Xã hội

Đào tạo nghề cho người lao động

09:54, 24/08/2023 (GMT+7)

Công tác đào tạo nghề, giải quyết việc làm cho người lao động luôn được các cấp Công đoàn và các cơ quan liên quan quan tâm, triển khai nhiều giải pháp nhằm nâng cao chất lượng đào tạo nghề. Qua đó, đáp ứng nhu cầu nguồn nhân lực, giải quyết việc làm, bảo đảm an sinh xã hội.

Theo báo cáo của Trung tâm Dịch vụ việc làm thành phố, 6 tháng đầu năm 2023, trung tâm tiếp nhận hồ sơ thất nghiệp từ cả trực tiếp và trực tuyến, lập thủ tục giải quyết chế độ bảo hiểm thất nghiệp cho 11.269 người lao động nộp hồ sơ đề nghị hưởng trợ cấp thất nghiệp. Trong đó, số người đủ điều kiện hưởng trợ cấp là 8.105 người, tăng 27% so với cùng kỳ năm 2022. Số người có quyết định hưởng trợ cấp thất nghiệp là 6.881 người và 362 người có quyết định học nghề.

Chị Nguyễn Thị Tuyết Lan (phường Hòa Khánh Bắc, quận Liên Chiểu) là học viên vừa tốt nghiệp khóa đào tạo nghề pha chế đồ uống đang hưởng chế độ bảo hiểm thất nghiệp do Trung tâm Dịch vụ việc làm thành phố tổ chức. Trước đó, chị Lan có 10 năm làm công nhân tại một công ty may mặc trên địa bàn thành phố. Tuy nhiên, do điều kiện gia đình, chị xin nghỉ việc và đăng ký hưởng trợ cấp thất nghiệp. Qua tư vấn của cán bộ Trung tâm Dịch vụ việc làm thành phố, chị quyết định đăng ký tham gia khóa đào tạo nghề ngắn hạn với mong muốn có thêm những kỹ năng nghề nghiệp mới cho bản thân.

Phó Giám đốc Trung tâm Dịch vụ việc làm Đà Nẵng Nguyễn Thanh Diệp cho biết, từ đầu năm đến nay, trung tâm tổ chức 15 lớp nghề với 387 học viên, tư vấn học nghề cho 5.959 lượt người, cung cấp thông tin về tổ chức các lớp huấn luyện an toàn, vệ sinh lao động đến nhiều tổ chức, doanh nghiệp trên địa bàn thành phố. Tuy nhiên, theo ông Diệp, khó khăn lớn nhất trong công tác đào tạo nghề cho người lao động là các trung tâm dịch vụ việc làm không được phép đào tạo từ trình độ sơ cấp trở lên nhưng vẫn được dạy nghề dưới 3 tháng cho người lao động. Thế nhưng, thực tế hiện nay, nhiều nơi sử dụng lao động lại yêu cầu tuyển dụng người phải có chứng chỉ nghề trình độ sơ cấp trở lên. Do đó, không được đào tạo trình độ sơ cấp đã ảnh hưởng đến quyền lợi của người lao động, gây khó khăn cho một bộ phận người lao động muốn học nghề ngắn hạn, nghề dịch vụ như pha chế, nấu ăn,…, đặc biệt là lao động thất nghiệp muốn nhanh chóng chuyển việc nhưng vẫn cần có chứng chỉ nghề trình độ sơ cấp để thuận lợi hơn khi đi xin việc. Để đáp ứng được nhu cầu thực tế, ông Diệp đề xuất các trung tâm dịch vụ việc làm nên được phép đào tạo nghề trình độ sơ cấp để bảo đảm quyền lợi người lao động.

Theo Phó Chủ tịch Liên đoàn Lao động thành phố Lê Văn Đại, trước những yêu cầu cầu ngày càng cao của thị trường lao động trong bối cảnh cách mạng công nghiệp 4.0, nhiều người lao động lớn tuổi, lao động phổ thông đứng trước nguy cơ mất việc làm. Để tạo cơ hội cho người lao động có việc làm tốt hơn, thích ứng với sự phát triển của thị trường lao động, Liên đoàn Lao động thành phố phối hợp các cơ sở đào tạo nghề, Hiệp hội Văn hóa ẩm thực, Hiệp hội Du lịch, trung tâm đào tạo triển khai các khóa đào tạo, đào tạo lại, đào tạo chuyển đổi nghề ngắn hạn. “Công tác đào tạo nghề cho người lao động, đặc biệt là người lao động mất việc làm sau Covid-19 luôn được Liên đoàn Lao động thành phố quan tâm, triển khai đến các cấp Công đoàn cơ sở. Thông qua các lớp học này, người lao động sẽ thêm cơ hội, lựa chọn để tìm kiếm công việc mới phù hợp, góp phần phát triển kinh tế và ổn định cuộc sống”, ông Đại cho biết.

XUÂN HẬU

.