ĐNO - Lịch sử cho thấy các đấng mày râu đại khoa của vùng đất “Ngũ phụng tề phi” đã để lại những công trạng lưu danh thiên cổ. Vì thế, ít ai nghĩ rằng, người khơi mạch cội nguồn văn chương xứ Quảng lại là một bậc nữ lưu: Phạm Lam Anh.
Người suýt bị... dìm sông
Phạm Lam Anh là con gái lớn của Cai bạ Quảng Nam Phạm Hữu Kính, người huyện Diên Phước. Sách Đại Nam liệt truyện (Truyện các nhân vật của nước Đại Nam) có chép về ông: “Kính làm quan thanh liêm công bình, tự phụng đạm bạc, không nhận người đến yết kiến ở nhà riêng. Lại khéo xét đoán, phát hiện việc gian, tìm ra điều ẩn kín, được nha lại và nhân dân sợ phục…”.
Với cá tính như thế, Phạm Hữu Kính không những nghiêm khắc với mình mà còn với cả con cái, nghiêm khắc đến độ cay nghiệt khiến người đời cho ông là kẻ “bất cận nhân tình” (không gần với lòng người). Lần nọ, ông đi công cán xa, con trai ở nhà nhận tiền hối lộ, ông về biết chuyện bèn xử con tội tử hình; nha lại đều can ngăn nhưng ông cương quyết “pháp bất vị thân”. May là khi án dâng lên, được chúa tha.
Đối với con gái Phạm Lam Anh, ông cũng nghiêm khắc không kém. Ngay từ khi còn nhỏ, Phạm Lam Anh đã nổi tiếng xinh đẹp, nhanh nhẹn, thông minh, ham học và có tài làm thơ. Ông đích thân mời Nguyễn Dưỡng Hạo – một người nổi tiếng hay thơ ở Duy Xuyên – về nhà dạy học cho con gái. Nhà văn Nguyễn Văn Xuân trong cuốn Phong trào Duy tân có kể rằng, khi Phạm Hữu Kính đi công cán xa, thầy Dưỡng Hạo và trò Lam Anh ở nhà “từ xướng họa thơ văn đi đến chỗ vụng trộm ái tình”.
Khi biết chuyện của con gái, ông giận lắm, đòi đem con dìm xuống sông. Nhớ tới án tử hình của anh trai mình, Lam Anh sợ hãi đến ngất xỉu. Nhờ bà con họ hàng, bạn bè hết sức can gián, khuyên giải, mãi ông mới nguôi. Cuối cùng, trước mối chân tình của hai người, ông chấp nhận gả Phạm Lam Anh cho Nguyễn Dưỡng Hạo.
Cuộc tình lãng mạn của hai danh sĩ xứ Quảng Dưỡng Hạo – Lam Anh. Ảnh minh họa. |
Nguyễn Dưỡng Hạo tự Hy Mạnh, hiệu Phúc Am, ông từng chấp bút viết lời tựa cho các tập sách của nhiều danh sĩ như Ngô Thế Lân, Nguyễn Văn Lý... Trong Phủ biên Tạp lục, Lê Quý Đôn cho biết khi ông vào Phú Xuân năm 1776 nhận chức Tham tán Hiệp trấn quân cơ, nghe tiếng Ngô Thế Lân, có vời đến nhưng bị ông này từ chối. Lê Quý Đôn cho biết, Ngô Thế Lân là tác giả của tập thơ Phong Trúc, có lời lẽ rất “nhã nhặn, tình tứ” và người đề tựa cho tập Phong Trúc là Nguyễn Dưỡng Hạo.
Khi Phạm Lam Anh về một nhà với Nguyễn Dưỡng Hạo, đôi trai tài gái sắc cùng nhau xướng họa thơ và sáng tác tập “Chiến cổ Đường thi” rất nổi tiếng. Tác giả Phạm Việt Tuyền trong cuốn Văn học miền Nam (NXB Khai Trí, Sài Gòn, 1965) cho biết Đại Nam liệt truyện (phần Tiền biên) khi đề cập đến tập thơ này có viết: “Trong tập toàn những câu bắt bẻ cổ nhân! Nhất là thơ Lam Anh thì lại nhiều câu cổ kính”. Hậu thế chỉ biết “Chiến cổ Đường thi” qua ghi chép trong cuốn sách chứ đến nay vẫn chưa tìm thấy tập thơ này.
Thơ của Phạm Lam Anh hiện còn lại rất ít, chỉ có ba bài thơ chữ Hán viết về Hàn Tín, Kinh Kha và Khuất Nguyên (lưu ở Viện Hán Nôm Hà Nội) và một bài thơ chữ Nôm là Vịnh cảnh gần sáng. Tuy thế, đời sau vẫn xưng tụng bậc nữ lưu “suýt bị dìm sông” này là người mở đầu cho dòng văn học của vùng đất Quảng Nam, một tác giả đầy cá tính, “tiêu biểu cho tâm hồn và tính cách con người Quảng”.
Sánh vai cùng “Bà chúa thơ Nôm”
Phạm Lam Anh (? - ?) nguyên có tên là Phạm Hữu Thị Khuê, tự Lam Anh, hiệu Ngâm Si, sinh vào khoảng nửa đầu thế kỷ XVIII tại huyện Diên Phước, dinh Quảng Nam; nay thuộc thị xã Điện Bàn, tỉnh Quảng Nam. Không rõ năm sinh năm mất của bà, chỉ biết bà sinh khoảng nửa đầu thế kỷ XVIII.
Về tên của nữ sĩ, nhà báo Phan Khôi trong bài viết “Về văn học của phụ nữ Việt Nam” đăng trên báo Phụ nữ Tân văn số 1 ra ngày 2-5-1929 tại Sài Gòn(1) gọi tên bà Phạm Lâm Anh. Theo nhà sử học Phan Khoang trong cuốn Việt sử xứ Đàng Trong (còn có tên khác là Cuộc Nam tiến của dân tộc Việt Nam - NXB Khai trí, Sài Gòn, 1970), thì tên bà là Phạm Thị Lam Anh. Căn cứ theo đó, HĐND thành phố Đà Nẵng đặt tên con đường vuông góc với đường Huỳnh Thị Bảo Hòa – tác giả nữ đầu tiên có tiểu thuyết bằng quốc ngữ được xuất bản – trên địa bàn phường Hòa Khánh Nam, quận Liên Chiểu, là đường Phạm Thị Lam Anh.
Thành phố Đà Nẵng đặt tên đường Phạm Thị Lam Anh ở phường Hòa Khánh Nam, quận Liên Chiểu. |
Địa bàn quận Ngũ Hành Sơn từ lâu đã có đường Hồ Xuân Hương. Nếu gần đó có con đường nào chưa được đặt tên thì hẳn HĐND thành phố Đà Nẵng đã đặt tên cho đường này là Phạm Thị Lam Anh. Trên văn đàn ngày trước, “cặp đôi” nữ sĩ này đã “làm mưa làm gió” qua những sáng tác vượt lên trên sự thường tình của giới nữ lưu. Vì thế, đặt tên cho “cặp đôi” này gần nhau cũng là cách hậu thế tôn vinh những giá trị thơ ca mà họ đã đóng góp cho nền văn học nước nhà.
Bấy giờ, trên văn đàn Việt có hai nữ sĩ xuất sắc xuất hiện ở hai miền, phía Bắc có nữ sĩ Hồ Xuân Hương (1772 – 1822), phía Nam có Phạm Lam Anh. Cả hai đã khiến cho nhiều bậc nam nhi khoa bảng phải ngả mũ chào.
Nữ sĩ Mai Am, tức Công chúa Nguyễn Phúc Trinh Thận (1826 – 1904), biệt hiệu Diệu Liên, con gái thứ hai mươi lăm của vua Minh Mạng, chỉ làm thơ chữ Hán và đã để lại cho đời tập thơ Diệu Liên thi tập dày dặn với khoảng 370 bài. Khi làm thơ đề tặng cho Diệu Liên thi tập của nữ sĩ Mai Am, họ còn nhắc tới hai nữ sĩ Phạm Lam Anh và Hồ Xuân Hương: “Nguyệt Đình, Huệ Phố (2) tài danh thạnh/ Cảnh thuyết thi viên hữu Phạm, Hồ”. (Nguyệt Đình, Huệ Phố danh thơm nổi. Thơm ngát vườn thơ có Phạm, Hồ).
PGS.TS Đỗ Thị Hảo trong bài nghiên cứu “Mai Am - nữ thi nhân cuối cùng của dòng thơ chữ Hán thế kỷ XX” đăng trên Tạp chí Hán Nôm tháng 1-2001 đã dẫn lời Thái sư Cần chính điện đại học sĩ, Quận công Trương Quảng Khê (tên thật Trương Đăng Quế) viết trong bài Mai Am thi tập tự đăng trong Diệu Liên thi tập: “... cứ xem nước Nam ta hàng trăm ngàn năm trở lại đây, thơ văn của những bậc khuê các trước có Phạm Lam Anh, sau đến Hồ Xuân Hương, ngoài hai người ra tuyệt nhiên chẳng nghe nói có ai nữa...”.
Cho dù tiếp đó, Quận công Trương Quảng Khê có đề cao thi tài của nữ sĩ Mai Am “Xin đem nguyên tập thơ bình duyệt, thấy rằng văn phong tự nhiên, tứ dường thác chảy vượt hơn hẳn Lam Anh, Xuân Hương, liền cầm bút viết lời tựa này để ghi lại việc hiếm thấy trên đời, ngàn năm có một trong chốn hương khuê”, thì bậc nữ lưu “mở đầu văn chương xứ Quảng” Phạm Lam Anh vẫn sánh vai cùng “Bà chúa thơ Nôm” Hồ Xuân Hương đường hoàng đi vào lịch sử văn học nước nhà.
Thắng giải thơ nhờ tài “cãi” xứ Quảng
Tuy người đời sau chỉ còn tìm thấy bà để lại ba bài thơ chữ Hán và một bài thơ chữ Nôm là Vịnh cảnh gần sáng nhưng chừng đó cũng đủ để tên bà được lưu danh thiên cổ. Từ điển Văn học (NXB Khoa học Xã hội, Hà Nội, 1984) trong Tập II (từ N đến Y) không có mục từ Phạm Lam Anh. Mãi đến 20 năm sau, 2004, khi NXB Thế giới phát hành Từ điển Văn học Bộ mới, tên bà mới được nhắc tới. Quách Thị Thu Huyền, tác giả mục từ Phạm Lam Anh trong bộ từ điển mới này có viết ở trang 1358 như sau:
“Thơ bà không mang dáng dấp phong vị nữ lưu nơi khuê các mà có độ sâu sắc thâm trầm của một học giả. Những bài thơ còn lại của bà đều là những bài vịnh sử độc đáo. Đối tượng mà bà chọn vịnh không phải là những nhân vật phụ nữ, mà là bi kịch về số phận của những trung thần, hào kiệt có hoài bão và tráng chí như Khuất Nguyên, Kinh Kha, Hàn Tín...”.
Trong bài Kinh Kha bà đã vạch rõ nguyên nhân thất bại của người tráng sĩ vì ý người không bằng ý trời “mưu sự tại nhân thành sự tại thiên” qua hai câu: “Kế xảo kỳ như thiên ý xảo? Đồ cùng phiên sử tráng tâm cùng” (Mưu khéo chẳng bằng ý trời khéo/ Đường cùng chí lớn cũng tâm cùng”.
Ở bài Hàn Tín, bà vừa cảm thương, vừa giận dữ khi danh tướng bách chiến bách thắng, thiên hạ vô địch, được Hán Cao Tổ Lưu Bang (Trung Hoa) ca ngợi là “Nắm trong tay trăm vạn quân đã đánh là thắng, tiến công là nhất định lấy” này bị cô lập và đẩy vào tử lộ: “Sàm ngư bất ngộ thu Tuy thủy/ Cao điểu đồ bi tận Hán thiên” (Lê Hoài Nam dịch: Sau trận thắng ở Tuy thủy, không sớm tỉnh ngộ còn tham ăn cá/ Thương xót uổng hoài đã hết chim bay cao trên trời Hán).
Trong bài Khuất Nguyên, bà viết: “Cô phẫn khí thành thiên khả vấn/ Độc tinh nhân khứ quốc cơ không” (Cao Tự Thanh dịch thơ: Kết trọn khí hờn trời cũng hỏi/ Đi rồi người tỉnh nước hầu không). Hai câu thơ này được hậu thế lưu truyền và cho là hay nhất của bà.
Bài thơ Nôm duy nhất Vịnh cảnh gần sáng được bà viết khi còn trẻ:
Một giải thương lang lộn mắt mèo/ Xóm chài mới dậy đuốc leo heo/ Lằn kêu thức chúa chầu sân phụng,
Gà gáy khuyên chồng dõi dấu cheo/ Ải sói Thường Quân vừa cất bước/ Thuyền tên Gia Cát vội phăng neo/ Phương đông chửa lố vừng con ác/ Cửa Khổng nho sinh nhóm tựa bèo.
Trong cuốn Nét bút giai nhân (NXB Hà Nội, 1977) nhà thơ Quách Tấn kể rằng, tương truyền ở địa phương mở cuộc thi thơ treo giải thưởng đề Vịnh cảnh gần sáng, buộc mỗi câu phải có tên một con vật và theo vần “mèo, heo, cheo, neo, bèo”.
Người dự thi có trên trăm, nhưng trúng tuyển không được chục. Bài này của bà được chấm đậu đầu. Khi đem ra bình, bị “sĩ tử” phản đối vì câu 6 và câu 8 thiếu tên vật. Bà cãi rằng, câu 6, 8 thiếu nhưng câu 3, 4 lại thừa (lằn, phụng, gà, cheo), đem chỗ thừa bù chỗ thiếu. Lý có phần cưỡng, nhưng những bài trúng tuyển phần nhiều đều khiếm ý. Đề là Vịnh cảnh gần sáng mà phần đông bỏ sót ý gần mà chỉ đua nhau vịnh cảnh trời sáng. Lại thêm bài nào cũng bị trường quy bó buộc mà hoặc vận bị ép, hoặc câu ngượng ngập, lời lúng túng, không bài nào vượt nổi bài của bà.
Rốt cuộc bà vẫn đoạt giải nhất, nhờ tài “cãi” của xứ Quảng. Và câu chuyện trở thành giai thoại trong làng thơ.
(1) Theo nhà nghiên cứu Lại Nguyên Ân (2006), bài này ký tên tòa soạn nhưng do Phan Khôi viết, chính ông cho biết điều này khi trả lời ông Thế Phung trên Phụ nữ Tân văn số 6.
(2) Ba chị em Nguyệt Đình, Mai Am, Huệ Phố được gọi là Tam Khanh, theo ba tên tự của ba người lần lượt Trọng Khanh, Thúc Khanh và Quý Khanh. Cả ba sau này trở nên nổi tiếng lừng lẫy về tài văn chương trong giới nữ lưu ở đất kinh thành.
VĂN THÀNH LÊ