Xã hội
Quản lý chất thải rắn sinh hoạt: Tập trung tháo gỡ vướng mắc
Nghị quyết số 204/NQ-HĐND ngày 19-12-2018 của HĐND thành phố về quản lý chất thải rắn sinh hoạt (CTRSH) của thành phố đến năm 2025 đề ra mục tiêu giảm thiểu tối đa ô nhiễm môi trường do chất thải rắn gây ra, nâng cao chất lượng công tác thu gom, vận chuyển, xử lý chất thải rắn, thu hút các thành phần từ khu vực tư nhân trong công tác thu gom, vận chuyển và xử lý. Tuy nhiên, nhiều chỉ tiêu của nghị quyết đã trễ hạn.
Rác thải được tập kết lên bãi rác Khánh Sơn. Ảnh: PV |
Nhiều chuyển biến tích cực
UBND thành phố ban hành nhiều quyết định, kế hoạch thực hiện, trong đó có đề án “Xây dựng Đà Nẵng - Thành phố Môi trường”. Tuy nhiên, qua giám sát của HĐND thành phố, đến nay nhiều chỉ tiêu đề ra trong Nghị quyết 204/NQ-HĐND triển khai chưa bảo đảm.
Báo cáo của UBND thành phố về kết quả triển khai Nghị quyết 204/NQ-HĐND cho biết, UBND thành phố đã ban hành quyết định cụ thể hóa mục tiêu Nghị quyết số 204/NQ-HĐN. Để kế thừa và phát huy các kết quả đạt được, trên tinh thần Nghị quyết số 43-NQ/TW của Bộ Chính trị về xây dựng và phát triển thành phố Đà Nẵng đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045, UBND thành phố phê duyệt Đề án “Xây dựng Đà Nẵng - Thành phố Môi trường” giai đoạn 2021 - 2030, kế hoạch hành động quản lý rác thải nhựa đại dương trên địa bàn thành phố Đà Nẵng đến năm 2025, tầm nhìn 2030.
Theo đó, các mục tiêu về công tác quản lý chất thải rắn trên địa bàn như tỷ lệ CTRSH được phân loại, thu gom, tái chế, xử lý đạt quy chuẩn theo quy định; tỷ lệ hộ dân thực hiện phân loại rác thải tại nguồn... đã được cụ thể hóa cho từng giai đoạn. Qua đó, công tác thu gom, vận chuyển, xử lý CTRSH có nhiều chuyển biến tích cực, từng bước cải thiện chất lượng môi trường.
Căn cứ chỉ đạo của UBND thành phố, các cơ quan, đơn vị đã tổ chức triển khai thực hiện tốt công tác quản lý, phân loại CTRSH tại nguồn. Thực hiện công tác tuyên truyền, tập huấn cho cán bộ nòng cốt các cấp và người dân với nhiều hình thức đa dạng. Công tác tuyên truyền, hướng dẫn thực hiện phương án thu gom, vận chuyển, phân loại CTRSH tại nguồn nhận được sự quan tâm, tham gia tích cực của người dân, các tổ chức chính trị - xã hội, một số sở, ngành, doanh nghiệp...
Qua đó, hình thành các phong trào, mô hình, hoạt động với sự tham gia tích cực của cộng đồng dân cư, người dân, bước đầu tạo sức lan tỏa, đạt hiệu quả nhất định. Công tác huy động nguồn lực hỗ trợ kỹ thuật về bảo vệ môi trường nói chung và quản lý CTR, phân loại rác thải tại nguồn, quản lý rác thải nhựa đạt hiệu quả, thu hút sự quan tâm, hỗ trợ của các tổ chức trong và ngoài nước.
Tuy nhiên, bất cập hiện nay đó là Luật Bảo vệ môi trường năm 2020 quy định đến năm 2025, UBND cấp tỉnh tổ chức triển khai thực hiện phân loại CTRSH tại nguồn, nhưng đến nay chưa có các hướng dẫn cụ thể ở cấp quốc gia để việc tổ chức triển khai đồng bộ.
Qua khảo sát, hiện nay phong trào phân loại, thu gom rác thải sinh hoạt (rác thải tài nguyên) được nhiều địa phương, đơn vị phát động và đạt được những kết quả. Song một thực tế rất rõ, việc phân loại rác thải tại nguồn ở các hộ gia đình chưa thể triển khai, do cả nguyên nhân khách quan (phân loại xong thì không có chỗ tiếp nhận các loại rác đã phân loại) và nguyên nhân chủ quan là ý thức của mỗi hộ gia đình. Mặt khác, hiện nay cũng chưa có chế tài, quy định cụ thể yêu cầu các hộ buộc phải phân loại tại nguồn.
Đẩy nhanh tiến độ xây dựng các nhà máy xử lý rác thải
Tại phiên họp thường kỳ tháng 10-2023 của Thường trực HĐND thành phố, Trưởng ban Đô thị HĐND thành phố Nguyễn Thành Tiến nhìn nhận, mục tiêu Nghị quyết 204/NQ-HĐND đề ra đến năm 2025 nêu rất rõ. Theo đó, 95% tổng lượng CTRSH phát sinh được thu gom và xử lý hợp vệ sinh; tỷ lệ CTRSH được tái sử dụng, tái chế đạt ít nhất 12% vào năm 2020 và 15% vào năm 2025.
Tất cả các phường, xã trên địa bàn thành phố tổ chức phân loại CTRSH tại hộ gia đình; bảo đảm 100% các cơ sở sản xuất, kinh doanh, dịch vụ, cơ quan, tổ chức thực hiện phân loại chất thải rắn; bảo đảm tất cả các khu dân cư, khu đô thị có điểm tập kết, trạm trung chuyển CTRSH được quy hoạch và đáp ứng yêu cầu kỹ thuật về bảo vệ môi trường; trạm trung chuyển CTRSH ở quận nội thành có công nghệ tiên tiến, kết hợp công năng phân loại rác sinh hoạt.
Đặc biệt, năm 2020, thành phố dừng hoạt động chôn lấp CTRSH không bảo đảm vệ sinh tại bãi chôn lấp; đầu tư xây dựng mới nhà máy xử lý CTR và nâng cấp các công trình bảo đảm xử lý triệt để các nguồn thải phát sinh từ bãi chôn lấp rác Khánh Sơn, quận Liên Chiểu... “Trong nội dung báo cáo của UBND thành phố, không nêu những kiến nghị, đánh giá việc triển khai thực hiện các chỉ tiêu đó như thế nào.
Qua giám sát, đến nay có nhiều tiêu chí như dừng chôn rác thải (2020) đã quá 3 năm, vẫn không thực hiện được, có khi đến hết năm 2024 còn chưa thực hiện được. Hay việc phân loại rác thải tại nguồn triển khai như thế nào, bảo đảm các tiêu chí đề ra chưa. Đề nghị UBND thành phố chỉ đạo, có đánh giá, tổ chức sơ kết quả sau 5 năm thực hiện Nghị quyết 204/NQ-HĐND để từ đó có giải pháp triển khai hiệu quả thời gian tiếp theo”, ông Tiến nói.
Tại phiên họp, Ủy viên dự khuyết Trung ương Đảng, Phó Bí thư Thường trực Thành ủy, Chủ tịch HĐND thành phố Lương Nguyễn Minh Triết đồng quan điểm với Trưởng ban Đô thị và yêu cầu UBND thành phố cần đánh giá chi tiết tiến độ thực hiện đối với 8 mục tiêu cụ thể đến năm 2025 theo tinh thần Nghị quyết số 204/NQ-HĐND đề ra; tổ chức sơ kết đánh giá công tác tổ chức thực hiện và rà soát các vướng mắc nếu có trong quá trình thực hiện.
UBND thành phố chỉ đạo các cơ quan liên quan quan tâm công tác vận hành, khai thác hiệu quả các trạm trung chuyển rác; đẩy nhanh tiến độ triển khai xây dựng các nhà máy xử lý rác thải… nhằm bảo đảm an ninh, an toàn trong xử lý rác thải. Được biết, mới đây HĐND thành phố đã thông qua chủ trương xây dựng hộc rác số 7 tại bãi rác Khánh Sơn nhằm đáp ứng nhu cầu xử lý chất thải rắn trên địa bàn thành phố trong khi chờ dự án xây dựng các nhà máy rác hoàn thành.
TRỌNG HUY