ĐNO - Ngày 13-12, Liên hiệp các Hội Khoa học và Kỹ thuật thành phố Đà Nẵng tổ chức hội thảo công tác tuyên truyền và phổ biến kiến thức về vệ sinh môi trường tại khu vực âu thuyền và cảng cá Thọ Quang với sự tham gia của gần 100 người là đại diện các ban, ngành, đơn vị, địa phương, ngư dân, tiểu thương và các chuyên gia, nhà khoa học.
Sau 15 năm thực hiện Đề án “Xây dựng Đà Nẵng - Thành phố môi trường”, tình hình môi trường tại âu thuyền và cảng cá Thọ Quang đã được cải thiện đáng kể, không còn là điểm “nóng” ô nhiễm môi trường thành phố, mà là điểm ô nhiễm môi trường kéo dài.
Thành phố vẫn đang tập trung, triển khai quyết liệt đồng bộ nhiều giải pháp để phấn đấu chấm dứt ô nhiễm môi trường kéo dài tại khu vực này vào năm 2025 và hướng đến trở thành cảng cá động lực, trung tâm nghề cá lớn gắn với ngư trường Hoàng Sa.
Các ý kiến của lãnh đạo Liên hiệp các Hội Khoa học và Kỹ thuật thành phố Đà Nẵng cùng các chuyên gia, nhà khoa học chia sẻ tại hội thảo nhấn mạnh đến tầm quan trọng của công tác tuyên truyền, nâng cao nhận thức của ngư dân, tiểu thương và những người hoạt động tại khu vực âu thuyền, cảng cá Thọ Quang, bởi việc cải thiện ô nhiễm môi trường ở khu vực này gắn liền với sinh kế và giá trị kinh tế, sức khỏe... của cộng đồng.
Cùng với đó, việc xử lý các hành vi vi phạm các quy định về bảo vệ môi trường trong khu vực cần tiếp tục được đẩy mạnh, đặc biệt là tăng cường xử phạt nguội từ hệ thống camera giám sát để chấm dứt các hành vi xả thải, nhất là rác và dầu thải xuống mặt nước.
Khu vực âu thuyền Thọ Quang đang được nạo vét bùn đáy và rác để cải thiện môi trường. Ảnh: HOÀNG HIỆP |
Đại diện Hội nghề cá thành phố Đà Nẵng nhận định, tình hình môi trường trong khu vực đã cải thiện khoảng 70% so với cách đây 10 năm nhưng đề nghị các cơ quan, đơn vị duy trì công tác truyền thông về bảo vệ môi trường và triển khai đồng bộ, liên tục, thường xuyên, đa dạng hình thức cũng như có giải pháp mới về truyền thông.
Nội dung truyền thông cần sát hơn với cuộc sống mưu sinh và thói quen hằng ngày của ngư dân, tiểu thương và những người hoạt động tại khu vực để tạo ý thưc bảo vệ môi trường cũng như giám sát, phát hiện các hành vi vi phạm.
Ban Quản lý âu thuyền và cảng cá Thọ Quang đề nghị thành phố kiến nghị các bộ, ngành và Chính phủ có quy định về quản lý vệ sinh môi trường tại các âu thuyền, cảng cá Thọ Quang để thực hiện đồng bộ việc thu gom rác thải, nước thải từ tàu cá, bảo vệ môi trường, xử lý vi phạm về trong lĩnh vực bảo vệ môi trường tại tất cả các cảng cá, địa phương trong nước.
Thành phố cần tiếp tục hỗ trợ kinh phí để đấu thầu dọn vệ sinh môi trường tại khu vực mặt nước và bờ kè của âu thuyền; tăng cường quản lý, kiểm tra và xử lý nghiêm các hành vi vi phạm về môi trường; có định hướng chuyển các ngành đóng, sửa tàu thuyền và kinh doanh bột cá ra khỏi khu vực, nhằm góp phần giảm thiểu ô nhiễm môi trường, xây dựng cảng cá gắn với phát triển thương mại, du lịch...
HOÀNG HIỆP