ĐNO - Mỗi khi Tết đến xuân về, lại nghe giai điệu tươi tắn, trẻ trung của Xuân và Tuổi trẻ- ca khúc bất hủ của nhạc sĩ La Hối, người chiến sĩ - nhạc sĩ nằm xuống khi tuổi đời chỉ vừa tròn phần tư thế kỷ. Giai điệu valse tươi sáng ấy sẽ mãi còn vang vọng vào rất nhiều thế kỷ về sau.
Chân dung nhạc sĩ La Hối |
Từ các hiệu buôn phố Hội xưa...
11 năm trước, có lần tôi về Hội An viết cái ký về những nhà buôn phố Hội xưa, được dịp chuyện trò với ông Diệp Gia Tùng (tên thường gọi là Sùng), chủ nhân hiện tại của nhà cổ Diệp Đồng Nguyên ở số 80 Nguyễn Thái Học.
Ngồi trong căn nhà đầy đồ cổ các loại từ tầng trệt đến tầng lầu, thật khó hình dung rằng nơi đây từng là một trong những hiệu buôn nức tiếng phố Hội thuở trước, nếu không nghe ông Sùng lên bổng xuống trầm những câu chuyện xưa. Rằng một trong những nhà buôn có tiếng ở Hội An ngày đó là La Thiên Thái (1820 – 1906), ngoài đời người ta quen gọi là ông Thiên. Ông Sùng ít nhiều biết về ông Thiên, bởi ông có một người chú làm rể nhà cháu của chủ hiệu buôn này.
Chuyện một hồi, ông Sùng mang ra bản chụp từ một trang “Doanh nhân người Hoa ở hải ngoại” trong sách “Bách khoa Toàn thư Quảng Đông”, trong đó ghi ông Thiên tên thật là La Cẩm Hoa, biệt danh Tú Tâm. Thời trẻ, vì xuất thân trong gia đình nghèo ở Quảng Đông (Trung Hoa) nên La Cẩm Hoa đơn thân sang Hội An mưu sinh, có vợ thuộc dòng hoàng tộc Việt Nam. Ông gầy dựng được 2 hiệu buôn cùng có tên là La Thiên Thái – một ở Hội An, một ở Huế – chuyên kinh doanh thổ sản, hàng hóa, sách báo Trung Quốc, nhập khẩu rất nhiều sách báo chữ Hoa. Hiệu buôn của ông từng cung cấp vật liệu kiến trúc và các món hàng sành sứ Trung Hoa để xây cất hoàng cung Huế.
Điều làm tôi chú ý nhất trong ghi chép về ông La Thiên Thái nói trên là, vào cuối thế kỷ XVIII - đầu thế kỷ XIX, họ La cho “nhập về Hội An những sách báo nói về trào lưu mới Duy tân và phong trào cách mạng Tôn Trung Sơn mong giúp giới trí thức Hoa kiều thấu hiểu được tình hình thế giới biến chuyển và khơi dậy lòng yêu nước của họ”. Qua đó, có thể mường tượng ra làn gió mới thổi vào giới nhà buôn ở Hội An hồi ấy.
Trở lại với hiệu buôn Diệp Đồng Nguyên, ông Sùng kể, ông chủ Diệp Đồng Xuân ngoài việc làm đại lý cho hãng dầu lửa Shell, buôn bán lụa là, gấm vóc..., còn buôn thêm sách vở cho học sinh, sách quốc ngữ cho người dân Hội An, và còn có thú sưu tầm đồ cổ lưu lại cho con cháu đời sau.
Ở Hội An bấy giờ, ông Diệp Đồng Xuân là người đi đầu trong quyên góp kháng Nhật. Con ông, một người bị giặc sát hại, người kia là Diệp Truyền Hoa trở thành giảng sư đại học ở Sài Gòn...
Đến ngọn lửa cháy bằng... âm nhạc
Câu chuyện sẽ chẳng đọng lại gì sâu lắng trong tôi, nếu ngày đó ông Diệp Gia Tùng không “mở ngoặc” nói thêm rằng, ông Diệp Truyền Hoa chính là người viết ca từ bằng tiếng Hoa cho ca khúc Xuân và Tuổi trẻ của nhạc sĩ La Hối - cháu nội của ông La Thiên Thái.
Đã biết đến tiếng tăm lừng lẫy của Xuân và Tuổi trẻ nhưng cho đến lúc ấy, tôi mới hay rằng ca khúc bất hủ này được “chiết xuất” từ tinh anh của hậu duệ hai nhà buôn phố Hội. Một thời, trên các ngả đường, hiến binh Nhật lùng sục, bắt bớ những người hoạt động chống phát xít nhưng vẫn không sao dập tắt được ngọn lửa Xuân và Tuổi trẻ âm ỉ trong tim mọi người. Phải chăng những sách vở, tài liệu “nói về trào lưu mới Duy tân và phong trào cách mạng Tôn Trung Sơn” do các nhà buôn nhập về đã tôi luyện cho họ thành những con người biết bày tỏ mạnh mẽ lòng yêu nước bằng giai điệu và ca từ?
La Hối (1920 – 1945) lúc bé là một cậu học sinh chăm chỉ, ngoan ngoãn, xuất sắc trên các môn học và có khiếu đặc biệt về môn âm nhạc. 14 tuổi, ông bắt đầu sáng tác và thể hiện năng khiếu âm nhạc qua các giai điệu vui tươi, sôi nổi... Những năm 1936 - 1938, ông vào Sài Gòn hoàn chỉnh chương trình học văn hóa và trau dồi thêm nhạc cổ điển Tây phương. Xong đâu đó, ông về lại Hội An mở lớp dạy đàn.
Trang bìa (ảnh trên) và trang trong ca khúc “Xuân và Tuổi trẻ” (NXB Đón Gió, Sài Gòn, 1954) có cả lời Việt của Thế Lữ và lời Hoa của Diệp Truyền Hoa. Nguồn: Internet. |
Năm 1939, những người đam mê âm nhạc ở Hội An tập hợp thành lập Hội Yêu âm nhạc Hội An (Société Philharmonique de Faifoo) do La Hối làm hội trưởng. Ông là người đầu tiên đưa hành khúc cách mạng Việt Nam vào các chương trình hòa tấu. Là người gốc Hoa, có lẽ ông chịu ảnh hưởng phong cách của các nhạc sĩ Trung Quốc như Nhiếp Nhĩ, Tẩy Tĩnh Hải, những người đã được học tập chính quy ở Nhạc viện Paris, Pháp.
Không chỉ viết nhạc mà cả trong điều khiển dàn nhạc, ông cũng hướng mọi người tập trung chơi nhạc cổ điển và nhạc nhẹ thính phòng. Đêm đêm, dưới sự chủ trì của ông, tất cả thành viên trong Hội Yêu âm nhạc Hội An quây quần bên nhau, đưa những giai điệu êm đềm vang vọng khắp khu phố cổ.
Tác giả Hoàng Vũ Nguyễn Văn Quý, trong bài viết “Xuân và Tuổi trẻ - Tưởng niệm nhạc sĩ La Hối” đã dẫn tài liệu của cháu ruột nhạc sĩ La Hối là ông La Gia Quảng, cho biết nhiều thông tin lý thú.
Theo đó, trong giai đoạn Nhật chiếm Trung Hoa, Việt Nam và Đông Nam Á, phong trào kháng Nhật nổi lên mạnh mẽ trên cả ba miền đất nước Việt Nam, La Hối đã tham gia tổ chức chống phát xít bằng cả bầu nhiệt huyết của tuổi thanh niên.
Vì thế, Hiến binh Nhật ngày càng ráo riết truy nã ông, cuối cùng tổ chức của ông bị bại lộ. Tháng 5 năm 1945, ông bị bắt cùng với mười đồng chí yêu nước khác. Sau nhiều ngày bị giam cầm và bị tra tấn vô cùng dã man, mười một vị anh hùng đã bị phát xít Nhật xử bắn, vùi lấp chung một huyệt tại chân núi Phước Tường, phía Tây Nam Đà Nẵng (nay đã được đưa về nghĩa trang chống phát xít Nhật ở Hội An).
Con chim đầu đàn La Hối vĩnh viễn ra đi lúc tuổi đời chỉ mới 25 và Hội Yêu âm nhạc Hội An cũng chấm dứt những buối hòa nhạc từ đó.
Và giai điệu “gợn sóng trùng dương”
Năm 1946, Hội An đón nhiều văn nghệ sĩ từ miền Bắc vào. Bước chân đến Hội An, Thế Lữ gọi khu phố này là “một khu phố bỏ túi” (une ville de poche). Thâm nhập vào cuộc sống thường nhật của người dân Hội An, tác giả bài thơ nổi tiếng “Nhớ rừng” nhận ra đây còn là một khu phố có văn hóa. Nghe kể chuyện về Hội Yêu âm nhạc Hội An, Thế Lữ và cả nhóm nhạc của Nguyễn Xuân Khoát có đến thăm nhà La Hối. Tại đây, họ được tặng một bài hát của người quá cố với lời Hoa của Diệp Truyền Hoa, có chua một hàng chữ Pháp là “Printemps et Jeunesse”(1). Sau đó, Thế Lữ đã viết thêm lời Việt cho bài hát, và thế là kho tàng âm nhạc Việt Nam từ đó chính thức có thêm Xuân và Tuổi trẻ.
Cả nhóm nhạc của cụ Khoát đều ngợi khen người nhạc sĩ tài hoa bạc mệnh. Xuân và Tuổi trẻ nghiêng về khí nhạc, gợi cho người nghe liên tưởng đến nhạc không lời, có cả đoạn nhạc mở đầu lẫn phần kết thúc. Nhạc sĩ Bùi Công Kỳ, lúc đó đã nổi tiếng với bài hát Ba Đình nắng, cũng đánh giá Xuân và Tuổi trẻ có khúc thức gọn, giai điệu đẹp, có dáng dấp sang trọng, quý phái của valse. Hội An tuy nhỏ nhưng có được một người sáng tác nhạc chững chạc như thế, mọi người rất quý.
Gần như ngay sau đó, Văn Chung đã cho dàn dựng Xuân và Tuổi trẻ thành bài múa ngay tại nơi sản sinh ra nó. Phần dàn nhạc hòa tấu lúc ấy có Nguyễn Xuân Khoát (ắc-cooc-đê-ông); Dương Minh Ninh (pi-a-nô); Lê Trọng Nguyễn, Trần Như Ngọc, Đào Trọng Từ và Vương Quốc Mỹ (vi-ô-lông); Bùi Công Kỳ và Trương Đình Quang (ghi-ta). Về sau, Văn Chung mang cả múa và bài hát Xuân và Tuổi trẻ về Việt Bắc. Trong hồi ký của hầu hết các nghệ sĩ miền Bắc đều có nói đến những cảm nhận một thời của họ về bài hát nổi tiếng của nhạc sĩ Phố Hội này.
Theo lời nhạc sĩ Trương Đình Quang, lúc đó, trong miền Nam, các ông Vương Gia Khương, Huy Sô, Minh Quốc (tác giả Đồng chí, phổ thơ Chính Hữu) đã đưa Xuân và Tuổi trẻ vào Khu 6, cùng lúc với Tự túc và Trai đất Việt của Dương Minh Ninh.
Thế là trong một thời gian ngắn, giai điệu trữ tình mà hùng tráng của Xuân và Tuổi trẻ đã theo chân những người nghệ sĩ tỏa đi khắp mọi miền đất nước, làm giàu thêm kho tàng âm nhạc của dân tộc. Năm 1994, trong chương trình ca nhạc chủ đề “Nửa thế kỷ bài hát Việt Nam”, Xuân và Tuổi trẻ của La Hối đã được chọn cùng với Tự túc của Dương Minh Ninh. Hơn nửa thế kỷ đã trôi qua, nhưng giai điệu đã trở nên quen thuộc ấy vẫn còn làm xao xuyến tâm hồn biết bao thế hệ mỗi khi xuân đến.
La Hối từ giã cuộc đời và sự nghiệp một cách đột ngột khi còn quá trẻ, nên những gì liên quan đến ông, chỉ còn lại rất ít. Tác giả Hoàng Vũ Nguyễn Văn Quý trong bài đã dẫn viết rằng, trong thời gian dạy nhạc ở Hội An, La Hối có yêu một cô giáo dạy dương cầm. Chuyện tình của họ thật đằm thắm và kín đáo nên ít người biết, ngay cả trong gia đình cũng không nhớ rõ tên của cô giáo ấy.
Tất cả những sáng tác giá trị chưa được phổ biến, La Hối đều gửi tặng trước cho người mình yêu quý. Sau khi ông hy sinh, gia đình vì quá đau buồn mà quên mất cô giáo dạy dương cầm. Đến bây giờ, không ai rõ người trong mộng của La Hối đã lưu lạc phương nào, còn sống hay đã mất?!
Nhạc sĩ Lê Thương trong bài “Thời tiền chiến trong tân nhạc (1938 - 1945)” đăng trên Tạp chí Văn học - số kỷ niệm đệ cửu chu niên 1970 có một đoạn khiến cho người “vùng Hội An, Đà Nẵng” không khỏi tự hào về những đóng góp của các nhạc sĩ xứ mình vào buổi bình minh hình thành nền nhạc mới của dân tộc: “Miền Trung và riêng vùng Hội An, Đà Nẵng, một nhóm nhạc sĩ đồng thời xuất hiện, đem ra một phong khí nhạc đẹp sáng, gợn gió trùng dương như những bài Xuân và Tuổi trẻ (La Hối); Mùa đông binh sĩ, Trầu cau (Phan Huỳnh Điểu); Trai đất Việt (Dương Minh Ninh); Trên sông Hương (Nguyễn Văn Thương...). Sau đó còn có Ngọc Trai, tác giả Nhắn người chiến sĩ, Bến Hàn giang, Nhạc sĩ với giấc mơ”.
Tất cả họ, dù đến nay đã có kẻ còn người mất, nhưng vẫn mãi được công chúng mọi thời đại dành một chỗ đứng trân trọng trong trái tim. Trong đó, La Hối đã “gợn sóng trùng dương” qua Xuân và Tuổi trẻ khiến cho trái tim bao người thổn thức men say mỗi khi Tết đến xuân về...
VĂN THÀNH LÊ