Xã hội

Người Cơ tu gìn giữ bản sắc văn hóa dân tộc

07:48, 31/05/2024 (GMT+7)

Cộng đồng người Cơ tu trên địa bàn thành phố đã có nhiều nỗ lực trong việc gìn giữ, truyền dạy đến thế hệ trẻ nhằm lưu giữ nét văn hóa độc đáo của dân tộc mình, đồng thời tích cực phát triển du lịch theo hướng cộng đồng để lan tỏa văn hóa đến du khách trong và ngoài nước.

Đồng bào Cơ tu tại xã miền núi Hòa Bắc biểu diễn điệu múa tung tung-da dá phục vụ đoàn du học sinh đến từ Singapore thưởng thức. Ảnh: N.PHƯƠNG
Đồng bào Cơ tu tại xã miền núi Hòa Bắc biểu diễn điệu múa tung tung-da dá phục vụ đoàn du học sinh đến từ Singapore thưởng thức. Ảnh: N.PHƯƠNG

Khôi phục nghề truyền thống

Đồng bào Cơ tu tại huyện Hòa Vang chủ yếu sống bằng nghề nông, lâm nghiệp. Một số ít hiện đang làm việc tại các khu du lịch trên địa bàn huyện và các khu công nghiệp trên địa bàn thành phố. Phó Chủ tịch UBND xã Hòa Phú Huỳnh Tấn Sinh chia sẻ, bên cạnh việc tập trung phát triển kinh tế, chính quyền địa phương luôn tích cực tuyên truyền, động viên đồng bào Cơ tu giữ gìn và phát huy những giá trị văn hóa truyền thống. Theo ông Sinh, với những nỗ lực của chính quyền các cấp, nghề nấu rượu cần truyền thống của đồng bào Cơ tu đã từng bước khôi phục và phát triển. Bên cạnh đó, nghề dệt thổ cẩm và điêu khắc gỗ tại địa phương được đồng bào giữ gìn. Tuy nhiên, điều khiến chính quyền địa phương, già làng cùng người dân còn băn khoăn, trăn trở chính là đầu ra các sản phẩm không được ổn định. Chỉ một lượng nhỏ sản phẩm được khách du lịch tiêu thụ nên thu nhập của bà con còn bấp bênh.

Bí thư Chi bộ kiêm Trưởng thôn Phú Túc (xã Hòa Phú) Lê Văn Nghĩa chia sẻ, hiện nay sản phẩm rượu cần đạt sản lượng trung bình khoảng 1.000 ché/năm được tiêu thụ chủ yếu tại các khu du lịch trên địa bàn xã. Bình quân mỗi tháng sẽ bán được khoảng 30-35 ché/tháng, mang lại thu nhập từ 3 đến 5 triệu đồng cho người nấu rượu. Đối với nghề dệt thổ cẩm, các sản phẩm làm ra được bà con đầu tư nhiều thời gian nhưng đầu ra còn nhiều hạn chế nhưng bà con trong thôn luôn nỗ lực duy trì, truyền nghề con cháu vì sợ mai mọt.

Theo ông Nghĩa, các lễ hội truyền thống như lễ hội đâm trâu, lễ hội mừng lúa mới, lễ hội dựng làng, dựng nhà Gươl và điệu múa truyền thống tung tung-da dá được những người cao tuổi trong thôn tích cực truyền dạy cho thế hệ trẻ. Đặc biệt, tại điểm trường Phú Túc (Trường Tiểu học Hòa Phú), ngoài những bài học chính trên lớp, các em học sinh đang được truyền dạy những điệu múa truyền thống của người Cơ tu. Các em nhỏ rất hào hứng học hỏi và phụ huynh các em đều đồng tình ủng hộ những hoạt động này. Bên cạnh đó, các em nhỏ người Cơ tu còn được định hướng phát triển toàn diện văn hóa dân tộc thiểu số; giữ gìn và tôn vinh tiếng nói và chữ viết của đồng bào mình; khuyến khích mặc trang phục truyền thống khi đến trường hay tham gia các lễ hội.

Làm du lịch để bảo tồn văn hóa

Khi nhắc đến Đà Nẵng, khách du lịch thường sẽ nghĩ ngay đến những bãi biển xanh tuyệt đẹp mà ít người biết đến vùng đất Hòa Vang nơi có đồng bào người Cơ tu sinh sống với những nét đẹp văn hóa rất riêng. Tận dụng vị trí địa lý không quá xa với những khu du lịch nổi tiếng tại Đà Nẵng và Thừa Thiên Huế và tỉnh Quảng Nam, người dân Cơ tu tại Hòa Vang đang tập trung phát triển du lịch cộng đồng nhằm giới thiệu bản sắc văn hóa dân tộc, nét đẹp hoang sơ của vùng đất được thiên nhiên ưu đãi với khí hậu trong lành. Đến với xã Hòa Bắc (huyện Hòa Vang), chị Chu Yee, khách du lịch đến từ Singapore cho hay: “Tôi rất ấn tượng khi đến đây. Điệu múa tung tung - da dá của người Cơ tu rất độc đáo khiến tôi và những người bạn thích thú lắc lư hòa mình vào giai điệu. Trang phục của người Cơ tu thoạt nhìn khá đơn giản nhưng tôi không ngờ để làm ra được một bộ trang phục lại mất nhiều thời gian và công sức đến thế.”
Dành nhiều lời khen khi đến du lịch, trải nghiệm văn hóa tại thôn Tà Lang, xã Hòa Bắc, anh Phan Hua, khách du lịch đến từ Trung Quốc bày tỏ: “Tôi đã đi nhiều nơi như Thành phố Hồ Chí Minh, Vũng Tàu nhưng khi đến với xã Hòa Bắc, tôi có một cảm xúc hoàn toàn khác biệt. Không khí trong lành, con người thân thiện và đặc biệt nhất là trang phục của bà con đồng bào rất đẹp mắt”.

Anh Đinh Văn Hin, Trưởng thôn Tà Lang, xã Hòa Bắc cho biết, việc phát triển du lịch cộng đồng giúp người Cơ tu tại địa phương có thêm thu nhập. Việc phát triển du lịch cộng đồng theo hướng bền vững sẽ là bước đi vững chắc, giúp địa phương lại được nét độc đáo của cảnh vật, con người và nét văn hóa đặc trưng của người Cơ tu. “Trước thực trạng những giá trị truyền thống có dấu hiệu mai một, chính quyền địa phương kết hợp cùng người dân đã tìm ra hướng đi mới thúc đẩy cho việc bảo tồn bản sắc văn hóa đạt hiệu quả tốt hơn. Bên cạnh sản xuất kinh tế, chính quyền địa phương, Hợp tác xã Nông nghiệp sinh thái và du lịch cộng đồng Hòa Bắc tập trung tuyên truyền, đào tạo cách thức kết hợp làm du lịch cộng đồng gắn với biểu diễn, tái hiện những điệu múa, điệu hát lý của người Cơ tu đến khách du lịch. Điều đáng mừng hơn là ngày càng có nhiều đoàn du khách trong và ngoài nước đến lưu trú, thưởng thức ẩm thực, văn hóa mang lại nguồn thu nhập giúp bà con phát triển kinh tế”, anh Hin nói.

Chứng kiến những thay đổi tích cực trong hành trình bảo tồn và phát triển văn hóa dân tộc, ông Bùi Văn Siêng, già làng thôn Giàn Bí, xã Hòa Bắc chia sẻ: “Chúng tôi rất vui vì thế hệ trẻ trong làng hiện nay đang tiếp nhận những bản sắc văn hóa mà cha ông để lại. Hơn nữa, chính quyền địa phương cũng đã có những chính sách, hỗ trợ kịp thời, tạo niềm tin và động lực để bà con yên tâm sản xuất phát triển kinh tế và học tập, lưu giữ truyền thống”.

NGỌC PHƯƠNG

.