Xã hội
Quản lý hiệu quả hệ thống các ao, hồ
Công tác quản lý, xử lý ô nhiễm, cải thiện môi trường các hồ, ở quận Thanh Khê góp phần thực hiện thực hiện hiệu quả đề án “Xây dựng Thanh Khê - Quận môi trường” giai đoạn 2021-2030.
Tổng diện tích mặt nước của các hồ trên địa bàn quận Thanh Khê là 215.914m2, bao gồm các hồ: Công viên 29 tháng 3, Thạc Gián, Vĩnh Trung, Xuân Hòa A, Phần Lăng 1, Bàu Làng, hồ điều tiết phường An Khê (đoạn đầu tuyến kênh Phần Lăng), hồ 2ha. Trong đó, các hồ: Thạc Gián, Vĩnh Trung, Phần Lăng 1 được giao cho Công ty Thoát nước và Xử lý nước thải Đà Nẵng quản lý; UBND quận quản lý các hồ: Công viên 29 tháng 3, Xuân Hòa A, 2ha, Bàu Làng.
Thời gian qua, UBND quận triển khai các giải pháp bảo đảm cảnh quan và môi trường tại các hồ. Cụ thể, khu vực hồ Thạc Gián - Vĩnh Trung được UBND thành phố phê duyệt chủ trương đầu tư công trình cải tạo sửa chữa vỉa hè, lan can, cây xanh các tuyến đường xung quanh khu vực hồ với tổng kinh phí hơn 16 tỷ đồng và hoàn thành năm 2018. Tại khu vực hồ 2ha (phường Thanh Khê Tây), UBND quận triển khai công trình cải tạo cảnh quan hồ với kinh phí hơn 11 tỷ đồng và đưa vào sử dụng năm 2020. Tại khu vực hồ Bàu Làng (phường Thanh Khê Đông), UBND quận đầu tư xây dựng công trình công viên vườn dạo với kinh phí đầu tư hơn 12 tỷ đồng và đưa vào sử dụng năm 2022. Ông Đặng Quang Hiếu, công chức địa chính - xây dựng - đô thị và môi trường phường Thanh Khê Đông cho biết, sau khi được cải tạo, UBND phường ban hành kế hoạch tổng thể giữ gìn vệ sinh môi trường, trong đó có hồ Bàu Làng triển khai bảo vệ thảm cỏ, cây xanh, bảo vệ vườn dạo Bàu Làng. Thứ Bảy và Chủ nhật hằng tuần, UBND, cán bộ, công chức phường phối hợp tổ dân phố và người dân tổng dọn vệ sinh môi trường, không để xả rác thải xuống hồ.
Hằng năm, UBND quận thực hiện đấu thầu và hợp đồng Công ty Thoát nước và Xử lý nước thải Đà Nẵng để duy trì vệ sinh hồ (thu dọn rác, cắt cỏ, sen già...), lắp đặt và thả bè thủy sinh tại hồ Công viên 29 Tháng 3, hồ Xuân Hòa A và hồ 2ha nhằm cải thiện chất lượng nước. Đồng thời, UBND quận có các biện pháp xử lý ô nhiễm tại các hồ. Ngay khi phát hiện tình trạng ô nhiễm do cá chết tại các hồ, UBND quận chỉ đạo Phòng Tài nguyên và Môi trường phối hợp Công ty Thoát nước và Xử lý nước thải Đà Nẵng và các đơn vị liên quan kiểm tra và bàn giải pháp, phương án xử lý như: thu gom, vận chuyển và xử lý cá chết; sử dụng vôi để khử khuẩn nước hồ, tỉa thưa đàn cá. Trong năm 2023, UBND quận thực hiện tỉa thưa đàn cá tại hồ Xuân Hòa A.
Các đơn vị, phòng ban và UBND các phường thuộc quận thường xuyên phối hợp với Công ty Thoát nước và Xử lý nước thải Đà Nẵng trong công tác kiểm tra, phát hiện, xử lý các sự cố môi trường phát sinh (theo kịch bản ứng phó sự cố môi trường tại các tuyến kênh, mương, hồ điều tiết trên địa bàn thành phố)... Trong khuôn khổ các hoạt động phối hợp giữa UBND quận và Ủy ban MTTQ Việt Nam quận, các hội đoàn thể quận về tăng cường phối hợp thực hiện công tác quản lý tài nguyên, bảo vệ môi trường, ứng phó với biến đổi khí hậu. Ở cấp độ cơ sở, UBND các phường có hồ thành lập các mô hình tự quản bảo vệ môi trường khu vực. Cụ thể như mô hình “Khu dân cư phát triển bền vững” tại khu dân cư số 2 phường Thanh Khê Tây (hồ 2ha); khu dân cư 7 Xuân Hòa A, phường Hòa Khê (hồ Xuân Hòa A); mô hình “Mảng xanh thanh niên” tại hồ Bàu Làng (phường Thanh Khê Đông).
Theo ông Hồ Thuyên, Chủ tịch UBND quận Thanh Khê, thực hiện phân cấp quản lý và xử lý các hồ đầm trên địa bàn theo phân cấp của UBND thành phố, từ năm 2005, UBND quận triển khai đồng bộ nhiều giải pháp nhằm quản lý chặt chẽ, ngăn ngừa tình trạng các hồ bị lấn chiếm, san lấp. Đồng thời, phối hợp UBND các địa phương có hồ tuyên truyền, vận động các tổ chức, hộ dân sống xung quanh không thực hiện các hành vi xả rác thải, nước thải bữa bãi, nhất là kịp thời phát hiện xử lý nghiêm các hành vi đổ thải xà bần, giá hạ không đúng quy định. Ngày 14-12-2021, UBND thành phố ban hành Quyết định số 4001/QĐ-UBND phê duyệt danh mục hồ, ao, đầm, phá không được san lấp trên địa bàn thành phố Đà Nẵng, trong đó toàn bộ các hồ thuộc quận đều nằm trong danh mục các ao hồ trong đô thị không được san lấp. Đây là một cơ sở pháp lý quan trọng để địa phương tiếp tục quản lý, thực hiện các hiệu quả các biện pháp bảo vệ các hồ trên địa bàn.
NGỌC HÀ