Xã hội
Phụ nữ Hòa Thọ Tây chung tay bảo vệ môi trường
Hội Liên hiệp Phụ nữ (LHPN) phường Hòa Thọ Tây (quận Cẩm Lệ) triển khai nhiều mô hình, cách làm hay về giữ gìn vệ sinh môi trường mang lại hiệu quả tích cực; nêu cao tinh thần tương thân tương ái, xây dựng lối sống đẹp, văn minh và góp phần thực hiện đề án “Xây dựng Đà Nẵng - Thành phố môi trường” giai đoạn 2021-2030.
Hội viên phụ nữ phường Hòa Thọ Tây đến từng nhà thu gom rác tái chế. Ảnh: V.H |
Phường Hòa Thọ Tây có 14 chi hội phụ nữ khu dân cư với 3.875 hội viên tại 37 tổ dân phố. Những năm qua, Hội LHPN phường tham gia góp ý, xây dựng kế hoạch và phối hợp triển khai các hoạt động bảo vệ môi trường trên địa bàn. Trong đó, tập trung tuyên truyền, nâng cao ý thức bảo vệ môi trường thông qua nhiều hình thức, hoạt động cụ thể, thiết thực như hội thi tìm hiểu kiến thức, trình diễn các tiểu phẩm, thời trang tái chế, trưng bày mô hình/sản phẩm tái chế, phong trào đổi rác lấy cây xanh, đổi rác lấy nhu yếu phẩm; tổ chức diễu hành, phát động ra quân, in ấn phát hành tờ rơi, pano, vật phẩm tuyên truyền như quạt cầm tay, móc khóa...
Một trong những mô hình bảo vệ môi trường nổi bật tại địa phương là “Phân loại và thu gom rác tái chế, xây dựng quỹ an sinh xã hội”. Theo đó, các thành viên trong chi hội phụ nữ tự phân loại phế thải tài nguyên tại hộ gia đình, khu dân cư tự quản và thu gom tập kết về nhà văn hóa để bán lấy tiền, gây quỹ hỗ trợ.
Thời gian đầu, mô hình chỉ có từ 3-4 chi hội thực hiện nhưng không thường xuyên; phương tiện, dụng cụ thiếu thốn, hiệu quả chưa cao. Với phương châm “mưa dầm thấm lâu”, Hội LHPN phường đã cùng các chi hội tổ chức tuyên truyền đến 100% hội viên phụ nữ, động viên khuyến khích các gia đình hội viên tham gia.
Đến nay, 14/14 chi hội tham gia có ít nhất 1 phương tiện đạt chuẩn, các địa bàn rộng được ưu tiên vừa lồng/xe thu gom. Ngoài những lồng/thùng đặt cố định ở những nơi công cộng, thuận lợi cho người dân bỏ vào, định kỳ 2 tuần/lần, ban cán sự chi hội đẩy xe đến tận nhà để thu gom đến điểm tập kết phế liệu. Lượng rác thải tái chế được các chi hội ghi chép đầy đủ theo mẫu sổ được Hội LHPN phường thiết kế phát để theo dõi, báo cáo định kỳ.
Theo Hội LHPN phường Hòa Thọ Tây, mô hình “biến rác thành tiền” này không chỉ mang lại môi trường xanh, sạch, đẹp, giảm thiểu lượng lớn rác thải ra môi trường mà còn xây dựng được nguồn quỹ an sinh xã hội không nhỏ ở khu dân cư. Hằng năm, bình quân số tiền thu được từ phân loại rác tái chế khoảng 40-45 triệu đồng. Từ nguồn quỹ này, các chi hội sử dụng đã thực hiện nhiều hoạt động an sinh xã hội ý nghĩa và thiết thực như mua sắm đồng phục, dụng cụ môi trường cho thành viên câu lạc bộ/nhóm bảo vệ môi trường; nấu hơn 1.500 “suất ăn 0 đồng”; đỡ đầu cho trẻ mồ côi; tặng hơn 1.000 suất quà giúp đỡ hội viên phụ nữ, trẻ em có hoàn cảnh nghèo, khó khăn, khuyết tật...
Bên cạnh đó, phường đang triển khai thực hiện mô hình “Phân loại và xử lý rác thực phẩm làm phân bón”, thí điểm tại 2 khu dân cư với 30 hộ tham gia bước đầu đạt được hiệu quả nhất định. Loại phân này là chất mùn ổn định thu được từ quá trình phân hủy các chất hữu cơ, không chứa các mầm bệnh, không lôi kéo các côn trùng, có thể được lưu trữ an toàn và có lợi cho sự phát triển của cây trồng. Thành viên tham gia mô hình được Trung tâm Nghiên cứu năng lực thích ứng (CAB) tập huấn, hướng dẫn kiểm toán rác, ghi chép và đánh giá thiết bị ủ rác, tính cam kết xử lý rác thực phẩm của gia đình.
Ngoài ra, để thực hiện tốt phong trào “Chống rác thải nhựa - giảm thiểu sử dụng túi nilon và sản phẩm nhựa sử dụng một lần”, Hội LHPN phường đã trao tặng hàng trăm chai thủy tinh, giỏ nhựa đi chợ, túi 3R (túi đựng tái chế) cho hội viên phụ nữ; tuyên truyền hạn chế sử dụng chai nhựa dùng một lần để tạo thói quen và dần thay đổi ý thức của hội viên trong sinh hoạt hằng ngày. Một số mô hình khác được thực hiện có hiệu quả như “Chi hội xanh - 3 Tốt”; câu lạc bộ/nhóm Sống xanh gắn với phong trào “Ngày Chủ nhật xanh - sạch - đẹp”…
Bà Võ Thị Thùy Dương, Chủ tịch Hội LHPN phường Hòa Thọ Tây nhìn nhận, việc chung tay giữ gìn vệ sinh môi trường sống ngày càng được đông đảo tầng lớp nhân dân trên địa bàn phường ủng hộ, đặc biệt là sự thay đổi tích cực của các hội viên phụ nữ trong việc hình thành thói quen, xây dựng nếp sống văn minh, góp phần giảm thiểu, xóa bỏ các điểm ô nhiễm môi trường.
Hội LHPN phường sẽ tiếp tục duy trì, nhân rộng các mô hình tốt, cách làm hay để đóng góp phần nhỏ công sức vào công cuộc bảo vệ môi trường; đẩy mạnh công tác tuyên truyền và tôn vinh những hội viên phụ nữ có đóng góp tích cực.
“Những hành động nhỏ nhất trong cuộc sống hằng ngày có thể tạo ra sự thay đổi đáng kể trong môi trường, bảo vệ môi trường sống”, bà Dương chia sẻ.
VĂN HOÀNG