Xã hội
Đề xuất quy định khen thưởng tổng kết thành tích kháng chiến
Bộ Nội vụ đang lấy ý kiến nhân dân dự thảo Thông tư quy định biện pháp thi hành Nghị định quy định chi tiết trình tự, thủ tục xét tặng, truy tặng “Huy chương Thanh niên xung phong vẻ vang” và việc khen thưởng tổng kết thành tích kháng chiến.
Trong đó, dự thảo đề xuất nguyên tắc xét khen thưởng tổng kết thành tích kháng chiến:
Việc xét, đề nghị khen thưởng thành tích kháng chiến phải đảm bảo tính chính xác, khách quan, có đủ căn cứ pháp lý, khen thưởng đúng người, đúng thành tích.
Khi thẩm định hồ sơ đề nghị khen thưởng thành tích kháng chiến cần lưu ý đến mức độ thành tích; cá nhân được đề nghị khen thưởng thành tích kháng chiến là phải tham gia kháng chiến một cách tích cực và liên tục, thành tích phải xứng đáng, đảm bảo đúng theo quy định của Điều lệ khen thưởng kháng chiến.
Việc thẩm định hồ sơ và trình cấp có thẩm quyền xét, đề nghị khen thưởng thành tích kháng chiến chống Pháp, chống Mỹ phải thực hiện theo các quy định của Điều lệ khen thưởng kháng chiến và các văn bản hướng dẫn cụ thể đã được ban hành.
Những trường hợp tham gia kháng chiến nhưng thành tích chưa đủ theo quy định của Điều lệ khen thưởng kháng chiến cũng không được xét khen thưởng.
Sở Nội vụ (Ban Thi đua – Khen thưởng) tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương phải có ý kiến xét duyệt về mức hạng và hình thức khen thưởng vào Bản khai thành tích của cá nhân trong hồ sơ đề nghị khen thưởng theo quy định.
Khen thưởng thành tích kháng chiến chống Mỹ
Đối với đề nghị khen thưởng của cán bộ chủ chốt và nhân viên ban ngành xã ở miền Bắc thì căn cứ vào danh sách cán bộ nhân viên các tổ chức Đảng, chính quyền, đoàn thể và hợp tác xã từ ngày 20-7-1954 đến ngày 30-4-1975 được xây dựng làm căn cứ khen thưởng (Danh sách nhân sự địa phương đã được lập theo quy định). Xác nhận của các cá nhân không lấy làm căn cứ mà chỉ làm tư liệu tham khảo.
Đối với đề nghị khen thưởng của quân nhân phục viên, xuất ngũ phải có quyết định phục viên, xuất ngũ, chuyển ngành; trong trường hợp đã mất giấy tờ thì có thể lấy giấy xác nhận của Ban chỉ huy quân sự cấp huyện (hoặc đơn vị quản lý cũ) về quá trình tại ngũ trong đó ghi rõ căn cứ vào tài liệu nào, quyển sổ bao nhiêu, số thứ tự trong danh sách; ngày nhập ngũ, ngày xuất ngũ, thời gian tham gia chiến trường B, C, K (nếu có) và ngày, tháng, năm được biên chế vào đơn vị hoặc đăng ký quân dự bị tại Ban Chỉ huy quân sự cấp huyện, kèm theo bản sao danh sách có tên của người được xác nhận (bản photocopy có dấu của Ban Chỉ huy quân sự cấp huyện hoặc đơn vị quản lý cũ).
Đối với đề nghị khen thưởng của đảng viên phải có Lý lịch đảng viên được sao y bản chính và xác nhận về việc sinh hoạt Đảng của đảng viên tại Đảng ủy cơ sở nơi quản lý đảng viên đó. Trường hợp đảng viên có Lý lịch đảng viên sao y bản chính tại Ủy ban nhân dân xã, phường là không đúng theo quy định hiện hành.
Đối với đề nghị khen thưởng của cán bộ công nhân viên, giáo viên phải có lý lịch cán bộ, công nhân viên, quyết định hưu trí, thôi việc, mất sức lao động hoặc Sổ lao động. Cán bộ công nhân viên, quân nhân… phải có giấy xác nhận của các cơ quan cũ đã kinh qua từ năm 1983 đến nay về quá trình công tác, khen thưởng, kỷ luật và lý do chưa được khen thưởng kháng chiến. Nếu chỉ có quyết định hưu trí, thôi việc, mất sức lao động hoặc Sổ lao động thì chưa đủ căn cứ. Nếu người đó công tác tĩnh tại một nơi từ khi triển khai khen thưởng đến nay thì Hội đồng thi đua, khen thưởng cơ sở phải nêu lý do chưa được xét khen thưởng. Nếu chỉ có quyết định hưu trí, thôi việc, mất sức lao động hoặc Sổ lao động thì chưa đủ căn cứ.
Những người dưới 18 tuổi chỉ được công nhận và xét khen thưởng thành tích tham gia kháng chiến chống Mỹ cứu nước khi tham gia vào tổ chức và được tổ chức công nhận có trong biên chế mà người đó đã tham gia hoạt động. Những người dưới 18 tuổi nếu chỉ là nhân dân, không phải là người hoạt động trong tổ chức kháng chiến thì không thuộc đối tượng xét, khen thưởng thành tích kháng chiến.
Đối với những người giúp đỡ kháng chiến trong Bản khai thành tích của cá nhân và các xác nhận nêu cụ thể việc giúp đỡ kháng chiến theo đúng quy định.
Xác nhận của tập thể, cá nhân là cán bộ phụ trách, là người giao nhiệm vụ, người cùng tham gia, người chắc chắn biết rõ việc giúp đỡ kháng chiến đối với người kê khai thành tích phải phù hợp với tư liệu trong “Lịch sử kháng chiến ở địa phương”.
Hồ sơ đề nghị khen thưởng phải có giấy xác nhận của địa phương nơi cư trú về việc chấp hành chủ trương của Đảng, chính sách pháp luật của Nhà nước và Biên bản của Hội đồng khen thưởng kháng chiến cơ sở xã, phường xét duyệt.
Bộ Nội vụ đang lấy ý kiến nhân dân đối với dự thảo này trên Cổng TTĐT của Bộ.
Theo baochinhphu.vn