Xã hội
Nguy cơ mất "cả chì lẫn chài" do ham lãi suất cao
Lợi dụng sự thiếu hiểu biết và tâm lý ham lợi nhuận cao của khách hàng, Công ty TNHH MTV tư vấn đầu tư GFDI (gọi tắt Công ty GFDI) đã tung ra các gói “góp vốn” dưới hình thức hợp đồng vay tài sản để hưởng mức lãi suất cao ngất ngưởng. Với việc tham gia hình thức đầu tư này, hàng nghìn khách hàng đứng trước nguy cơ mất “cả chì lẫn chài” khi doanh nghiệp đang rơi vào tình thế mất khả năng trả nợ.
Ông Nguyễn Quang Hoàng (thứ 2, bên trái sang) nghe lệnh khám xét trụ sở. Ảnh: TRÍ DŨNG |
Vật vã khi “tiền mất, tật mang”
Khi biết thông tin Công ty GFDI có trụ sở chính tại số 92, đường 29 Tháng 3 (phường Hòa Xuân, quận Cẩm Lệ) mất khả năng chi trả nợ cho khách hàng, hàng trăm nhà đầu tư kéo đến đòi lại tiền, nhưng không được giải quyết. Nhiều người vật vã vì lỡ vay mượn tiền để đầu tư, giờ vừa trắng tay vừa mang nợ… Anh T.T.T.V (quận Thanh Khê) buồn bã cho biết, lúc đầu anh cùng bạn đầu tư vào Công ty GFDI bằng hợp đồng cho vay tài sản với số tiền 120 triệu đồng. “Thấy công ty làm ăn uy tín, trả tiền đúng hạn với lãi suất cao rất nhiều so với thị trường, tôi tiếp tục đầu tư và đến nay tổng số tiền gần 600 triệu đồng. Giờ không biết khi nào mới lấy lại được số tiền đã bỏ ra đầu tư”, anh V. than thở.
Tương tự, năm 2021, nghe theo lời của nhân viên tư vấn, ông N.H.D (thị xã Điện Bàn, tỉnh Quảng Nam) lấy 120 triệu đồng tích góp để đầu tư vào công ty theo hình thức ký kết hợp đồng cho vay tài sản, kỳ hạn 3 tháng, lãi suất 3%/tháng. Sau nhiều lần được trả lãi đúng hạn, ông D. liên tục làm hợp đồng cho công ty này vay với tổng số tiền gần 1 tỷ đồng. “Cách đây một tháng, khi hay tin nhiều nhân sự ở công ty nghỉ việc, tôi có ý định rút tiền nhưng do chưa đến hạn nên công ty không cho rút. Số tiền trên là toàn bộ gia tài của vợ chồng tôi tích góp trong những năm qua. Giờ nghe thông tin công ty vỡ nợ, chúng tôi rất lo lắng”, ông D. mếu máo.
Lau vội những giọt nước mắt đang lăn dài trên khuôn mặt, bà N. (58 tuổi, quận Thanh Khê) cho biết, trước đây, nhân viên Công ty GFDI tiếp cận và mời bà tham gia góp vốn với lãi suất 5%/tháng, kỳ hạn 3, 6 hoặc 9 tháng. Các khoản góp vốn bàn đầu, công ty trả lãi đầy đủ, đúng hạn nên bà rất tin tưởng. Sau đó, bà dùng tất cả số tiền dành dụm được là 500 triệu đồng để góp vào với dự định có khoản thu nhập ổn định để dưỡng già. Nghe công ty mất khả năng trả nợ, bà N. rụng rời tay chân. Còn chị Th. (tỉnh Đắk Lắk) cho biết, chị góp vốn vào Công ty GFDI với 3 hợp đồng, tổng cộng 1,2 tỷ đồng. Lúc này tiền lãi đã giảm so với trước, còn 2,5%/tháng. Chị mới nhận được hơn 30 triệu đồng lãi cho khoản góp vốn 200 triệu đồng, còn lại 1 tỷ đồng gửi sau chưa nhận lãi...
Ngoài khách hàng gửi tiền vào Công ty GFDI, có rất nhiều nhân viên của doanh nghiệp này tham gia. Một nữ nhân viên Công ty GFDI cho biết, công ty trả lương học việc 3 triệu đồng/tháng, giao chỉ tiêu tháng đầu phải huy động tiền góp vốn 150 triệu đồng, tháng thứ hai tăng lên 450 triệu đồng và các tháng sau tiếp tục cộng dồn tiền lên. Vì áp lực phải đạt chỉ tiêu để nhận hoa hồng, chị và nhiều đồng nghiệp đã mời người thân trong gia đình, bạn bè cùng tham gia với số tiền lớn.
Công an vào cuộc điều tra, xử lý
Sau khi Công ty GFDI mất khả năng chi trả nợ cho khách hàng, lực lượng Công an thành phố đã vào cuộc điều tra, xử lý. Theo kết quả điều tra bước đầu của Cơ quan Cảnh sát điều tra (Công an thành phố), Công ty TNHH MTV tư vấn đầu tư GFDI thành lập ngày 17-5-2018, vốn điều lệ 80 tỷ đồng. Ông Nguyễn Quang Hoàng là giám đốc, đồng thời là người đại diện pháp luật và là chủ tịch hội đồng thành viên, chủ sở hữu công ty. Từ khi thành lập đến nay, Nguyễn Quang Hoàng xây dựng mô hình kinh doanh của Công ty GFDI theo hướng vay tiền của người dân bằng hình thức ký kết “Hợp đồng vay tài sản”.
Từ tháng 11-2023, do việc đầu tư kinh doanh thua lỗ, mất khả năng tài chính nên để duy trì hoạt động của công ty, Nguyễn Quang Hoàng tổ chức, chỉ đạo cho nhân viên lừa đảo chiếm đoạt tài sản của khách hàng dưới hình thức ký hợp đồng vay tiền, sử dụng tiền vay của người sau trả cho người trước. Đến đầu tháng 11-2024, công ty mất khả năng chi trả cho 7.541 khách hàng với tổng số tiền dư nợ gốc hơn 3.700 tỷ đồng.
Chiều 8-11, Phòng Cảnh sát kinh tế (Công an thành phố) phối hợp các đơn vị nghiệp vụ liên quan đồng loạt khám xét khẩn cấp trụ sở chính, sở giao dịch và nhà riêng của một số lãnh đạo Công ty GFDI để thu thập thông tin, tài liệu liên quan đến việc huy động vốn trái phép và các hoạt động có dấu hiệu vi phạm pháp luật của doanh nghiệp này.
Qua khám xét, cơ quan công an thu giữ nhiều tài liệu, dữ liệu điện tử và tài sản có liên quan đến hành vi phạm pháp của các đối tượng. Phòng Cảnh sát kinh tế đang tiếp tục mở rộng điều tra làm rõ, xử lý nghiêm hành vi phạm pháp của Nguyễn Quang Hoàng cùng các tổ chức, cá nhân liên quan; đồng thời tích cực xác minh, thu hồi tài sản phục vụ giải quyết hậu quả, bảo đảm quyền lợi chính đáng của hàng nghìn người dân liên quan vụ việc.
TRÍ DŨNG - XUÂN ĐÔNG