Xã hội

Cải thiện, nâng cao chất lượng môi trường, sinh thái

08:14, 28/08/2023 (GMT+7)

Nghị quyết Đại hội đại biểu lần thứ XXII Đảng bộ thành phố Đà Nẵng nhiệm kỳ 2020-2025 đã đặt ra mục tiêu đến năm 2025, thành phố có 100% khu, cụm công nghiệp có hệ thống xử lý nước thải tập trung đạt chuẩn; hơn 90% nước thải sinh hoạt đô thị, 100% nước thải công nghiệp, chất thải rắn sinh hoạt được thu gom và xử lý tập trung đạt chuẩn; duy trì tỷ lệ che phủ rừng đạt 47%. Những mục tiêu này đã được cụ thể hóa trong đề án “Xây dựng Đà Nẵng - Thành phố môi trường” giai đoạn 2021-2030 và đang được thành phố nỗ lực thực hiện để cải thiện, nâng cao chất lượng môi trường, sinh thái.

Trạm xử lý nước rỉ rác Khánh Sơn (giai đoạn 2) được đưa vào hoạt động từ ngày 5-6-2021 đã góp phần cải thiện môi trường khu vực rộng lớn.  Ảnh: HOÀNG HIỆP
Trạm xử lý nước rỉ rác Khánh Sơn (giai đoạn 2) được đưa vào hoạt động từ ngày 5-6-2021 đã góp phần cải thiện môi trường khu vực rộng lớn. Ảnh: HOÀNG HIỆP

Dành nguồn lực đầu tư lớn cho môi trường

Trong nửa nhiệm kỳ qua, công tác bảo vệ môi trường của thành phố đã có nhiều chuyển biến tích cực nhờ dành nhiều nguồn lực đầu tư và đưa vào vận hành các công trình bảo vệ môi trường, nhất là những công trình đã hoàn thành và đưa vào sử dụng trong năm 2023. Nổi bật là công trình Trạm xử lý nước thải Phú Lộc giai đoạn 2 (có tổng mức đầu tư 301 tỷ đồng) và tuyến ống thu gom nước thải dọc đường Nguyễn Tất Thành (444 tỷ đồng) được đưa vào vận hành thử từ cuối tháng 4-2023 đã cải thiện môi trường biển dọc đường Nguyễn Tất Thành, góp phần làm cho hoạt động tắm biển tại các bãi biển dọc tuyến đường này nhộn nhịp hơn.

Trạm xử lý nước thải Sơn Trà giai đoạn 2 cùng hệ thống cống bao có đường kính lớn thuộc dự án Cải thiện môi trường nước phía đông quận Sơn Trà (1.447 tỷ đồng), tuyến ống nước thải dọc đường 2 Tháng 9 đoạn từ đường Phan Thành Tài đến Thăng Long (168 tỷ đồng) đã được đưa vào vận hành thử. Hiện các nhà thầu đang khẩn trương thi công một số hạng mục cuối cùng của công trình trạm xử lý nước thải Hòa Xuân giai đoạn 3 (589 tỷ đồng); hệ thống thu gom nước thải riêng và các tuyến cống chuyển nước mưa về sông Hàn của lưu vực từ phía nam đường Hồ Xuân Hương đến giáp tỉnh Quảng Nam (1.340 tỷ đồng)...

Đến nay, hệ thống thu gom và xử lý nước thải sinh hoạt của thành phố đã, đang được đầu tư có tổng công suất xử lý 360.000m3/ngày, cao hơn tổng nhu cầu sử dụng nước sinh hoạt của thành phố (từ 330.000 - 350.000m3/ngày). Trưởng ban Đô thị - HĐND thành phố Nguyễn Thành Tiến cho rằng: “Thành phố đã có sự quan tâm, đầu tư nguồn lực rất lớn để thu gom, xử lý nước thải, đặc biệt là gần như hoàn thiện hệ thống thu gom nước thải ở đô thị và chỉ còn một phần nhỏ nữa là kết nối hết hệ thống thu gom. Nếu như đầu tư hoàn thành thì thành phố có thể có tỷ lệ thu gom nước thải đạt hơn 95%. Tuy nhiên, thành phố cần quan tâm hơn đến lĩnh vực xử lý rác thải cũng quy trình, hệ thống thu gom, vận chuyển rác và tăng cường tuyên truyền cho người dân, du khách về ý thức bảo vệ môi trường, trong đó có vấn đề liên quan đến thu gom, xử lý rác thải nhằm đạt được mục tiêu thành phố môi trường, hướng đến đô thị sinh thái”.

Thời gian qua, thành phố đã hoàn thành dự án Nâng cấp, cải tạo một số hạng mục tại bãi rác Khánh Sơn (184 tỷ đồng) và đưa hộc chôn lấp rác số 6 vào vận hành từ ngày 1-5-2023. Bên cạnh đó, trạm trung chuyển rác ở đường Lê Thanh Nghị và trạm trung chuyển rác khu vực quận Sơn Trà (312 tỷ đồng) đưa vào vận hành trong năm 2023.

Phó Giám đốc Sở Tài nguyên và Môi trường Đặng Quang Vinh cho rằng, Đà Nẵng đang là địa phương đi đầu cả nước về đầu tư, vận hành trạm trung chuyển với công nghệ ép rác tiên tiến. Chính vì thành phố rất quan tâm đến công tác thu gom, vận chuyển, trung chuyển rác nên tỷ lệ thu gom rác sinh hoạt đã đạt hơn 90%, toàn bộ rác thu gom được đều được xử lý chôn lấp hợp vệ sinh và được đánh giá là một thành phố sạch của Việt Nam. Đặc biệt, đầu năm 2023, Bộ Tài nguyên và Môi trường công bố kết quả đánh giá công tác bảo vệ môi trường theo bộ chỉ số PEPI, Đà Nẵng đứng đầu cả nước.

Trạm xử lý nước thải Ngũ Hành Sơn (giai đoạn 2) được thi công hoàn thành và đưa vào vận hành đã cải thiện môi trường khu vực phường Khuê Mỹ, quận Ngũ Hành Sơn. Ảnh: HOÀNG HIỆP
Trạm xử lý nước thải Ngũ Hành Sơn (giai đoạn 2) được thi công hoàn thành và đưa vào vận hành đã cải thiện môi trường khu vực phường Khuê Mỹ, quận Ngũ Hành Sơn. Ảnh: HOÀNG HIỆP

Phòng ngừa, kiểm soát môi trường ngay tại nguồn

Theo báo cáo của UBND thành phố về giữa nhiệm kỳ thực hiện Nghị quyết Đại hội lần thứ XIII của Đảng, Nghị quyết Đại hội lần thứ XXII Đảng bộ thành phố, dự kiến đến cuối năm 2023, thành phố có 89,3% trữ lượng nước thải sinh hoạt đô thị được thu gom, xử lý đạt quy chuẩn kỹ thuật môi trường; 100% nước thải công nghiệp được thu gom và xử lý tập trung đạt quy chuẩn kỹ thuật môi trường; 100% rác sinh hoạt thu gom được xử lý đáp ứng yêu cầu về bảo vệ môi trường.

Bên cạnh đó, 100% khu, cụm công nghiệp có hệ thống xử lý nước thải tập trung đạt quy chuẩn kỹ thuật môi trường; tỷ lệ che phủ rừng ước đạt 45,6%. Để tiếp tục thực hiện hoàn thành các mục tiêu của Nghị quyết Đại hội Đảng bộ thành phố lần thứ XXII, từ nay đến cuối năm 2025, thành phố tập trung hoàn thành các thủ tục pháp lý, thủ tục đầu tư để thực hiện đầu tư các nhà máy xử lý rác, các trạm trung chuyển rác và các hạ tầng kỹ thuật môi trường liên quan, đáp ứng với quy hoạch và công tác quản lý, xử lý rác của thành phố đến năm 2030.

Đồng thời, triển khai hiệu quả kế hoạch thực hiện đề án “Xây dựng Đà Nẵng - Thành phố môi trường” giai đoạn 2021-2030; tiếp tục theo dõi, kiểm tra công tác vệ sinh môi trường và xử lý rác trên địa bàn thành phố. Cùng với đó, thành phố tăng cường các giải pháp phòng ngừa và kiểm soát môi trường ngay tại nguồn, nhất là trong hoạt động công nghiệp, thiết lập mô hình khu công nghiệp sinh thái; tổ chức diễn tập phòng ngừa và ứng phó sự cố môi trường (gồm có sự cố tràn dầu) hằng năm.

Thành phố đặt mục tiêu đến năm 2025, hoàn thành các hạng mục cải thiện các vấn đề môi trường trọng điểm. UBND các cấp tập trung quản lý công tác vệ sinh môi trường; kiểm soát các nguồn tác động đến môi trường khu dân cư; tuyên truyền sâu rộng về công tác bảo vệ môi trường.

Thành phố cũng tiếp tục tăng cường công tác quản lý bảo vệ rừng gắn với chương trình phát triển lâm nghiệp bền vững và bảo đảm duy trì, ổn định độ che phủ rừng đạt bình quân từ 46-47%, cao hơn so với bình quân của cả nước (tỷ lệ che phủ rừng của Việt Nam cuối năm 2022 là 42,02%); triển khai thực hiện chính sách hỗ trợ trồng rừng nguyên liệu cây gỗ lớn và thực hiện quản lý rừng bền vững...

HOÀNG HIỆP

.