Lá chắn chống dịch

.

“Mời anh qua chốt”, “Đề nghị các anh/chị không chen lấn nhau”, “Chúng tôi ra đường vì mọi người, mong mọi người hãy chấp hành vì chúng tôi”... Đó là những lời nhắc nhở quen thuộc mà lực lượng chức năng nói với người dân Đà Nẵng khi lưu thông qua các chốt kiểm soát Covid-19 trong những ngày qua.

Lực lượng chức năng tại chốt trên tuyến đường Nguyễn Tri Phương và chốt trên tuyến đường Lê Duẩn - Hoàng Hoa Thám (quận Thanh Khê) kiểm tra giấy đi đường của người dân dưới thời tiết nắng nóng. Ảnh: VĂN HOÀNG-XUÂN DŨNG
Lực lượng chức năng tại chốt trên tuyến đường Nguyễn Tri Phương. Ảnh: VĂN HOÀNG

Phơi nắng, thấm đẫm mồ hôi

Trên các tuyến đường Đà Nẵng thời gian này, hình ảnh đầu tiên mọi người nhìn thấy là sự tích cực kiểm tra, hướng dẫn và phân luồng của những cán bộ, chiến sĩ, tình nguyện viên... tại các điểm chốt. Trong tiết trời oi bức đầu tháng 8, lực lượng làm nhiệm vụ phải căng mình, kiên cường bám chốt, bám đường, kiểm soát giấy tờ liên quan và lý do ra đường của người dân. Những bộ quân phục, những chiếc áo xanh tình nguyện thấm ướt mồ hôi dù phơi nắng suốt ca trực không thể nào khô ráo…

Có mặt tại điểm chốt tuyến đường Lê Duẩn - Hoàng Hoa Thám (quận Thanh Khê) từ 7 giờ sáng nhưng phải hơn 2 giờ sau đó, chúng tôi mới có thể trò chuyện cùng lực lượng làm nhiệm vụ. Bởi, vào khung giờ cao điểm, lưu lượng phương tiện qua chốt rất đông. Do phải kiểm soát tất cả phương tiện, kiểm tra kỹ thông tin, tên đơn vị, cơ sở của từng giấy đi đường nên dù điểm chốt có gần 10 thành viên vẫn không thể đáp ứng nhanh việc qua chốt của người dân.

Tranh thủ lúc vắng người qua lại, Thượng úy Nguyễn Ngọc Thịnh, Đội Cảnh sát giao thông, Công an quận Thanh Khê bước vội lên vỉa hè lấy chai nước lọc uống một hơi dài. Đưa cánh tay lau những giọt mồ hôi loang dài trên trán, Thượng úy Thịnh nói:

“Để không xảy ra tình trạng ùn ứ và hạn chế tập trung đông người, chúng tôi phải nỗ lực hơn 100% sức lực để giải quyết nhanh nhất cho người dân. Tất cả lực lượng đều bám đường, làm việc liên lục không nghỉ ngơi. Vất vả nhất là ca trực từ sáng sớm đến trưa muộn. Lúc này, lưu lượng phương tiện qua lại nhiều cộng với cái nắng gắt, anh em dễ bị choáng. Dù mệt nhưng các thành viên tổ trực luôn động viên, nhắc nhở nhau cố gắng hoàn thành tốt nhiệm vụ và giữ tác phong làm việc nhã nhặn, thái độ ứng xử chuẩn mực với nhân dân”, Thượng úy Thịnh chia sẻ.

Trước những vất vả và sự tận tâm của lực lượng chức năng tại các chốt, theo ghi nhận, hầu hết người dân đều vui vẻ hợp tác và chấp hành nghiêm túc quy định của thành phố. Nhiều người dân còn không quên động viên, cảm ơn lực lượng làm nhiệm vụ.

Chị Huỳnh Thị Hạnh (quận Hải Châu) chia sẻ: “Tôi rất xúc động khi thấy hình ảnh lực lượng chức năng phải căng mình làm việc dưới thời tiết nắng nóng. Dù rất vất vả nhưng thái độ của lực lượng tại chốt luôn thân thiện, tận tình hướng dẫn cho người dân. Tôi hy vọng mỗi người dân hãy nâng cao ý thức, nếu việc không quá bức thiết thì nên hạn chế ra ngoài, giảm bớt áp lực cho lực lượng chức năng các chốt, để bảo vệ sức khỏe cho mình và gia đình”.

Không chỉ làm nhiệm vụ tại các tuyến đường lớn, lực lượng chức năng còn đảm nhận nhiệm vụ trực chốt kiểm soát tại các tuyến đường nhỏ, kiệt, hẻm, khu dân cư và các khu phong tỏa. Hoàn thành ca trực tại chốt tuyến đường Đống Đa, Trung úy Phùng Tuân, Công an phường Thuận Phước (quận Hải Châu) bước vào lán trại tạm nghỉ ngơi trước khi về đơn vị.

Với bộ quần áo ướt sủng mồ hôi, đôi tay phồng rộp vì đeo gang tay nhiều giờ dưới thời tiết nắng nóng, Trung úy Phùng Tuân cho biết, sau ca trực chốt kiểm soát giãn cách xã hội tại các tuyến đường lớn, cán bộ, chiến sĩ Công an phường tiếp tục phân chia lực lượng xuống trực các khu cách ly trường hợp F0 trên địa bàn và tổ chức tuần tra lưu động trong khu dân cư. Do đó, mỗi ngày lực lượng đều làm việc từ 2-3 ca, bảo đảm quân số trực chiến 100%.

“Dù vất vả nhưng chúng tôi cảm thấy rất tự hào vì có thể góp một phần sức lực cùng thành phố ngăn chặn dịch bệnh”, Trung úy Phùng Tuân chia sẻ.

Lực lượng chức năng tại chốt trên tuyến đường Nguyễn Tri Phương và chốt trên tuyến đường Lê Duẩn - Hoàng Hoa Thám (quận Thanh Khê) kiểm tra giấy đi đường của người dân dưới thời tiết nắng nóng. Ảnh: VĂN HOÀNG-XUÂN DŨNG
Lực lượng chức năng tại chốt trên tuyến đường Lê Duẩn - Hoàng Hoa Thám (quận Thanh Khê) kiểm tra giấy đi đường của người dân dưới thời tiết nắng nóng. Ảnh: XUÂN DŨNG

Những “bông hồng” thép

Tại các chốt kiểm soát Covid-19 những ngày qua, bên cạnh hình ảnh nam chiến sĩ Công an, quân đội, còn có những “bóng hồng” tích cực tham gia thực hiện nhiệm vụ trực chốt. Dưới cái nắng đổ lửa, sự xuất hiện của những “nữ chiến binh” khiến quang cảnh tấp nập, hối hả tại các chốt như nhẹ nhàng hơn. Hơn 11 giờ, tại chốt kiểm soát trên tuyến đường Nguyễn Tri Phương, chúng tôi gặp được Thiếu tá Nguyễn Thị Mỹ Hạnh - một trong 5 nữ chiến sĩ được Bộ Chỉ huy Bộ đội Biên phòng Đà Nẵng tăng cường thực hiện nhiệm vụ tại các chốt kiểm soát giãn cách xã hội trên địa bàn thành phố. Trong thời điểm nắng gay gắt nhất trong ngày, chị và đồng đội vẫn vui vẻ, nghiêm túc thực hiện nhiệm vụ. Khác với vẻ bề ngoài mảnh mai, dịu dàng,

Thiếu tá Nguyễn Thị Mỹ Hạnh khẳng định chắc nịch: “Khi được giao thực hiện nhiệm vụ, tất cả mọi người đều bình đẳng như nhau. Mọi người làm được thì mình cũng làm được nên dù khó khăn đến mấy, chúng tôi vẫn cố gắng nỗ lực cùng đồng đội để hoàn thành tốt nhiệm vụ được giao. Không có chuyện vì mình là nữ nên được ưu ái hay làm ít đi”.

Thiếu tá Nguyễn Thị Mỹ Hạnh cho biết, mỗi ca trực của chị thường kéo dài 8 giờ, từ 6 giờ sáng đến 14 giờ hoặc từ 14 giờ đến 22 giờ. Lượng xe qua chốt thường cao điểm vào khoảng 8 giờ sáng, 11 giờ trưa, 17 giờ chiều.

“Nhiều người vì thấy cán bộ kiểm tra là nữ nên thái độ cũng nhẹ nhàng, thoải mái, vui vẻ chấp hành. Một số người dân còn động viên chúng tôi cố lên khiến lực lượng làm nhiệm vụ rất xúc động. Tôi hy vọng người dân sẽ luôn nêu cao ý thức để chung tay cùng thành phố chống dịch”, Thiếu tá Nguyễn Thị Mỹ Hạnh chia sẻ thêm.

Trong những chia sẻ ngắn và liên tục bị ngắt quãng khi có người, phương tiện qua chốt, Thiếu tá Nguyễn Thị Mỹ Hạnh kịp khoe với chúng tôi về cậu con trai 19 tuổi đang tham gia tình nguyện trực chốt trên địa bàn quận Thanh Khê. Theo Thiếu tá Nguyễn Thị Mỹ Hạnh, nhờ tham gia trực chốt mà hai mẹ con hiểu nhau hơn. Những lúc mệt mỏi, được con trai, gia đình động viên, chị như được tiếp thêm sức mạnh để thực hiện nhiệm vụ.

Tham gia trực chốt tại ngã tư tuyến đường Lý Thái Tổ - Hàm Nghi, nữ tình nguyện viên Ngô Hoàng Phương Thy (SN 2002, trú phường Thạc Gián, quận Thanh Khê) chia sẻ, một ngày trực chốt của em thường bắt đầu vào lúc 6 giờ đến 12 giờ và từ 13 giờ 30 đến 20 giờ. Mỗi ngày hơn 12 tiếng hỗ trợ các lực lượng tại chốt, nhưng Phương Thy cùng nhiều bạn đoàn viên, thanh niên khác luôn vui vẻ và tràn đầy năng lượng. Thy kể, ngày đầu tiếp nhận công việc, em còn hơi rụt rè, lo lắng, nhưng được sự hướng dẫn tận tình của các lực lượng tại chốt nên dần mạnh dạn hơn.

“Nhiều lần kiểm tra, phát hiện thấy người dân sử dụng giấy đi đường không đúng mẫu, tụi em nhắc nhở thì bị một số người phản ứng lại. Những lúc đó, tụi em kiên trì giải thích cho mọi người hiểu và hướng dẫn người dân làm lại mẫu giấy chung để thuận tiện khi di chuyển”, Phương Thy chia sẻ.

Dưới cái nắng như “rang”, Phương Thy vẫn nhiệt tình lăn xả, nêu cao tinh thần xung kích, không ngại khó để hỗ trợ các lực lượng thực hiện nhiệm vụ. Em kể, có ca trực, phần mềm đếm bước di chuyển hiển thị trong điện thoại lên đến con số gần 10.000 bước. Đây là con số gấp nhiều lần số bước di chuyển hằng ngày của Phương Thy và em rất tự hào. Bởi số bước chân càng nhiều, chứng tỏ ngày hôm ấy, em làm việc hiệu quả và đạt năng suất.

Dẫn chúng tôi đến khu vực nghỉ ngơi, ăn uống tại chốt, Phương Thy khoe những chai nước, bánh ngọt được người dân “tiếp tế”. Chỉ vào từng món, em có thể kể vanh vách người cho là ai. Có phần của Hội Liên hiệp Phụ nữ phường, có phần của một cô gái trẻ, một anh đi xe máy… Có lẽ, đối với Thy và cả các lực lượng trực chốt, sự chia sẻ, ủng hộ cùng món quà nhỏ kể trên chứa đựng tình cảm to lớn, tiếp thêm sức mạnh cho họ trong cuộc chiến đẩy lùi dịch bệnh này.

XUÂN DŨNG - VĂN HOÀNG

;
;
.
.
.
.
.