Phóng sự - ký sự
Nghĩa tình "người mẹ thứ hai"
Không cùng quê hương xứ sở, không chung dòng máu huyết thống, thế nhưng hơn 3 năm qua, những người phụ nữ Việt Nam và các sinh viên Lào gọi nhau “mẹ con” đầy tình nghĩa. Không kể sớm hôm, các mẹ luôn ân cần chăm sóc mỗi khi con đau ốm, an ủi, động viên mỗi khi con gặp khó khăn, nhớ nhà, nhớ quê hương. Với du học sinh Lào, những người mẹ Việt không chỉ là “người mẹ thứ hai” mà còn là gia đình, là điểm tựa vững chắc trong suốt hành trình học tập xa xứ.
Các sinh viên Lào đến thăm, tặng quà Tết cho bà Phan Thị Thiệp (bìa phải) nhân dịp năm mới 2022. Ảnh: H.H |
Ấm tình mẹ con
Dịp lễ 2-9 vừa qua, căn nhà nhỏ của bà Phan Thị Thiệp (tổ 59, phường Hòa Khánh Nam, quận Liên Chiểu) rộn ràng tiếng nói cười bởi sự có mặt của các con nuôi người Lào. Từ sáng sớm, các con đã tập trung về nhà mẹ Thiệp. Trong căn bếp nhỏ, mẹ Thiệp và các con tự tay làm các món bánh của Việt Nam và nấu một số món ăn truyền thống của Lào. Bữa trưa được dọn lên với đầy đủ hương vị Việt, Lào hòa quyện. Gia đình bà Thiệp và các sinh viên Lào cùng ăn uống, trò chuyện rôm rả, ấm cúng như người một nhà. Đây là hoạt động thường xuyên của gia đình bà Thiệp và các con nuôi vào mỗi dịp cuối tuần, lễ, Tết hay ngày sinh nhật của các thành viên.
Tháng 3-2019, Hội Liên hiệp Phụ nữ (LHPN) phường Hòa Khánh Nam triển khai mô hình “Người mẹ thứ hai” lần thứ nhất, bà Thiệp là 1 trong số 11 hội viên nhận đỡ đầu 22 sinh viên Lào. Là một người con của mẹ Thiệp, Chanthamixay Pala (Khoa Khoa học máy tính, Trường Đại học Công nghệ thông tin và Truyền thông Việt - Hàn) kể, những ngày mới qua Việt Nam nhập học, em rụt rè, ngại nói vì vốn tiếng Việt không tốt. Từ khi được mẹ Thiệp nhận nuôi và thường xuyên về nhà mẹ ăn ở, sinh hoạt, Chanthamixay Pala dần dạn dĩ hơn trong giao tiếp. Cứ mỗi lần “bí” từ hay dùng sai từ tiếng Việt, mẹ Thiệp lại ân cần giải thích giúp em ghi nhớ tốt hơn. Với Chanthamixay Pala, mẹ Thiệp không chỉ là mẹ hiền mà còn là “cô giáo” giúp em học tập, trau dồi tiếng Việt tốt hơn từng ngày.
Dịp Tết Nguyên đán năm 2022 vừa qua, Chanthamixay Pala không về nước, mẹ Thiệp đón em về nhà, cùng ăn Tết cổ truyền Việt Nam với gia đình. Để giúp em có cái Tết trọn vẹn, mẹ Thiệp đưa Chanthamixay Pala đi may áo dài, mua quần áo mới, dạy em gói bánh chưng, nấu mỳ Quảng, đổ bánh xèo và đưa em đi tham quan nhiều địa điểm du lịch nổi tiếng của thành phố. Chanthamixay Pala bộc bạch: “Em thật hạnh phúc và may mắn khi được mẹ Thiệp nhận đỡ đầu. Mẹ luôn yêu thương, chăm sóc em không khác gì con ruột. Nhờ có mẹ mà em vượt qua nỗi nhớ nhà, nhớ quê hương, yên tâm học tập”.
Với vợ chồng bà Trần Thị Nguyện (tổ 25, phường Hòa Khánh Nam), việc nhận đỡ đầu sinh viên Lào là niềm vui lúc tuổi già. Hai vợ chồng bà đã về hưu, các con đều yên bề gia thất nên ngôi nhà dù bé cũng trở nên trống trải bởi cả ngày chỉ hai thân già đi ra đi vào. Ấy vậy mà từ khi có thêm các con nuôi, ngôi nhà của vợ chồng bà như bừng lên sức sống. Vui thì vui thật, nhưng cũng từ đây, vợ chồng bà Nguyện có thêm hàng tá công việc không tên của một người mẹ, người bố. Từ việc dạy các con đi xe máy, chỉ dẫn đường xá, chợ búa, hàng quán cho đến chăm các con lúc đau ốm, đi viện, động viên các con lúc nhớ nhà, nhớ quê hương. Chưa hết, trong 2 năm 2020-2021 ảnh hưởng Covid-19 và các đợt giãn cách xã hội, mẹ Nguyện và các mẹ khác tất bật đi chợ, mua thực phẩm, thuốc men, đồ dùng thiết yếu mang đến tận ký túc xá cho các sinh viên Lào; vận động nhà hảo tâm hỗ trợ thực phẩm, bảo đảm để các em không thiếu thốn. Vất vả là vậy nhưng bù lại, cuối tuần nào các sinh viên Lào cũng về thăm, trò chuyện, ăn cơm cùng gia đình khiến cuộc sống về hưu của vợ chồng bà Nguyện đầy ắp niềm vui, hạnh phúc.
Bà Trần Thị Nguyện (giữa) và các sinh viên Lào thường xuyên sum họp, nấu các món truyền thống của hai đất nước. Ảnh: H.H |
Tiếp nối ân tình
Tiếp nối niềm vui của đợt nhận đỡ đầu thứ nhất, đầu tháng 7-2022, Hội LHPN phường Hòa Khánh Nam tiếp tục thực hiện mô hình “Người mẹ thứ hai” đợt 2. Trong đợt này, có 13 gia đình cán bộ, hội viên phụ nữ nhận đỡ đầu 26 sinh viên Lào đang học tại Trường Đại học Sư phạm (Đại học Đà Nẵng). Theo Chủ tịch Hội LHPN phường Hòa Khánh Nam Lưu Thị Nghĩa, phường là địa bàn đóng chân của Trường Đại học Sư phạm, nơi thường xuyên tiếp nhận đào tạo đối với lưu học sinh Lào. Mặc dù được Tổng Lãnh sự quán Lào tại Đà Nẵng và Trường Đại học Sư phạm hỗ trợ, tạo mọi điều kiện thuận lợi cho việc học tập, song các em phải sống xa gia đình, xa vòng tay yêu thương của bố mẹ để làm quen với môi trường mới và tiếp xúc với một nền văn hóa mới, ngôn ngữ mới nên không tránh khỏi bỡ ngỡ, khó khăn ban đầu, rất cần người dìu dắt, hỗ trợ. “Bản thân chúng tôi là những người phụ nữ, những người mẹ nên rất thấu hiểu và đồng cảm với những khó khăn của các em. Bằng sự thấu hiểu ấy, Hội LHPN phường Hòa Khánh Nam phát động thực hiện mô hình “Người mẹ thứ hai” nhằm vận động cán bộ, hội viên phụ nữ nhận đỡ đầu, chăm sóc du học sinh Lào trên địa bàn”, bà Nghĩa nói.
Để giúp sinh viên Lào dạn dĩ và có điều kiện trau dồi tiếng Việt, các dịp cuối tuần hoặc lễ, Tết, gia đình các mẹ thường tổ chức sum họp, liên hoan và gọi các con về cùng. Vào dịp sinh nhật các con, các mẹ tổ chức liên hoan, cùng các con vào bếp làm các món ăn truyền thống của hai đất nước. Đây là dịp để các con có điều kiện giao lưu, tìm hiểu những phong tục, tập quán, nét văn hóa truyền thống của người Việt Nam... Đặc biệt, trong thời gian ảnh hưởng Covid-19, các sinh viên Lào không thể về nước, sống tại khu ký túc xá của trường, Hội LHPN phường Hòa Khánh Nam đã vận động mạnh thường quân hỗ trợ nhu yếu phẩm với tổng kinh phí gần 50 triệu đồng cho các sinh viên. UBND phường tặng gần 500kg rau củ quả cho các em sống tại ký túc xá...
Đậm sâu tình nghĩa Việt - Lào
Năm 2019, bà Phạm Thị Phúc, Chi hội trưởng Chi hội Chơn Tâm 1B4 (phường Hòa Khánh Nam) nhận đỡ đầu 5 sinh viên Lào. Vừa qua Việt Nam được 1 tuần, trong các con nuôi của bà Phúc có một em dị ứng da nổi mề đay. Đêm đó, nhận được điện thoại của con xong, bà Phúc tức tốc đến ký túc xá hỏi thăm tình hình. Ngay sáng hôm sau, bà tự mình dẫn em đến Bệnh viện Da liễu khám, điều trị. Giữa năm 2019, con nuôi của bà Vũ Thị Xuân Hương, Chi hội trưởng Chi hội Chơn Tâm 1B5 (phường Hòa Khánh Nam) mắc chứng rối loạn tiền đình nặng do thay đổi môi trường sống đột ngột, phải về nước điều trị. Trong khi đó, bố mẹ ruột của em ở Lào không quen đường xá sang Việt Nam, đành nhờ vợ chồng bà Hương đưa con về giúp. Nhận lời gia đình, hai vợ chồng bà Hương sắp xếp công việc, đích thân đưa con về lại quê nhà ở tỉnh Champasak (Lào). Chưa hết, nhiều em sau khi học xong về nước vẫn giữ liên lạc với gia đình nhận nuôi, bố mẹ hai bên thường xuyên gọi điện hỏi thăm nhau, xem nhau như người một nhà.
Chủ tịch Hội LHPN quận Liên Chiểu Nguyễn Thị Thanh cho biết, thời điểm phát động triển khai mô hình “Người mẹ thứ hai”, các cấp hội không khỏi lo lắng, bởi đây không chỉ là một phong trào xã hội đơn thuần mà còn là hoạt động mang tính quốc tế, có ý nghĩa về mặt ngoại giao giữa thành phố và nước bạn Lào. Thật đáng mừng là sau 2 đợt triển khai, mô hình nhận được sự quan tâm, tham gia của đông đảo hội viên phụ nữ và sinh viên Lào, mang lại kết quả khá tích cực. Các gia đình nhận nuôi đều xem các em như con ruột, gắn kết, yêu thương, chăm sóc tận tình. Du học sinh Lào thực sự xem các mẹ là gia đình thứ hai, là điểm tựa tinh thần vững chắc trong những ngày xa xứ. Không dừng lại ở đó, gia đình các hội viên phụ nữ và gia đình các sinh viên Lào cũng xây dựng mối quan hệ tốt đẹp, khắng khít như anh em một nhà.
Trong buổi giao lưu mô hình “Người mẹ thứ hai” giữa phụ nữ Đà Nẵng và sinh viên Lào do Hội LHPN phường Hòa Khánh Nam tổ chức mới đây, xúc động trước tình cảm và ân tình của những người mẹ Việt, bà Inlavan Keobounphan, Ủy viên Ban Chấp hành Trung ương Đảng Nhân dân Cách mạng Lào, Chủ tịch Hội LHPN Lào gửi lời cảm ơn sâu sắc đến những “Người mẹ thứ hai” của các em sinh viên Lào tại Việt Nam; cảm ơn các mẹ đã yêu thương, hỗ trợ, giúp đỡ tận tình những đứa con không cùng huyết thống. Bà Inlavan Keobounphan khẳng định, mô hình “Người mẹ thứ hai” là một trong những hoạt động ngoại giao đầy nhân ái, nghĩa tình, thiết thực và đặc biệt ý nghĩa khi hai nước Việt - Lào kỷ niệm 60 năm ngày thiết lập quan hệ ngoại giao Việt Nam - Lào (5-9-1962 - 5-9-2022).
Có thể khẳng định, mô hình “Người mẹ thứ hai” không chỉ là hoạt động nhân ái thông thường mà đã trở thành cầu nối ngoại giao giữa hai đất nước; giúp thắt chặt tình đoàn kết hữu nghị giữa hai nước Việt - Lào, góp phần xây dựng hình ảnh đất nước, con người Việt Nam nhân văn, nghĩa tình trong mắt bạn bè quốc tế.
HUY HOÀNG