Xã hội
Việt Nam kêu gọi quốc tế ứng phó biến đổi khí hậu bằng hành động cụ thể
Thông qua Hội nghị COP28, Việt Nam một lần nữa quyết tâm đồng hành cùng thế giới chống biến đổi khí hậu, góp phần phát triển xanh và bền vững đất nước.
Ảnh minh họa. (Nguồn: AFP/TTXVN) |
Hội nghị COP28 diễn ra vào thời điểm then chốt cho hành động của toàn cầu về chống biến đổi khí hậu. Nhiệt độ tăng cao kỷ lục và tác động nặng nề của các hiện tượng thời tiết cực đoan như cháy rừng, lũ lụt, bão và hạn hán trên toàn thế giới đang khiến việc giải quyết các vấn đề khí hậu ngày càng trở nên cấp bách.
Để đẩy lùi tình trạng trên, Chính phủ các nước cần phải đặt công tác thích ứng với biến đổi khí hậu lên hàng đầu và là trọng tâm của chương trình nghị sự về khí hậu tại Hội nghị COP28.
Tại Hội nghị COP28, các nước sẽ tập trung đàm phán với 5 nhóm nội dung chính: Tiếp tục thúc đẩy các bên giảm mạnh phát thải khí nhà kính và đưa phát thải ròng về “0” vào giữa thế kỷ thông qua xây dựng các tiêu chuẩn, biện pháp giảm phát thải và đảm bảo khả thi trong thực hiện.
Đồng thời, Hội nghị COP28 sẽ thảo luận về tuyên bố loại bỏ dần nhiên liệu hóa thạch, coi việc thúc đẩy chuyển đổi năng lượng là biện pháp trọng tâm thực hiện giảm phát thải khí nhà kính để đạt mục tiêu ở ngưỡng 1,5 độ C vào cuối thế kỷ theo Thỏa thuận Paris.
Hội nghị COP28 sẽ tiếp tục hoàn thiện khung mục tiêu thích ứng toàn cầu; giải quyết các thiếu hụt và thách thức trong quá trình xây dựng, triển khai Kế hoạch quốc gia thích ứng với biến đổi khí hậu; tiếp tục thảo luận các giải pháp để giải quyết vấn đề tổn thất và thiệt hại trên quy mô toàn cầu, cơ chế vận hành, đóng góp nguồn lực cho Quỹ Tổn thất và thiệt hại đã được thiết lập tại Hội nghị COP27.
Về tài chính khí hậu, được xem là nội dung rất quan trọng tại các cuộc thảo luận trong khuôn khổ Hội nghị COP28. Các bên tham gia tiếp tục xem xét tiến độ thực hiện mục tiêu huy động 100 tỷ USD mỗi năm (lẽ ra phải đạt được vào năm 2020); huy động nguồn lực đến năm 2025 và các giai đoạn tiếp theo...
Trong khuôn khổ Hội nghị COP28, các cuộc họp định kỳ của Ban Thư ký Quỹ Thích ứng (AF), Quỹ Khí hậu Xanh (GCF) sẽ diễn ra nhằm triển khai các kế hoạch huy động tài chính đến năm 2025 và giai đoạn tiếp theo.
Về các cơ chế trao đổi, bù trừ tín chỉ carbon, tại Hội nghị COP 28, các bên tiếp tục hoàn thiện các quy định và hướng dẫn chi tiết để các quốc gia thực hiện cơ chế trao đổi, bù trừ tín chỉ các-bon theo Điều 6, Thỏa thuận Paris...
Hội nghị COP28 sẽ thảo luận kết quả tổng hợp của các nước trong nỗ lực thích ứng với biến đổi khí hậu, giảm phát thải khí nhà kính, đóng góp về tài chính, công nghệ và tăng cường năng lực thực hiện ứng phó với biến đổi khí hậu thông qua các báo cáo quốc gia, Đóng góp do quốc gia tự quyết định và các văn bản khác.
Theo Bộ Tài nguyên và Môi trường, là thành viên tích cực của Công ước khung của Liên hợp quốc về biến đổi khí hậu (UNFCCC), Việt Nam dự kiến sẽ tham gia Hội nghị COP28 với thành phần đại diện lãnh đạo các bộ, ngành, một số doanh nghiệp lớn.
Thông qua Hội nghị COP28, Việt Nam sẽ một lần nữa cho thế giới thấy sự quyết tâm và nỗ lực mạnh mẽ của cả hệ thống chính trị, các bộ, ngành và người dân trong việc thực hiện cam kết của Việt Nam tại Hội nghị COP26 và đồng hành cùng thế giới chống biến đổi khí hậu, góp phần phát triển xanh và bền vững đất nước.
Ứng phó với biến đổi khí hậu phải được thực hiện trên nguyên tắc công bằng, công lý, với cách tiếp cận toàn cầu và toàn dân; dựa trên thể chế đồng bộ, chính sách, pháp luật hiệu lực và hiệu quả, khoa học, công nghệ và đổi mới sáng tạo, phát huy nội lực và đẩy mạnh hợp tác quốc tế.
Sự quan tâm dành cho các hoạt động thích ứng với biến đổi khí hậu phải như giảm nhẹ phát thải khí nhà kính. Quỹ Tổn thất và thiệt hại cần sớm triển khai với cơ chế hoạt động rõ ràng để tăng cường hỗ trợ cho các nước đang phát triển.
Thích ứng với biến đổi khí hậu là ưu tiên của Việt Nam, giảm phát thải khí nhà kính vừa là trách nhiệm vừa là cơ hội để Việt Nam thực hiện chuyển đổi xanh, nâng cao sức cạnh tranh của nền kinh tế. Việt Nam trong khả năng của mình sẽ ưu tiên thực hiện các hoạt động thích ứng với biến đổi khí hậu, cùng cộng đồng quốc tế giảm phát thải khí nhà kính, chuyển đổi năng lượng, phát triển kinh tế carbon thấp hướng tới nền kinh tế tuần hoàn.
Việt Nam đã cam kết mạnh mẽ và đang tích cực triển khai các hành động khí hậu, kêu gọi các nước phải thực hiện các cam kết bằng những hành động cụ thể để đóng góp vào nỗ lực chung của toàn cầu.
Theo vietnamplus.vn