Xã hội
Lan tỏa thông điệp bảo vệ môi trường
Các mô hình “Thu đổi phế liệu, vật liệu, rác thải tái chế nhận phân bón, hạt giống” và “Tái chế rác thải thành phân vi sinh” được các cơ quan, đơn vị triển khai thời gian qua đã góp phần giảm thiểu rác, nâng cao ý thức của người dân trong việc bảo vệ môi trường.
Mô hình “Thu đổi phế liệu, vật liệu, rác thải tái chế nhận phân bón, hạt giống” và “Tái chế rác thải thành phân vi sinh” được Hội Nông dân quận Thanh Khê phát động đạt hiệu quả tốt, góp phần nâng cao nhận thức và tạo thói quen thu gom, xử lý rác thải của người dân. Tại các điểm quy đổi của các phường Hòa Khê, Thanh Khê Tây, An Khê, đông đảo hội viên nông dân và người dân mang giấy, rác, nhựa… đến cân đo và lấy phiếu tính giá trị bằng tiền tương ứng để đổi lấy giống cây trồng, phân bón. Theo đó, 10.000 đồng đổi được 1 gói hạt giống tự chọn, 40.000 đồng đổi được 1 bao phân trùn quế 5kg. Các hội viên, nông dân có thể đóng thêm tiền nếu chưa đủ giá trị quy đổi hoặc muốn mua thêm sản phẩm. Chị Nguyễn Thị Quỳnh Trang (phường Hòa Khê, quận Thanh Khê) chia sẻ: “Biết ở phường có điểm thu đổi, tôi đã lựa ra những vật dụng không dùng nữa để đổi lấy phân bón, giống cây. Vừa góp phần bảo vệ môi trường, vừa có thêm rau xanh để ăn nên tôi thấy rất thích thú”.
Ông Nguyễn Văn Nam, Chủ tịch Hội Nông dân phường Hòa Khê cho biết, thông qua mô hình đổi rác thải nhận giống cây, phân bón, người dân ý thức hơn trong việc phân loại, xử lý rác thải. Để nhân rộng mô hình nông dân chung tay bảo vệ môi trường, song song với việc duy trì phát triển mô hình trên, hội thành lập 2 tổ ứng dụng để tiến hành thí điểm mô hình “Tái chế rác thải thành phân vi sinh”.
Thời gian qua, Hội Nông dân phường Hòa Cường Bắc (quận Hải Châu) phát động các mô hình “Đổi rác thải nhận hạt giống” và “Tái chế rác thải thành phân vi sinh” để góp phần làm giảm lượng rác thải ra ngoài môi trường. Hội viên nông dân và người dân trên địa bàn phường mang phế liệu, rác thải đến điểm thu gom đổi lấy hạt giống rau, củ... Đồng thời, vận động người dân tận dụng rác thải từ rau củ quả đã bị hỏng, thức ăn thừa, bã cà phê... để tái chế thành phân vi sinh cung cấp dưỡng chất cho cây trồng ngay tại nhà. Ông Đoàn Công Chạy (phường Hòa Cường Bắc) chia sẻ: “Nhà tôi có khoảng sân thượng rộng dùng để trồng các loại rau, cây ăn quả. Thông qua các mô hình do Hội Nông dân phường tổ chức, thay vì vứt các loại rác thải như: thức ăn thừa, vỏ trái cây... tôi để riêng chúng vào một bao và mang đi ủ, tạo phân vi sinh bón cho cây, rau. Đây là một việc làm rất ý nghĩa bởi vừa góp phần bảo vệ môi trường, vừa giúp cả nhà tôi yên tâm hơn khi có rau sạch để ăn”.
Theo Chủ tịch Hội Nông dân phường Hòa Cường Bắc Trần Thị Năm, Hội Nông dân kết hợp với CLB Nông dân bảo vệ môi trường và biến đổi khí hậu của phường vận động được hơn 40 hội viên tham gia mô hình “Tái chế rác thải thành phân vi sinh”. Thời gian đến, sẽ tiếp tục vận động các hộ dân trên địa bàn phường hưởng ứng tích cực hơn trong việc thu gom và tái chế rác thải để chung tay bảo vệ môi trường sống xanh - sạch - đẹp.
Trong khi đó, theo Chủ tịch Hội Nông dân quận Thanh Khê Đàm Văn Hùng, thời gian đến sẽ chỉ đạo Hội Nông dân các phường tiếp tục huy động hội viên thu gom rác thải tái chế, phế liệu, vật liệu không dùng mang đến đổi lấy phân bón và hạt giống nhằm thực hiện các mô hình nông nghiệp đô thị nhỏ tại nhà, tăng rau sạch cho mỗi bữa ăn gia đình. Đồng thời, góp phần giảm thiểu được lượng rác thải, phế liệu làm ảnh hưởng đến môi trường sống.
KIM KHÁNH