Xã hội

Ngân hàng Thế giới nghiên cứu hỗ trợ giảm thiểu rủi ro ngập lụt cho Đà Nẵng

16:56, 04/06/2024 (GMT+7)

ĐNO - Ngày 4-6, Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn chủ trì buổi làm việc với đoàn chuyên gia của Ngân hàng Thế giới (WB) về đánh giá rủi ro và nghiên cứu khung quản lý rủi ro ngập lụt cho thành phố thuộc Chương trình hợp tác tổng thể về hỗ trợ phục hồi kinh tế và phát triển bền vững giữa thành phố Đà Nẵng và WB.

Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn chủ trì làm việc với đoàn chuyên gia của Ngân hàng Thế giới (WB). Ảnh: HOÀNG HIỆP
Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn chủ trì làm việc với đoàn chuyên gia của Ngân hàng Thế giới (WB). Ảnh: HOÀNG HIỆP

Tại buổi làm việc, đại diện các sở, ban, ngành, chuyên gia, nhà khoa học trên địa bàn thành phố đã đề nghị đoàn chuyên gia của WB và đơn vị tư vấn dự án Giảm thiểu rủi ro ngập lụt thành phố Đà Nẵng nghiên cứu, thể chế, cụ thể hóa nhiều giải pháp giúp thành phố ứng phó với lũ, ngập lụt trong đô thị.

Nguyên Phó Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Huỳnh Vạn Thắng đề nghị WB nghiên cứu, đánh giá kỹ các mức lũ, ngập lụt trước các diễn biến cực đoan của thiên tai và giải pháp ứng phó, hạn chế xây dựng đê bao để bảo đảm cảnh quan và không gian.

Đồng thời, nghiên cứu giải pháp đầu tư mới một số hệ thống thoát nước mưa kết hợp với hệ thống thu gom riêng nước thải, nhằm bảo đảm chống ngập úng và bảo vệ môi trường.

Cùng với đó, nghiên cứu sâu đối với lưu vực sông Túy Loan và giải pháp thoát lũ ở sông Túy Loan về hạ lưu cầu Giăng để giải quyết vấn đề phát triển đô thị, chống ngập lụt ở khu vực này trong thời gian đến.

Ngoài ra, cần nghiên cứu giải pháp trả lại cầu Đa Cô trên tuyến đường Tôn Đức Thắng và đề nghị mở rộng thêm khẩu độ cầu để chống ngập cho khu vực thượng lưu (đường Mẹ Suốt)...

Chủ tịch HĐQT Công ty Tư vấn và phát triển kỹ thuật tài nguyên nước (WATEC) Văn Phú Chính đề nghị, song song với các giải pháp ứng phó với lũ, chống ngập lụt, ngập nước cục bộ, WB cần nghiên cứu, hỗ trợ thành phố các giải pháp thể chế hóa, cụ thể hóa để thực hiện, nhất là quản lý về quy hoạch, hành lang thoát lũ...

Chủ tịch HĐQT Công ty Tư vấn và phát triển kỹ thuật tài nguyên nước (WATEC) Văn Phú Chính phát biểu tại làm việc. Ảnh: HOÀNG HIỆP
Chủ tịch HĐQT Công ty Tư vấn và phát triển kỹ thuật tài nguyên nước (WATEC) Văn Phú Chính phát biểu tại làm việc. Ảnh: HOÀNG HIỆP

Phó Giám đốc Ban quản lý các dự án đầu tư cơ sở hạ tầng ưu tiên Đà Nẵng Lâm Quang Hoàng đề nghị WB nghiên cứu hệ thống cảnh báo sớm về lũ, ngập lụt, ngập úng cục bộ cho các khu đô thị cũ để chủ động ứng phó, thay vì phải đắp nền, xây dựng hệ thống thoát nước ứng với mưa có tần suất 1% (1.000 năm mới xảy ra 1 lần) do kinh phí đầu tư quá tốn kém.

Những vị trí ngập nào có khả năng khắc phục được thì đề xuất đầu tư mới hoặc cải tạo, nâng cấp hệ thống thoát nước.

Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Nguyễn Đăng Huy đề nghị WB nghiên cứu thêm các cơ sở pháp lý, quy hoạch chung, quy hoạch cấp tỉnh, quy hoạch phân khu... và một số quy hoạch, chủ trương của Chính phủ, bộ, ngành liên quan trong lĩnh vực thủy lợi, phòng chống thiên tai để tích hợp đồng bộ các giải pháp giảm thiểu rủi ro ngập lũ, lụt và ngập nước cục bộ trong đô thị.

Đồng thời, nghiên cứu thêm tác động của việc vận hành các hồ thủy điện trên lưu vực sông Vu Gia - Thu Bồn; tác động của việc xây dựng hồ Sông Bắc trong tương lai; các công trình đang cản trở, thu hẹp dòng chảy ở các lưu vực sông...

Bên cạnh đó, nghiên cứu lựa chọn tần suất tính toán để xây dựng các công trình thoát nước cũng như cao độ nền phù hợp với tình hình, điều kiện của thành phố kết hợp với các giải pháp công trình, phi công trình; xây dựng các kịch bản ngập lụt theo lượng mưa; đánh giá và có giải pháp ứng phó với sạt lở bờ biển...  nhằm nâng cao năng lực ứng phó, giảm thiểu rủi ro thiên tai.

HOÀNG HIỆP 

.