Xã hội
Để trẻ em an toàn trên ô-tô khi tham gia giao thông
Luật Trật tự, An toàn giao thông (TTATGT) đường bộ có hiệu lực từ 1-1-2025, trong đó quy định việc sử dụng thiết bị an toàn cho trẻ em trên ô-tô khi tham gia giao thông. Theo đó, từ ngày 1-1-2026, trẻ dưới 10 tuổi hoặc có chiều cao dưới 1,35m không được ngồi cùng hàng ghế với lái xe và phải sử dụng thiết bị an toàn phù hợp. Đây là một trong những điểm mới, tiến bộ, quan tâm đến đối tượng tham gia giao thông là trẻ em.
Lực lượng chức năng giám sát hoạt động vận chuyển học sinh bằng ô-tô để bảo đảm an toàn, đúng quy định. Ảnh: PHƯƠNG UYÊN |
Điều 10, điểm 3, Luật TTATGT đường bộ năm 2024 quy định, khi chở trẻ em dưới 10 tuổi và chiều cao dưới 1,35m trên ô-tô không được cho trẻ ngồi cùng hàng ghế với người lái xe, trừ loại ô-tô chỉ có một hàng ghế; người lái xe phải sử dụng, hướng dẫn sử dụng thiết bị an toàn phù hợp cho trẻ em. Không chỉ riêng đối với trẻ em, Luật TTATGT đường bộ cũng quy định, người lái xe và người được chở trên ô-tô phải thắt đai an toàn tại những chỗ có trang bị dây đai an toàn khi tham gia giao thông đường bộ.
Theo PGS. TS Phạm Việt Cường, Giám đốc Trung tâm Nghiên cứu chính sách và phòng chống chấn thương (Trường Đại học Y tế Cộng cộng), xu hướng sử dụng ô-tô ở nước ta đang tăng nhanh, vì vậy việc bảo đảm an toàn cho trẻ em khi tham gia giao thông bằng ô-tô là vấn đề cần được quan tâm. Qua một số nghiên cứu tại 3 thành phố: Hà Nội, Đà Nẵng và Thành phố Hồ Chí Minh cho thấy, bình quân chỉ có tỷ lệ 1,3% sử dụng thiết bị an toàn cho trẻ em. Do đó, trẻ em không nên ngồi ghế trước bởi sẽ chịu nhiều tác động khi xảy ra tai nạn, va chạm; dễ văng ra ngoài xe; sự va đạp của túi khí; hiếu động, tò mò; gây mất tập trung hơn cho người lái xe...
Trên thế giới, việc sử dụng thiết bị an toàn cho trẻ em trên ô-tô đã được thực hiện từ nhiều năm qua như một quy định bắt buộc. Tuy nhiên, ở Việt Nam, vấn đề này chưa được quan tâm đúng mức, thực trạng việc sử dụng dây đai an toàn, thiết bị an toàn cho trẻ em trên ô-tô khi tham gia giao thông còn chưa được chú trọng thực hiện. Vì vậy, trong quá trình cho trẻ em tham gia giao thông trên phương tiện ô-tô chưa bảo đảm an toàn, nhiều vụ tai nạn đáng tiếc đã xảy ra làm ảnh hưởng đến sức khỏe và tính mạng của trẻ. Nếu sử dụng thiết bị an toàn trên ô-tô cho trẻ em tham gia giao thông hoàn toàn có thể hạn chế được những nguy cơ đáng tiếc khi có va chạm hoặc sự cố trong quá trình xe lưu thông.
“Làm thế nào để các quy định mới của Luật TTATGT đường bộ, trong đó việc sử dụng thiết bị an toàn cho trẻ em trên ô-tô khi tham gia giao thông sớm đi vào cuộc sống đòi hỏi ý thức của cha mẹ, của người điều khiển phương tiện (lái xe) và của cả cộng đồng. Bên cạnh những quy định, chế tài của luật pháp, việc lựa chọn thiết bị an toàn, bảo đảm chất lượng để lắp đặt trên ô-tô dùng cho trẻ em khi tham gia giao thông cũng là vấn đề cần được tuyên truyền rộng rãi”, PGS. TS. Phạm Việt Cường nêu.
Trao đổi về vấn đề này, TS. Dương Khánh Vân - đại diện Tổ chức Y tế Thế giới tại Việt Nam cho biết, theo quy định tối thiểu cho luật sử dụng thiết bị an toàn và dựa trên những bằng chứng hiện có, Tổ chức Y tế Thế giới khuyến nghị các yếu tố tối thiểu khi xây dựng luật sử dụng thiết bị an toàn gồm: yêu cầu đối với trẻ em sử dụng thiết bị an toàn cho đến ít nhất 10 tuổi/cao 135cm; hạn chế cho trẻ em ở độ tuổi nhất định ngồi ở ghế trước của ô-tô; có các yếu tố kỹ thuật hoặc tiêu chuẩn tham chiếu cho thiết bị an toàn.
“Tham chiếu trên những khuyến nghị này, chúng tôi nhận thấy nội dung Luật TTATGT đường bộ năm 2024 của Việt Nam hội tụ được những yếu tố mà Tổ chức Y tế Thế giới đưa ra. Tổ chức Y tế Thế giới tại Việt Nam sẵn sàng hỗ trợ các cơ quan có thẩm quyền xây dựng các văn bản quy phạm pháp luật quy định về yêu cầu kỹ thuật, tiêu chuẩn tham chiếu cho thiết bị an toàn cho trẻ em”, TS. Dương Khánh Vân nói.
Giám đốc Sở Giao thông vận tải, kiêm Phó Trưởng ban Thường trực Ban An toàn giao thông Bùi Hồng Trung mong muốn các cơ quan chức năng, trên cơ sở các quy định của Luật TTATGT đường bộ tăng cường truyền thông phổ biến các quy định mới về bảo vệ trẻ em, đặc biệt việc sử dụng thiết bị an toàn cho trẻ em trên ô-tô khi tham gia giao thông. Qua đó, góp phần thúc đẩy sự ủng hộ và tuân thủ quy định pháp luật của người tham gia giao thông và nâng cao an toàn giao thông, bảo vệ trẻ em là đối tượng yếu thế khi tham gia giao thông. Đồng thời, lan tỏa thông tin, tuyên truyền để thay đổi nhận thức của người dân đối với những quy định của Luật TTATGT đường bộ...
THÀNH LÂN