tổ chức tăng gia, chăn nuôi cải thiện đời sống, nhưng trồng rau thì rau chết vì sương muối; nuôi gà vịt thì chết vì dịch bệnh...

Trò chuyện với những chiến sĩ canh biển ở trên đỉnh Sơn Trà, chúng tôi còn hiểu thêm những “niềm riêng” không dễ chia sẻ của họ. Đóng quân trên đỉnh núi, phóng tầm mắt ra xa, trước mặt là cuộc sống sầm uất của thành phố, sau lưng là khu du lịch biển ồn ào, náo nhiệt. Chiều thứ Bảy, Chủ nhật đứng trên đài canh nhìn về thành phố, làm sao các anh không khỏi chạnh lòng.

Có thể nói, cuộc sống của những chiến sĩ ra-đa thời bình thầm lặng, không tiếng súng nhưng không kém phần cam go, thử thách. Đời thường với bao cám dỗ, nếu người lính không vững vàng, yên tâm tư tưởng thì dễ bị mua chuộc, sa ngã giữa vòng quay của cơ chế thị trường, dẫn tới lơ là, mất cảnh giác.

Biết vượt lên gian khổ để hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ là phẩm chất đáng trân trọng của họ. Đại úy, quân nhân chuyên nghiệp Nguyễn Chí Công - Ngành trưởng ra đa (người có thâm niên 27 năm trên đỉnh Sơn Trà) tâm sự: “Gia đình tôi hiện ở xã Diễn Hải, huyện Diễn Châu (Nghệ An) nhưng mấy khi được đón Tết cùng vợ con đâu. Vì nhiệm vụ, với lại mình cũng phải làm gương cho lớp trẻ”.

Với nụ cười thường trực trên môi, Thiếu tá Nguyễn Văn Lương, Chính trị viên trạm khoe: “Tuy đơn vị chỉ có 8 đoàn viên nhưng phong trào của chi đoàn rất mạnh, hoạt động phong phú, hiệu quả”. Từ 16 năm nay, Chi đoàn Trạm Ra-đa 545 kết nghĩa với Chi đoàn Đài Phát thanh - Truyền hình Đà Nẵng. Nhờ mối lương duyên này mà hằng năm đơn vị đã tổ chức nhiều chương trình giao lưu văn hóa, văn nghệ sôi nổi, ý nghĩa như hái hoa dân chủ, diễn đàn thanh niên...

Nhân các ngày lễ, Tết, đại diện hai đơn vị cử các đoàn thăm hỏi, tặng quà, tổ chức thi đấu thể thao... Tất cả những hoạt động ấy đều được Đài Phát thanh - Truyền hình Đà Nẵng đưa tin, phát sóng tuyên truyền trên kênh truyền hình, kịp thời cổ vũ, động viên phong trào thi đua quyết thắng. Trung sĩ Nguyễn Kim Đại, chiến sĩ Quan sát mắt tâm sự chân thành, giản dị: “Hoạt động thanh niên đã giúp chúng tôi vơi bớt nỗi nhớ nhà, có thêm điều kiện giao lưu, học hỏi lẫn nhau. Cũng nhờ hoạt động giao lưu, kết nghĩa mà các anh đi trước lấy được... vợ !”…

Tấm lòng người chiến sĩ ra-đa trên đỉnh núi Sơn Trà là vậy, dù ở đâu và bao giờ, càng gian khổ họ càng tỏa ngời phẩm chất kiên trung. Họ sẵn sàng hy sinh hạnh phúc riêng tư để canh biển, canh trời Đà Nẵng và dọc dải đất miền Trung thân yêu. Chúng tôi tạm biệt cao điểm 696 trong một buổi chiều dùng dằng, quyến luyến. Chủ và khách chỉ đứng cách nhau chừng 5 - 7 mét nhưng chẳng nhìn rõ mặt vì sương mù giăng kín. Giữa bềnh bồng sương giăng, giữa cái lạnh tê tái thịt da, hương hoa dẻ vẫn nồng nàn, dịu ngọt.

Gió từ biển thổi vào mơn man những chùm hoa “sống đời” ngào ngạt tỏa hương. Bên chiến hào, cánh sóng ra-đa vẫn vươn mình, quay đều trên đỉnh núi Sơn Trà. Trên từng gương mặt, trong mỗi ánh mắt, nụ cười của các anh đều rạng ngời niềm tin yêu cuộc sống. Đời sống, nhiệm vụ còn nhiều thử thách, song những người lính ra-đa vẫn vững vàng như cây “sống đời” trên đỉnh núi. Sự bình yên của biển- đảo, sự vĩnh hằng của mùa xuân luôn cần có các anh -  những người lính chắc tay súng, vững niềm tin trên đỉnh mây vờn, gió hú...

PHAN TIẾN DŨNG

;
;
.
.
.
.
.