Xã hội
Những bịch nấm yêu thương
Tháng 8-2024, Hội Nông dân và Hội Liên hiệp Phụ nữ (LHPN) xã Hòa Tiến (huyện Hòa Vang) phối hợp trao 900 bịch nấm bào ngư làm sinh kế cho hộ đơn thân bà Võ Thị Khướu tại thôn Nam Sơn. Qua đó, hy vọng những bịch nấm yêu thương giúp bà Khướu chuyển đổi ngành nghề hiệu quả, sớm vươn lên thoát nghèo, phát triển kinh tế gia đình.
Những ngày cuối tháng 9, tôi vượt quãng đường hơn 30km tìm đến nơi nuôi trồng nấm của bà Võ Thị Khướu (SN 1954) sau khi được trao sinh kế 900 bịch nấm bào ngư và các nguyên vật liệu nuôi trồng cần thiết với kinh phí 7,2 triệu đồng.
Bà Khướu xúc động nói, bà là phụ nữ đơn thân, nuôi con trai từ khi lọt lòng. Hiện bà ở với gia đình con trai, con còn khó khăn nên bà vẫn phải tự gánh vác kinh tế. Trước đây, bà nuôi heo, nuôi gà, đi làm thuê trồng lúa, trồng rau nhưng manh mún, nhỏ lẻ nên chi phí trang trải cuộc sống vẫn thiếu trước hụt sau. Nay lớn tuổi, bà mong muốn chuyển đổi ngành nghề nhưng chưa đủ điều kiện.
Được sự quan tâm, hỗ trợ từ Hội Nông dân và Hội LHPN trao những bịch nấm bào ngư, để cải thiện kinh tế khiến bà xúc động và vui mừng. Không chỉ trao tặng nấm, bà còn được Hội Nông dân tận tình hướng dẫn chi tiết về quy trình kỹ thuật, cách trồng và chăm sóc nấm, giúp bảo đảm năng suất và nâng cao chất lượng.
Theo bà Lê Thị Dựa, Chi hội trưởng Chi hội Phụ nữ thôn Nam Sơn, thôn có 264 hộ dân, người dân chủ yếu làm nông nghiệp, buôn bán, đa số hoàn cảnh khó khăn. Thời gian qua, hộ bà Khướu, cũng như nhiều hộ phụ nữ nghèo, đơn thân ở thôn được hỗ trợ trao sinh kế, cải thiện thu nhập từ gà giống, bò giống, tủ kem, máy may, xe máy, dụng cụ làm tóc, bàn ghế buôn bán…
“Bà Khướu có hoàn cảnh neo đơn, lớn tuổi nhưng bà vẫn bươn chải làm lụng nhiều công việc. Việc trồng nấm sẽ giúp bà đỡ vất vả và có nguồn thu ổn định. Ngoài ra, để thực hiện trao sinh kế tại thôn, Chi hội Phụ nữ thôn thực hiện mô hình “Phân loại và thu gom rác tái chế, xây dựng quỹ an sinh xã hội”, nhằm có thêm kinh phí hỗ trợ hội viên phụ nữ có hoàn cảnh nghèo, đơn thân, khuyết tật. Có thể nói, việc làm này đã lan tỏa mạnh mẽ trong chi hội nói riêng và toàn xã nói chung, trao thông điệp tích cực, tiếp thêm nghị lực để các hộ khó khăn có động lực vươn lên trong cuộc sống”, bà Dựa bày tỏ.
Bà Hồ Thị Lai, Chủ tịch Hội LHPN xã Hòa Tiến cho biết, những năm qua, việc hỗ trợ sinh kế cho phụ nữ đơn thân, phụ nữ hộ nghèo, đối tượng yếu thế được nhân rộng đến 12 thôn, góp phần giảm nghèo bền vững. Điều này không chỉ giúp cải thiện đời sống kinh tế mà còn đóng góp vào sự phát triển bền vững của thôn, là một phần trong chiến lược phát triển kinh tế, xã hội của địa phương.
Ngoài hỗ trợ nấm bào ngư, hội phối hợp với các tổ chức triển khai chương trình nâng cao năng lực cho 35 hộ phụ nữ đơn thân. Theo đó, hội tổ chức khảo sát, tập huấn nâng cao năng lực và trao sinh kế theo nguyện vọng, nhu cầu sản xuất kinh doanh của các hộ dân và cải tạo môi trường sống, chăm sóc sức khỏe, giáo dục học bổng với tổng số tiền 555 triệu đồng.
“Với lợi ích kinh tế cao, thân thiện môi trường, trồng nấm sẽ giúp hộ bà Khướu sớm cải thiện cuộc sống. Đồng thời, hội và Hội Nông dân tiếp tục đồng hành các hộ gia đình trong quá trình triển khai sản xuất, bảo đảm đầu ra ổn định. Việc thử nghiệm trồng nấm thành công sẽ nhân rộng đến các thôn còn lại”, bà Lai chia sẻ.
Ông Đặng Văn Quang, Chủ tịch Hội Nông dân xã nhận định, thông qua việc trao sinh kế nấm bào ngư cho người dân sản xuất, hiện Hội Nông dân và Hội LHPN xã phối hợp Trung tâm Công nghệ sinh học Đà Nẵng thực hiện nhiệm vụ nghiên cứu đánh giá tính ổn định và bước đầu đa dạng vùng trồng của chủng nấm bào ngư mới tại thôn Nam Sơn. Nếu phát triển vùng trồng và sản xuất nấm trên địa bàn thôn, các hộ dân sẽ có cơ hội nâng cao thu nhập, mở ra hướng phát triển kinh tế đầy tiềm năng.
HUỲNH VŨ