"Con chim vàng của nền nhạc Việt"

.

ĐNO - Cha mẹ đặt tên ông là Phan Huỳnh Điểu với ước mong con mình sẽ là con chim vàng, theo nghĩa của hai chữ Huỳnh Điểu. “Con chim vàng” ấy, trước khi khuất vào dáng núi xa, hơn 75 năm bay lượn trên bầu trời âm nhạc Việt và để lại cho đời hàng trăm ca khúc làm rung động trái tim nhiều thế hệ.

Nhạc sĩ Phan Huỳnh Điểu xúc động khi xem liên khúc Đoàn Giải phóng quân và Đà Nẵng ơi, chúng con đã về, hai tác phẩm cách nhau 30 năm của mình. Ảnh: VTL
Nhạc sĩ Phan Huỳnh Điểu xúc động khi xem liên khúc Đoàn Giải phóng quânĐà Nẵng ơi, chúng con đã về, hai tác phẩm cách nhau 30 năm của mình. Ảnh: V.T.L

Có lần, trong một buổi liên hoan diễn ra ở Đà Nẵng, khi thấy người ta hát ca khúc của các nhạc sĩ nổi tiếng như Trịnh Công Sơn, Từ Huy, Phú Quang..., anh nọ tới phiên mình lên cầm micro liền tự giới thiệu: “Các anh chị vừa nghe nhiều bài nhạc “ngoại” rất hay, giờ đây tôi xin được hát một bài nhạc “nội”, gọi là chút “cây nhà lá vườn” gởi tặng quý anh chị...”.

Ai cũng tưởng anh sẽ hát một bài gì đấy, chẳng hạn như tự sáng tác, nào ngờ anh trỗi giọng tâm tình bằng ca khúc “Thuyền và Biển” của nhạc sĩ Phan Huỳnh Điểu, phổ thơ Xuân Quỳnh. Khi có người thắc mắc hỏi sao gọi là nhạc “nội” thì anh cười hóm hỉnh: "Xin thưa, nhạc sĩ Phan Huỳnh Điểu là người Đà Nẵng quê tôi đó!".

Bén duyên cùng cây đàn mandolin

Thật vậy, với những ai sinh và sống ở Đà Nẵng, thì Phan Huỳnh Điểu chính là nhạc sĩ “nội”. Ông sinh ngày 11-11-1924 tại Đà Nẵng, nguyên quán thị xã Điện Bàn, tỉnh Quảng Nam, là người con thứ mười một trong gia đình.

Bắt đầu hoạt động âm nhạc từ năm 1940 trong nhóm tân nhạc với ca khúc đầu tay Trầu cau, ông sau đó được khắp nơi biết tiếng với bài Đoàn Giải phóng quân. Kháng chiến chống thực dân Pháp, ông gia nhập quân đội, công tác ở Liên khu 5.

Năm 1955, sau khi tập kết ra Bắc, ông công tác ở Ban Nhạc vũ, Hội Văn nghệ Việt Nam. Năm 1957, khi thành lập Hội Nhạc sĩ Việt Nam, ông được bầu vào Ban chấp hành với cương vị Ủy viên Thường vụ và công tác tại Hà Nội.

Tháng 12-1964, ông vào chiến trường Trung Trung Bộ ở trong Ban Văn nghệ Khu 5. Thời gian đó ông viết bản hành khúc Ra tiền tuyến với bút danh Huy Quang.

Sau 1975, ông chuyển về Hội Âm nhạc Thành phố Hồ Chí Minh và sống tại đây. Sau 75 năm sáng tác, ông đã công bố hơn 100 ca khúc, quá nửa trong số đó là các bài hát phổ thơ.

Do đặc thù của nghề làm báo, người viết nhiều lần được cùng ông trò chuyện bên lề các hội thảo, hội diễn văn nghệ... Năm 1999, được ngồi cùng xe với ông theo Hội Âm nhạc thành phố Đà Nẵng đi dự buổi giao lưu với văn nghệ sĩ Hội An, khi ngang qua ngã Năm, Đà Nẵng, ông đưa tay chỉ vào tiệm cơm Sài Gòn rồi nói căn nhà đó là nơi ngày xưa ông viết Đoàn Giải phóng quân.

Ông kể rằng, bấy giờ Lương Ngọc Châu có một bài thơ viết về phong trào Nam tiến có câu: “Bộ đội Giải phóng quân một lần ra đi là không trở về”. Cảm nhận ý thơ bằng niềm say mê âm nhạc, ông lén vào phòng cầm cây đàn mandolin (lúc đó, gia đình ông còn khắt khe cho là “xướng ca vô loài”) đánh nét giai điệu đầu tiên của Đoàn Giải phóng quân.

Sau khi hoàn chỉnh, bài hát đầu tiên được phổ biến ở Đà Nẵng rồi lan truyền rất nhanh qua giọng hát một người bạn của ông, nhiều người kéo đến xin sao chép. Chỉ trong vòng hơn một tháng, từ Nam đến Bắc đều hát. Trên các đoàn tàu hỏa chở những đoàn quân Nam tiến dừng ở Ga Đà Nẵng, Đội văn nghệ tuyên truyền Việt Minh đã ca vang giai điệu hừng hực của thanh niên với lời thề quyết tâm lên đường cứu nước: Ra đi ra đi bảo tồn sông núi. Ra đi ra đi thà chết không lui...

Nghe lời khuyên của nhà văn Nguyễn Văn Bổng, ông đem bài hát ra Huế in 2.000 bản tại hiệu sách Tân Hoa với mức hưởng nhuận bút 800 đồng. Đây là một khoản tiền rất lớn hồi đó, ông tính, nếu ăn cơm tháng chỉ tốn 12 đồng mỗi tháng thì số tiền đó có thể ăn trên 5 năm.

Tuy nhiên, hạnh phúc đích thực của người làm ra bài hát còn đến từ nơi khác. Mẹ ông tự hào về đứa con thứ mười một của mình, mỗi lần kể chuyện về “thằng con nhạc sĩ” là bà lại rưng rưng nước mắt. Còn ông thì, có một lần ông dự định chỉ hát ví dụ một vài câu trong bài Đoàn Giải phóng quân, nhưng không ngờ cả hội trường vỗ tay hát theo cho đến hết cả bài, làm ông phải hát theo với sự xúc động sâu sắc.

Cây đàn mandolin đã làm nhịp cầu để ông “bén duyên” với sự nghiệp âm nhạc. Dù về sau có nhiều nhạc cụ đến tay ông, nhưng ông vẫn trước sau thủy chung với cây đàn có 4 cặp dây này.

“Điếc không sợ súng” và giai điệu 30 năm

Nhạc sĩ Phan Huỳnh Điểu và hai con của họa sĩ – nhà điêu khắc Đinh Gia Thắng, ảnh chụp nhân sinh nhật cháu nhỏ ngày 12-5-1997
Nhạc sĩ Phan Huỳnh Điểu và hai con của họa sĩ, nhà điêu khắc Đinh Gia Thắng. Ảnh chụp nhân sinh nhật cháu nhỏ ngày 12-5-1997

Dù được công chúng yêu mến qua nhiều ca khúc có giai điệu trau chuốt, trữ tình với ca từ đầy chất thơ, nhưng nhạc sĩ Phan Huỳnh Điểu vẫn tự cho mình là người “điếc không sợ súng”.

Điều này là “điểm nhấn” trong bài viết Ra đi rồi... lại về của nhạc sĩ Trương Đình Quang đăng trên Báo Đà Nẵng cuối tuần số ra ngày Chủ nhật 23-11-2008, rằng có lẽ trên bầu trời âm nhạc Việt Nam, Phan Huỳnh Điểu là người “điếc không sợ súng” nhất. Ông là “tay ngang”, thấy người ta soạn nhạc, ông cũng mày mò làm theo.

Đầu năm 1946, hưởng ứng việc chăm sóc chiến sĩ giải phóng quân khi mùa đông đến, Phan Huỳnh Điểu viết Mùa đông binh sĩ. Lúc đó, với vốn lý thuyết âm nhạc ít ỏi, Phan Huỳnh Điểu dùng giọng La thứ cho giai điệu mềm mại, hơi buồn (vì thương nhớ chiến sĩ nơi biên cương), chẳng biết gì đến giọng thứ tự nhiên, thứ giai điệu hay thứ hòa thanh.

Minh Tâm, người bạn có chút ít vốn liếng âm nhạc cơ bản, chỉ dẫn Phan Huỳnh Điểu về lý thuyết, bảo phải thêm một dấu thăng (# - dièse) vào nốt Sol móc đơn ở cuối câu, để về kết trọn âm La, cho “oai” hơn, và thế là đúng luật.

Ông cứ thế mà làm theo. Từ “mi la si do si sol mi la” đổi thành “mi la si do sol# mi la” cho lời ca tương ứng: Buồn vương đây đó chiến binh người ơi. 

Trở lại với bài hát Đoàn Giải phóng quân (sau đổi tên thành Đoàn Vệ quốc quân) – một trong những ca khúc nổi tiếng của nhạc sĩ Phan Huỳnh Điểu. Ra đời từ cuối thu năm 1945, bài hát đã đi vào trái tim của hàng triệu người, như là hơi thở, như là tình yêu, để tất cả làm nên một điều gì đấy thật sự vĩ đại cho Tổ quốc.

Điều làm nên niềm tự hào của một anh chàng “điếc không sợ súng” là chính nét giai điệu của hành khúc này cũng là chất liệu để ông viết nên một tác phẩm âm nhạc cho quê nhà Đà Nẵng của mình 30 năm sau.

Nhạc sĩ Phan Huỳnh Điểu kể, buổi trưa ngày 29-3-1975, tin Đà Nẵng giải phóng lan nhanh ra cả nước. Chiều đó tại ở Hà Nội, nhạc sĩ Lê Lôi hỏi ông: Ông là người Đà Nẵng, đã có bài gì mừng quê nhà giải phóng chưa? Chưa! Thế thì phải viết đi, sáng mai phải có bài để phát ngay đấy nhé.

Mãi đến chiều tối, nhạc sĩ Phan Huỳnh Điểu vẫn chưa tìm ra một nét giai điệu nào để có thể phát triển thành bài hát mới theo “đơn đặt hàng” của người đồng nghiệp phụ trách chương trình văn nghệ bên Đài Tiếng nói Việt Nam. Sực nhớ đến bài Đoàn Giải phóng quân ông viết lúc ra đi ở Đà Nẵng, giờ đây chiến thắng trở về, lấy lại mô-tip đó thì còn gì bằng. Thế là Đà Nẵng ơi, chúng con đã về được hình thành với nét nhạc chủ đạo giống cái bài đã “ra đi” 30 năm trước đó, coi như bài mẹ đẻ ra bài con.

Sáng hôm sau, nhạc sĩ Lê Lôi nhận được bài hát còn “nóng hổi” của đồng nghiệp quê Đà Nẵng, tổ chức thu âm và trưa đó cho phát ngay trên đài. Nét giai điệu quen thuộc của Đoàn Giải phóng quân được nhắc lại trong Đà Nẵng ơi, chúng con đã về, gợi lên trong lòng người nghe, nhất là những ai là con dân Đà Nẵng, một sự nối kết gần gũi qua 30 năm, khởi đầu bằng trường kỳ kháng chiến và kết thúc trong chiến thắng vinh quang.

Ở Đà Nẵng, khi nghe bài hát này trên sóng phát thanh, người anh của nhạc sĩ Phan Huỳnh Điểu rất xúc động: “Nghe giai điệu quen thuộc đó, tôi mới biết chính xác chú Điểu còn sống ở Hà Nội”.

Người viết từng “mục sở thị” tác giả hai bài hát ra đời cách nhau 30 năm này rưng rưng bày tỏ cảm xúc khi xem các diễn viên Đà Nẵng biểu diễn liên khúc Đoàn Giải phóng quânĐà Nẵng ơi, chúng con đã về tại có buổi giao lưu, gặp gỡ giữa các tác giả Phan Huỳnh Điểu, Lưu Trùng Dương, Thanh Anh với những người yêu thích nghệ thuật tại Trung tâm Văn hóa-Thông tin thành phố tối 19-12-2004.

Năm đó nhạc sĩ Phan Huỳnh Điểu tròn bát tuần, ông xem đó là một quà tặng rất ý nghĩa của đồng hương Đà Nẵng nhân ngày sinh của mình.

Cát bụi về với sông Hàn

Họa sĩ, nhà điêu khắc Đinh Gia Thắng, tác giả Tượng đài Bà mẹ Việt Nam anh hùng ở Tam Kỳ, là con nuôi nhạc sĩ Phan Huỳnh Điểu.

Sinh thời, nhạc sĩ thỉnh thoảng nhắc lại kỷ niệm lúc cha con mới nhận nhau vào năm 1987. Lúc đó, anh chàng họa sĩ cứ ấp úng mãi: “Chú ơi, hôm nay con xin được gọi chú bằng... ba nhé?!”. Mỗi lần nhắc lại chuyện cũ, ông cười: “Cứ nhớ mãi hình ảnh anh chàng Thắng lúc đó trông giống con gà trống ngơ ngác ấy, tuy có phần vụng về nhưng ba rất cảm động”.

Nhạc sĩ Phan Huỳnh Điểu (thứ ba, từ trái) cùng các con, cháu chụp hình lưu niệm khi dự lễ khánh thành Tượng đài Bà mẹ Việt Nam anh hùng ngày 24-3-2015, 3 tháng trước khi “Con chim vàng của nền nhạc Việt” bay khuất vào núi xa.
Nhạc sĩ Phan Huỳnh Điểu (thứ ba, từ trái) cùng các con, cháu chụp hình lưu niệm khi dự lễ khánh thành Tượng đài Bà mẹ Việt Nam anh hùng ngày 24-3-2015, 3 tháng trước khi “Con chim vàng của nền nhạc Việt” bay khuất vào núi xa.

Anh con nuôi cũng bày tỏ cảm xúc của mình đối với những ca khúc của ông mà từ thời sinh viên anh thường ôm đàn ghi-ta hát nghêu ngao sau giờ học như: Những ánh sao êm, Thuyền và biển, Cuộc đời vẫn đẹp sao, Hành khúc ngày và đêm...

Người viết có lần được ăn tối với tác giả Những ánh sao đêm và vợ chồng Đinh Gia Thắng ở nhà hàng Xuân Thiều, bấy giờ chưa nâng cấp thành Khu du lịch Xuân Thiều như bây giờ. Đêm đó trăng thượng huyền, sóng biển từng đợt vỗ vào bờ vỡ thành từng mảnh nhỏ như những chùm sao tan trên bãi cát, đối nghịch với những ánh sao nhấp nháy trên bầu trời đêm.

Chợt nghĩ, hẳn người nhạc sĩ ấy đã nhiều đêm lặng ngắm sao trời để có thể viết nên những dòng ca từ thấm đẫm chất thơ: Dòng sông mát xanh chảy quanh phố phường và nhiều công trường xây niềm vui mới. Khi bóng đêm trở về rực ánh đèn lên anh thấy như muôn ngàn vì sao thêu trong đêm tối...

Thủ bút của nhạc sĩ trong lời đề tặng cuốn “Kiến trúc Liên bang Xô Viết 1917-1987”
Thủ bút của nhạc sĩ trong lời đề tặng cuốn “Kiến trúc Liên bang Xô Viết 1917-1987”

Trong lĩnh vực sáng tác, họa sĩ Đinh Gia Thắng nhớ lại, cha con anh thường hay trò chuyện thân tình như hai người bạn. Về quan niệm sáng tác, ông bảo: “Có nhiều khi ý tưởng chợt lóe lên từ những cái rất tình cờ, với sự thôi thúc của con tim sẽ làm nên những ca khúc đi vào lòng người”.

Ông cũng động viên anh rất nhiều trong suốt quá trình sáng tác, thể hiện những tác phẩm hội họa, điêu khắc, những công trình tượng đài, đặc biệt là công trình Tượng đài Bà mẹ Việt Nam Anh hùng. Ông trông ngóng từng từng ngày, từng tháng, công trình hoàn thành để được tận mắt chiêm ngưỡng.

Giở vào trang bìa lót cuốn “Kiến trúc Liên bang Xô Viết 1917-1987”, giọng anh đầy hoài niệm: “Cứ có quyển sách kiến trúc, nghiên cứu âm nhạc, hội họa, điêu khắc nào hay là ông lại mua tặng tôi. Mỗi lần nhìn hàng chữ đề tặng “Gởi cho con Đinh Gia Thắng, mong con tìm được niềm vui nho nhỏ nào đó ở đây” là tôi hết sức cảm động.

Tôi luôn trân trọng giữ gìn những quà tặng quý giá đó và nhớ mãi những lời tâm tình của người cha, người nghệ sĩ đã căn dặn tôi những điều hay lẽ phải, những quan niệm đúng đắn về thế giới quan, nhân sinh quan”.

Ngày 24-3-2015 ông và người con trai tên Hà ra dự lễ khánh thành Tượng đài Bà mẹ Việt Nam anh hùng. Vậy mà chỉ 3 tháng sau, lúc 10 giờ 15 phút ngày 29-6-2015, ông bất ngờ rời xa cõi tạm, để lại tiếc thương vô hạn cho bao người. Mỗi lần nhìn ra sông Hàn, Đinh Gia Thắng lại thấy thấp thoáng bóng hình người cha thân yêu, nơi mà anh và các con của ông đã rải tro cốt của ông theo nguyện ước cuối cùng của “Con chim vàng của nền nhạc Việt”. Ông muốn được hóa thân vào dòng sông quê hương, nơi đã sinh ra người nhạc sĩ tài hoa của nền âm nhạc Việt Nam...

VĂN THÀNH LÊ

;
.
.
.
.
.
.