Xã hội

Kỷ niệm tác nghiệp của phóng viên cơ sở

17:27, 22/06/2024 (GMT+7)

Thành thạo từ viết tin, bài, chụp ảnh, quay, dựng phim và đọc lời bình, đọc thu âm chương trình phát thanh… là nhiệm vụ phóng viên các trung tâm văn hóa, thông tin và thể thao quận, huyện. Để có được những tác phẩm chất lượng, phóng viên luôn trăn trở, nỗ lực bám sát địa phương đưa thông tin nhanh chóng, kịp thời.

Ông Trần Xử (70 tuổi, cộng tác viên Trung tâm Văn hóa - Thông tin và Thể thao huyện Hòa Vang) tất bật với việc lấy thông tin, biên tập, đọc tin bài. Ảnh: X.H
Ông Trần Xử (70 tuổi, cộng tác viên Trung tâm Văn hóa - Thông tin và Thể thao huyện Hòa Vang) tất bật với việc lấy thông tin, biên tập, đọc tin bài. Ảnh: X.H

Tròn 40 năm gắn bó công tác truyền thanh, ông Trần Xử (70 tuổi, cộng tác viên Trung tâm Văn hóa - Thông tin và Thể thao huyện Hòa Vang) vẫn tất bật với việc lấy thông tin, biên tập, đọc tin bài. Từ năm 1984, khi còn là cán bộ Hợp tác xã (HTX) nông nghiệp số 2 Hòa Châu, ông Xử được phân công phụ trách văn hóa, thông tin, truyền thanh để tuyên truyền, thông tin về những chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước, chỉ đạo công tác sản xuất vụ mùa, giống, phân bón, cây trồng, cách thức làm ruộng… Bén duyên với “nghề” từ đó, ông Xử cần mẫn đi cơ sở nắm thông tin để viết tin, bài và đọc thu âm để phát sóng đúng lịch 6 giờ 30 sáng và 17 giờ 30 chiều hằng ngày. Đến năm 1990, khi các đài truyền thanh của HTX nhập vào UBND xã quản lý, ông Xử đảm nhiệm vị trí Trưởng Đài truyền thanh xã Hòa Châu. Thông tin tuyên truyền cũng đa dạng hơn với các hoạt động của Đảng, chính quyền, địa phương, mặt trận và các đoàn thể từ xã đến các thôn, phản ánh đời sống người dân. Từ năm 2015, ông không còn là cán bộ phụ trách công tác truyền thanh xã. Tuy nhiên, với niềm say mê nghề, ở tuổi xế chiều, ông vẫn là cộng tác viên thường xuyên, thông tin kịp thời các hoạt động của địa phương.

Ông tâm sự, công việc mang lại cho bản thân những trải nghiệm quý giá, được đi, gặp và chia sẻ với nhiều câu chuyện của người dân. Lần tác nghiệp khiến ông nhớ nhất là vào năm 1987, nhân kỷ niệm 40 năm ngày Thương binh - Liệt sĩ (27-7-1947 – 27-7-1987), ông được Đài Truyền thanh huyện Hòa Vang khi đó (nay sáp nhập vào Trung tâm Văn hóa - Thông tin và Thể thao huyện Hòa Vang) đặt bài viết về công tác đền ơn đáp nghĩa của xã Hòa Châu. Khi tác nghiệp, nhận thấy nếu mình chỉ viết ở xã Hòa Châu thì bài viết không đủ sâu sắc, ông Xử đã tìm kiếm thêm thông tin để mở rộng đề tài, viết về hoạt động đền ơn, đáp nghĩa tại xã Hòa Hải (nay là phường Hòa Hải, quận Ngũ Hành Sơn). Ông kể, thời điểm đó, đường xá đi lại khó khăn, thông tin liên lạc chưa phát triển, vì vậy ông bao lần đi về giữa hai địa phương bằng xe đạp để lấy thông tin, phỏng vấn nhân vật. Đúng ngày kỷ niệm, bài viết được phát sóng trên đài huyện, các HTX địa phương tiếp âm, nhận được sự lan tỏa, đón nhận của người dân.

“Khi bài viết được phát sóng, người dân đón nhận, bản thân tôi có niềm vui khó tả. Công việc này đã đi sâu vào tâm khảm, gắn bó máu thịt với mình. Năm nay đã 70 tuổi nhưng tôi vẫn sẽ tiếp tục với công việc mà mình đang theo đuổi. Tôi mong rằng bản thân đủ mạnh khỏe để đi nhiều, lắng nghe nhiều hơn, phản ánh được những kết quả mà người dân xã Hòa Châu đã nỗ lực gặt hái được, góp một phần công sức bé nhỏ giúp phong trào địa phương ngày càng phát triển”, ông Xử chia sẻ.

Chị Nguyễn Thị Như Ý trong những lần  tác nghiệp. Ảnh: XUÂN HẬU
Chị Nguyễn Thị Như Ý trong những lần tác nghiệp. Ảnh: XUÂN HẬU

Chị Nguyễn Thị Như Ý công tác tại Đài Truyền thanh quận Ngũ Hành Sơn từ năm 2010, đến năm 2019 sáp nhập vào Trung tâm Văn hóa - Thể thao thành Trung tâm Văn hóa - Thông tin và Thể thao quận. Làm ở đơn vị truyền thông cơ sở nên chị vừa làm phóng viên, vừa làm biên tập viên, phát thanh viên và kiêm nhiệm nhiều công việc khác. Hằng ngày, chị bảo đảm chương trình phát thanh trên sóng đài quận; cộng tác tin, phóng sự với Đài Phát thanh- Truyền hình Đà Nẵng, chịu trách nhiệm đăng tin, bài trên trang web của quận, đồng thời cung cấp thông tin cho phóng viên các báo. Nhiều sự kiện diễn ra vào buổi tối từ 19 giờ đến 22 giờ, chị Ý phải quay, viết, dựng video để kịp gửi cho các báo, đài và đăng tin trên trang web của quận. Đặc thù của phóng viên “đài quận” là luôn bám cơ sở với địa bàn rộng. Đặc biệt, trong những đợt bão lũ, các phóng viên cơ sở như chị phải luôn túc trực 24/24 giờ để phản ánh thông tin kịp thời và sớm nhất. Chị kể, năm 2017, trong trận lụt lớn tại phường Hòa Quý (quận Ngũ Hành Sơn). Để có được những hình ảnh, thước phim phản ảnh chân thực về công tác ứng cứu người dân tại  khu vực An Lưu (nơi ngập sâu nhất), chị và hai đồng nghiệp quay phim đã liều mình vào khu vực nước sâu. “Lần tác nghiệp đó, tôi không biết bơi, trang bị bảo hộ chưa bảo đảm nhưng quyết tâm phải thông tin nhanh chóng, kịp thời đã giúp tôi chiến thắng nỗi sợ hãi. Lúc đi đến nơi, được tận mắt thấy nỗ lực của lực lượng cứu hộ người dân trong lũ đã cho tôi nhiều cảm xúc. Những điều đó giúp tôi thêm yêu nghề. Tôi cảm thấy mình may mắn khi quá trình tác nghiệp nhận được sự quan tâm, yêu thương, tạo điều kiện của lãnh đạo địa phương và người dân. Đó là động lực giúp tôi nỗ lực cố gắng hoàn thiện mình hơn”, chị Ý tâm sự.

Những tư liệu được tích lũy trong quá trình tác nghiệp tại cơ sở đã giúp chị đạt các giải như giải Nhất Cuộc thi trực tuyến tìm hiểu Nghị quyết Trung ương 4, 5 (khóa XIII) và Chuyên đề Chỉ thị số 05-TW/CT năm 2022 của Ban Tuyên giáo Thành ủy; giải Nhất Cuộc thi “Sáng tác video clip tuyên truyền bảo đảm An ninh trật tự, phòng cháy, chữa cháy và xây dựng phong trào Toàn dân bảo vệ an ninh Tổ quốc” quận Ngũ Hành Sơn năm 2023…

Lần tác nghiệp trận lũ năm 2017 của chị Ý cũng là kỷ niệm khó quên của anh Nguyễn Thanh Điền (43 tuổi, người hoạt động không chuyên trách phụ trách Văn hóa - Thể thao phường Hòa Quý, cộng tác viên Trung tâm Văn hóa - Thông tin và Thể thao quận). Gắn bó với truyền thanh khi mới là chàng thanh niên trẻ. Gần 20 năm trong nghề cho anh Điền những niềm vui, trải nghiệm mà không công việc nào có được. “Trong lần tác nghiệp lũ năm đó, các anh em đều nỗ lực, động viên, hỗ trợ nhau hoàn thành nhiệm vụ ghi nhận thông tin. Các phóng viên không biết bơi, tôi nhận thêm trọng trách chèo ghe dù tình hình mưa lũ vẫn còn phức tạp. Sau khi hoàn thành nhiệm vụ an toàn, ngồi nghĩ lại tôi mới thấy mình “liều” thật. Cái “liều” này xuất phát từ tình yêu chân thành dành cho nghề”, anh Điền tâm sự.

XUÂN HẬU

.