Xã hội
Kiến nghị xây dựng chính sách tiền lương hợp lý để phòng chống tham nhũng, tiêu cực
Để phòng chống tham nhũng hiệu quả cần tiếp tục xây dựng và hoàn thiện chế độ tiền lương hợp lý, nâng cao mức sống của người lao động.
Đại biểu Bố Thị Xuân Linh, Đoàn Đại biểu Quốc hội tỉnh Bình Thuận |
Công tác phòng, chống tham nhũng, tiêu cực có nhiều điểm đột phá đi vào chiều sâu
Ngày 21-11, tại Nhà Quốc hội, dưới sự chủ trì của Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ, Quốc hội thảo luận về các báo cáo công tác của TANDTC, Viện KSNDTC; công tác phòng, chống tội phạm và vi phạm pháp luật; công tác thi hành án; công tác phòng, chống tham nhũng năm 2023.
Phát biểu ý kiến tại phiên họp, đại biểu Quốc hội Bố Thị Xuân Linh bày tỏ thống nhất cao với Báo cáo của Chính phủ và Báo cáo thẩm tra của Ủy ban Tư pháp về công tác phòng, chống tham nhũng năm 2023.
Đại biểu Linh nhấn mạnh, đấu tranh phòng, chống tham nhũng, tiêu cực là một việc làm rất cần thiết và tất yếu, một xu thế không thể đảo ngược.
Trong năm 2023, dưới sự lãnh đạo, chỉ đạo trực tiếp, toàn diện của Ban Chỉ đạo Trung ương về phòng, chống tham nhũng, tiêu cực, đứng đầu là Tổng Bí thư, Trưởng Ban Chỉ đạo về công tác phòng, chống tham nhũng, tiêu cực đã được đẩy mạnh và có nhiều điểm đột phá đi vào chiều sâu với quyết tâm chính trị rất cao, không có vùng cấm, không có ngoại lệ, đạt được nhiều cái kết quả rất quan trọng, rõ rệt được cán bộ, đảng viên và nhân dân đồng tình, ủng hộ, đánh giá cao, quốc tế ghi nhận.
“Trong Báo cáo của Chính phủ cũng đã nêu khá là rõ về những tồn tại và khó khăn. Tuy nhiên, qua tiếp xúc cử tri và tổng hợp ý kiến của cử tri và nhân dân cho thấy, cử tri còn băn khoăn, lo lắng và trăn trở về thực trạng tham nhũng, tiêu cực, vẫn còn tham nhũng vặt, nhũng nhiễu đối với các doanh nghiệp và người dân, thậm chí tham nhũng, tiêu cực xảy ra ngay ở một số người làm nhiệm vụ phòng, chống tham nhũng, tiêu cực và trong một số cơ quan thanh tra, kiểm tra và điều tra xét xử”, đại biểu Bố Thị Xuân Linh cho biết…
Xây dựng, hoàn thiện chính sách tiền lương hợp lý để phòng chống tham nhũng
Để thực hiện hiệu quả hơn nhiệm vụ phòng, chống tham nhũng, tiêu cực trong năm 2024 và những năm tiếp theo, đại biểu đề xuất bổ sung thêm một số giải pháp.
Cụ thể là phát huy vai trò của người đứng đầu các cơ quan, tổ chức, đơn vị, địa phương trong công tác phòng, chống tham nhũng.
Thực tiễn đã chỉ ra rằng, ở đâu người đứng đầu có trách nhiệm cao, gương mẫu, sâu sát trong công tác quản lý, cương quyết với những sai phạm thì ở đó công tác phòng, chống tham nhũng, tiêu cực được thực hiện tốt hơn và ngược lại. Bởi vậy, phát huy vai trò của người đứng đầu đối với nhiệm vụ này là vấn đề cấp bách hiện nay.
Bên cạnh đó, cần có cơ chế, chế tài bảo đảm cho việc giám sát, phản biện xã hội có hiệu lực trên thực tế và tiếp tục hoàn thiện, nâng cao năng lực, hiệu quả hoạt động của các cơ quan chức năng.
Đồng thời, tiếp tục xây dựng và hoàn thiện chế độ tiền lương hợp lý, nâng cao mức sống của người lao động. Bởi, lương và phụ cấp là những khoản thu chính, nguồn sống chính của cán bộ, công chức, viên chức. Tuy nhiên, thực tiễn cho thấy chính sách tiền lương, phụ cấp còn bất cập.
"Góp phần công tác phòng chống tham nhũng, tiêu cực có hiệu quả cần phải quan tâm đến mức sống cán bộ, công chức, viên chức. Chủ yếu để họ sống được bằng tiền lương, thu nhập tương đương với thu nhập khá trong cộng đồng xã hội", đại biểu kiến nghị.
Đặc biệt, trong quá trình xử lý những người vi phạm, cần có sự phân loại đối tượng như: đối tượng chủ mưu, cầm đầu thì cần phải có biện pháp xử lý nghiêm minh; còn đối với những người mà vi phạm do thực hiện theo sự chỉ đạo của người đứng đầu, của cấp trên thì cần phải được xem xét, có chính sách khoan hồng…
Theo chinhphu.vn