Họ đã sống và tri ân

.

Những thương binh mà chúng tôi gặp từ các miền quê khác nhau đã chọn Đà Nẵng làm đất lành để sống và cống hiến. Họ đã trải qua cuộc kháng chiến hào hùng của dân tộc và thấy được trách nhiệm của mình đối với đất nước hôm nay…   

Cựu chiến binh Nguyễn Tiến Đãi (thứ ba, bên trái sang) trong lần về thăm di tích hang Ông Tân (tỉnh Quảng Nam), từng là nơi trú ẩn của đơn vị trong kháng chiến.
Cựu chiến binh Nguyễn Tiến Đãi (thứ ba, bên trái sang) trong lần về thăm di tích hang Ông Tân (tỉnh Quảng Nam), từng là nơi trú ẩn của đơn vị trong kháng chiến. Ảnh: HỒNG VÂN

Đôi chân không mỏi

Cựu chiến binh (CCB), thương binh Nguyễn Tiến Đãi, trong thời kỳ chống Mỹ, cứu nước là cán bộ thông tin Trung đoàn 31, Sư đoàn 2, sau đó làm nhiệm vụ quốc tế ở chiến trường K và về hưu khi công tác ở Phòng Tác chiến Quân khu 5. Hiện gia đình ông sống tại phường An Hải Đông (quận Sơn Trà). Bị thương khi đánh trận Nông Sơn (tỉnh Quảng Nam) năm 1974 nhưng ông vẫn tự cho mình may mắn hơn nhiều đồng đội đã không kịp có mặt ngày đất nước thống nhất. Do đặc thù của chuyên ngành, ông đã đi đến hầu hết các huyện thuộc 11 tỉnh trên địa bàn Quân khu 5, tích lũy được kinh nghiệm về bản đồ, địa hình, phiên hiệu, ký hiệu đơn vị, thời gian và vị trí đóng quân. Vì thế, việc tiếp xúc, xác minh, đối chiếu các thông tin trong hồ sơ của liệt sĩ và phần mộ ở thực địa có nhiều thuận lợi.

Điển hình nhất là trường hợp tìm mộ liệt sĩ Vũ Duy Hoạt (tỉnh Hưng Yên), hy sinh ở Nông Sơn (tỉnh Quảng Nam) có trong nhật ký của đồng đội hẳn hoi vậy mà ông và các CCB huyện tìm mãi không ra. Những ngày đó mưa lớn, đường xấu, ô-tô không thể lên được núi Chôm, các ông lão tuổi  70 bẻ cây làm gậy, lội bộ hơn chục cây số nữa mới đến nơi. Có bản đồ mang theo nhưng vẫn không xác định được phương hướng trước núi rừng mênh mông. Đến ngày thứ 8, trước tình huống bế tắc, CCB Nguyễn Tiến Đãi quyết băng bộ ra, về lại Đà Nẵng lấy bản đồ quân sự từ trước 1975 đem lên để tìm tọa độ cho chính xác hơn. Quả đúng như vậy, sân bóng dã chiến của đơn vị trong những ngày đóng quân hiện lên rõ ràng. Từ đây, việc tìm kiếm dễ dàng, thông suốt và mộ liệt sĩ Vũ Duy Hoạt được tìm thấy nhanh chóng.

Chỉ tính từ năm 2015- 2018, CCB Nguyễn Tiến Đãi cùng  ban liên lạc Trung đoàn 31 và CCB các địa phương phối hợp đã đi tìm và xác nhận danh tính hàng trăm liệt sĩ; xác minh và thông báo về cho các gia đình cả ngàn trường hợp. Năm 2019, ông được Trung ương Hội CCB Việt Nam tằng bằng khen; ba năm gần đây, ông liên tục nhận được thư khen và chúc Tết của Chủ tịch nước. Để phục vụ cho công việc thuận lợi, ông học hỏi sử dụng vi tính thành thạo; lưu trữ danh sách hàng chục nghìn liệt sĩ hy sinh ở các chiến trường; đăng tải hình ảnh lên mạng xã hội để kịp nắm bắt và hồi âm thông tin từ mọi miền. Năng lượng của ông khiến nhiều thanh niên không theo kịp. Chi phí cho các chuyến đi được trích từ đồng lương hưu và có cả phần hỗ trợ của vợ con, mà không nhận bất cứ sự tài trợ nào của thân nhân liệt sĩ. Mới đây nhất, ông thông báo, ngày 18-7-2022, ông và đồng đội đã tìm được hai liệt sĩ có tên, đưa về quê Thanh Hóa sau những ngày dài rong ruổi.

Người giữ hàng trăm trang nhật ký chiến trường

Thương binh Dương Hữu Quyên, nguyên Phó Chủ nhiệm Ủy ban Kiểm tra Đảng ủy Quân khu 5, đảm nhiệm nhiều chức vụ sau nghỉ hưu. Tuy nhiên, hai công việc làm ông bỏ nhiều thời gian nhất hiện nay là Chủ tịch Hội hữu nghị Việt Nam- Campuchia quận Hải Châu và Phó trưởng Ban liên lạc cựu quân nhân nhập ngũ tháng 7 năm 1977 của huyện Duy Xuyên (Quảng Nam).

11 năm tham gia bảo vệ biên giới Tây Nam và sau đó làm nhiệm vụ quốc tế trên đất bạn trong đội hình Sư đoàn 307, kỷ niệm sâu sắc nhất của Đại tá Dương Hữu Quyên là cùng Tiểu đoàn 1, Trung đoàn 95 giải phóng cả một vùng dân cư rộng lớn khu vực biên giới, trong đó có đền Preah Vihear, di sản văn hóa thế giới.

Từ dưới mặt đất trèo lên đến đền Preah Vihear phải qua nhiều dốc cao, có 7 đoạn phải trèo bằng thang gỗ, người khỏe nhất phải mất 3 giờ đi bộ mới trèo lên đến đỉnh. Để bảo vệ dài lâu, Tiểu đoàn của ông Quyên tổ chức phòng ngự, xây dựng hệ thống công sự, vật cản, bố trí hệ thống hỏa lực vững chắc. Mùa khô năm 1981 là thời kỳ địch tiến công đền ác liệt nhất. Suốt ngày đêm từ bên kia biên giới, chúng dùng các loại súng cối và cả pháo 105mm bắn liên tục vào trận địa phòng ngự của ta với hàng ngàn quả. Tiểu đoàn 1 kiên cường đánh lui tất cả các đợt tấn công của chúng, tuy nhiên tổn thất của đơn vị cũng không nhỏ. Vốn là người giàu hoài niệm, nặng nghĩa tình, ông Quyên tập thói quen ghi nhật ký thường xuyên sau từng trận đánh và mỗi khi đồng đội hy sinh. Nhờ vậy, bây giờ ông còn giữ nhiều cuốn hồi ký với màu mực đã dần phai theo thời gian, có cuốn phải dùng kính lúp mới đọc được. Ông coi như báu vật, thi thoảng lại lấy ra xem và hồi tưởng từng gương mặt đồng đội đã ngã xuống.

Ông Quyên trầm ngâm: “648 con em huyện tôi nhập ngũ đợt ấy phần lớn đã không trở về hoặc trở thành thương binh, có người không thể lao động bình thường. Vì thế, Ban liên lạc được thành lập và giúp nhau vượt qua những khó khăn trong cuộc sống. Từ lần gặp đầu tiên năm 1981 ngay trên đất bạn, đến nay chúng tôi đã có hơn 30 lần gặp, mà lần nào cũng dạt dào xúc động”. Năm 2016, ông Quyên là thành viên trong số 25 CCB của Quân khu 5 được chọn đi dự cuộc gặp mặt với Thủ tướng Campuchia Hun Sen tại Thành phố Hồ Chí Minh. Những người có mặt trong hội trường hôm đó đều tỏ ra hài lòng khi Thủ tướng Campuchia đánh giá đúng sự hy sinh của người lính tình nguyện Việt Nam. Đại tá Dương Hữu Quyên cho biết: “Hiện nay toàn quận Hải Châu có khoảng 1.600 cựu quân tình nguyện, cựu chuyên gia Việt Nam đã từng giúp nhân dân Campuchia. Hội đã kết nạp 586 hội viên. Ngoài các hoạt động cùng thành phố, chúng tôi luôn hướng đến hỗ trợ đồng đội trong đời sống. Chỉ riêng Tết Nguyên đán 2022, hội vận động số tiền 15 triệu đồng tặng 30 suất quà cho những gia đình liệt sĩ và hội viên có hoàn cảnh khó khăn”.

Bí thư Chi bộ thôn Nhơn Thọ 2, xã Hòa Phước Hà Mận (thứ ba, bên trái sang) trao quà mừng thọ người cao tuổi trong thôn.Ảnh: HỒNG VÂN
Bí thư Chi bộ thôn Nhơn Thọ 2, xã Hòa Phước Hà Mận (thứ ba, bên trái sang) trao quà mừng thọ người cao tuổi trong thôn. Ảnh: HỒNG VÂN

Niềm vui khi góp sức mình vì nhân dân

Đại tá, thương binh Hà Mận, nguyên Phó Chủ nhiệm Ủy ban Kiểm tra Đảng ủy Bộ Chỉ huy Quân sự tỉnh Quảng Nam về hưu 10 năm thì có hai nhiệm kỳ là Bí thư Chi bộ thôn Nhơn Thọ 2, xã Hòa Phước (Hòa Vang). Trước đó, ông là Chi hội trưởng chi hội CCB của thôn. Với ông, dù chức vụ gì, được đóng góp sức lực của mình cho nhân dân đã là niềm vui lớn lao. Có lẽ vậy mà Chi bộ Nhơn Thọ 2 có nhiều mô hình đặc biệt được cả xã học tập. Bản thân ông Hà Mận nhận nhiều giấy khen của xã, huyện và bằng khen của Đảng bộ thành phố và Hội CCB thành phố.

Trách nhiệm ấy bắt nguồn từ những ngày ông ở chiến trường K trong đội hình Sư đoàn 307, chứng kiến bao đồng đội hy sinh anh dũng. Ông kể: “Khi chúng tôi phòng ngự giữ đền Preah Vihear cho bạn, khó khăn nhất là giải quyết nguồn nước sinh hoạt. Bộ đội phải gùi nước từ dưới thấp lên, có khi hàng buổi mới mang được một can nước lên đến đền. Quân địch lại thường xuyên phục kích, cài mìn trên đường đi lấy nước. Tôi nhớ mãi có lần cha tôi gửi thư qua chiến trường. Khi đến nơi thấy thư dính máu và thủng nhiều chỗ. Hỏi ra mới biết chiếc xe chở thư báo bị mìn Pol Pot cài cắm. Chiến sĩ quân bưu bị thương nặng nhưng vẫn cố đem thư đến ngôi đền. Sau này tôi đem bức thư đặc biệt ấy về lại cho cha. Ông đã khóc…”.

Giọng ông trầm lại như tự dặn mình: “Tôi còn khỏe đến ngày hôm nay đã là hạnh phúc. Bởi vậy khi làm cán bộ chính sách (Ban Chính sách Bộ Chỉ huy Quân sự tỉnh Quảng Nam), tôi luôn cố gắng cao nhất để tham mưu giải quyết kịp thời chế độ cho đồng đội và nhân dân. Nhờ nắm rõ công việc khi đương chức mà khi làm chi hội cựu chiến binh hay bí thư chi bộ ở thôn Nhơn Thọ 2 tôi đều ưu tiên giúp đồng đội từng tham gia chiến đấu trước đây không bị thiệt thòi”.

Về hưu mà không nghỉ, các thương binh Nguyễn Tiến Đãi, Dương Hữu Quyên, Hà Mận đều quên đi những vết thương trên cơ thể, chăm lo công việc xã hội. Với họ được sống có ý nghĩa là đã xứng đáng với bao đồng đội đã hy sinh. Tấm gương các CCB, thương binh ấy đã thực sự lan tỏa trong lòng người dân Đà Nẵng.

HỒNG VÂN

;
;
.
.
.
.
.