Xã hội

Chăm lo chu đáo cho người có công với cách mạng - Bài cuối: Thể hiện sâu sắc đạo lý "Uống nước nhớ nguồn"

07:42, 25/07/2024 (GMT+7)

Thực hiện Chỉ thị số 21/CT-TTg của Thủ tướng Chính phủ về việc tiếp tục tăng cường công tác chăm sóc người có công với cách mạng, những năm qua, Đảng và Nhà nước không ngừng nghiên cứu, ban hành nhiều chủ trương, chính sách chăm lo ngày càng tốt hơn cho người có công với cách mạng. Các cấp chính quyền thành phố thực hiện đầy đủ, chu đáo các chính sách của Trung ương, thành phố, xây dựng nhiều chính sách vượt trội, hỗ trợ thêm cho người có công, nhằm thể hiện sâu sắc đạo lý “Uống nước nhớ nguồn”.

Cán bộ, chiến sĩ Công an cửa khẩu Cảng hàng không quốc tế Đà Nẵng giao lưu văn nghệ với các cụ tại Trung tâm Phụng dưỡng người có công cách mạng Đà Nẵng nhân kỷ niệm 77 năm ngày Thương binh - Liệt sĩ. Ảnh: LAM PHƯƠNG
Cán bộ, chiến sĩ Công an cửa khẩu Cảng hàng không quốc tế Đà Nẵng giao lưu văn nghệ với các cụ tại Trung tâm Phụng dưỡng người có công cách mạng Đà Nẵng nhân kỷ niệm 77 năm ngày Thương binh - Liệt sĩ. Ảnh: LAM PHƯƠNG

Không ngừng hoàn thiện, nâng cao chính sách

Chính phủ, các bộ, ngành, địa phương quan tâm, đề xuất nâng mức chuẩn trợ cấp ưu đãi người có công với cách mạng luôn cao hơn mức lương cơ sở của cán bộ, công chức, viên chức, lực lượng vũ trang nhân dân. Gần đây nhất, năm 2023, mức lương cơ sở tăng lên 1,8 triệu đồng (tăng 20,8%) thì mức chuẩn trợ cấp trợ cấp ưu đãi người có công cũng điều chỉnh tăng từ 1,624 triệu đồng lên 2,055 triệu đồng (tăng 26,5%) thể hiện qua Nghị định số 55/2023/NĐ-CP ngày 21-7-2023 của Chính phủ về nâng mức chuẩn trợ cấp ưu đãi người có công với cách mạng.

Nhằm tiếp tục tăng cường công tác chăm sóc người có công với cách mạng, ngày 1-7-2024, Chính phủ ban hành Nghị định số 77/2024/NĐ-CP về sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định số 75/2021/NĐ-CP ngày 24-7-2021 của Chính phủ quy định mức hưởng trợ cấp, phụ cấp và các chế độ ưu đãi người có công với cách mạng đã được sửa đổi, bổ sung một số điều theo Nghị định số 55/2023/NĐ-CP ngày 21-7-2023 của Chính phủ. Theo đó, tăng mức chuẩn trợ cấp ưu đãi người có công với cách mạng từ 2,055 triệu đồng lên 2,789 triệu đồng (tăng 35,7%), áp dụng từ ngày 1-7-2024. Đồng thời, sửa đổi, bổ sung quy định về điều dưỡng phục hồi sức khỏe. Cụ thể, mức chi điều dưỡng phục hồi sức khỏe tập trung bằng 1,8 lần mức chuẩn trợ cấp ưu đãi người có công/1 người/1 lần, áp dụng từ ngày 1-1-2025. Như vậy, trong năm 2024, tổng kinh phí thực hiện trợ cấp, phụ cấp ưu đãi đối với người có công với cách mạng trên cả nước là 35.629 tỷ đồng, tăng thêm hơn 5.300 tỷ đồng.

Tại Đà Nẵng, cùng với phát triển kinh tế-xã hội, Đảng bộ, chính quyền thành phố xác định công tác chăm lo người có công với cách mạng là nhiệm vụ chính trị thường xuyên, liên tục. Việc triển khai thực hiện Pháp lệnh Ưu đãi người có công với cách mạng luôn nhận được sự quan tâm đặc biệt của cấp ủy, chính quyền các cấp, sự hưởng ứng tích cực của Mặt trận, các hội, đoàn thể và nhân dân thông qua các phong trào “Đền ơn đáp nghĩa”. Ngoài thực hiện tốt các chính sách theo quy định, thành phố còn ban hành và thực thi nhiều chính sách mang tính “vượt trội” để chăm lo tốt hơn cho người có công cách mạng.

Nổi bật là Nghị quyết số 86/2014/NQ-HĐND ngày 11-12-2014 của HĐND thành phố thông qua chính sách trợ cấp hằng tháng đối với người có công với cách mạng đang hưởng mức trợ cấp thấp trên địa bàn thành phố. Theo đó, trợ cấp thêm 200.000 đồng/tháng/người kể từ tháng 1-2015. Nghị quyết số 132/2017/NQ-HĐND ngày 7-12-2017 của HĐND thành phố về chính sách hỗ trợ tiền sử dụng đất và hỗ trợ kinh phí xây mới, sửa chữa nhà ở đối với người có công với cách mạng trên địa bàn thành phố, quy định mức hỗ trợ từ 45 triệu đồng đến 70 triệu đồng/hộ tùy nhóm đối tượng. Nghị quyết số 245/2019/NQ-HĐND ngày 11-7-2019 của HĐND thành phố về chính sách hỗ trợ chăm sóc sức khỏe đối với một số đối tượng người có công với cách mạng và chính sách hỗ trợ người có công với cách mạng, thân nhân người có công với cách mạng thuộc hộ nghèo không còn sức lao động, quy định hỗ trợ: mức 1,5 triệu đồng/người/tháng cho người hoạt động cách mạng trước ngày 1-1-1945, Bà mẹ Việt Nam anh hùng; mức 1 triệu đồng/người/tháng cho người hoạt động cách mạng từ ngày 1-1-1945 đến ngày khởi nghĩa tháng Tám năm 1945, thương binh, bệnh binh, người hoạt động kháng chiến bị nhiễm chất độc hóa học có tỷ lệ thương tật, bệnh tật, suy giảm khả năng lao động từ 81% trở lên.

Bên cạnh đó, ngày14-12-2023, HĐND thành phố ban hành Nghị quyết số 102/2023/NQ-HĐND sửa đổi Nghị quyết số 19/2016/NQ-HĐND ngày 11-8-2016 của HĐND thành phố về chính sách trợ cấp thường xuyên, đột xuất đối với người có công với cách mạng mắc bệnh hiểm nghèo có hoàn cảnh khó khăn trên địa bàn thành phố. Cụ thể, mức trợ cấp thường xuyên hằng tháng bằng 0,5 lần mức chuẩn trợ cấp người có công với cách mạng, từ 500.000 đồng tăng lên 1,03 triệu đồng và hiện nay là gần 1,4 triệu đồng/tháng theo mức chuẩn trợ cấp mới của Nghị định số 77/2024/NĐ-CP. Vào dịp Tết Nguyên đán các năm 2023, 2024, ngoài mức tặng quà cho người có công với cách mạng và đối tượng đặc thù, đối tượng xã hội theo Nghị quyết số 275/2019/NQ-HĐND ngày 12-12-2019 của HĐND thành phố, thành phố còn hỗ trợ thêm quà tặng mức 500.000 đồng/người/hộ cho người có công với cách mạng.

Tiếp tục đề xuất chính sách mới

Theo thống kê của Sở Lao động, Thương binh và Xã hội (LĐ,TB&XH), thành phố hiện có khoảng 250 người có công hưởng trợ cấp neo đơn đang sinh sống ở cộng đồng. Ngày 30-12-2021, Chính phủ ban hành Nghị định số 131/2021/NĐ-CP quy định chi tiết và biện pháp thi hành Pháp lệnh Ưu đãi người có công. Theo đó quy định đối tượng được nuôi dưỡng tập trung tại cơ sở nuôi dưỡng người có công phải là thương binh, bệnh binh có tỷ lệ tổn thương cơ thể từ 81% trở lên, có thương tật, bệnh tật đặc biệt nặng và sống cô đơn. Trong khi đó, trên địa bàn thành phố, 100% thương binh, bệnh binh có tỷ lệ tổn thương cơ thể từ 81% trở lên đều được chăm sóc ổn định tại gia đình, không có trường hợp sống neo đơn. Vì thế việc thực thi nghị định gặp khó khăn, vướng mắc.

Trước tình hình đó, Sở LĐ,TB&XH tham mưu, đề xuất xây dựng đề án “Mở rộng nhóm đối tượng người có công với cách mạng và thân nhân người có công với cách mạng được tiếp nhận vào quản lý và phục vụ nuôi dưỡng tại Trung tâm Phụng dưỡng người có công cách mạng Đà Nẵng”. Phó Giám đốc Sở LĐ,TB&XH Nguyễn Thế Tuân cho biết, sở đã xây dựng đề án trình UBND thành phố trình xin ý kiến của các bộ, ngành Trung ương. “Hiện nay, thành phố đang chờ ý kiến của Bộ LĐ,TB&XH có quyết định phân cấp cho chính quyền thành phố để ban hành và triển khai đề án”, ông Tuân nói, đồng thời nhấn mạnh: “Việc mở rộng các đối tượng tiếp nhận và nuôi dưỡng tại trung tâm là rất cần thiết, tạo điều kiện cho người có công khó khăn, neo đơn, không nơi nương tựa được nuôi dưỡng tập trung, bảo đảm chu đáo, nâng cao sức khỏe, tinh thần cho các cụ. Đồng thời phát huy hiệu quả công năng của trung tâm trong sự nghiệp chăm sóc, phụng dưỡng người có công với cách mạng”.

Về việc tham mưu, đề xuất mức hỗ trợ mới để xây mới, sửa chữa nhà ở cho người có công với cách mạng áp dụng trong thời gian tới, Sở Xây dựng đang phối hợp các cơ quan, đơn vị liên quan lập hồ sơ đề nghị xây dựng nghị quyết; đồng thời chờ Thủ tướng Chính phủ ban hành quyết định quy định mức hỗ trợ để xây mới hoặc cải tạo, sửa chữa nhà ở và tỷ lệ phân bổ nguồn vốn hỗ trợ từ ngân sách Trung ương, tỷ lệ đối ứng vốn hỗ trợ từ ngân sách địa phương (Bộ Xây dựng đang trình Thủ tướng Chính phủ) để làm căn cứ tiếp tục xây dựng, hoàn thiện hồ sơ nghị quyết, trình HĐND thành phố xem xét, thông qua trong thời gian đến.

Có thể khẳng định, sự quan tâm của Đảng, Nhà nước, các cấp, các ngành, địa phương, cơ quan, đơn vị đối với người có công với cách mạng bằng những hành động cụ thể, thiết thực đã thể hiện sự tri ân, đạo lý “Uống nước nhớ nguồn” trước những cống hiến to lớn của các thế hệ đi trước cho sự nghiệp cách mạng, xây dựng và bảo vệ Tổ quốc, để chăm lo ngày càng tốt hơn cho người có công với cách mạng.

LAM PHƯƠNG

.