Nhiều nhà vệ sinh công cộng nhếch nhác, hư hỏng

.

Nhiều nhà vệ sinh công cộng (NVSCC) trên địa bàn thành phố hiện xuống cấp, hư hỏng, nhếch nhác, thiếu nhiều trang bị. Các đơn vị chức năng cần quan tâm khắc phục sửa chữa, xây mới các NVSCC để đáp ứng nhu cầu của người dân, du khách, góp phần bảo vệ môi trường.

Nhà vệ sinh công cộng tại cảng Sông Hàn xuống cấp, chỉ có 1 phòng mở cửa hoạt động. Ảnh: N.Q
Nhà vệ sinh công cộng tại cảng Sông Hàn xuống cấp, chỉ có 1 phòng mở cửa hoạt động. Ảnh: N.Q

Nhà vệ sinh công cộng xuống cấp

Hiện nay, trên địa bàn thành phố có trên 45 NVSCC do Công ty CP Môi trường đô thị Đà Nẵng, Ban Quản lý bán đảo Sơn Trà và các bãi biển du lịch Đà Nẵng, UBND các quận Sơn Trà, Hải Châu, Thanh Khê, Ngũ Hành Sơn, Cẩm Lệ quản lý và vận hành. Các NVSCC được đặt tại khu vực có đông người dân, du khách, dọc bờ biển, điểm du lịch và hoạt động từ 5 giờ đến 22 giờ. Sau thời gian dài sử dụng, rất nhiều NVSCC đã hư hỏng không thể sử dụng, xuống cấp, thiếu nhiều trang thiết bị, nhếch nhác.

Theo ghi nhận của phóng viên Báo Đà Nẵng, NVSCC tại góc đường Nguyễn Thái Học - Yên Bái (quận Hải Châu) có người dọn dẹp thường xuyên, tuy nhiên, bồn rửa mặt khu nữ, bồn tiểu khu nam hư hỏng nhưng chưa được sửa chữa. NVSCC bên cạnh cầu Sông Hàn (quận Hải Châu) có 4 phòng nhưng có 3 phòng hư hỏng nên đóng cửa; phòng còn lại vẫn duy trì hoạt động nhưng không có điện, nước, xà phòng, giấy vệ sinh và khá nặng mùi hôi.

Tương tự, khu NVSCC tại cảng Sông Hàn (quận Hải Châu) có 4 phòng nhưng chỉ có 1 phòng mở cửa hoạt động; hệ thống nước không hoạt động. Khu NVSCC tại cầu Trần Thị Lý mặc dù hoạt động nhưng do chưa được quan tâm giữ gìn vệ sinh nên nơi đây khá cũ, nhếch nhác và có mùi hôi, hư hỏng nhiều trang thiết bị.

Dọc đường Hoàng Sa, Võ Nguyên Giáp, Nguyễn Tất Thành có nhiều NVSCC xuống cấp, nhiều nơi đã dừng hoạt động do hư hỏng, chủ yếu là khu nhà vệ sinh di động được xây dựng bằng chất liệu composite. Trong đó, khu nhà vệ sinh bằng chất liệu composite đối diện khách sạn Mường Thanh, khu vực bãi biển T20, đối diện khách sạn Grand Tourane xây dựng từ năm 2012 nay đã xuống cấp, không bảo đảm phục vụ người dân, du khách. Tương tự, các NVSCC dọc bờ biển đường Nguyễn Tất Thành được xây lắp bằng chất liệu composite từ năm 2012 đã xuống cấp, khá nhếch nhác và thường xuyên trong tình trạng dừng hoạt động.

Anh Nguyễn Hoàng Thuận, tài xế xe công nghệ, cho biết do đặc thù công việc nên thường xuyên sử dụng NVSCC. “Một số nhà vệ sinh công cộng nhếch nhác, hôi hám... Những lúc “bí bách” lắm tôi mới tìm đến NVSCC”, anh Thuận nói.

Cần đầu tư nâng cấp, xây mới

Ông Phan Minh Hải, Phó ban quản lý bán đảo Sơn Trà và các bãi biển du lịch Đà Nẵng, cho biết đơn vị đang vận hành 27 NVSCC tại đường Hoàng Sa, Võ Nguyên Giáp, Nguyễn Tất Thành, bán đảo Sơn Trà và người dân, du khách được sử dụng miễn phí. Hiện nay, bên cạnh các NVSCC cố định hoạt động bình thường, nhiều nhà vệ sinh chất liệu composite được xây lắp từ lâu đã hư hỏng, xuống cấp. Mặc dù đơn vị duy trì công nhân dọn dẹp, tuy nhiên, một bộ phận người dân lấy các thiết bị, bỏ rác bừa bãi làm tắc nghẽn nhà vệ sinh dẫn đến hư hỏng.

Đối với các NVSCC hư hỏng, xuống cấp, đơn vị đã báo cáo Sở Du lịch đề nghị UBND thành phố cho thanh lý, sau đó xây dựng kiên cố với số lượng 9 nhà vệ sinh (tại các bãi biển 8 cái và bán đảo Sơn Trà 1 cái). Bên cạnh đó, khu vực nút giao thông Nguyễn Huy Chương; đoạn vỉa hè ngã ba đường Hoàng Sa - Vũ Ngọc Nhạ; khu nhà tắm nước ngọt Liên Chiểu thường tập trung đông người dân, du khách tắm biển, du lịch nhưng chưa có NVSCC, vì vậy, đề xuất các đơn vị liên quan xây mới. Bên cạnh đó, cần vận động các nguồn xã hội hóa, kêu gọi các nhà đầu tư xây dựng các NVSCC để phục vụ nhu cầu của người dân, du khách. 

Theo ông Hồ Trọng Khánh, Giám đốc Xí nghiệp Môi trường Hải Châu, đơn vị được UBND quận Hải Châu giao vận hành 5 NVSCC bằng chất liệu composite tại khu vực cầu Trần Thị Lý, cầu Sông Hàn, cảng Sông Hàn, công viên Đống Đa, Quảng trường 2-9. Trong đó, NVSCC tại công viên Đống Đa, Quảng trường 2-9 hiện nay đã hư hỏng, dừng hoạt động. Các khu nhà vệ sinh còn lại mặc dù vẫn duy trì hoạt động, nhưng do quá trình sử dụng khá lâu, công nghệ cũ nên đã xuống cấp, hư hỏng. Bên cạnh đó, một bộ phận người dân, du khách thiếu ý thức bảo vệ nên thường xảy ra tình trạng nhếch nhác, mất vệ sinh.

“Trước thực trạng trên, đơn vị đã đề xuất UBND quận Hải Châu nâng cấp, lắp đặt các NVSCC công nghệ mới để thay thế các khu nhà vệ sinh trước đây. Bên cạnh đó, khu vực công viên phía tây cầu Rồng, chợ Hàn có đông người dân, du khách, vì vậy, cần xây dựng tại đây NVSCC để đáp ứng nhu cầu. Hiện nay, chúng tôi duy trì kiểm tra, sửa chữa các hạng mục hư hỏng, yêu cầu công nhân thường xuyên trực, dọn vệ sinh, bảo đảm phục vụ người dân và du khách hằng ngày”, ông Khánh cho biết.

Phó Tổng Giám đốc Công ty cổ phần Môi trường đô thị Đà Nẵng Hoàng Thị Ngọc Hiếu cho biết, hiện nay, công ty được UBND thành phố giao quản lý và vận hành 3 nhà vệ sinh cố định tại phía chân cầu Sông Hàn, phía chân cầu Rồng và góc đường Yên Bái -  Nguyễn Thái Học. Công ty thường xuyên kiểm tra, kịp thời sửa chữa nhỏ nhằm bảo đảm trang thiết bị, vệ sinh để phục vụ nhu cầu người dân và du khách. Đối với kinh phí quản lý, công ty giao các đơn vị trực thuộc tự cân đối từ nguồn khai thác sử dụng nhà vệ sinh để thanh toán, chi trả điện, nước, xà phòng, giấy. “Thành phố hiện nay thiếu NVSCC và cần nguồn xã hội hóa, sự chung tay của các doanh nghiệp thực hiện xây dựng các nhà vệ sinh phục vụ nhu cầu của người dân, du khách là điều rất cần thiết”, bà Hiếu chia sẻ.

NGỌC QUỐC

;
;
.
.
.
.
.