Xã hội
Xử lý nghiêm vấn nạn vẽ bậy
Tình trạng vẽ bậy, bôi bẩn lên tường, cửa cuốn của nhà dân, lên các tủ điện, cột điện, chân cầu, dãy tôn rào các công trình dọc đường, đặc biệt là nhà chờ xe buýt... đang xảy ra ngày càng nhiều trên địa bàn thành phố.
Vẽ bậy trên tường tôn đường Võ Nguyên Giáp. Ảnh: THÀNH LÂN |
Dọc các tuyến đường Hoàng Sa - Võ Nguyên Giáp - Trường Sa, Nguyễn Tất Thành là những con đường biển đẹp của thành phố, thế nhưng, nhiều dãy tôn của các công trình dọc đường bị vẽ bậy bừa bãi. Tương tự, hàng loạt các con đường khác của quận Sơn Trà, Ngũ Hành Sơn, Cẩm Lệ nhếch nhác những hình vẽ làm mất đi mỹ quan đô thị, trong đó, đáng chú ý là các nhà chờ xe buýt cũng không thoát khỏi tình trạng này.
Ông Hồ Nguyễn Quốc Cường, Giám đốc Trung tâm Điều hành đèn tín hiệu giao thông và vận tải công cộng thành phố Đà Nẵng (đơn vị quản lý các nhà chờ xe buýt) cho hay, tình trạng vẽ bậy, bôi bẩn nhà chờ xe buýt khiến đơn vị mất rất nhiều thời gian và công sức để làm sạch. Song, cứ làm xong chỗ này thì chỗ kia bị vẽ bậy lại và quá nhiều lần như vậy, đơn vị không thể nào xử lý mãi được…Anh Lê Hải, nhân viên bảo vệ một công trình xây dựng khách sạn trên đường Võ Nguyên Giáp than vãn: “Dãy tường tôn quanh công trình bị vẽ bậy liên tục, bôi bẩn không thể chấp nhận được, nhưng cũng khó mà xử lý, vì họ thường đợi đêm khuya, vắng người mới đi vẽ bậy…”.
Trong khi đó, theo ông Nguyễn Xuân (phường Khuê Mỹ, quận Ngũ Hành Sơn), nạn vẽ bậy lan rộng trên khắp các tuyến đường từ trung tâm đến ngoại ô. Thật khó để giữ gìn mỹ quan đô thị khi hằng đêm có không ít người lượn lờ bôi bẩn, vẽ bậy lên bất cứ khoảng trống, từ thùng rác, bờ tường, nhà chờ xe buýt... Vì vậy, cần có giải pháp mạnh để xử lý chuyện này.
Theo TS Mai Văn Bảy, Đại học Sư phạm (Đại học Đà Nẵng), thực chất những nét vẽ bậy, bôi bẩn tại các công trình, cảnh quan đô thị thời gian qua không phù hợp với không gian đô thị và các hành vi đó mang tính chất phá hoại mỹ quan đô thị hơn là sự sáng tạo nghệ thuật. Hiện nay có rất nhiều biện pháp xử phạt đối với các hành vi này nhưng quan trọng nhất vẫn là ý thức của mỗi người. Vẽ nghệ thuật Graffiti đã bị những người vô ý thức làm cho xấu đi. Nhiều địa phương gặp khó khăn khi vừa ra quân tẩy xóa, thì vài hôm sau lại bị tiếp tục vẽ bậy vào thời điểm ít người để ý... Thực tế, lực lượng chức năng tuần tra đêm đã từng bắt gặp thủ phạm nhưng những trường hợp xử lý đầy đủ theo quy định của pháp luật có lẽ chưa cao, mức phạt lại chưa đủ sức răn đe nên tình trạng này vẫn còn.
Theo luật sư Trương Công Nguyễn Anh Phiệt, Trưởng Văn phòng luật sư Phiệt và Cộng sự, hành vi vẽ bậy, bôi bẩn bởi nhiều vết vẽ bằng xịt sơn lên nhiều ghế đá có thể bị xử phạt hành chính hoặc truy cứu trách nhiệm hình sự tùy theo mức độ của hành vi người vi phạm. Căn cứ Bộ luật Hình sự năm 2015 (sửa đổi, bổ sung năm 2017) và Nghị định số 144/2021/NĐ-CP ngày 31-12-2021 của Chính phủ quy định xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực an ninh, trật tự, an toàn xã hội; phòng, chống tệ nạn xã hội; phòng cháy, chữa cháy; cứu nạn, cứu hộ; phòng, chống bạo lực gia đình: Các hành vi viết, vẽ bậy lên tường nhà công cộng, tàu, xe, nhà chờ xe buýt,... không chỉ vi phạm quy tắc an toàn, vệ sinh môi trường mà còn có thể dẫn đến tình trạng xuống cấp về mỹ quan, giá trị của tài sản. Theo đó, sẽ bị xử phạt vi phạm hành chính mức xử phạt từ 1-2 triệu đồng đối với cá nhân. Nếu hủy hoại hoặc cố ý làm hư hỏng tài sản của cá nhân, tổ chức thì mức xử phạt từ 3-5 triệu đồng đối với cá nhân.
Ngoài ra, nếu hành vi vẽ bậy làm hư hỏng, gây thiệt hại về tài sản, phương tiện của cơ quan Nhà nước, của người thi hành công vụ thì bị phạt tiền từ 6-8 triệu đồng đối với cá nhân. Ngoài ra, người vi phạm còn bị áp dụng biện pháp khắc phục hậu quả, buộc khôi phục lại tình trạng ban đầu đối với hành vi vi phạm quy định. Lưu ý, mức phạt tiền quy định nêu trên là mức phạt được áp dụng đối với hành vi vi phạm hành chính của cá nhân. Đối với tổ chức có cùng hành vi vi phạm, mức phạt tiền gấp 2 lần mức phạt tiền đối với cá nhân.
Trong khi đó, về mặt hình sự: đối với hành vi viết, vẽ bậy lên tường nhà công cộng, tàu, xe, nhà chờ xe buýt… có mức độ, tính chất vi phạm đủ yếu tố cấu thành tội phạm thuộc một trong những tội danh quy định tại Bộ luật Hình sự 2015 (sửa đổi, bổ sung 2017) thì cá nhân đó sẽ bị truy cứu trách nhiệm hình sự và có thể chịu hình phạt tù. Tùy thuộc vào chứng cứ thu thập được, căn cứ các yếu tố cấu thành tội phạm và hậu quả có thể có thể cấu thành tội danh sau: tội hủy hoại hoặc cố ý làm hư hỏng tài sản theo quy định tại Điều 178 Bộ luật Hình sự 2015 (sửa đổi năm 2017).
THÀNH LÂN