Người viết nhật ký bằng 4 thứ tiếng

.

ĐNO - Chiều muộn cách đây 8 năm, chúng tôi đến thăm người cháu ngoại của chí sĩ yêu nước Phan Chu Trinh ở căn phòng nhỏ phía sau Nhà lưu niệm bên con đường ở Đà Nẵng cùng mang tên ông. Bà lão nghiêng mái tóc bạc phơ bên chồng tư liệu, giọng đầy cảm kích: Trong hơn 50 cuốn bản thảo nhật ký của mình, cậu em tôi ghi chép bằng 4 thứ tiếng.

Chân dung Phan Tứ ở bìa sách “Thức tỉnh” của ông. Ảnh: V.T.L
Chân dung Phan Tứ ở bìa sách “Thức tỉnh”. Ảnh: V.T.L

Bà tên thật là Lê Thị Kinh nhưng khi viết sách lại ký tên là Phan Thị Minh. Em trai bà tên khai sinh là Lê Khâm, nhưng cả nước biết đến ông qua bút danh Phan Tứ với những tác phẩm lừng lẫy, trong đó “Mẫn và tôi” được nhà thơ Tố Hữu xem là “sách gối đầu giường” của thanh niên miền Bắc một thời.

Truyền thống gia đình và đỉnh cao sáng tác

Phan Tứ (1930 - 1995) nguyên quán huyện Quế Sơn, tỉnh Quảng Nam, sinh tại thị xã (nay là thành phố) Quy Nhơn, tỉnh Bình Định. Cha ông là nhà giáo Lê Ấm, từng làm Đốc học của Trường Quốc học Huế; mẹ là bà Phan Thị Châu Liên-con gái đầu của Chí sĩ Phan Châu Trinh.

Xuất thân trong một gia đình trí thức yêu nước, có truyền thống học giỏi, từ nhỏ cậu học trò Lê Khâm đã giỏi môn Văn và tiếng Pháp. 15 tuổi, anh tham gia cách mạng, bí mật liên lạc chuyển tài liệu, báo chí; tham gia cướp chính quyền huyện Quế Sơn trong Cách mạng Tháng Tám, sau đó hoạt động trong đội Tuyên truyền xung phong của tỉnh Quảng Nam.

Vợ chồng nhà văn Phan Tứ. Ảnh tư liệu của gia đình
Vợ chồng nhà văn Phan Tứ. Ảnh tư liệu của gia đình

Năm 1950, ông nhập ngũ, theo học Trường Lục quân Trần Quốc Tuấn (Thanh Hóa). Cuối năm 1951, sau khi tốt nghiệp, ông tham gia đội quân tình nguyện Việt Nam sang chiến đấu ở chiến trường Hạ Lào. Tại đây, ông học tiếng Lào để sau này viết nhật ký chiến trường.

Chính những gì nghe và thấy ở nơi mà sự sống và cái chết mong manh như sợi chỉ này đã là nguồn tư liệu thực tế phong phú để bảy năm sau đó - 1958, ông ghi lại trong cuốn Bên kia biên giới với bút danh Lê Khâm khi theo học khoa Ngữ văn ở Đại học Tổng hợp Hà Nội. Cùng đề tài này, hai năm sau, ông lại tiếp tục cho ra đời cuốn Trước giờ nổ súng.

Cả 2 tiểu thuyết này đều được đánh giá cao, và ông sớm trở thành một nhà văn tên tuổi khi mới vừa tròn tuổi “tam thập nhi lập”.

Năm 1961, ông trở về công tác tại chiến trường miền Nam, khi còn gần 2 tháng nữa mới thi tốt nghiệp. Nhưng, theo bà Đinh Thị Phương Thảo, vợ ông, vì ông là sinh viên giỏi nên nhà trường đã “đặc cách” cấp bằng đại học trước thời hạn cho ông. Về lại miền Nam, ông làm phái viên Ban Tuyên huấn Khu ủy Liên khu V, tiếp tục viết văn với bút danh Phan Tứ.

“Mẫn và tôi” từng được nhà thơ Tố Hữu gọi là “sách gối đầu giường” của thanh niên miền Bắc. Nguồn: Internet
“Mẫn và tôi” từng được nhà thơ Tố Hữu gọi là “sách gối đầu giường” của thanh niên miền Bắc. Nguồn: Internet

Năm 1966, ông trở ra Bắc, công tác tại Hội Liên hiệp Văn học Nghệ thuật Việt Nam, sau đó giữ chức quyền Tổng Biên tập NXB Giải phóng.

Cuối năm 1974, ông trở lại chiến trường miền Nam lần thứ hai. Sau khi đất nước thống nhất, ông về sinh sống và làm việc tại quê hương Quảng Nam. Ông từng là Chủ tịch Hội Văn nghệ tỉnh Quảng Nam - Đà Nẵng. Năm 1983, ông được bầu làm Ủy viên Ban Thư ký (Ban Thường vụ) Ban Chấp hành Hội Nhà văn Việt Nam khóa III (1983 - 1989).

Do hậu quả chất độc da cam, ông qua đời đột ngột lúc 10 giờ 5 phút ngày 17 tháng 4 năm 1995 tại thành phố Đà Nẵng, khi còn dang dở bộ tiểu thuyết Người cùng quê.

Năm 2000, ông được truy tặng Giải thưởng Hồ Chí Minh về văn học nghệ thuật đợt 2.

Ngoài bút danh Phan Tứ, trong một số di cảo, ông còn ký tên là Phan Bốn. Phan là họ mẹ, còn Tứ hay Bốn là để chỉ ông là người con thứ tư trong gia đình. Ông viết nhiều thể loại như phóng sự, bút ký, truyện ký, truyện ngắn. Thế nhưng, tiểu thuyết mới chính là thế mạnh của ông và giúp ông khẳng định tên tuổi mình trên văn đàn. Đỉnh cao trong sự nghiệp sáng tác văn học của ông là hai tập tiểu thuyết Gia đình má Bảy (1968) và Mẫn và tôi (1972).

Thành công của ông, có sự dẫn dắt một cách âm thầm của cha mình, nhà giáo Lê Ấm. Cụ giáo vốn nổi tiếng nghiêm khắc, từng là thầy dạy của các nhà văn, nhà thơ, nhà hoạt động văn hóa như: Xuân Diệu, Chế Lan Viên, Nguyễn Xuân Sanh, Hà Huy Giáp... Trước văn tài đang độ thăng hoa của cậu con trai duy nhất, cụ có lẽ muốn “khích tướng” nên chả bao giờ buông lời khen trước mặt con.

Một lần, ông Hà Huy Giáp tới thăm thầy. Ông vừa cất lời khen Phan Tứ có nhiều đóng góp cho nền văn học cách mạng thì cụ Lê Ấm đang nằm trên giường bệnh liền nhỏm dậy nói ngay: “Cái gì, thằng Khâm (tên thật của Phan Tứ) mà viết hay à? Dở òm, tôi đọc chẳng ra cái gì cả. Nó phải cố gắng nữa mới viết văn được”.

Chiếc đồng hồ, sự bảo mật và tấm lòng người chị

Phan Tứ dáng người nhỏ bé, do một thời gian dài sống trong điều kiện chiến trường khắc nghiệt nên về sau trong chiếc túi dết ông luôn mang bên mình lúc nào cũng căng phồng sổ tay ghi chép và... các loại thuốc.

Một trong những cá tính khắc họa nên chân dung nhà văn Phan Tứ là sự mực thước, tính quy củ, nghiêm khắc với chính mình. Tác giả Phạm Nhật Linh gọi điều đó là sự “chính xác như... chiếc đồng hồ”. Những người thân của ông cho biết, ông viết rất đúng giờ và uống thuốc cũng rất đúng giờ. Đến cuối đời, mặc dù nằm trên giường bệnh ông vẫn giữ thói quen bất di bất dịch đó.

Ông không bao giờ chịu “xé rào” với những gì mình đã đặt ra. Bạn đồng khóa với ông ở Trường Đại học Tổng hợp Hà Nội kể rằng, cứ đúng 21 giờ hằng đêm là ông gác lại tất cả bài vở học tập ở trường và dứt khoát chuyển sang viết văn với “định mức” rõ ràng: đêm nào không viết đủ số trang quy định thì hôm sau phải... viết bù.

Trong nhật ký chiến trường của mình, thỉnh thoảng ông để lại những dòng chữ thể hiện lối sống mực thước đầy lòng quyết tâm và tính quy củ. Chỗ này ông ghi (phấn đấu) “Ít nhất một năm không sốt rét”. Chỗ khác ông chép: “Viết một truyện trong ba tháng”...

3.jpg

Đối với các chàng trai, thường thì mỗi khi được bạn gái đến thăm ai lại không cảm thấy đời sao mà đáng yêu đến thế. Với chàng trai Phan Tứ, cái tính “chính xác như... chiếc đồng hồ” đã khiến ông hành xử khác xa một trời một vực so với thường tình. Có lần một người bạn gái đến ký túc xá trường đại học tìm ông. Ông rất ngạc nhiên, sợ mình nhầm, chạy vào xem lại lịch rồi chạy ra, giọng cương quyết: “Chiều thứ bảy chúng ta mới gặp nhau, bữa nay mới thứ năm mà. Anh không tiếp được em đâu”!

Cái cách hành xử “như rô-bốt” đó khiến cho Phan Tứ, trong mắt bạn đọc và ngay cả bạn văn của ông, có cảm giác dường như vẫn còn điều gì đó chưa thật tường minh. Tác giả Bùi Ngọc Long trong một bài viết đăng trên báo Công an Nhân dân ngày 21-12-2010 cho rằng Phan Tứ là “Một nhà văn còn nhiều... bí ẩn”.

Nếu trong tác phẩm văn học, Phan Tứ được bạn đọc nhớ nhiều bởi những cuốn tiểu thuyết giàu lý tưởng, đậm vẻ đẹp lãng mạn cách mạng thì trong đời thường, Phan Tứ được anh em văn nghệ sĩ truyền tụng qua những câu chuyện về tính nguyên tắc trong xử sự và cách làm việc quá chặt chẽ, khoa học của ông. Bùi Ngọc Long gọi ông là “nhà văn có cách bảo mật như một nhà... tình báo”.

Có lẽ chưa có nhà văn nào viết nhật ký bằng 4 thứ tiếng như Phan Tứ. Bà Lê Thị Kinh, chị ruột của nhà văn cho biết, toàn bộ bản thảo nhật ký của Phan Tứ mà gia đình còn giữ có đến trên 50 cuốn. Trong đó, rất nhiều trang ông chú rất rõ: “Tài liệu mật. Không được xem”. Và để bảo mật, ngoài tiếng Việt, nhà văn còn ghi bằng 3 ngôn ngữ khác: tiếng Lào, tiếng Nga và tiếng Pháp. Đôi chỗ ông còn sử dụng cả ký hiệu riêng.

Bà Lê Thị Kinh (Phan Thị Minh):Tôi vốn biết tiếng Pháp, từng là Đại sứ Việt Nam ở Italia, nhưng khi đọc những ghi chép bằng tiếng Pháp của em trai mình trong nhật ký chiến trường, tôi không ngờ Phan Tứ lại có thể viết tiếng Pháp hay đến thế”.

Trong bản thảo nhà văn để lại, nhật ký chiến trường của ông trải dài trong suốt 14 năm, bắt đầu từ những ngày tháng 7 năm 1961 và kết thúc sau ngày thống nhất đất nước năm 1975. Những sự kiện đáng nhớ, những xúc cảm ấn tượng, những con người khó quên, cả ý chí, lý tưởng kiên định của người chiến sĩ trong thời kỳ chiến đấu ác liệt... đã được ông tỉ mẩn ghi lại qua hàng chục cuốn sổ tay, hàng nghìn trang giấy.

4 thứ tiếng và hàng loạt những ký hiệu riêng đã làm cho nhật ký của ông vô hình trung trở thành một tài liệu mật. Bà Lê Thị Kinh và nhiều dịch giả, nhà văn phải mất khá nhiều công sức mới “giải mã” được. Thêm nữa, do tập nhật ký được viết trong những năm chiến tranh gian khổ nên nhiều trang viết đã bị mờ, mất chữ. Phải mất đến 5 năm, công trình “giải mã” nhật ký của ông mới được nhóm thực hiện hoàn thành.

Hơn 3 tháng sau lần chúng tôi đến thăm bà Lê Thị Kinh, ngày 26-7-2011, tại Hà Nội, Bộ VH-TT&DL tổ chức họp báo giới thiệu bộ sách Từ chiến trường khu 5 (3 tập) của cố nhà văn Phan Tứ, do NXB Văn học ấn hành. Chưa đầy một tháng sau, NXB Văn học phối hợp với Đại học Đà Nẵng tổ chức giới thiệu bộ sách này với công chúng Đà Nẵng.

Vậy là 16 năm sau ngày Phan Tứ qua đời, 11 năm sau ngày ông được truy tặng Giải thưởng Hồ Chí Minh về văn học nghệ thuật đợt 2, bộ sách đồ sộ hơn 2.500 trang của người cháu ngoại cụ Phan Châu Trinh được chắt lọc từ hàng nghìn trang nhật ký viết bằng 4 thứ tiếng đã trang trọng nằm trên kệ sách các thư viện trên cả nước.

Ở Đà Nẵng tên ông được đặt cho con đường nối từ đường Ngũ Hành Sơn ra đến đường Võ Nguyên Giáp. Thành phố Tam Kỳ và cả thị trấn Đông Phú, huyện Quế Sơn quê ông cũng có tên đường mang tên Phan Tứ. Đó là cách tri ân một người con xứ Quảng đã bằng ngòi bút làm rạng danh đất và người quê mình...

Một số tác phẩm tiêu biểu của nhà văn Phan Tứ

-Bên kia biên giới (tiểu thuyết, 1958; tái bản 1978)

-Trước giờ nổ súng (tiểu thuyết, 1960)

-Trở về Hà Nội (truyện ngắn, 1960)

-Trên đất Lào (bút ký, 1961)

-Nhật ký chiến trường (di cảo, viết bằng 4 thứ tiếng Việt, Lào, Pháp, Nga)

-Về làng (tập truyện, 1964)

-Trong đám nứa (truyện ngắn, 1968)

-Gia đình má Bảy (tiểu thuyết, 1968, tái bản 1971, 1972, 1975)

-Măng mọc trong lửa (bút ký, 1972, 1977)

-Mẫn và tôi  (tiểu thuyết, 1972, tái bản 1975, 1978, 1987, 1995)

-Trại ST 18 (tiểu thuyết, 1974)

-Trong mưa núi (hồi ký, 1984, 1985)

-Sông Hằng mẹ tôi (dịch từ tiếng Pháp, tiểu thuyết Ấn Độ, 1984, 1985)

-Người cùng quê (tiểu thuyết 3 tập, 1985, 1995, 1997, chưa hoàn thành)

- Từ chiến trường khu 5 (nhật ký và ghi chép văn học, 2011)

VĂN THÀNH LÊ

;
;
.
.
.
.
.