Xã hội
Khai thác tiềm năng "dải lụa xanh" sông Hàn
Sông Hàn, con sông như “dải lụa xanh” vắt ngang qua thành phố, đã tạo cho Đà Nẵng có những nét riêng độc đáo mà không phải ở đâu cũng có được. Con sông nên thơ này cũng gắn liền với những công trình, sự kiện tạo tiếng vang, ấn tượng đẹp cho Đà Nẵng như cầu quay Sông Hàn, cầu Rồng, cầu Trần Thị Lý, cuộc thi pháo hoa quốc tế hằng năm, cùng với con đường Bạch Đằng được đánh giá là một trong những con đường ven sông đẹp nhất Việt Nam.
Sông Hàn như dải lụa xanh giữa lòng đô thị Đà Nẵng. Ảnh: GIA PHÚC |
Tất cả, đã điểm xuyến thêm cho dải lụa xanh này trở nên hấp dẫn và ấn tượng hơn. Tuy đã tạo được những ấn tượng riêng cho mình như vậy nhưng sông Hàn vẫn còn cần phải được chăm chút, bảo vệ và “trang điểm” thêm nữa để làm cho mình mãi đẹp cùng năm tháng.
Đầu tiên, là chuyện trên bờ, tức là khu vực con đường và vỉa hè ven sông. Không thể phủ nhận, những năm qua Đà Nẵng phát triển đô thị rất có tầm nhìn nhưng có vẻ như không gian văn hóa chưa được chú trọng trong khi không gian hai bờ sông Hàn, có thể nói là tài sản vô giá của thành phố Đà Nẵng.
Việc quy hoạch hai trục đường cảnh quan này bây giờ là rất nên làm, tuy có muộn nhưng chắc chắn là phải làm. Vấn đề này thì phải mời những chuyên gia hàng đầu, am tường về văn hóa và có con mắt cũng như kinh nghiệm quy hoạch và có thể lấy tâm điểm là con sông Hàn này để phác thảo.
Cùng với việc kéo dài bờ phía tây thông qua việc mở rộng và nâng cấp đường Bạch Đằng, việc khai thác cảnh quan ở đây cần được phát huy tối đa, đặc biệt là về du lịch, thể dục, giải trí của người thành phố và du khách. Hằng ngày, không khó nhận thấy khi mặt trời chưa ló dạng hay khi hoàng hôn chớm buông, nhất là trong dịp hè, đã có đông đảo nam phụ lão ấu đi bách bộ dọc theo bờ sông. Bên cạnh đó, du khách nơi khác đến Đà Nẵng, trong đó có không ít du khách nước ngoài, dường như cũng bị cuốn hút bởi vẻ đẹp của sông Hàn, và họ thường dừng xe dạo chơi ngắm cảnh, chụp ảnh lưu niệm để lưu giữ kỷ niệm về một lần đến “Thành phố đầu biển cuối sông” này.
Với lề đường rộng, không khó biến hai bên bờ sông thành “sân khấu đường phố” với “phông nền” là sông Hàn. Việc triển khai phố đi bộ tại một đoạn đường Bạch Đằng, từ đoạn cầu Rồng đến cầu Trần Thị Lý mà thành phố đang xúc tiến là một việc cần làm càng sớm càng tốt. Du khách sẽ được thưởng thức âm nhạc với dàn nhạc biểu diễn bên bờ sông, vừa đi bộ vừa thưởng thức tiếng kèn sắc-xô-phôn, nghe vừa lãng mạn và sang trọng, lại phù hợp với khung cảnh ở đây.
Cũng với “phông nền” như vậy, có thể nghĩ ra một vài sự kiện nhỏ, chẳng hạn là “Ngày dành cho họa sĩ”, để các họa sĩ hoặc các “họa sĩ nhí” sẽ vẽ tranh bên sông Hàn, thông qua vận động các nhà tài trợ, tổ chức những ngày có chủ đề bên sông Hàn về nghệ thuật tranh đường phố chẳng hạn...
Tiềm năng, dư địa để tổ chức những sự kiện nhất là về đêm hai bên bờ sông Hàn còn nhiều, cảnh quan ở đôi bờ nên được quan tâm khai thác tối đa, nhất là tại những khu vực mới như Bạch Đằng nối dài, khu vực bờ đông đoạn Trần Hưng Đạo từ cầu sông Hàn về phía Sơn Trà và đường Chương Dương thuộc quận Ngũ Hành Sơn, Cẩm Lệ.
Cùng với dòng sông xanh là đôi bờ xanh, sạch, thoáng mát, rộng rãi khang trang với những hàng cây, thảm cỏ bồn hoa được bố trí hài hòa tạo cho mọi người những cảm nhận dễ chịu mỗi khi đến đây... Nhìn ra thế giới, thường là ở các thành phố quy hoạch tốt, dọc sông, đầu cầu người ta thường dùng làm không gian đệm (thảm xanh, không gian công cộng, khu vực kết nối, chuyển tiếp giữa các loại hình giao thông công cộng v.v…)... Đó cũng là bài học để Đà Nẵng tìm hiểu, học hỏi để khắc phục điều chỉnh trong khả năng cho phép, nhất là tại những không gian đôi bờ hiện chưa quy hoạch, khai thác…
Sau chuyện trên bờ là chuyện dưới sông. Sông Hàn không những khang trang, đẹp trên bờ mà dưới sông cũng cần xanh sạch. Một con sông vừa đẹp vừa sạch chảy giữa lòng thành phố rất có ý nghĩa, nhất là đối với một thành phố đang phấn đấu trở thành “Thành phố môi trường” như Đà Nẵng.
Trên sông Hàn không chỉ là những chiếc du thuyền chạy đưa du khách tham quan mỗi tối mà còn là những hoạt động ban ngày như chèo thuyền và cả những cuộc thi bơi vượt sông hoặc dọc theo sông tạo được sự phong phú về hoạt động trên sông nước, thu hút khách du lịch, không chỉ một năm vỏn vẹn một cuộc thi đua thuyền truyền thống mới khôi phục lại trong dịp Quốc khánh 2-9 năm 2023.
Cần hướng đến mục tiêu mang tính trọng tâm để biến hai bên bờ và cả mặt nước sông Hàn thành một “không gian văn hóa, vui chơi đúng nghĩa” để phát huy hết tiềm năng, vốn quý mà “nàng công chúa Hàn Giang” đã mang lại cho thành phố.
DÂN HÙNG