Tiếp xúc, đối thoại là hoạt động quan trọng nhằm tạo cầu nối giữa cấp ủy Đảng, chính quyền với nhân dân, qua đó giải quyết nhiều việc khó, vấn đề nổi cộm ở cơ sở, góp phần củng cố niềm tin của nhân dân, tạo đồng thuận trong xã hội.
Song song với công tác tiếp xúc, người đứng đầu cấp ủy, chính quyền còn thường xuyên đối thoại với người dân, nhất là việc triển khai thực hiện các dự án đầu tư xây dựng. TRONG ẢNH: Kiểm tra thực tế khu tái định cư phục vụ Khu công nghiệp Hòa Ninh. Ảnh: T.H |
Đa dạng hình thức tiếp xúc, đối thoại
Thực hiện Quy định số 11-QÐi/TW ngày 18-2-2019 của Bộ Chính trị về trách nhiệm của người đứng đầu cấp ủy trong việc tiếp dân, đối thoại trực tiếp với dân và xử lý những phản ánh, kiến nghị của dân, hằng tháng, người đứng đầu cấp ủy ở mỗi địa phương trên địa bàn thành phố đều thực hiện công tác tiếp dân, đối thoại trực tiếp với nhân dân. Ngoài việc tiếp dân theo Quy định số 11-QÐi/TW, người đứng đầu cấp ủy ở các quận, huyện, phường, xã còn chú trọng đối thoại theo chuyên đề, đột xuất hoặc nhóm đối tượng. Tập trung lựa chọn vấn đề liên quan đến quyền, lợi ích, đời sống và sinh hoạt của người dân như đất đai, giải phóng mặt bằng, an sinh xã hội, bảo vệ môi trường, xây dựng nông thôn mới, phát triển kinh tế - xã hội để đưa vào chương trình đối thoại.
Ông Lê Trung Thắng, Phó Bí thư Thường trực Huyện ủy, Chủ tịch HĐND huyện Hòa Vang cho biết, trong công tác tiếp dân, đối thoại với nhân dân, Huyện ủy đã chỉ đạo thực hiện nghiêm túc theo Quy định số 11-QÐi/TW và các văn bản liên quan về tiếp công dân và đối thoại với nhân dân; xử lý, giải quyết các phản ánh, kiến nghị, khiếu nại, tố cáo của nhân dân.
“Từ đầu nhiệm kỳ 2020 - 2025 đến nay, Huyện ủy tổ chức 3 buổi đối thoại hai cấp giữa người đứng đầu cấp ủy, chính quyền huyện, xã với nhân dân ở các thôn Tà Lang, Giàn Bí (xã Hòa Bắc); thôn An Ngãi Tây 1 (xã Hòa Sơn) và thôn Trung Sơn (xã Hòa Liên). “Thông qua hoạt động tiếp xúc, lãnh đạo huyện truyền tải đường lối, chủ trương, chính sách, các giải pháp trong xây dựng Đảng, phát triển kinh tế - xã hội của địa phương đến cán bộ, đảng viên, đoàn viên, hội viên, nhân dân. Mặt khác, thông qua kênh đối thoại, đã kịp thời uốn nắn, chấn chỉnh lề lối, tác phong lãnh đạo, điều hành, tổ chức thực hiện nhiệm vụ ở cơ sở, chỉ đạo giải quyết nhiều vấn đề phát sinh từ thực tiễn”, ông Thắng cho hay.
Tại các quận Hải Châu, Liên Chiểu, Ngũ Hành Sơn, hoạt động tiếp xúc, đối thoại thời gian qua cũng được mở rộng về hình thức, đối tượng. Trong đó, Thường trực các quận ủy đối thoại với bí thư chi bộ, tổ trưởng tổ dân phố, trưởng ban công tác Mặt trận khu dân cư, lực lượng thanh niên và người đứng đầu cấp ủy, chính quyền các cấp đối thoại với cán bộ và nhân dân…
Nắm bắt kịp thời, giải quyết ngay từ cơ sở
Theo UBND quận Liên Chiểu, thời gian qua, địa phương đã thực hiện nghiêm túc chế độ tiếp dân, tăng cường thanh tra, kiểm tra, công tác rà soát đơn thư, khiếu nại, tố cáo được thực hiện thường xuyên, không để tồn đọng, kéo dài. Từ đầu nhiệm kỳ 2020 - 2025 đến nay, quận đã tiếp 2.011 lượt công dân; trong đó, cấp quận tiếp 923 lượt công dân, cấp phường1.088 lượt.
Ông Nguyễn Đăng Huy, Chủ tịch UBND quận Liên Chiểu cho rằng, thông qua những buổi tiếp xúc, đối thoại với nhân dân, cấp ủy, người đứng đầu cấp ủy đánh giá tình hình tổ chức thực hiện nhiệm vụ chính trị tại cơ sở và nắm bắt những vấn đề vướng mắc, khó khăn phát sinh từ thực tế để trực tiếp chỉ đạo, tháo gỡ. Bên cạnh tiếp công dân theo quy định, trong quá trình tổ chức thực hiện nhiệm vụ được giao, người đứng đầu cấp ủy, chính quyền còn thường xuyên đối thoại với người dân, nhất là trong việc triển khai thực hiện các dự án đầu tư xây dựng, tại những nơi tiềm ẩn nảy sinh tình hình phức tạp liên quan đến đất đai.
“Để thực hiện hiệu quả trong công tác giải phóng mặt bằng, thời gian qua, UBND quận thường xuyên tổ chức các buổi đối thoại với người dân các phường về thu hồi, bồi thường giải phóng mặt bằng các dự án Trục 1 Tây Bắc nối dài, dự án cảng Liên Chiểu, dự án Cụm công nghiệp Hòa Khánh Nam…để kịp thời tháo gỡ vướng mắc cho người dân”, ông Huy thông tin.
Qua ghi nhận từ các cuộc tiếp xúc, đối thoại cấp quận, huyện, phường, xã từ đầu nhiệm kỳ 2020 - 2025 đến nay, đã có hàng nghìn lượt ý kiến phản ánh, kiến nghị của cán bộ, đảng viên và nhân dân. Ông Trần Xuân Trung, Trưởng thôn Giàn Bí, xã Hòa Bắc chia sẻ: “Nhờ gặp gỡ, đối thoại trực tiếp, chúng tôi chuyển tải được những mong muốn, nguyện vọng của cán bộ, đảng viên, nhân dân trong thôn đến với Thường trực Huyện ủy và Đảng ủy xã để kịp thời giải quyết. Các cuộc đối thoại đã thực sự giúp cán bộ gần cơ sở hơn”.
Đơn cử như trước phản ánh của người dân ở xã Hòa Bắc tại buổi tiếp xúc với chính quyền địa phương xã về tình trạng hệ thống thoát nước dọc tuyến đường ADB5, do hệ thống cống quá nhỏ và một số đoạn đường thấp trũng vào mùa mưa, nước chảy hết vào nhà dân, UBND huyện đã chỉ đạo xã Hòa Bắc phối hợp các đơn vị liên quan tiến hành nạo vét tạm, khơi thông để thoát nước trong mùa mưa đến.
Tương tự, thông qua tiếp xúc, đối thoại về chính sách hỗ trợ đền bù đối với các hộ dân bị ảnh hưởng bởi dự án cảng Liên Chiểu, UBND quận Liên Chiểu đã chỉ đạo Ban Giải phóng mặt bằng quận, UBND phường Hòa Hiệp Bắc và các đơn vị liên quan tiến hành rà soát từng hồ sơ, tính pháp lý nhằm tạo điều kiện thuận lợi tối đa cho người dân sau khi bị giải tỏa thực hiện dự án này.
Theo đánh giá của Ban Dân vận Thành ủy, thời gian qua, hệ thống chính trị và người đứng đầu cấp ủy, chính quyền, cơ quan, đơn vị trên địa bàn thành phố luôn chú trọng đến việc nắm bắt tình hình nhân dân để kịp thời xử lý những vấn đề người dân quan tâm, tạo đồng thuận xã hội. Tuy nhiên, để tiếp tục phát huy kết quả, các cấp ủy Đảng, chính quyền cần nghiên cứu đổi mới, nâng cao chất lượng các buổi gặp gỡ, trao đổi, đối thoại với nhân dân. Trong đó, chú trọng ứng dụng công nghệ thông tin trong tương tác trực tiếp với người dân, kịp thời tiếp nhận phản ánh, kiến nghị để xử lý vướng mắc cho người dân.
TRỌNG HÙNG