Xã hội
Truyền thông chính sách - Thay đổi cách làm để tăng sự hấp dẫn
Báo chí lâu nay tuyên truyền chính sách thường áp dụng cách làm truyền thống là cung cấp thông tin, ít chú ý đến câu chuyện, chưa đánh giá tác động chính sách, tác động truyền thông trong quá trình ban hành và thực thi chính sách; quan trọng vấn đề “định tính” hơn “định lượng”. Hiện nay với chính sách được truyền thông, báo chí chú trọng cách làm mới: đo đếm được, đánh giá và điều tiết được xu hướng thông tin, có nghĩa là muốn quản lý được, phải nhìn thấy được. Truyền thông đi trước, bằng nhiều phương thức để thay đổi nhận thức.
Triển khai chủ trương phát triển du lịch cộng đồng và tập huấn nâng cao phát triển du lịch cộng đồng cho người dân các xã huyện Hòa Vang do Phòng Văn hóa - Thông tin huyện tổ chức. Ảnh: HOÀNG NHUNG |
Truyền thông tạo sự đồng thuận xã hội
Công tác truyền thông các chủ trương, đường lối, chính sách hiện nay được Đảng và Nhà nước đặc biệt coi trọng với phương châm truyền thông luôn phải đi trước để thống nhất nhận thức, tạo sự đồng thuận trong toàn xã hội, kịp thời phát hiện và xử lý hiệu quả đối với những xu hướng thông tin sai lệch bản chất, không có lợi cho sự phát triển của đất nước. Không chỉ truyền thông qua báo in, đài truyền hình, phát thanh, báo điện tử, thông tin còn được “đẩy” tới người dân qua các nền tảng mạng xã hội… Truyền thông chính sách hiệu quả giúp người dân hiểu rõ, tham gia, hợp tác, đồng thuận trong quá trình thực thi chính sách.
Trong nhiều trường hợp, tiếng nói của báo chí có vai trò quyết định, khi báo chí truyền tải mạnh mẽ sự đồng thuận cao của người dân và xã hội ủng hộ cho chính sách, hoặc khi dự thảo chính sách không có sự đồng thuận của đông đảo các tầng lớp nhân dân và xã hội. Qua tiếng nói của báo chí, các cơ quan xây dựng chính sách có được nhiều chiều thông tin hữu ích, cả trong khâu xây dựng, thực thi và hoàn thiện chính sách.
Phó Chủ tịch UBND huyện Hòa Vang Nguyễn Thúc Dũng chia sẻ: Những năm qua, lãnh đạo các cơ quan, địa phương của huyện sẵn sàng hỗ trợ các nhà báo, cơ quan báo chí trong việc công tác cung cấp thông tin, làm rõ thông tin, giới thiệu các mô hình, gương điển hình để nhà báo tiếp cận. Trên quan điểm không để dư luận lệch hướng, chính quyền cung cấp thông tin chính thống về những chính sách, pháp lý, những quy định những vấn đề liên quan; công khai thông tin lên Tổng Đài 1022 thành phố; tiếp nhận và xử lý nhanh các vấn đề mà báo chí chỉ ra. Với những vấn đề chưa thống nhất lãnh đạo huyện hoặc các địa phương sẵn sàng gặp trao đổi trực tiếp với báo chí để rộng đường dư luận. “Mục tiêu của lãnh đạo huyện là tuyên truyền về những chủ trương của huyện, thông qua đó kêu gọi người dân đồng thuận chung tay xây dựng huyện Hòa Vang, thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội; nâng cao nhận thức, niềm tự hào về quê hương, nhằm bảo tồn, gìn giữ và phát huy những giá trị văn hóa tốt đẹp”, ông Dũng nhấn mạnh.
Hiện nay thay vì chờ báo chí tìm đến, các đơn vị, địa phương sẽ áp dụng phương thức truyền thông bằng cách đưa thông tin, chủ trương, mục tiêu… xây dựng thành dự án truyền thông. Hình thức này không còn là tuyên truyền chính sách nữa, mà nâng lên tầm truyền thông chính sách. UBND huyện Hòa Vang đã ký hợp đồng truyền thông với Báo Đà Nẵng hơn 10 năm qua. Trước đây, mỗi tháng sẽ tuyên truyền theo một chủ đề nhất định, hiện nay trang tuyên truyền này thực hiện nhiều chủ đề riêng lẻ. Mới đây, huyện ký hợp đồng với Đài Phát thanh- Truyền hình Đà Nẵng quảng bá, thông tin về chủ trương và các dự án, chương trình phát triển của huyện được sử dụng qua nhiều kênh để truyền thông trực tiếp, gián tiếp trên kênh chính thức và các nền tảng số. Thông qua truyền thông, huyện Hòa Vang đã tận dụng lợi thế thông tin để giới thiệu mảnh đất, con người cho du khách, nhà đầu tư, biến một vùng quê thuần nông thành một đô thị giàu bản sắc trong tương lai không xa.
Cơ quan Bảo hiểm xã hội thành phố là một trong những đơn vị chủ động thực hiện truyền thông chính sách. Phòng Truyền thông phối hợp với Báo Đà Nẵng và Đài Phát thanh- Truyền hình Đà Nẵng thực hiện truyền thông về bảo hiểm xã hội, bảo hiểm thất nghiệp, bảo hiểm y tế; công tác hỗ trợ, tư vấn, giải đáp chính sách bảo hiểm xã hội, bảo hiểm thất nghiệp, bảo hiểm y tế cho các tổ chức và cá nhân theo quy định của pháp luật, của Bảo hiểm xã hội Việt Nam và phân cấp quản lý của Bảo hiểm xã hội thành phố.
Báo chí - cánh tay nối dài trong hỗ trợ truyền thông chính sách
Báo chí được xem là lực lượng chủ công, là cánh tay nối dài trong việc hỗ trợ truyền thông chủ trương chính sách của Đảng, Nhà nước và những cơ quan bộ ngành, các địa phương đến với người dân, lắng nghe tiếng nói của người dân, từ đó tác động ngược trở lại với những người làm chính sách.
Chỉ thị số 07/CT-TTg của Thủ tướng Chính phủ về việc tăng cường truyền thông chính sách nêu rõ, truyền thông chính sách là một nhiệm vụ, một chức năng quan trọng của cơ quan hành chính nhà nước các cấp. Báo chí và các loại hình truyền thông khác là kênh thông tin, là phương thức cơ bản, quan trọng để thực hiện việc truyền thông chính sách. Tuy nhiên, nhiều cơ quan nhà nước xem báo chí là phương tiện để tuyên truyền, phổ biến chính sách hơn là cơ quan “cầu nối” với công chúng ngay từ khi bắt đầu xây dựng chính sách. Nhiều cơ quan thiếu chủ động trong cung cấp thông tin nguồn cho báo chí. Nhiều cơ quan báo chí đang xây dựng cơ chế đặt hàng, định mức kinh tế - kỹ thuật. Bên cạnh đó, đơn giá hiện hành thấp đang tạo rất nhiều áp lực cho các cơ quan báo chí trong việc thực hiện các nhiệm vụ được giao.
Truyền thông chính sách theo các làm cũ tập trung chủ yếu vào xử lý các sự vụ, sự kiện; chỉ cung cấp thông tin, ít chú ý đến câu chuyện; chưa đánh giá tác động chính sách, tác động truyền thông trong quá trình bàn bạc, ban hành và thực thi chính sách; nặng về “định tính” hơn “định lượng”; dồn trách nhiệm lên “người phát ngôn”. Trong khi phát ngôn là tổng thể rất nhiều yếu tố như văn bản, hình ảnh, video, chính sách ban hành... Yêu cầu từ công chúng hiện nay là báo chí phải đặt cao tính phản biện, đánh giá, dự báo. Do đó, nhiều tòa soạn chủ động xây dựng kế hoạch truyền thông chính sách bài bản. Với cách nghĩ, cách làm mới là: Muốn quản lý được, phải nhìn thấy được (đo đếm được, đánh giá và điều tiết được xu hướng thông tin...). Truyền thông đi trước, bằng nhiều phương thức để thay đổi nhận thức, tạo sự đồng thuận thông qua cơ quan báo chí, loa đài, phường xã, mạng xã hội, bản tin zalo, tin nhắn gửi đến số điện thoại, thông tin cảnh báo qua nhạc chuông nhạc chờ...
Quan điểm của các cơ quan báo chí trong truyền thông chính sách hiện nay là cơ quan Nhà nước cần tăng cường đặt hàng, giao nhiệm vụ cho các cơ quan báo chí để lan tỏa thông tin chính thống, tích cực trên báo chí, trên mạng; thay đổi một số phương thức cung cấp thông tin cho báo chí; đầu tư cho những mô hình, câu chuyện hay, truyền cảm hứng tích cực để lan tỏa, dẫn dắt xu hướng thông tin về ngành, địa phương. Tăng cường thông tin chính thống kịp thời, chủ động đấu tranh, phản bác quan điểm sai trái, thông tin xấu độc, “lấy cái đẹp, dẹp cái xấu, lấy tích cực, đẩy lùi tiêu cực”, góp phần ổn định xã hội, tâm lý người dân, tăng cường niềm tin vào Đảng, Nhà nước.
HOÀNG NHUNG