Lời tự tình của đá

.

Cửa biển Sa Kỳ, huyện Bình Sơn, tỉnh Quảng Ngãi, có mũi Ba Làng An nổi tiếng bởi vẻ đẹp kỳ vĩ của vách đá núi lửa đen nhánh nép mình bên biển xanh trong. Xa xa những chiếc thuyền thúng chòng chành trôi bình yên đến lạ, một cảnh thiên nhiên bình yên, mộc mạc, đặc trưng của miền biển Trung Bộ.

Đèn biển Ba Làng An (biển Sa Kỳ, huyện Bình Sơn, tỉnh Quảng Ngãi) nhìn từ bãi đá nham thạch.
Đèn biển Ba Làng An (biển Sa Kỳ, huyện Bình Sơn, tỉnh Quảng Ngãi) nhìn từ bãi đá nham thạch. Ảnh: N.H

Triệu năm trầm tích

Mấy hôm nay biển động, ghe thuyền thảnh thơi nằm nghỉ trên bãi cát dưới rặng phi lao. Chỉ có gió và sóng là bận bịu hơn ngày thường. Anh Ngô Hoàng Khả Trí, một du khách đến từ Đà Nẵng thích thú ngắm những con sóng bạc đầu cuộn trào, những cơn gió quất thẳng vào bãi đá đen xếp thành hình cánh cung trước thềm biển như một trải nghiệm đầy mới mẻ.  Chị Nguyễn Thị Bông, một người dân địa phương vừa luôn tay bán trái cây gọt sẵn vừa giới thiệu: “Tầm 3-4 giờ chiều, nước rút ra xa để lộ ghềnh đá đẹp lắm. Tha hồ bắt ốc, lượm nghêu. Chụp ảnh sống ảo thì miễn bàn. Không có biển mô đẹp như biển quê tui mô nghe!”.

Nhiều du khách đến từ rất sớm vẫn kiên nhẫn ngồi lại bên bờ cát chờ thủy triều xuống để được chiêm ngưỡng miệng núi lửa đã thôi phun trào từ hàng triệu năm trước. Sự đồng nhất về cấu tạo địa chất của các khối đá, vụn đá ở đây cho phép phỏng đoán về hoạt động của một núi lửa vào thời điểm cách chúng ta nhiều chục vạn năm khiến dung nham từ trong ruột địa cầu phun trào lên khỏi mặt đất, đổ tràn ra mé biển, ùa xuống vụng nước, sau đó đông kết thành khối phún xuất thạch đè lên nền đất đá trầm tích.

Trong khi chờ triều xuống, chúng tôi theo chân người gác đèn biển Nguyễn Văn Tân, Trạm trưởng Trạm đèn biển Ba Làng An, leo 80 bậc thang lên đỉnh ngọn đèn biển cao 36m, toàn cảnh mũi Ba Làng An hiện ra như một bức họa. Tại đây, có thể phóng tầm mắt ra xa, nhìn bao quát cả những vị trí đẹp nhất của Ba Làng An, ngắm trời cao, biển rộng, sóng vỗ rì rào, ngắm núi nham thạch trải dài thoai thoải theo bờ biển, ngắm đảo Lý Sơn ẩn hiện giữa mây trời…

Nhìn xa xa về phía cửa biển Sa Kỳ, dãy đá đen sừng sững chặn ngang qua cửa biển, chỉ chừa một lối vào trong. Từ hình thể những khối đá, ghềnh đá, trong khung cảnh thiên nhiên bao la biển cả, phóng khoáng mây trời, con người hình dung thành “Lão câu ghềnh đá”, “Lò rượu”, “Bàn chân khổng lồ”, lại gắn vào đó nhiều tích truyện lý thú, kích thích trí tưởng tượng của các thế hệ tao nhân mặc khách.

Du khách thích thú trước vẻ đẹp kỳ thú của Thạch Ky Điếu Tẩu. Ảnh: N.H
Du khách thích thú trước vẻ đẹp kỳ thú của Thạch Ky Điếu Tẩu. Ảnh: N.H

Hồn làng neo trong đá

Trong tiếng sóng vỗ ì ầm, ông Lê Văn Một (SN 1967), người làng An Kỳ có gần 20 năm giữ xe cho du khách đến thưởng lãm danh thắng “Lão câu ghềnh đá” cho biết: “Ở đây đến đứa con nít lên ba cũng thuộc lòng câu chuyện về ông khổng lồ gánh đá lấp cửa biển”.

Hồi nhỏ, anh nghe người già trong làng kể, trước mặt mũi đất Ba Làng An là biển cả mênh mông đầy sóng dữ. Vào mùa gió bão, nhà bay, thuyền đắm, người chết nhiều vô kể. Thương dân chịu khổ vì thiên tai, ông khổng lồ gánh đá lấp biển để che chắn cho dân làng. Còn một gánh đá cuối cùng nhưng quá nặng, khi bước chân qua cửa biển, đòn gánh bị gãy, đá đổ hai bên cửa nay thành hai quả núi. Bực mình, ông giậm chân bay về trời. Dấu chân ông khổng lồ còn in rõ, bàn chân trái ở núi An Kỳ, chân phải ở núi An Hải. Cái hang đá là lò nấu rượu của ông khổng lồ bỏ lại vẫn sôi sùng sục ngày đêm. Người dân ở đây vẫn tin rằng, nếu ướm chân vào vết chân đá khổng lồ này sẽ gặp nhiều điều may mắn. Vì vậy, nhiều du khách đến vãn cảnh trước khi ra về không quên đặt bàn chân của mình vào lõm đá để nghe câu chuyện xưa theo tiếng sóng hiện về.

Không chỉ riêng vùng biển Sa Kỳ, mà chạy dài theo vùng biển miền Trung, những núi đá sừng sững ngàn năm nhô ra biển, sự xâm thực của sóng biển và gió đã tạo nên những hình thù kỳ thú, được ngư dân dệt nên những câu chuyện đậm chất nhân văn. Ghềnh đá Bàn Than ở Tam Hải, huyện Núi Thành, tỉnh Quảng Nam, nổi bật nhất là có hai mỏm đá dài và nhô ra phía ngoài biển được nhân dân trong vùng gọi với cái tên đặc biệt là Ông Đụn và Bà Che, gắn với câu chuyện cổ tích dân gian nói về tình nghĩa vợ chồng và tình mẫu tử thiêng liêng sâu sắc. Hai mỏm đá này còn được xem như những vị thần bảo vệ làng biển Tam Hải từ biết bao đời nay. Theo sự thẩm định của các nhà địa chất vào năm 2017, họ cho rằng ghềnh đá Bàn Than xứng đáng là di sản địa chất tầm cỡ thế giới, bởi nơi này có đá gốc với số tuổi cao ngất ngưỡng đến 400 triệu năm.

Trở lại với mũi Ba Làng An. Vốn nhờ tựa vào những ghềnh đá, hốc đá mà các loài hải sản sống ở đây nhiều hơn hẳn các vùng ven biển khác, có những loại được giới sành điệu về ẩm thực gọi là “hảo hạng” như: nhum, nhím biển, cua hoàng đế… Cũng chính địa thế lắm đá nhiều ghềnh này đã cản chân những phương thức đánh bắt tận diệt như lưới cào, lưới quét mà thay vào đó là những tập quán đánh bắt thủ công. Vào mùa nhum, từng cặp vợ chồng trẻ dắt nhau ra ghềnh đá, chồng lặn mò bắt nhum, vợ ngồi trên bờ bóc vỏ, lọc lấy thịt nhum đem về bán. Mắm nhum ngày xưa là đặc sản “tiến vua” có hương vị đặc biệt, một lần ăn thì nhớ để đời.

Bức tranh mộc mạc và nên thơ của làng chài ven cửa biển Sa Kỳ là hình ảnh lũ trẻ vui đùa rủ nhau đi lượm ốc, vài chiếc thúng câu bồng bềnh giữa trời mây non nước. Tiếng sào đập nước dồn cá vào lưới tạo nốt trầm âm vang xao xuyến lòng người. Trên những mõm đá cheo leo nhô hẳn ra biển, những người câu cá ngồi yên như tượng đá mặc cho sóng vỗ quanh ghềnh.

Đá vô ngôn?

Ba Làng An là địa danh có ba làng cùng có tên “An”: An Hải, An Vĩnh và An Kỳ. Cư dân Ba Làng An không chỉ ra khai hoang đảo Lý Sơn mà còn là những người đầu tiên tham gia vào đội Hoàng Sa, gìn giữ bảo vệ chủ quyền biển, đảo của Việt Nam.

Mấy năm gần đây, vẻ đẹp non nước hữu tình của mũi Ba Làng An đã thu hút một lượng du khách khá lớn. Thay vì đi biển đảo Lý Sơn dài ngày thì nhiều người chọn đến mũi đất này để ngắm vách đá núi lửa đen nhánh dưới ánh hoàng hôn khi thủy triều xuống và đắm mình trong những câu chuyện ly kỳ của làng chài nguyên sơ dưới rặng phi lao.

Hơn 30 năm trước, một chuyện ly kỳ đã làm thay đổi diện mạo cảng Sa Kỳ. Theo mô tả của sách Đại Nam nhất thống chí, độ sâu tương đối của lạch nước cửa biển Sa Kỳ khi thủy triều lên sâu 6 thước (đơn vị đo lường cổ, xấp xỉ 2,5m), một độ sâu không cho phép tàu thuyền qua lại. Theo bài viết mô tả cảnh đẹp Thạch Ky Điếu Tẩu của tác giả Lê Hồng Khánh trên Báo Quảng Ngãi, ngày 18-9-1990 đã có một vụ nổ với 5 tấn thuốc nổ, phá vét khoảng 8.000m3 đá ngầm, mở ra độ rộng và sâu của luồng cảng, biến nơi đây thành một trong những cảng biển quan trọng của tỉnh Quảng Ngãi và là đầu mối của tuyến đường thủy khứ hồi đất liền - huyện đảo Lý Sơn.

Gần đây, việc can thiệp thô bạo vào thiên nhiên đã gây những hệ lụy đáng buồn. Dân làng chài cùng những nhà nghiên cứu văn hóa vùng biển Sa Kỳ đã phải lên tiếng vì thực trạng xẻ ghềnh, phá đá để làm nhà hàng phục vụ khách du lịch của một vài cá nhân khiến diện mạo của danh thắng trở nên nham nhở. Những bãi đá nham thạch hàng triệu năm mất dần để lại vết đứt gãy trong việc bảo tồn và nghiên cứu…

Trong một clip giới thiệu về cảnh đẹp mũi Ba Làng An và ghềnh đá Thạch Ky Điếu Tẩu đăng trên mạng xã hội, một du khách đến từ Hà Nội sau khi không ngớt xuýt xoa trước vẻ đẹp của thiên nhiên kỳ thú nơi này đã buông lời kết đầy bức xúc về việc xả rác vô tội vạ của du khách. Đá thinh lặng nằm đó hàng triệu năm, trước sự phũ phàng của con người, liệu có ai nghe được tiếng kêu cứu vô ngôn của đá để cảnh quan mà tạo hóa ban cho nơi này luôn có một kết thúc có hậu?...

NHƯ HẠNH

;
;
.
.
.
.
.