Chủ động ứng phó mưa lớn kéo dài

.

Trước cảnh báo mưa lớn kéo dài từ ngày 13 đến 17-11, UBND thành phố, Ban Chỉ huy Phòng chống thiên tai, tìm kiếm cứu nạn và phòng thủ dân sự thành phố Đà Nẵng đã chỉ đạo triển khai các giải pháp phòng, chống thiên tai do mưa lớn kéo dài, đặc biệt là ngập lụt đô thị, lũ quét, sạt lở đất...

Ngày 12-11, quận Liên Chiểu huy động lực lượng phát quang bụi rậm, cây cối khơi thông dòng chảy, nhằm chống ngập úng cho khu vực đường Mẹ Suốt. Ảnh: HOÀNG HIỆP
Ngày 12-11, quận Liên Chiểu huy động lực lượng phát quang bụi rậm, cây cối khơi thông dòng chảy, nhằm chống ngập úng cho khu vực đường Mẹ Suốt. Ảnh: HOÀNG HIỆP

Cảnh báo mưa rất lớn

Theo dự báo của Đài Khí tượng thủy văn Trung Trung Bộ, do ảnh hưởng của không khí lạnh và gió mùa đông bắc, từ ngày 13 đến 17-11, tại các tỉnh, thành phố từ Quảng Bình đến Quảng Ngãi có mưa vừa, mưa to, có nơi mưa rất to và dông. Trong đó, tổng lượng mưa tại các tỉnh, thành phố từ Thừa Thiên Huế đến Quảng Nam từ tối 12 đến sáng 14-11 phổ biến 80-200mm, có nơi trên 300mm; từ chiều 14-11 đến ngày 17-11 phổ biến 200-350mm, có nơi trên 500mm. Trên các sông từ Quảng Bình đến Quảng Ngãi có khả năng xuất hiện một đợt lũ với đỉnh lũ trên các sông.

TS. Nguyễn Ngọc Huy, cố vấn cao cấp về biến đổi khí hậu của Tổ chức Oxfam tại Việt Nam nhận định, trong đợt mưa này, Đà Nẵng được dự báo có tổng lượng mưa từ 200-300mm/ngày, trong đó có những trận mưa cực đoan với cường độ hơn 30mm/giờ. Với lượng mưa này sẽ gây ngập cục bộ cho thành phố, nhất là khu vực quận Liên Chiểu, đường Mẹ Suốt và các khu vực lâu nay hay xảy ra ngập. Khác với các trận mưa vừa qua (mưa từng cơn), trận mưa xảy ra từ ngày 13 đến 17-11 sẽ là mưa liên tục nên hạ tầng thoát nước sẽ khó đáp ứng được.

Trong đợt mưa này có kèm thêm gió chướng theo hướng đông bắc cấp 5-6 ở ven bờ nên các khu vực ven biển có nguy cơ sạt lở bờ biển và gây khó khăn, làm chậm thoát nước từ các khu đô thị, ven bờ ra biển nên nguy cơ ngập lụt ở trong các khu đô thị và ven bờ rất cao. Vì thế, người dân ở các khu vực thường hay bị ngập sâu cần kê cao đồ đạc cao hơn các mức ngập lụt lần trước để tránh rủi ro hư hỏng đồ đạc. Đồng thời, hạn chế đi ra khỏi nơi an toàn khi đã ngập lụt để tránh sa vào các hố sâu hoặc bị cuốn trôi do nước chảy xiết.

Tập trung ứng phó ngập lụt, lũ quét, sạt lở đất

Ngày 12-11, UBND thành phố ban hành văn bản về việc tập trung ứng phó với mưa, lũ, sạt lở đất trước nguy cơ xảy ra một đợt mưa lớn diện rộng từ ngày 13 đến 17-11. Theo đó, UBND thành phố yêu cầu các sở, ban, ngành, địa phương, đơn vị phối hợp để thực hiện hiệu quả công tác phòng, chống và khắc phục hậu quả một số kịch bản thiên tai trên địa bàn thành phố. Các quận, huyện cần thường xuyên theo dõi chặt chẽ các diễn biến của mưa, lũ, ngập lụt đô thị..., sẵn sàng triển khai phương án sơ tán bảo đảm an toàn cho nhân dân, nhất là tại các khu vực dân cư ở những vùng trũng, thấp, ngập lụt, ven suối, vùng có nguy cơ sạt lở đất, lũ quét…; sẵn sàng triển khai các lực lượng, phương tiện, trang thiết bị cứu hộ, cứu nạn; tổ chức lực lượng để canh gác, chốt chặn tại các tuyến đường, khu vực ngập sâu, ngầm, cầu tràn.

Đồng thời, tổ chức nạo vét, khơi thông tuyến, cống thoát nước thuộc phạm vi quản lý để hạn chế tình trạng ngập cục bộ. Các phường, xã cần sẵn sàng nhân lực, vật tư trang thiết bị theo phương châm “4 tại chỗ”. Người dân cần chủ động kê tài sản, khơi thông, không làm cản trở dòng chảy, tiêu thoát nước tại các kênh mương và cửa thu nước trước nhà để nâng cao hiệu quả phát nước.

Trước đó, Ban Chỉ huy Phòng chống thiên tai, tìm kiếm cứu nạn và phòng thủ dân sự thành phố Đà Nẵng vừa ban hành công điện đề nghị các sở, ban, ngành, địa phương và đơn vị triển khai ứng phó với gió mùa đông bắc, mưa lớn, ngập lụt, nguy cơ xảy ra lũ quét và sạt lở đất trên địa bàn thành phố Đà Nẵng. Trong đó, các đơn vị lực lượng vũ trang, UBND các quận, huyện, các sở, ban, ngành sẵn sàng lực lượng, phương tiện tại các khu vực trọng điểm để kịp thời hỗ trợ người dân sơ tán, cứu hộ, cứu nạn và xử lý các tình huống do thiên tai có thể gây ra.

Bộ Chỉ huy Bộ đội Biên phòng thành phố thông báo kịp thời cho các chủ phương tiện, tàu thuyền còn đang hoạt động trên biển biết tin gió mùa đông bắc để chủ động phòng tránh; chủ động thực hiện việc quản lý tàu thuyền ra khơi theo quy định; tổ chức kiểm đếm, quản lý chặt chẽ và giữ thông tin liên lạc với các tàu thuyền, phương tiện đang hoạt động trên biển và những tàu thuyền nhỏ đang hoạt động ven bờ để kịp thời tổ chức ứng cứu khi cần thiết; chủ trì, phối hợp với Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tổ chức hướng dẫn sắp xếp tàu thuyền neo đậu an toàn tại các khu trú tránh bão.

Sở Xây dựng chủ trì, phối hợp UBND các quận, huyện và các đơn vị liên quan chỉ đạo triển khai phương án phòng, chống ngập úng đô thị, khơi thông cống rãnh thoát nước; chỉ đạo các chủ đầu tư, ban quản lý dự án đầu tư xây dựng khẩn trương triển khai các biện pháp phòng chống ngập úng do mưa lớn cho công trình và các khu dân cư do công trình đang thi công dở dang.... Các sở, ban, ngành, địa phương sẵn sàng lực lượng, phương tiện tham gia công tác phòng, chống và khắc phục hậu quả thiên tai, mưa, lũ...

Đà Nẵng sẽ còn xảy ra nhiều đợt mưa lớn
TS. Nguyễn Ngọc Huy cho rằng, sở dĩ Đà Nẵng có tổng lượng mưa trong đầu mùa mưa năm nay cao hơn cùng kỳ các năm La Nina vừa qua (2022 và 2021) có nguyên nhân trực tiếp là năm nay có đới gió đông hoạt động mạnh. Mỗi khi có không khí lạnh và gió mùa đông bắc tràn về gặp đới gió đông thì xảy ra mưa lớn. Đà Nẵng gần như là điểm hội tụ của không khí lạnh, gió mùa đông bắc và đới gió đông nên xảy ra mưa rất lớn ở khu vực ven biển. “Năm nay đới gió đông và đông nam hoạt động mạnh ở miền Trung. Giai đoạn cuối năm vẫn duy trì đới gió này, trong khi đó, gió mùa đông bắc và không khí lạnh từ phía bắc tràn về sẽ tạo ra điểm hội tụ ở khu vực từ Thừa Thiên Huế đến Quảng Ngãi. Cả 3 yếu tố hội tụ thì mưa sẽ rất lớn”, TS. Nguyễn Ngọc Huy nhận định.

HOÀNG HIỆP

;
;
.
.
.
.
.