Chăm sóc sức khỏe cho giới trẻ

.

Thời gian qua, công tác chăm sóc sức khỏe sinh sản (SKSS) vị thành niên, thanh niên (VTN-TN) của Đà Nẵng đạt nhiều kết quả đáng ghi nhận. Tuy nhiên, thực tế cho thấy công tác này vẫn còn nhiều thách thức, đòi hỏi những nhóm giải pháp đồng bộ và sự chung tay vào cuộc của cả cộng đồng.

Công tác truyền thông chăm sóc sức khỏe sinh sản cho giới trẻ được triển khai ở nhiều trường THPT và cao đẳng, đại học trên địa bàn Đà Nẵng.
Công tác truyền thông chăm sóc sức khỏe sinh sản cho giới trẻ được triển khai ở nhiều trường THPT và cao đẳng, đại học trên địa bàn Đà Nẵng.

Các điều tra về SKSS và tình dục trong thanh-thiếu niên Việt Nam gần đây do Quỹ Dân số Liên Hợp Quốc thực hiện cho thấy, tuổi trung bình lần quan hệ tình dục đầu tiên của nhóm đối tượng điều tra là 18,7 - khá sớm so với sự phát triển hoàn thiện về thể chất, nhất là ở nữ giới. Bên cạnh đó, kiến thức, kỹ năng cơ bản về bảo vệ, chăm sóc SKSS của giới trẻ còn nhiều hạn chế. Theo số liệu của Vụ Sức khỏe bà mẹ-trẻ em (Bộ Y tế), tỷ lệ mang thai ở VTN tại Việt Nam tuy giảm trong những năm gần đây nhưng vẫn ở mức cao và rất đáng lo ngại. Tình trạng phá thai ở Việt Nam đang ở mức rất cao, với 250.000 - 300.000 ca mỗi năm; cứ 1.000 ca phá thai có 15 trường hợp ở độ tuổi VTN; 100 ca phá thai ở phụ nữ tuổi 15 đến 49 thì có 62 ca mang thai ngoài ý muốn...

Tại Đà Nẵng, nhóm VTN-TN (10-24 tuổi) chiếm khoảng gần 30% dân số, là lực lượng xã hội hùng hậu. Vì thế, công tác chăm sóc SKSS cho lứa tuổi này là một trong những yếu tố quan trọng có ý nghĩa quyết định đến chất lượng dân số, chất lượng nguồn nhân lực. Với ý nghĩa đó, trong những năm qua, các cấp, ngành của thành phố luôn quan tâm và xác định đây là nội dung ưu tiên trong chiến lược dân số - SKSS giai đoạn 2011-2020. Tuy nhiên, trên thực tế, giới trẻ hiện nay đã có sự thay đổi về tập quán và văn hóa, như lập gia đình ở độ tuổi muộn hơn và gia tăng quan hệ tình dục trước hôn nhân. Tình trạng quan hệ tình dục sớm, quan hệ tình dục không an toàn, mang thai ngoài ý muốn và phá thai không an toàn, nguy cơ lây nhiễm bệnh lây truyền qua đường tình dục, nhiễm HIV... vẫn có xu hướng gia tăng. Trong đó, việc quan hệ tình dục và mang thai ở tuổi VTN rất nguy hiểm, dẫn đến nhiều hậu quả xấu.

Mặc dù thành phố đã có nhiều biện pháp tuyên truyền, vận động về SKSS, nhưng thực tế vẫn tồn tại nhiều hạn chế trong nhận thức, thực hành SKSS và tình dục của giới trẻ. Giới trẻ còn gặp nhiều khó khăn khi tiếp cận các dịch vụ chăm sóc SKSS và tình dục bảo đảm chất lượng. Chẳng hạn, các dịch vụ tránh thai hiện nay tập trung chủ yếu vào những người đã kết hôn. Việc cung cấp thông tin, dịch vụ thân thiện về SKSS chưa đáp ứng nhu cầu đa dạng của giới trẻ. Vẫn còn nhiều khoảng trống trong công tác cung cấp thông tin và dịch vụ chăm sóc SKSS, sức khỏe tình dục cho lứa tuổi nhạy cảm này.

Sự phát triển của xã hội đồng thời tạo ra những thách thức, đặc biệt trong lĩnh vực chăm sóc SKSS cho VTN-TN. Đây là đối tượng dễ bị tổn thương nhất trong xã hội và trở thành nhóm mục tiêu của các hoạt động thông tin, giáo dục, truyền thông về SKSS. Theo các chuyên gia, xóa bỏ được những khoảng trống trong chăm sóc SKSS VTN-TN có thể mang lại lợi ích nhất định, nhất là các em ở vùng sâu, vùng xa. Đầu tư vào chăm sóc sức khỏe và phát triển cho giới trẻ sẽ giúp Đà Nẵng gặt hái nhiều lợi ích kinh tế, xã hội to lớn và lâu dài. Sức khỏe của giới trẻ là một trong những yếu tố quan trọng có ý nghĩa quyết định đến chất lượng dân số, chất lượng nguồn nhân lực và cao hơn nữa là tương lai của giống nòi.

Chủ đề: “Chăm sóc SKSS VTN-TN vì tương lai giống nòi” của Tháng hành động quốc gia về dân số và Ngày Dân số Việt Nam năm nay thể hiện sự quan tâm của quốc gia về giới trẻ. Bộ máy làm công tác dân số ở các cấp đang tích cực đẩy mạnh truyền thông, giáo dục và lồng ghép giữa truyền thông và cung cấp dịch vụ tư vấn, khám sức khỏe nhân chiến dịch truyền thông dân số đợt 1 đầu năm 2019. Năm nay, ngành dân số chú trọng mở rộng đối tượng vận động là cha mẹ, ông bà... để giáo dục, động viên con em chủ động tham gia tư vấn, khám, chăm sóc sức khỏe định kỳ. Các cấp, ngành, cơ quan thông tấn báo chí tiếp tục đồng hành cùng công tác dân số; tích cực phối hợp, tham gia và động viên mọi tầng lớp nhân dân hưởng ứng. Bên cạnh đó, các địa phương cần tạo mọi điều kiện để giới trẻ tích cực học tập, lao động, chủ động tham gia hoạt động tư vấn, chăm sóc sức khỏe nói chung, SKSS, sức khỏe tình dục lành mạnh nói riêng, vì đây là nguồn nhân lực chất lượng đóng góp tích cực vào sự nghiệp chung của thành phố trong tương lai.

Bài và ảnh: MAI HOA

;
;
.
.
.
.
.